Ngày quay lại làm việc vì nghỉ thai sản, chị gọi điện cho tài xế lái xe và được báo là “Tổng giám đốc không cho dừng xe lại đón chị”. Đến công ty, chị tiếp tục bị bảo vệ ngăn lại.
Chiều 30/12/2014, TAND TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mở phiên xét xử sơ thẩm lần hai vụ án “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa chị Nguyễn Thanh Uyển (ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM) và Công ty TNHH Shinwa Việt Nam.
Bất ngờ bị đuổi việc
Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, chị Uyển được tuyển vào làm kế toán trưởng Công ty TNHH Shinwa Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trong hợp đồng lao động ghi rõ, chị Uyển được xe đưa rước từ nhà đến công ty để làm việc.
Ngày 1/11/2011, chị Uyển xin nghỉ thai sản. Trước đó, chị đã bàn giao công việc cho một nữ kế toán mới. Trong thời gian nghỉ thai sản, vì yêu cầu công việc, chị vẫn đến công ty để làm việc 22 ngày. Gần đến ngày quay lại làm việc, chị Uyển đã viết email và gọi điện lên công ty báo cho ban giám đốc biết.
Tuy nhiên, đến ngày 1/3/2012, chị đi ra điểm xe rước đi làm như thường lệ thì không thấy xe rước. Chị gọi điện cho các thành viên trong ban giám đốc nhưng không ai nghe máy. Sau đó, chị gọi điện cho tài xế lái xe và được báo là: “Tổng giám đốc không cho dừng xe lại đón chị”.
Chị Uyển đành phải tự mình chạy xe gắn máy từ TP.HCM đến công ty ở Khu công nghiệp Amata để làm việc. Tại đây, chị bị bảo vệ ngăn lại, không cho vào công ty.
Bỗng dưng mất việc mà không rõ lý do, chị Uyển đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai xin được giúp đỡ. Sau đó, Phòng LĐ-TB-XH TP. Biên Hòa đã mời các bên đến để hòa giải. Tuy nhiên, do phía công ty không có thiện chí nên hòa giải không thành.
Chị Uyển và luật sư Lê Tấn Tý.
Vụ án kéo dài ba năm
Trong đơn khởi kiện, chị Uyển đề nghị tòa buộc công ty phải nhận chị trở lại làm việc, trả lương những ngày không được làm việc, bồi thường hai tháng tiền lương và phụ cấp lương, thanh toán tiền lương trong tháng 11 và 12/2011 do công ty yêu cầu làm thêm, phụ cấp thai sản, tiền phép năm, tiền thưởng năm.
Ngày 22/5/2013, TAND TP. Biên Hòa đã xét xử sơ thẩm lần một. Tòa buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời bồi thường cho chị hơn 364 triệu đồng. Tòa đã bác một phần yêu cầu của chị Uyển về các khoản tiền phép năm, tiền lương tháng 11 và 12/2011 và tiền thưởng của năm 2011.
Cả nguyên đơn (chị Uyển) và bị đơn (công ty) đều làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Ngày 14/4/2014, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. HĐXX nhận định, có một số tình tiết liên quan cần phải được làm rõ. Chẳng hạn, công ty di dời trụ sở về TP.HCM có khai báo cụ thể không, chị Uyển có nhận được thông tin đó không… Từ những cơ sở trên, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho TAND TP. Biên Hòa xét xử lại từ đầu.
Thắng kiện
Ngày 30/12/2014, TAND TP. Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai. Phía công ty cho rằng, không có căn cứ nào chứng minh công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị Uyển. Chính chị Uyển đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước với công ty. Việc công ty dời văn phòng từ Đồng Nai về TP.HCM là có thông báo chung cho người lao động; văn bản đó được niêm yết tại công ty. Chị Uyển đi làm tháng 11 và 12/2011 tại nơi làm việc mới, tức là chị cũng biết được việc công ty di dời văn phòng…
Cho nên, công ty chỉ đồng ý giải quyết cho chị Uyển chế độ thai sản và 22 ngày lương làm thêm trong tháng 11 và 12/2011, với số tiền gần 78 triệu đồng. Các khoản còn lại, công ty không đồng ý giải quyết vì cho rằng không có cơ sở.
Tuy nhiên, luật sư Lê Tấn Tý (Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị Uyển), phản biện: Công ty cho rằng chị Uyển đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thông báo trước là hoàn toàn không có cơ sở.
Bởi hai bên đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng rằng, chị Uyển đi làm phải có xe của công ty đưa rước. Bây giờ công ty không cho xe đến đưa đón thì làm sao người lao động đến được công ty. Nếu chị Uyển tự ý nghỉ thì việc gì chị phải đến công ty thiết tha xin được làm việc, nhưng bảo vệ ngăn không cho vào; việc gì chị phải làm đơn “gõ cửa” các cơ quan chức năng nhờ can thiệp...
Công ty cho rằng, việc di dời văn phòng về TP.HCM có thông báo cho chị Uyển và có văn bản niêm yết tại công ty. Tuy nhiên, công ty cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Hơn nữa, thời gian công ty thông báo (giấy thông báo dán ở công ty) việc dời trụ sở về TP.HCM đúng vào thời điểm chị Uyển nghỉ thai sản. Còn chị Uyển đến địa điểm mới để làm việc là theo điều động đột xuất của công ty chứ không phải làm việc một cách thường xuyên...
Luật sư Tý cũng cung cấp thêm chứng cứ mới là văn bản xác nhận của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai về việc Công ty TNHH Shinwa Việt Nam vẫn hoạt động bình thường ở Khu công nghiệp Amata. Công ty không hề khai báo việc đăng ký mở văn phòng làm việc tại TP.HCM.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và theo dõi diễn biến phiên tòa, HĐXX quyết định chấp nhận một phần nội dung đơn khởi kiện của chị Uyển. Cụ thể: tòa buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, trả tiền lương những ngày không được làm việc, bồi thường hai tháng tiền lương vì công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, chỉ đồng ý một phần tiền phép năm và tiền thưởng của năm 2011. Tổng số tiền mà công ty phải chi trả cho chị Nguyễn Thanh Uyển là 681 triệu đồng.
Theo Mai Hoa/Phụ nữ TP.HCM