Tiến tới ĐH Đảng toàn quốc, sẽ có gần 10.000 cuộc ĐH lớn, nhỏ được tổ chức. Và nếu lấy trung bình như kinh phí cho ĐH cấp huyện như ở huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) là 2,4 tỉ thì từ đây, có thể thấy việc tiết kiệm được từ 1 vạn cuộc ĐH này sẽ mang lại kết quả to lớn bất ngờ.
ĐH Đảng sẽ được tiến hành tuần tự từ cấp xã, phường đến quận, huyện, thị xã, tỉnh, thành phố, các bộ ngành, đoàn thể và tiến tới ĐH Đảng toàn quốc. Hiện nước ta có khoảng hơn 9.000 xã, phường, hơn 700 quận, huyện, 63 tỉnh, thành phố và hơn 30 bộ ngành, tổ chức đoàn thể. Như vậy sẽ có gần 10.000 cuộc ĐH lớn, nhỏ được tổ chức. Và nếu lấy trung bình như kinh phí cho ĐH cấp huyện như ở huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) là 2,4 tỉ thì từ đây, có thể thấy việc tiết kiệm được từ 1 vạn cuộc ĐH này sẽ mang lại kết quả to lớn bất ngờ.
CLB Bạch Đằng “hiến kế” tiết kiệm…
CLB Bạch Đằng (TP.Hải Phòng) là nơi sinh hoạt tập trung của các cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng, nhà nước, LLVT nghỉ hưu. Chủ đề tiết kiệm tổ chức ĐH Đảng các cấp do Báo Lao Động đặt ra được các hội viên thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp.
Ông Nguyễn Văn Điền - nguyên phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng - thẳng thắn: “Các kỳ ĐH thường kéo dài 3 ngày, cấp huyện 2,5 ngày, cấp xã 2 ngày. Tôi thấy đại đa số ĐH thực chất chỉ kéo dài từ 1,5 ngày đến 2 ngày, thời gian còn lại gần như bỏ trống. Các kỳ ĐH cần tính toán sát thời gian, tránh lãng phí cả thời gian và tiền bạc. Nhiều ĐH, thành phần đại biểu cấp trên quá đông.
Mỗi đại biểu cấp trên đi dự ĐH tại cấp dưới lại kéo theo vài nhân viên đi dự cho “vui”, trên thực tế những người này không thực hiện bất cứ vai trò gì, gây lãng phí cả tiền của, thời gian. Đại tá Trần Thái Tước - Cán bộ quân đội nghỉ hưu - chia sẻ: Tôi thấy nếu cắt giảm được phong bì đại biểu sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí đáng kể. Theo tôi, đi dự ĐH thì không cần phong bì vì là đảng viên dự ĐH là trách nhiệm và vinh dự. Có một thực tế là nhiều địa phương ganh đua nhau về quà ĐH, nơi thì tặng biểu tượng, cốc chén, nơi thì quần áo...
Có đồng chí cán bộ chỉ sau một kỳ ĐH mang về nhà một đống các tặng phẩm là cái chặn giấy, hộp biểu tượng ĐH để rồi chẳng biết làm gì, trưng vào đâu những thứ này? Tôi thấy đó là sự lãng phí rất lớn. Ông Đào Ngọc Diễn - nguyên cán bộ Thành ủy Hải Phòng - cho biết: “Các kỳ ĐH đều huy động lực lượng công an với số lượng khá đông để bảo vệ ĐH và bao giờ cũng có phần kinh phí chi cho lực lượng này. Cán bộ, chiến sĩ công an đều được hưởng lương cao để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ ĐH cũng là một nhiệm vụ, vậy tại sao lại phải chi tiền tổ chức ĐH cho lực lượng này?
Đại tá Nguyễn Văn Hóa - sĩ quan quân đội nghỉ hưu - chia sẻ: Tại các địa phương có nhiều doanh nghiệp đứng chân, mỗi kỳ ĐH lại có hiện tượng “đi xin”. Số tiền này không đưa vào quyết toán mà để dành tổ chức các hoạt động như ăn uống, du lịch sau ĐH. Theo tôi, Trung ương Đảng nên có công văn nghiêm cấm các địa phương vận động doanh nghiệp ủng hộ ĐH ”.
Bỏ tình trạng “ăn uống no say, hai tay xách nặng (quà)”
Đó là ý kiến của đảng viên 66 tuổi Đảng Hà Văn Tải (trú xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An) - cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh (ảnh). Ông bày tỏ quan điểm: Nguyên nhân lãng phí chủ yếu là tâm lý muốn tổ chức ĐH cho “hoành tráng”.
Trước đây tổ chức ĐH đảng bộ tỉnh không có chuyện rải thảm đỏ, trang trí hoa quá nhiều như một số ĐH hiện nay, chỉ có đoàn đại biểu thiếu nhi chào mừng và tặng hoa cho đại biểu; chương trình văn nghệ chỉ có một đêm do đoàn văn công hoặc chèo của tỉnh biểu diễn. Theo tôi các đại hội đảng cấp cơ sở nên sử dụng các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, không nên thuê đoàn này đoàn nọ về biểu diễn, hoặc huy động hàng trăm người tập luyện hàng tháng trời, tốn kém hàng tỉ đồng, về phương diện trang trí, tuyên truyền như khẩu hiệu, biểu ngữ, hoa, văn nghệ… sao cho vừa phải, phù hợp. Quà cáp cho các đại biểu cũng cần tính toán sao cho hợp lý, vừa phải, tránh tình trạng “ăn uống no say, hai tay xách nặng (quà)”, trong đó có một số cá nhân, cơ quan, tổ chức đã “kết hợp, vận dụng” in ấn quá nhiều ấn phẩm, quà tặng… rồi tất tần tật tính vào “chi phí đại hội”.
Đồng tình với ý kiến của ông Hà Văn Tải, bà Đỗ Thị Lan - Bí thư huyện ủy Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, phải tiết kiệm từ lực lượng tham gia phục vụ, đến các hoạt động ngoài lề khác...Việc treo các băngrôn, khẩu hiệu tuyên truyền cũng sẽ hạn chế ở mức tối đa, tránh tình trạng treo rợp đường phố, thôn bản như trước đây.
Chấm dứt cảnh: Mỗi tỉnh một ôtô chở đầy tài liệu
Ông Trần Thân - trung tá quân đội nghỉ hưu ở CLB Bạch Đằng (Tp.Hải Phòng) đóng góp ý về vấn đề văn bản, tham luận tại ĐH: Thực tế các ĐH, phần quan tâm nhất là bầu ban chấp hành, các phần báo cáo, tham luận chẳng mấy khi được chú ý. Trong khi đó các báo cáo đại hội thường dài dằng dặc hàng mấy chục trang và có hiện tượng “xào xáo” khiến báo cáo của địa phương này chẳng khác gì địa phương khác.
Cùng vấn đề này, ông Hà Văn Tải (Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) phân tích: Tài liệu phục vụ đại hội nếu không có sự tính toán cũng gây ra lãng phí rất lớn. Trước đại hội có tài liệu gửi về cho cơ sở nghiên cứu, sau đại hội có các văn bản hướng dẫn…Tôi nhớ mỗi tỉnh một xe ôtô chở đầy tài liệu. Trong khi đó, thời gian và năng lực của đảng viên cơ sở có hạn. Do đó, theo tôi, nội dung tài liệu nên gọn, rõ, xúc tích. Nên vận dụng CNTT để giảm bớt chi phí in ấn tài liệu. Tại ĐH cũng cần tránh hiện tượng phát biểu “thưa gửi” quá nhiều; phần trình bày về “thuận lợi” và “khó khăn” nhiều, mà nội dung giải pháp ít; tham luận dài dòng, chủ yếu khoe thành tích.
Do đó, khâu tổ chức cần khoa học, có định hướng nội dung thảo luận, tổng kết thảo luận, ý kiến. Các đại biểu cũng cần phải tập trung trí tuệ, tâm sức để đóng góp cho đại hội, tránh hiện tượng có những đại biểu tham gia đại hội với mục đích cá nhân. Vì vậy, khâu chọn đại biểu cũng rất quan trọng.