Liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ về thực hiện chính sách nhà đất, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội), nơi ông Truyền từng ở khi còn đương chức.
Ông Nam cho biết:
Trước đây, nhiệm vụ quản lý nhà công vụ Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ phụ trách. Chính phủ mới giao cho Bộ Xây dựng quản lý quỹ nhà công vụ từ đầu năm 2014.
Từ vụ việc của ông Trần Văn Truyền, đề nghị ông cho biết tại sao vi phạm trong sử dụng nhà công vụ lại kéo dài và chậm phát hiện như vậy?
Trước đây về thủ tục chỉ có cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định phân cho cán bộ căn nhà mà không nói gì về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ. Ngay cả khi phân nhà cũng không nói rõ là được ở thời gian bao lâu. Rõ ràng quy định như vậy là thiếu trách nhiệm nên giai đoạn trước đây có nhiều khe hở. Kể từ đầu năm 2014, khi Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quản lý vấn đề này đã được khắc phục.
Ông có thể nói rõ hơn các biện pháp mới trong quản lý nhà công vụ?
Ngày 25/11 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Nhà ở sửa đổi. Nhiều quy định về nhà công vụ sẽ được cụ thể theo hướng chặt chẽ hơn. Bây giờ Bộ Xây dựng đã xây dựng quy chế rất rõ, phân cho ai, điều kiện thế nào, ở trong bao lâu…Ngay khi Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý từ đầu năm 2014, chúng tôi đã khẩn trương xây dựng quy chế, quy định để quản lý hiệu quả quỹ nhà này. Theo quy định mới, Bộ sẽ ban hành cả mẫu hợp đồng thuê nhà công vụ khá chặt chẽ, quy định phương thức quản lý với căn nhà. Trong Quy chế của Thủ tướng sẽ quy định cả thời gian khi nào thì người được phân nhà công vụ phải bàn giao.
Về quản lý, trước đây giao cho chính quyền, nay phải giao cho doanh nghiệp. Trước đây chỉ có quyết định phân nhà, nay phải có hợp đồng dân sự với doanh nghiệp. Trường hợp không trả, chậm trả nhà, có thể bị cưỡng chế, đưa ra tòa án.
Cái khó trong quản lý quỹ nhà công vụ phải chăng là động chạm đến nhiều sếp to, thưa ông?
Đúng là giải quyết những vấn đề này rất động chạm. Bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn quen cái “nếp” cũ. Vấn đề đặt ra hiện nay không phải sắp tới quản lý ra sao mà khó nhất là những tồn tại bao nhiêu năm qua, chúng ta sẽ xử lý cách nào và bao giờ?
Trong Luật Nhà ở sửa đổi sắp tới, đã dành hẳn 1 chương quy định riêng về nhà công vụ, chắc chắn việc quản lý quỹ nhà này sẽ được siết chặt ở tất cả các khâu.
Cảm ơn ông.