Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, người trẻ yêu nhanh, sống vội và thiếu về bản lĩnh, kỹ năng sống và văn hóa ứng xử nên mới có những phản ứng thái quá trong tình yêu.
Thời gian gần đây, một bộ phận bạn trẻ đã có phản ứng quá mức bình thường, thậm chí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng: lột đồ khi tranh cãi, tự tử khi mâu thuẫn, thất tình, đăng ảnh nóng trả thù tình cũ, rạch tay “phát tiết” tình cảm… đã tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) đã có những chia sẻ với PV Dân trí về vấn đề này:
Chuyên gia - Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An.
PV: Thưa thạc sĩ Hòa An, theo anh những phản ứng thái quá, thậm chí gây sốc của một số bạn trẻ trong tình cảm thời gian gần đây đã chứng tỏ điều gì?
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An: Giới trẻ hiện nay đang thể hiện mình thiếu và yếu về bản lĩnh, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử. Dây cương cảm xúc không thực sự vững vàng khiến các bạn có những hành động bột phát thiếu sự tham gia của lý trí.
Tuy nhiên, mong muốn níu kéo người yêu, cứu vãn mối quan hệ bằng cách cởi hay lột đồ hoặc trả thù cho hả cơn tức giận, tất cả những hành động đó đều làm xấu đi hình ảnh của chính bản thân mỗi người, ảnh hưởng đến cả tương lai, gia đình và sự nghiệp.
Theo anh đâu là nguyên nhân gốc rễ của những hành động đó?
Yêu nhanh, sống vội đang là xu hướng của thời đại ngày nay của các bạn trẻ! Cái gì càng đến nhanh thì lại sẽ càng mất nhanh. Trong tất cả các khâu của “tiến trình tình yêu”, khâu “tìm hiểu kỹ” (về tính cách, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm, hoàn cảnh sống…) chính là khâu quan trọng nhất để có thể tìm thấy sự “đồng điệu” trong tâm hồn thì lại được các bạn trẻ bỏ qua hoặc “đốt cháy giai đoạn”.
Hậu quả là khi không còn yêu, không còn ràng buộc nhau thì bản chất thật đã được bộc lộ gây ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác cho người còn lại.
Lột đồ để níu kéo người yêu trong rạp chiếu phim - Hành động của cô gái chỉ khiến dư luận thêm lắc đầu ngán ngẩm.
Liệu những cách giải quyết vậy của người trẻ có dẫn đến kết quả tốt đẹp hơn không? Hay gây tác dụng ngược lại?
Chắc chắn khi những hành động bốc đồng, xốc nổi trên xảy ra, sẽ đẩy mối quan hệ của hai người tới bờ vực thẳm, không thể nào cứu vãn. Lúc này, một mối quan hệ tình cảm trước đây thật đẹp giờ chỉ còn là sự ê chề, và để lại cho người trong cuộc phải thốt lên hai chữ “ Giá như…” “ Biết vậy…thì…”.
Vậy đâu là giải pháp để người trẻ có cách ứng xử phù hợp hơn trong tình yêu, cũng như trong cuộc sống?
Mong các bạn trẻ hãy luôn nhớ rằng, trong cuộc đời này sẽ có nhiều hơn một người yêu mình và mình cũng sẽ yêu nhiều hơn một người. Chính vì vậy, tình yêu đến rồi đi âu cũng là một lẽ bình thường trong cuộc sống này. Hãy tin tưởng rằng rồi rốt cuộc ta sẽ tìm thấy đúng một người thật sự phù hợp với mình.
Văn hoá chia tay cũng thể hiện văn hoá của chính bạn, nói xấu người mình đã từng yêu hay đã từng yêu mình cũng là khi bạn đang tự nói xấu chính bản thân mình. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân rằng, liệu có tiếp tục thì mối quan hệ hiện tại có thực sự vững bền? Hay dừng lại như vậy cũng là một điều may mắn cho chính bạn, khi đó không phải là người thực sự phù hợp.
Con đường còn dài và cơ hội còn nhiều, hãy thể hiện và gìn giữ những kỷ niệm đẹp trong mắt nhau ngay cả khi không còn yêu. Hãy cho thời gian một chút thời gian để bạn có thể cân bằng và tiếp tục sống vui khoẻ và chào đón những cơ hội mới trong tương lai.
Và điều gì là cần thiết nhất đối với mỗi người khi bước vào tình yêu?
Hãy yêu thương bản thân trước khi yêu thương một ai đó! Hãy thật thông minh, nhạy bén, quan sát, tìm hiểu bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để có thể chọn cho mình một người thực sự phù hợp!
Cảm ơn chuyên gia về những chia sẻ đầy hữu ích này.
Theo: Hoài Thư (ghi) - Dân trí