Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo: các lãnh đạo địa phương hoàn toàn có thể bị khởi tố nếu duyệt chi ứng vốn ngân sách tràn lan cũng như giấu giếm nợ. Đồng thời cho biết, trần nợ công có thể bị phá vỡ năm 2016 và phải sửa Luật để nới trần.
Ảnh: MPI
Tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tổ chức ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh hầu như không giấu được sự sửng sốt và “choáng váng” khi thông báo về nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành và địa phương trình lên để ông ký duyệt.
Bộ trưởng Vinh cho biết, chỉ đơn cử Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong năm 2014 đã đề nghị Bộ KHĐT dành riêng phần hỗ trợ đối ứng vốn cho các dự án ODA lên tới 20.000 tỷ đồng tối thiểu từ ngân sách Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, vì vốn ngân sách giới hạn nên Bộ KHĐT chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng, còn lại đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành Trái phiếu Chính phủ để bù đắp.
Trong thời gian 5 năm, Bộ GTVT có nhu cầu đối ứng vốn 71.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các Bộ ngành khác, có những bộ có nhu cầu lớn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục, Y tế… “Qua đó mới thấy được áp lực lên ngân sách là vô cùng lớn!” – người đứng đầu Bộ KHĐT nói.
Ông cho biết, thông qua Luật đầu tư công, lần này Quốc hội muốn “chặn đứng” tình trạng “dựa dẫm” hoàn toàn vào vốn NSNN và thay đổi quan điểm trong huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều này là một bước chuyển đổi rất “đau”, rất khó và cần quyết tâm rất lớn – Bộ trưởng Vinh đánh giá.
Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành địa phương phải dùng vốn nhà nước làm “mồi” đối ứng cho PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư). Bộ trưởng Vinh cho biết thêm, Nghị định về PPP sẽ ra đời trước Tết này. Theo đó, nếu một dự án cần 9-10 đồng thì nhà nước chỉ cần bỏ ra 1 đồng!
“Choáng váng với nhu cầu vốn đầu tư!”
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lưu ý đến việc sử dụng vốn ODA. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Vinh lưu ý, các Bộ ngành địa phương nếu muốn triển khai dự án sử dụng vốn ODA từ 2016 trở đi thì phải làm kế hoạch, danh mục từ địa phương đến Trung ương, chuyển cho Bộ KHĐT và trình Chính phủ phê duyệt.
“Nếu không làm trung hạn thì tôi có ký duyệt cũng không thể nào biết được năm sau mình có bao nhiêu tiền! Không nắm được mình có bao nhiêu thế thì làm sao mà làm kế hoạch đầu tư, làm sao có hiệu quả được! Công trình kéo dài hàng 5-7 năm mà cứ làm năm nào ăn năm đó thì chỉ có Việt Nam mình mới làm như vậy!” – Bộ trưởng Vinh trăn trở.
Ngân sách đã "cạn" tiền cho đầu tư mới
Ngoài ra, trong quy hoạch vốn của các địa phương phải ưu tiên cho việc trả nợ vay. Nói với đại diện các bộ ngành, địa phương có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng Vinh cảnh báo: “Lần này các địa phương cần phải báo cáo số đúng, số nợ thật lên Chính phủ và Quốc hội, không được giấu! Nếu đến thời hạn trả nợ mới mà vẫn còn đưa nợ cũ vào, báo lên Quốc hội là vi phạm pháp luật, công an có quyền gọi các đồng chí”.
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, Chỉ thị mới của Thủ tướng sẽ dành vốn ngân sách ưu tiên cho các công trình dở dang. Và như vậy ngân sách sẽ không đủ cho bố trí nhưng công trình mời? “Thế nên đừng lo đầu tư với không đầu tư, vì tiền còn đâu mà đầu tư!”.
Bộ trưởng Vinh cũng cảnh báo các tỉnh về việc duyệt ứng tiền cho doanh nghiệp làm công trình một cách tràn lan. Nếu như Sở KHĐT mà cứ tham mưu làm như cách cũ thì sẽ bị khởi tố! “Đừng đưa dự án lên trình duyệt quá nhiều. Vừa rồi tôi tiếp nhận sơ bộ mà cảm thấy choáng váng!”. Theo Bộ trưởng, có những Bộ trình duyệt dự án với nhu cầu vốn gấp 20-30 lần so với khả năng, các địa phương ít nhất cũng 10 lần, mà đó mới chỉ là số kế hoạch chứ chưa phải số thực hiện (con số thực hiện còn lớn hơn số kế hoạch nhiều lần).
Do vậy, theo lãnh đạo Bộ KHĐT, khi khi Chính phủ và Bộ KHĐT đã thông báo về khả năng tài chính và nguồn ngân sách về với từng địa phương thì các địa phương phải căn cứ vào tiềm lực tài chính đó để đề ra những chương trình mục tiêu sát sườn, chọn lọc dự án tốt mới trình lên phê duyệt. Có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu năm và mục tiêu từng giai đoạn cụ thể.
Tính đến nới trần nợ công
Liên quan đến trái phiếu Chính phủ (TTCP), Bộ trưởng cho hay, về nguyên tắc Quốc hội không cho phép phát hành TPCP của giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, một thực tế là NSNN hiện còn rất khiên tốn, trong khi nguồn vốn cho đầu tư phát triển lại chủ yếu từ nguồn TPCP và ODA. Vì vậy, Quốc hội đã đồng ý bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn TPCP cho giai đoạn 2014-2016. Nếu các công trình đến hết giai đoạn 2016 vẫn chưa hoàn thành thì các ngành và địa phương phải báo cáo Chính phủ ngay trong đợt này (có bao nhiêu dự án chuyển tiếp) để tính tiếp.
Theo lãnh đạo Bộ KHĐT, để có vốn cho giai đoạn 2016-2020, có thể Chính phủ sẽ phải tính đến phương án xem xét lại Luật Nợ công. Luật quy định trần nợ công của Việt Nam không quá 65% GDP, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính thì đến 2015 nợ công đã chiếm 64% GDP và đến 2016 sẽ đạt ngưỡng trần là 64,9% GDP. Còn số 64,9% GDP theo Bộ trưởng Vinh nhìn nhận “có thể là con số đã cắt gọt đi chứ thực tế là có thể đã 67% GDP rồi!”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KHĐT thì quy mô GDP đang ngày càng tăng, tăng trưởng đang phục hồi trở lại. Thêm vào đó, quan trọng không phải là con số 65% GDP hay 70% GDP. Có những quốc gia như Nhật Bản đang nợ hơn 100% GDP; lại có nước tới 200% GDP. Vấn đề đặt ra ở đây là khả năng trả nợ chứ không phải là vấn đề vay bao nhiêu.
“Vay nhiều nhưng trả được thì không vấn đề gì, chỉ vay 10 triệu mà không trả được thì sẽ là vấn đề lớn. Do đó, nếu tăng được tính hiệu quả trong sử dụng nợ vay thì có thể nâng trần nợ công lên, và từ đó có thể phát hành được TPCP” – ông Vinh phân tích.