Bộ VH-TT&DL vừa ban hành thông tư cấm doanh nghiệp đặt tên vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc, thuần phong mỹ tục. Theo nhiều chuyên gia, quy định này không khả thi, ban hành chỉ để cho có.
Bộ VH-TT&DL cấm lấy tên danh nhân đặt tên DN, nhưng chưa có danh sách, quy định cụ thể về danh nhân. Ảnh minh họa: L.H.V.
Ai là danh nhân?
Từ 25/11 tới, việc đặt tên doanh nghiệp (DN) phải phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, nếu không, DN sẽ bị xử phạt. Những DN sử dụng tên danh nhân, tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược; tên nhân vật lịch sử phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, là giặc ngoại xâm hoặc người có tội với đất nước, dân tộc… bị xem là đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc.
Trường hợp DN sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội… bị xem là vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc. Đây là quy định tại Thông tư 10, do Bộ VH-TT&DL ban hành.
Thực tế, tại nhiều tuyến đường, có thể dễ dàng thấy nhiều cửa hàng, DN sử dụng tên những nhân vật nổi tiếng lịch sử như: Nguyễn Du, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Phạm Hùng, Xuân Thủy… Những trường hợp này có bị xem là vi phạm truyền thống lịch sử không? Hiện, chưa ai trả lời được.
“Cơ quan soạn thảo chưa có sự đánh giá khách quan và sát thực nhất về những tác động của quy định trong thông tư”.
Ông Bùi Anh Tuấn,
Phó Cục trưởng Quản lý
đăng ký kinh doanh
Một lãnh đạo Phòng Đăng ký DN (Sở KH&ĐT Bình Dương) cho biết, trước đây ông từng gặp vài tổ chức, cá nhân sử dụng tên danh nhân, địa danh lịch sử đặt tên DN, như An Nam. “Sau đó, tôi phải trao đổi với người xin cấp phép đặt tên khác”, vị này nói. Theo ông, quy định hiện hành còn bất cập, chẳng hạn thế nào là danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh, dung tục… chưa có. Do đó, nếu gặp trường hợp có tên nhân vật, địa danh nổi tiếng, nhân viên cấp đăng ký kinh doanh phải trao đổi với người xin cấp phép đổi tên khác, đấy là biện pháp tốt nhất, vị lãnh đạo nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều đường phố, trường học, bệnh viện… mang tên danh nhân. Nếu tại đường phố, trường học hay bệnh viện đó có xảy ra tai tiếng, việc phải nhắc tên đó vẫn xảy ra, trường hợp với DN cũng vậy. Luật sư Huỳnh dẫn chứng trường hợp tên Sài Gòn, không được phép dùng đặt cho DN, do đây là tên địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược, nhưng vẫn xuất hiện ở nhiều DN, như bia Sài Gòn, cảng Sài Gòn…
Ban hành cho xong “nghĩa vụ”?
Theo luật sư Huỳnh, thay vì cấm một cách chung chung, cơ quan quản lý nên có danh sách tên danh nhân, địa danh… cấm sử dụng. Từ đó, DN có cơ sở thực hiện. Còn hiện nay, chưa có danh sách cấm, nếu DN có đặt tên danh nhân cũng không thể từ chối cấp phép hay xử phạt.
Ông Huỳnh cho rằng, bản thân thông tư và nghị định có quy định về đặt tên như trên đã không thực tế, khó giải quyết được những phát sinh trong thực tiễn. Do đó, thay vì ban hành thông tư cho xong “nghĩa vụ”, cơ quan quản lý cấp dưới nếu thấy bất cập có thể kiến nghị sửa những văn bản cao hơn.
“Pháp luật phải khả thi và thực tế, nếu thấy văn bản có tính khả thi và thực tế không cao, nên kiến nghị sửa đổi, không nhất thiết phải thực hiện theo kiểu cho có”, ông Huỳnh nói. Với trường hợp đã sử dụng tên danh nhân, địa danh lịch sử, theo luật sư Huỳnh, không nên bắt buộc họ phải đổi tên, vì không cần thiết.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) Bùi Anh Tuấn cho biết, Thông tư 10 ra đời căn cứ theo Nghị định 43 của Chính phủ về đăng ký DN và Luật DN 2005. Theo ông Tuấn, trước khi thông tư được ban hành, các phòng đăng ký kinh doanh địa phương đã hỗ trợ, tư vấn nhiều DN để đặt tên cho phù hợp với các quy định trên (cơ bản người thành lập DN tuân thủ các quy định). Thông tư 10 có một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, không có cơ sở xác định tên nào được đặt, tên nào không. Do đó, thông tư sẽ gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan đăng ký kinh doanh, người thành lập DN.
“Với tên một DN, việc từ chối hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ phụ thuộc vào cảm tính của người cấp, đôi khi khó thuyết phục”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, do thiếu cơ sở xác định “vùng cấm”, nên không thể đòi hỏi cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh phải xác định liệu tên DN có vi phạm quy định hay không. Ngoài ra, Thông tư 10 không có quy định về cơ chế phối hợp giữa đơn vị cấp chứng nhận DN và cơ quan quản lý văn hóa.
Ông Tuấn cho rằng, mục tiêu của Thông tư 10 hướng tới là đáng ghi nhận, nhưng công tác nghiên cứu, xây dựng thông tư chưa thực sự phù hợp, thiếu tiêu chí cụ thể.
“Cơ quan soạn thảo chưa có sự đánh giá khách quan và sát thực nhất về những tác động của quy định trong thông tư”, ông Tuấn nói. Đặc biệt, thông tư ra đời trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm gánh nặng cho người dân, việc đưa ra các quy định về thành lập DN càng phải thận trọng. Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cần sớm đánh giá tác động của thông tư, làm rõ vướng mắc, bất cập trong quy định, từ đó có những khuyến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chưa đưa ra quyết định cuối cùng
Đó là khẳng định của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) - đơn vị soạn thảo Thông tư.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Thủy cho biết, trong báo cáo gửi lãnh đạo Bộ VH-TT&DL có nêu rõ về cơ sở ban hành thông tư; nội dung và quá trình xây dựng... Tuy nhiên, tới nay, lãnh đạo Bộ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Từ ngày 25/11 tới, Thông tư 10 sẽ có hiệu lực, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện giám sát và xử lý ngay, hay đợi danh sách danh nhân mới thực hiện?
Đề án về danh nhân và danh sách danh nhân đã được thực hiện từ gần 10 năm trước và đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, hiện đề án vẫn còn vướng vì chưa rõ cơ quan nào sẽ phê duyệt, và công nhận danh nhân. Đây là căn cứ để thực hiện thông tư, nhưng vẫn là dự thảo. Do chưa có danh sách danh nhân, nên trong báo cáo lãnh đạo Bộ về Thông tư 10, chúng tôi đã đề xuất một số phương án thực hiện, nhưng tới nay cũng chưa biết lãnh đạo Bộ sẽ chọn phương án nào.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) Bùi Anh Tuấn, do chưa có danh sách danh nhân nên việc cấp phép sẽ thiếu khả thi, bà nghĩ sao?
Luật và nghị định có từ lâu và các đơn vị cấp phép kinh doanh cũng đã căn cứ vào đấy để cho phép đặt tên doanh nghiệp. Cơ bản, thực hiện đúng theo tinh thần của luật và nghị định. Hiện, tất cả băn khoăn của chuyên gia, nhà quản lý, luật sư, doanh nghiệp đặt ra, Cục đều tổng hợp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ.
Nghị định 43 ban hành từ năm 2010, nhưng tại sao thông tư tới nay mới ban hành?
Quá trình xây dựng và ban hành thông tư có nhiều khó khăn, nên Bộ cũng thận trọng. Thực ra, vướng mắc chúng tôi không phải không nhận ra, nên cũng trì hoãn nhiều rồi.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ VH-TT&DL nên đề xuất sửa đổi Nghị định 43 cho phù hợp hơn, bà nghĩ sao?
Hiện, Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình sửa đổi. Nếu thấy rằng có những bất cập như dư luận phản ánh có thể sẽ đề xuất sửa đổi ở những văn bản cao hơn. Nghị định 43 đã giao rõ nhiệm vụ cho Bộ VH-TT&DL, nên mình không thực hiện cũng không được, nhưng trong quá trình xây dựng cũng có cân nhắc lại nhiều.
Khi thông tư có hiệu lực, nếu doanh nghiệp đặt tên trước thời điểm sẽ xử lý thế nào, khi có danh sách danh nhân liệu có bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi tên khác không?
Có bắt buộc doanh nghiệp phải đổi tên hay không còn tùy theo quy định, nếu quy định yêu cầu phải đổi phải thực hiện theo; nếu không quy định vẫn giữ như vậy. Còn thông tư chỉ áp dụng với những doanh nghiệp thành lập mới hoặc đổi tên.
Cảm ơn bà.
Theo: Phạm Thanh - TP