Phía sau những nhà nghỉ cao tầng, quán cà phê, nhà hàng nhộn nhịp hay những quầy đồ lưu niệm nhiều màu sắc ở phố Tây, là những con hẻm nhỏ với những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng của những người lao động nghèo...
Đến khu phố Tây (quận 1, TP HCM) vào những ngày cuối tuần giữa tháng 10, ngang qua những con đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu… nhộn nhịp kẻ bán người mua, chúng tôi bước vào những con hẻm nhỏ nằm khuất sau khu phố sầm uất. Một thế giới khác hiện ra. Hơn chục ngôi nhà gác lửng, vách gỗ, xập xệ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Sống tạm bợ
Con hẻm 169 Bùi Viện rộng chừng 1,5 m nhưng quần áo được phơi đầy trên lối đi. Ngay đầu hẻm là căn nhà vỏn vẹn 16 m2, ẩm thấp của đại gia đình bà Bùi Thị Hoa (65 tuổi) với 12 thành viên đang sinh sống. “Gia đình tôi sống như vậy đã mấy chục năm nay. Cha mẹ nghèo khổ, giờ con cái cũng vậy, nên tất cả đều ở chung vào đây hết. Mọi sinh hoạt khó khăn, vướng víu nhưng cũng đành chịu” - bà Hoa cười buồn.
Căn nhà rộng 16 m2 (169/4 Bùi Viện, quận 1, TP HCM) là nơi ở của gia đình bà Bùi Thị Hoa Ảnh: LƯƠNG SƠN
Các con bà Hoa có người chạy xe ôm, người làm bảo vệ, người bán hàng rong…, từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Để có đủ chỗ cho các thành viên nằm ngủ, mọi vật dụng trong nhà được chất gọn lại. Nhà vệ sinh cũng xem là chỗ nấu ăn.
Cuối con hẻm là nhà bà Nguyễn Thị Ba (80 tuổi), vỏn vẹn hơn 10 m2 nhưng là nơi sinh sống của 5 người. Dù tuổi già, bệnh tật liên miên nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi lượm ve chai kiếm sống. “Tôi già rồi, sao cũng được. Chỉ thương mấy đứa nhỏ sống trong không gian chật chội như vậy, bức bí lắm...” - bà Ba thở dài.
Trong con hẻm 182/4 Đề Thám, hoàn cảnh gia đình anh Hồ Thiên Nam (42 tuổi) là đáng thương hơn cả. Anh Nam bị chứng teo cơ từ nhỏ nhưng là trụ cột của gia đình. Hằng ngày, anh đi bơm vá xe thuê để nuôi 3 người anh trai bị tâm thần và cha đã 94 tuổi. Làm cật lực nhưng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, có ngày không có đồng nào, vét ít gạo còn lại trong thùng, nấu cơm chan nước mắm ăn qua bữa.
Trong con hẻm này còn có túp lều với vài tấm ván cót dựng sơ sài ngay giữa đường chỉ đủ để ngả lưng và chất ít đồ chơi rẻ tiền bán cho trẻ con. Đó là nơi trú ngụ của ông Trương Văn Siêu (69 tuổi).
Ông Siêu cho biết mình sinh ra và lớn lên ở TP HCM, có nhà cửa đàng hoàng nhưng về già bị đẩy ra đường vì các anh em tranh giành hết gia sản. “Già rồi, sống được bao lâu nữa đâu. Tôi không có nhà nhưng ở đây người dân ai cũng thương, cho dùng nhà vệ sinh, xài điện nhờ.” - ông Siêu kể.
Kêu gọi đầu tư
Đi một vòng các hẻm 26, 57, 107 Bùi Viện; 14 Đỗ Quang Đẩu; 182 Đề Thám..., chúng tôi ghi nhận nhiều căn nhà đã xuống cấp, trần nhà và gác lửng làm bằng ván gỗ, dụng cụ nấu ăn như bếp gas, bếp than chất cùng đồ đạc dễ cháy, có nhà nấu ăn trước cửa, bên cạnh những thứ dễ bắt lửa. Thêm vào đó, hệ thống các đường dây điện chằng chịt, vá víu, cũ kỹ khiến nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là vào thời điểm hanh khô.
Được biết, năm 2005, UBND TP HCM đã có đề án quy hoạch để xây dựng phố Tây bao gồm tuyến đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết do lịch sử để lại nên khu phố Tây có nhiều hẻm hẹp, nhà diện tích nhỏ. Do đó từ lâu, UBND quận 1 đã thông báo công khai chủ trương kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng, chỉnh trang khu phố Tây nhằm đem lại bộ mặt đô thị cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư nào bỏ vốn lập dự án đầu tư khu vực này. Để bảo đảm an toàn về PCCC, UBND quận 1 cùng UBND phường Phạm Ngũ Lão cũng đã hỗ trợ kinh phí để người dân xóa nhà gỗ, nhà ván.
Theo một cán bộ PCCC quận 1, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực này. Do hẻm nhỏ nên việc triển khai đội hình cứu hỏa gặp nhiều khó khăn.