Cảnh sát cáo buộc dù biết rõ tải trọng và công năng của chiếc cano, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc vẫn điều động chở vượt quá 18 người đến vùng không được phép hoạt động, dẫn đến tai nạn làm 9 người thiệt mạng.
Đánh con - chuyện sau cánh cửa
- Cập nhật : 17/09/2014
Đánh con là chuyện hằng ngày ở nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt tại những gia đình quá nghèo khó, ít học, trẻ là con ngoài giá thú, mẹ mang thai ngoài ý muốn hoặc trẻ bị khuyết tật.
Câu chuyện đau lòng của bé Kim Ngân trong mấy ngày vừa qua chỉ lại một lần nữa thổi bùng sự thương xót và công phẫn của xã hội, nhưng nó không hề hiếm. Ngay hôm nay, ngay cạnh ta vẫn đang xảy ra những vụ bạo hành tương tự. Chỉ là xã hội chưa biết mà thôi.
Cuối năm ngoái, một tờ báo đưa ra con số thống kê kinh hoàng: Chỉ trong bốn năm, từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước xảy ra hơn 100.000 vụ bạo hành gia đình, trong đó bạo hành trẻ em chiếm 1/5. Tức, đều đều như mặt trời mọc mỗi sáng, mỗi ngày trên đất nước chúng ta có 14 vụ bạo hành trẻ em.
Tỷ lệ này cũng cao một cách đáng kinh ngạc trên toàn cầu. Đầu tháng này, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo mới nhất và quy mô nhất từ trước đến nay về tình trạng bạo hành trẻ em. Những con số lập tức gây chấn động toàn thế giới: Theo khảo sát tại 190 quốc gia, có khoảng 60% trẻ em (tức khoảng một tỷ trẻ em trên toàn thế giới) đang phải chịu sự trừng phạt như là một hình thức kỷ luật của người chăm sóc (cha mẹ, người nuôi dưỡng, người thân, giáo viên...) trong đó có cả đánh đập. Khoảng 30% người lớn trên toàn thế giới tin rằng trừng phạt thể chất là cần thiết để giáo dục con cái.
Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ các hành vi bạo lực, bóc lột và lạm dụng được báo cáo và điều tra. Số thủ phạm bị bắt và quy trách nhiệm còn ít hơn nữa.
Báo New York Times bình luận về sự kiện này như sau: "Việc thu thập trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay các dữ liệu về bạo hành trẻ em cho thấy mức độ đáng kinh ngạc của sự lạm dụng về thể chất, tình dục và tình cảm đối với trẻ em, và cũng cho thấy thái độ duy trì và biện minh cho bạo lực đồng thời che giấu nó tại tất cả các quốc gia".
Báo cáo của UNICEF nói, bạo lực đối với trẻ em phổ biến và ăn sâu trong tâm lý xã hội đến nỗi tại nhiều quốc gia chúng được mặc nhiên chấp nhận và còn được coi như là một tiêu chuẩn xử sự.
Khi phát hiện trẻ bị bạo hành, can thiệp tốt nhất là từ phía công an để ngay lập tức ngăn chặn và cách ly người bạo hành trẻ. Nhưng ở ta, chắc rất ít cuộc gọi cho công an khi mới có dấu hiệu bạo hành, vì thực tế là nếu chưa đến mức nguy hiểm thì công an cũng sẽ chỉ "dọa" mấy câu rồi đâu lại vào đấy. Người báo tin xem chừng còn bị để ý, thù vặt. Những vụ bạo hành mới chớm do vậy sẽ được tiếp tục giấu kín sau cánh cửa mỗi gia đình.
Có đến 20% nạn nhân của các vụ giết người trên toàn cầu là trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi dưới 20, gây ra khoảng 95.000 ca tử vong trong năm 2012.
Những con số phản ánh tình trạng đáng lo ngại trên toàn thế giới. Trong một trả lời phỏng vấn, bà Susan Bissell, Phụ trách chương trình bảo vệ trẻ em tại UNICEF phát biểu: "Hiện tại, nếu có một mối quan tâm chung của xã hội loài người thì đó chính là việc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em".
Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake thì nhận xét: "Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Một đứa trẻ bị bạo hành sẽ có nhiều khả năng xem bạo lực là bình thường, thậm chí chấp nhận được và có khả năng sử dụng bạo lực với con cái của chính mình trong tương lai".
Tại một hội nghị thường niên cấp khu vực do Văn phòng đặc sứ Liên hợp quốc tổ chức vào đầu tháng bảy vừa rồi ở Jamaica, lần đầu tiên vấn đề ngăn chặn bạo hành trẻ em đã được đặt ra. Các tổ chức tham gia đã thống nhất chương trình nghị sự năm 2015 sẽ ưu tiên kêu gọi chấm dứt bạo hành trẻ em.
Tại Việt Nam, vào đầu tháng 6 năm nay, chiến dịch mang tên "Chấm dứt bạo lực với trẻ em" cũng đã được khởi động tại tỉnh Hòa Bình để mở đầu cho tháng hành động vì trẻ em, với mục tiêu nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người lên tiếng và hành động nhằm ngăn chặn bạo hành trẻ em.
Thay đổi nhận thức là vô cùng khó khăn. Chưa kể các dạng bạo hành tinh thần, tại Việt Nam, tâm lý phổ biến là cha mẹ có toàn quyền dạy dỗ con cái theo cách họ muốn, kể cả đánh đập: "Thương cho roi cho vọt"! Người ngoài cấm được can thiệp tới chuyện dạy con của người khác. Trách nhiệm này được dành cho khá nhiều tổ chức nhà nước, trước nhất là Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sau đến Hội Phụ nữ, công an, trường học...
Thế nhưng, trong hàng chục ngàn vụ bạo hành trẻ em như trên đã nói, điểm chung đáng ngạc nhiên là chúng đều được phát hiện rất trễ, khi trẻ em đã bị hành hạ nặng nề. Việc phát hiện cũng lại là do hàng xóm quá bức xúc đến mức xô cửa xông vào. Sự chủ động phát hiện ở các tổ chức có trách nhiệm vô cùng mờ nhạt.
Khi phát hiện trẻ bị bạo hành, can thiệp tốt nhất là từ phía công an để ngay lập tức ngăn chặn và cách ly người bạo hành trẻ. Nhưng ở ta, chắc rất ít cuộc gọi cho công an khi mới có dấu hiệu bạo hành, vì thực tế là nếu chưa đến mức nguy hiểm thì công an cũng sẽ chỉ "dọa" mấy câu rồi đâu lại vào đấy. Người báo tin xem chừng còn bị để ý, thù vặt. Những vụ bạo hành mới chớm do vậy sẽ được tiếp tục giấu kín sau cánh cửa mỗi gia đình.
Lý do thứ hai là luật pháp Việt Nam chưa nghiêm. Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định: đối với hành vi cố ý gây thương tích với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, chỉ cần giám định có tỷ lệ thương tích là cơ quan điều tra có thể khởi tố đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích. Thế nhưng, Nghị định 167/2013-CP (về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình) cũng quy định mức phạt tiền đối với hành vi gây thương tích cho các thành viên trong gia đình (cao nhất là 30 triệu đồng). Trả tiền để khỏa lấp việc hành hạ người thân, hiệu quả răn đe chung do vậy khó mà đạt được.
Hoàng Xuân* - Theo: TN
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM