Mới đây, luật sư đã khiếu nại, cho rằng Thẩm phán - Phó Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Nam Lê Văn Xô cản trở luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi ông này vào trại giam gặp bị cáo để hướng dẫn việc kháng cáo.
Làm khó luật sư - Bài 2: Gây sức ép để “triệt” luật sư
- Cập nhật : 01/06/2014
Trong số 30 vụ luật sư bị làm khó mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tập hợp gửi Bộ Công an, có một trường hợp khá đặc biệt của luật sư Hồ Sơn Hà (Văn phòng luật sư Hồng Hà, Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận).
Có luật sư, bị can gặp bất lợi?
Nguyên luật sư Hà nhận bảo vệ cho bị can Trần Thị Tâm, người bị Công an thị xã La Gi (Bình Thuận) khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Sau khi được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư Hà đã tham gia một số buổi hỏi cung bị can của điều tra viên.
Theo luật sư Hà trình bày, trong các lần lấy cung mà ông chứng kiến, bị can Tâm đều khai báo bình thường, trình bày rõ ràng diễn biến vụ việc và trả lời đầy đủ các câu hỏi của điều tra viên. Ngoài ra, không khí, thái độ của những người tham gia các buổi hỏi cung cũng bình thường, không có gì căng thẳng.
Tuy nhiên, sau đó bị can Tâm đã bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại thành bắt tạm giam với lý do khai báo không thành khẩn, có hành vì gây cản trở quá trình điều tra và có hành vi chửi bới các nhân chứng. Chưa hết, ngày 5-4, chồng bị can Tâm gọi điện thoại cho luật sư Hà thông báo điều tra viên còn yêu cầu ông cung cấp… văn bản thanh lý hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa bị can với Văn phòng luật sư Hồng Hà.
Có giấy chứng nhận người bào chữa, nhiều luật sư vẫn còn bị “hành”. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Ngày 8-4-2013, luật sư Hà đã phản ánh đến Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng các hành vi trên của điều tra viên có tính chất trù dập cá nhân ông, cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Điều tra viên đã vi phạm Luật Luật sư, BLTTHS, Pháp lệnh Điều tra hình sự về quy định tiếp xúc bị can và cách hành xử của cơ quan điều tra. Từ đó, luật sư Hà đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải thay đổi điều tra viên, đồng thời tiến hành xác minh làm rõ những hành vi, lời nói của điều tra viên để xử lý theo pháp luật…
Đòi giấy tờ không có trong quy định
Trường hợp của luật sư Võ Tùng Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) đã khiến không ít luật sư đồng nghiệp từng bị “hành” tương tự bức xúc bởi cơ quan, tổ chức giam giữ bị can đã đưa ra những đòi hỏi ngoài quy định.
Cụ thể, khi luật sư Quân nhận lời bảo vệ cho một bị cáo thì hồ sơ vụ án đã chuyển sang TAND tỉnh Tây Ninh, sau đó ông được tòa cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Ngày 14-5-2013, luật sư Quân cầm giấy đến trại tạm giam công an tỉnh để xin được gặp bị cáo nhưng cán bộ trại yêu cầu phải có thêm văn bản đồng ý có chữ ký của thẩm phán được phân công xét xử. Luật sư giải thích rằng không có quy định nào bắt buộc như vậy nhưng cán bộ trại vẫn kiên quyết từ chối vì “đây là ý kiến chỉ đạo của giám thị”. Để khẳng định mình đúng, cán bộ trại còn đưa cho luật sư xem hồ sơ lưu những vụ án khác đều phải có thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký đồng ý thì mới được gặp bị cáo.
Ngày 27-5, luật sư Quân phản ánh vụ việc đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ngày 3-6, Liên đoàn Luật sư có công văn gửi ban giám thị trại tạm giam và các cơ quan tố tụng ở Tây Ninh đề nghị xem xét, giải quyết yêu cầu gặp mặt bị cáo của luật sư. Tuy nhiên, mọi đề nghị đều không có kết quả. Chỉ đến khi luật sư Quân làm văn bản gửi bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh yêu cầu có ý kiến chỉ đạo giải quyết kiến nghị chính đáng trên thì luật sư mới được gặp mặt bị cáo.
Án gần xử mới được gặp thân chủ
Hai luật sư Lê Quang Y và Nguyễn Anh Dũng (Văn phòng luật sư Lê Quang Y, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận bảo vệ cho bị can Huỳnh Thị Kim Ngân trong một vụ trộm cắp tài sản mà cơ quan thụ lý, giải quyết là Cơ quan CSĐT Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang).
Đầu năm 2012, hai luật sư cầm hồ sơ đến xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng được cơ quan điều tra trả lời bằng văn bản là bị can không yêu cầu. Bốn tháng sau, hồ sơ chuyển đến VKS, hai luật sư làm thủ tục và được cấp giấy. Khi quay trở lại cơ quan điều tra xin làm việc với bị can thì cơ quan điều tra yêu cầu phải có lệnh trích xuất và giấy giới thiệu của VKS hoặc phải có kiểm sát viên đi kèm. Hai luật sư đành quay lại VKS nhưng cơ quan này không đáp ứng.
Cuối tháng 6-2012, VKS chuyển trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Lúc này, hai luật sư tới trình giấy chứng nhận người bào chữa (do VKS cấp trước đó) xin gặp bị can thì bị cơ quan điều tra yêu cầu làm giấy mới. Luật sư lại phải xin và gần một tháng sau được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận.
Tưởng đến đây thì chuyện sẽ êm xuôi nhưng mỗi lần các luật sư liên hệ yêu cầu gặp bị can thì bị từ chối với nhiều lý do khác nhau: khi điều tra viên bận họp, lúc do nhiều việc… Yêu cầu miệng không xong, hai luật sư gửi văn bản cũng không được phúc đáp, khiếu nại việc không trả lời thì cũng… không ai trả lời.
Khi vụ án chuyển sang tòa, tháng 11-2012, hai luật sư được TAND TP Mỹ Tho cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Cầm giấy đến công an yêu cầu gặp bị can thì lại yêu cầu phải có lệnh trích xuất của tòa. Trở lại tòa trình bày sự việc thì được trả lời rằng tòa chỉ cấp giấy, còn việc cho tiếp xúc hay không là của trại tạm giam và tòa chỉ có lệnh trích xuất khi đưa bị cáo ra xử.
Đến đây, mọi cố gắng của các luật sư đều rơi vào bế tắc! Hơn sáu tháng chạy theo các cơ quan tố tụng, hai luật sư đã từ Đồng Nai đến Tiền Giang hàng chục lần nhưng đều vô ích. Sau khi hai luật sư phản ánh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi công văn cho các cơ quan tố tụng yêu cầu phải tạo điều kiện cho luật sư hành nghề. Nhờ vậy, cuối cùng hai luật sư cũng được gặp mặt thân chủ khi vụ án… sắp xét xử.
Phải cho luật sư gặp bị can, bị cáo Phải bảo đảm quyền có luật sư bằng quy định cho luật sư gặp bị can, bị cáo (bị tạm giam) để hỏi ý kiến rằng “anh có thuê tôi hay không?”. Quy định này phải dựa trên lý luận rằng bị can, bị cáo mới chỉ là người bị nghi phạm tội, có thể tạm thời bị mất tự do nhưng không thể mất quyền có luật sư bảo vệ. Quyền này cũng là cơ sở để thực hiện “quyền được im lặng” trước khi có luật sư và là khởi nguồn của nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Vướng mắc lớn hiện nay là quy định phải có sự đồng ý của bị can, bị cáo thì luật sư mới được tham gia vụ án, trong khi thực tế hai bên lại không được gặp nhau. Quy định này tạo ra vòng luẩn quẩn chẳng khác nào chuyện “con gà - quả trứng”. Cạnh đó, khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tiếp xúc với bị can, bị cáo là những rào cản lớn khiến nhiều luật sư mệt mỏi. Nếu tháo gỡ được nút thắt này thì đương nhiên luật sư sẽ hào hứng tham gia án hình sự, hồ sơ các vụ án sẽ chất lượng hơn, tạo thế đối trọng giữa các bên buộc tội - gỡ tội ngay từ đầu. Đây cũng chính là động lực khiến điều tra viên phải nâng chất mình lên vì họ hiểu chỉ có như vậy thì mới không bị sai sót. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch Liên đoàn |
Tin Phap Luat
Theo Theo THANH TÙNG // PLO