Mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Long đã hủy án vụ Nguyễn Văn Quyên trộm cắp tài sản, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Con người tha hóa, do đâu?
- Cập nhật : 08/10/2014
Trong lúc vụ án giết chết và chặt xác người đàn bà 41 tuổi ở quận 1, TP HCM hôm 1-10 chưa lắng xuống thì rạng sáng 5-10, tại quận Bình Tân của TP này lại tiếp tục phát hiện một vụ phi tang thi thể. Tại sao người ta lại man rợ như vậy?
Câu hỏi này không mới nếu xét về tính chất tàn bạo của những vụ giết người đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước trước đó. Nhưng khi những cái chết mang dấu ấn của kiểu giết chóc thời trung cổ lặp đi lặp lại ngay tại một TP lớn nhất nước, vào thời đại công nghệ thông tin vốn làm thay đổi bộ mặt thế giới, trong đó có khía cạnh văn minh, thì vấn đề trở nên hết sức nghiêm trọng và buộc bất cứ ai quan tâm đến sự lành mạnh xã hội phải tìm câu trả lời.
Suy thoái đạo đức là thực trạng, là câu trả lời chung không thể chối cãi. Vì sao suy thoái? Có rất nhiều ý kiến được nêu lên để lý giải, chúng khác nhau theo từng bối cảnh và vụ việc song phần lớn đều tập trung vào những nguyên nhân được cho là sát sườn: do giáo dục của gia đình và nhà trường, do pháp luật không nghiêm, do tham nhũng và tiêu cực xã hội, do phim ảnh bạo lực, do mặt trái của kinh tế thị trường, do bản tính ích kỷ của con người, do lối sống thích hưởng thụ, do người lớn thiếu gương mẫu...
Vài năm gần đây, báo chí đã phản ánh với tần suất ngày càng dày những câu chuyện, vụ án đau lòng. Tình trạng khó hiểu đến mức những con người trầm tĩnh, thận trọng và kiên nhẫn nhất phải lên tiếng. GS Hoàng Tụy - người dành cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà - mới đây đã thốt lên: “Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng”.
Những điều dị hợm mà GS Hoàng Tụy dẫn ra mang tính khái quát nhưng đều bộc lộ những góc cạnh khác nhau của một sự thật là tình hình suy thoái đạo đức nghiêm trọng đang diễn biến trong xã hội. Những điều “xa xỉ lố lăng” đó có thể không trực tiếp dẫn đến những vụ giết người chặt xác nhưng sẽ từng ngày, từng giờ làm hư hỏng con người, kéo con người đến chỗ suy đồi, bệnh hoạn.
Tại bàn tròn “Sống tử tế” do Tuần Việt Nam tổ chức hôm 17-9, nhà văn - nhà báo Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, đã đặt câu hỏi: “Chúng ta được sống trong một xã hội với hệ thống luật pháp ngày càng đầy đủ, các hệ thống giám sát cũng chặt chẽ, đa dạng hơn và điều kiện kinh tế cũng tốt hơn nhưng tại sao sự tử tế đang rời bỏ chúng ta?”. Rồi ông tự trả lời, rất ngắn nhưng đầy nội hàm: “Có vấn đề nghiêm trọng của văn hóa đang bị phá vỡ”. Theo ông thì điều khiến người ta trăn trở không chỉ nằm ở số lượng tội phạm đang tăng lên mà ở cách thức người ta hành xử với nhau, đến mức người ta có thể giết cha, giết mẹ, giết vợ, giết chồng; có thể tàn nhẫn với con cái, hủy hoại thanh danh bạn bè.
Có thể có nhiều giải thích về sự suy thoái đạo đức nhưng nguyên nhân bao trùm nhất không thể không do thiếu vắng giáo dục, theo nghĩa rộng của từ này. Những tính chất tiêu cực mà GS Hoàng Tụy nói đến chính là khuôn mặt tha hóa, đáng sợ của những con người không được giáo huấn đầy đủ.
Theo: Cao Tuấn//NLĐ