“Nên có trắc nghiệm tâm lý, thần kinh, trình độ. Trắc nghiệm không đạt không ứng cử nữa, chứ không thì hậu quả sẽ rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ QH kéo dài tới 5 năm!”, ĐB Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Như Ý
Chiều 5/11, thảo luận về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), một số ĐB đề nghị có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đối với người ứng cử hoặc tự ứng cử ĐBQH.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị, có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn người ứng cử hoặc tự ứng cử ĐBQH ngay từ khi làm hồ sơ chứ không phải tiêu chuẩn của ĐB. “Bản thân người ứng cử phải là người có uy tín, xứng đáng, nhưng tôi thấy quy định chung chung thế này ai nộp đơn cũng được”, ông Lịch nói và đề xuất, có quy định nếu anh tự ứng cử mà không đạt 10% phiếu hay số phần trăm phiếu bầu nhất định, thì phải nộp tiền phạt như một số nước đã làm. Chứ quy định như hiện nay thì dễ dàng quá.
Đồng tình với ý kiến này, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, ứng viên do cơ quan, đơn vị giới thiệu là qua lựa chọn, bình xét năng lực. Trong khi đó, người tự ứng cử trải qua các khâu này rất hình thức, mặc nhiên được ghi tên. “Trên thế giới phải có bao nhiêu chữ ký ủng hộ mới được ứng cử. Họ còn quy định tự chịu chi phí về mặt tài chính nếu anh không đạt số phiếu nhất định, chứ không có chuyện ai ứng cử cũng được”, ông Nghị nói.
ĐB Phạm Quang Nghị cho rằng, cá nhân tự đánh giá mình có khả năng làm đại biểu là chủ quan. Do vậy, phải có tổ chức, tập thể đánh giá, ít nhất phải có xác nhận là “không phản đối người này ứng cử” bởi trong trường hợp người tự ứng cử có vấn đề sức khỏe, tâm thần, lý lịch thì không cử tri nào đồng ý.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, Luật cần cụ thể tiêu chuẩn ĐBQH đã ghi trong Hiến pháp. Đặc biệt, hồ sơ ứng cử phải có giấy khám sức khỏe, nhưng khám sức khỏe này phải quy định cao hơn chứ không như khám sức khỏe lái xe. “Nên có trắc nghiệm tâm lý, thần kinh, trình độ. Trắc nghiệm không đạt không ứng cử nữa, chứ không thì hậu quả sẽ rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ QH kéo dài tới 5 năm!”, ĐB Nghĩa nói.
Kê khai tài sản ứng viên nào cũng nghèo
ĐB Trần Du Lịch cũng kiến nghị, bên cạnh sức khỏe, người ứng cử phải có lý lịch tư pháp, có bản kê khai tài sản thu nhập rõ ràng và phải xem xét xem có minh bạch không. “Tôi thấy kê khai ông nào cũng quá nghèo, nhưng thực tế không phải vậy, lần này phải làm rõ hơn”, ông Lịch nói.
ĐB Triệu Là Phạm (Hà Giang) cũng lo ngại tình trạng kê khai tài sản hình thức. “Nhà, ô tô mấy cái nhưng chỉ kê khai một thì ai giám sát, kiểm tra. Việc này làm rất hình thức, nếu cứ làm như thế này thì nên bỏ quy định kê khai”, ông Phạm đề nghị.
“Nên có trắc nghiệm tâm lý, thần kinh, trình độ. Trắc nghiệm không đạt không ứng cử nữa, chứ không thì hậu quả sẽ rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ QH kéo dài tới 5 năm!”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, việc tuyên truyền vận động bầu cử cần đảm bảo công khai, bình đẳng về thời lượng, số lượng trên báo chí, truyền hình. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, quy định về xử lý vi phạm những điều cấm trong vận động bầu cử chưa rõ ràng. Tất cả trường hợp từ thiện, giúp đỡ gia đình khó khăn phải dừng trước ngày bầu cử và thực hiện sau ngày bầu cử. Thực tế có trường hợp sát ngày bầu cử, đại diện tập đoàn, doanh nghiệp đi ủng hộ người nghèo, đưa đài báo đi tuyên truyền. Có trường hợp lên truyền hình 1 tháng liền trước ngày bầu cử.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ việc vận động bầu cử. Vừa qua, việc vận động bầu cử nhiều điểm bất hợp lý, cần đưa những quy định cụ thể hơn. Có trường hợp hiệu trưởng ra ứng cử, sát ngày bầu cử nhưng truyền hình đưa về trường đó và nhấn mạnh vai trò hiệu trưởng mà không nêu chức danh thì có vi phạm không?
Cấm một người bỏ phiếu cho cả nhà
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) góp ý, phải có quy định để không bầu hộ, bầu thay rồi vận động bầu cho người này, không bầu người kia. Chia sẻ tình trạng này, ĐB Trần Du Lịch cho biết, hiện tượng đi bầu thay để lấy thành tích là không thể chấp nhận. Luật không nên để có chuyện đi bầu hộ, cử tri phải có thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân mới được bầu cử. “Cũng có phản ánh tình trạng một người đi bầu cho cả gia đình. Kết quả bầu cử đạt chín mươi mấy phần trăm như thế để làm gì? Có gia đình con đi bầu cho cả nhà nhưng về không biết là mình đã bầu ai làm đại biểu”, ông Lịch nêu thực trạng.
Với quy định mới về Hội đồng bầu cử (HĐBC), ĐB Lịch đề nghị, Luật sửa đổi cần quy định rõ những người đã là thành viên của hội đồng thì không ứng cử, tránh như trước đây người ứng có khi lại chính là Chủ tịch hội đồng, tức là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.