Theo các kiểm sát viên (KSV) tham dự hội nghị tập huấn công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính, kinh tế…
Muốn giám sát tốt, phải có đại biểu độc lập
- Cập nhật : 30/09/2014
Ngày 27-9, tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hoạt động giám sát của HĐND”.
Dẫn chứng về thực trạng hoạt động giám sát của HĐND còn nhiều hạn chế, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (ĐB) Văn phòng Quốc hội (QH) Trần Văn Tám cho hay theo khảo sát của ông thì có tới 65,2% ĐB còn ngại các mối quan hệ; 77,8% ĐB thiếu thông tin; 67,4% người trả lời chất vấn chưa đáp ứng yêu cầu; 59,6% ĐB chưa có kỹ năng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, chỉ có 30% cán bộ UBND các cấp được khảo sát cho biết là thường xuyên theo dõi, không bỏ phiên chất vấn của HĐND; 65,6% cán bộ trả lời thi thoảng mới theo dõi và 4,4% trả lời chưa bao giờ theo dõi phiên chất vấn. Ngoài ra, 28,5% cán bộ các cấp cho rằng hoạt động giám sát của HĐND thông qua hoạt động thẩm tra báo cáo là không hiệu quả và “khó trả lời”; 33% cán bộ cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm là không hiệu quả và “khó trả lời”.
Ông Tám nhận xét: “Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn vẫn còn, dẫn đến tác động và hiệu quả chất vấn chưa cao. Giám sát ở cơ sở chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo rồi đưa ra những kiến nghị. Trong khi đó, công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra lại việc thực hiện kiến nghị và giám sát việc giải quyết những lời hứa khi trả lời chất vấn hiệu quả chưa cao”.
Cùng quan điểm trên, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho hay: “Đa số ĐB hiện nay là kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian tập trung nghiên cứu tài liệu nên thiếu sự chuẩn bị cho các kỳ họp. Ngoài ra, nhiều ĐB chất vấn còn mang tính vụn vặt, ít tập trung và chưa hướng đến những đề xuất kiến nghị”.
GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, cho biết chức năng giám sát của HĐND, QH quá dàn trải mà không thấy trọng tâm vào đối tượng giám sát. “Còn nhiều ĐB không chuyên nghiệp, thiếu các lực lượng thu hút các ý kiến phản biện khác nhau làm cho hoạt động không đi đến kết quả cuối cùng mà hay dừng lại nửa chừng, một cách đột ngột” - GS-TS Dung nói.
Góp ý cho hoạt động giám sát của HĐND, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, nói muốn HĐND mạnh, hoạt động tốt thì phải có các ĐB độc lập, không hoạt động trong các cơ quan chính quyền. Ngoài ra nên tránh việc đưa cấp dưới đi giám sát, chất vấn cấp trên. “Không một giám đốc sở nào lại giám đi phê phán chủ tịch cả. Như vậy là họ tự xung đột lợi ích của mình. Ông giám đốc sở phê phán chủ tịch thì tốt cho HĐND nhưng nếu ông ấy không phê phán thì lại có lợi cho chính ông ấy” - TS Dũng nói.
TS Dũng cũng dẫn chứng các ĐB cấp huyện tham gia HĐND tỉnh, TP cũng không giám “cả gan” đi phê phán cấp trên. “Nếu phê phán thì bị chủ tịch, lãnh đạo huyện đó trị chết. Vì vậy hoạt động giám sát của HĐND rất cần các ĐB độc lập, đại diện cho cử tri dám nói, dám làm và giám chất vấn” - TS Dũng chia sẻ.
LÊ PHI - Theo: PLO