Cục Đăng kiểm cho biết, tính đến 10.9 đã có 80 đơn vị đăng kiểm cả nước (trên 112 đơn vị đăng kiểm) gửi báo cáo về tình hình giấy chứng nhận đăng kiểm (GĐK) giả. Theo đó, trong hai năm 2013, 2014, các đơn vị đã phát hiện tổng số 76 xe sử dụng tem, GĐK giả. Địa phương phát hiện nhiều nhất là Long An với 23 giấy chứng nhận giả.
Một giấy đăng kiểm giả do "cò" cung cấp cho PV - Ảnh: Đỗ Trường
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, Cục đã cung cấp đầy đủ mẫu giấy chứng nhận, tem, các dấu hiệu phát hiện giấy giả/thật như con dấu, số serie, đặc điểm nhận biết… cho ngành công an để phối hợp phát hiện, xử lý. “Các xe sử dụng GĐK giả đưa xe đến các trung tâm kiểm định đều bị phát hiện và thu giữ. Nhưng việc kiểm soát giấy giả lưu thông bên ngoài lại phụ thuộc vào cơ quan tuần tra trên đường”, ông Trí nói. Cũng theo lãnh đạo cục này, việc nhận biết giấy giả/thật không hoàn toàn khó vì nhiều đặc điểm mà lực lượng kiểm tra có thể nhận biết bằng mắt thường, như trên giấy có in hình ô tô khi đăng kiểm, giấy sử dụng bóng mờ, khi soi lên sẽ thấy dấu hiệu VR in chìm trên mặt giấy.
Theo đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an, lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát trên đường nếu gặp phải trường hợp sử dụng GĐK giả thì phải tạm giữ xe, thu hồi giấy chuyển sang cho cơ quan điều tra để làm rõ.
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó cục trưởng C67 cho hay, GĐK giả mới nghe dư luận phản ánh trong thời gian gần đây, mức độ như thế nào thì chưa thể đánh giá. Đại tá Dánh cho biết có nhiều cách để phát hiện GĐK giả bởi loại giấy tờ này còn liên quan đến tem kiểm định và lực lượng CSGT có thể phát hiện qua việc sử dụng máy soi. Và trách nhiệm phát hiện loại giấy tờ giả này không chỉ riêng lực lượng CSGT. “Bản thân Cục Đăng kiểm cũng phải đi kiểm tra để phát hiện”, ông nói.
Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng giấy tờ giả xuất hiện một phần là do thủ tục đăng kiểm, đăng ký phức tạp nên nhiều người mua qua “cò” cho nhanh và mua phải giấy giả. Còn theo TS Nguyễn Văn Thụ, chuyên gia giao thông, về phía cơ quan đăng kiểm, đã có sẵn hệ thống dữ liệu hồ sơ các xe đăng kiểm, phải có trách nhiệm nếu xe nào đến kỳ không đăng kiểm có thể yêu cầu đăng ký lại, hoặc kiểm tra để xử lý.
Trước đó, Báo Thanh Niên ra ngày 3.9 đã có bài Tràn lan đăng kiểm giả, phản ảnh nhiều nạn nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu bị lừa với GĐK giả. Bản thân PV cũng đã thâm nhập và phát hiện nhiều đối tượng nhận tiền làm GĐK giả. Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý vấn đề này.