Theo bài nghiên cứu “Văn hóa con dấu vẫn còn sót lại trong nền thương mại điện tử” của Vicky Liu, giảng viên ĐH Kỹ thuật Queensland (Úc), đăng trên tạp chí M/C Journal (chuyên về các vấn đề truyền thông và văn hóa).
Các con dấu trong một số quốc gia châu Á, như Nhật hay Trung Quốc, đóng một vai trò tương tự chữ ký ở các nước phương Tây. Trong trường hợp Trung Quốc, con dấu đã trở thành một phần của văn hóa và di sản của nền văn minh nước này.
Trong bài nghiên cứu “Nghệ thuật trong các con dấu của Trung Quốc qua các thời kỳ” (xuất bản năm 2000) của GS Y.C. Wong và H.W .Yau, con dấu là tượng trưng cho tính vật trong xã hội nước này. Trong quá khứ, những con dấu đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống thông tin quốc gia. Con dấu là tượng trưng của chính quyền, là đại diện cho danh tính, thương hiệu, khẳng định tính pháp lý, làm chứng cứ cho độ chính xác, ngăn ngừa việc sai lệch hay sao chép thông tin.
Những con dấu bằng đất sét đã được sử dụng để niêm phong văn bản nhằm phát hiện liệu chúng có bị đọc trước hay thay đổi nội dung hay chưa. Ngày nay chữ ký điện tử cũng được phát triển để hướng đến thỏa mãn tất cả mục đích trên.
Ông Wong ghi nhận khi giá trị của nền kinh tế bắt đầu tăng nhanh và các giao dịch kinh tế diễn ra thường xuyên hơn, con dấu còn được người Trung Quốc sử dụng để xác minh sự kiểm duyệt của chính quyền sở tại đối với hàng hóa. Ngoài ra khi các khoản thuế quan được áp đặt lên hàng hóa, con dấu có ý nghĩa xác minh các khoản phí đã được thanh toán đầy đủ.
Con dấu tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong xã hội Trung Quốc và châu Á trong việc xác minh danh tính và trong giao dịch kinh tế, trong các văn bản hành chính và pháp luật, các lệnh xử phạt và khen thưởng của chính quyền.