"Con rắn khỏe lắm. Anh Trê đã đập mấy cây vào lưng nó rồi mà khi cho vào bao lưới, vài phút sau nó lại tỉnh" - anh Lê Hồng Thiên vẫn chưa hết hoảng sau "cuộc chiến" với con rắn hổ mang chúa nặng 6,3kg.
Ngày 14/10, phóng viên tìm gặp anh Lê Hồng Thiên, anh Võ Văn Trê, anh Lê Cựu, anh Nguyễn Thái Bình và anh Mai Thiện Tâm là những người đã tham gia bắt con rắn hổ mang chúa nặng 6,3kg tại nhà ông Lê Văn Bồng (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vào ngày 9/10.
Anh Lê Hồng Thiên - 1 trong 5 người tham gia bắt rắn - vẫn chưa hết hãi hùng, kể lại: “Sáng hôm đó, thằng em (anh Mai Thiện Tâm - PV) định ra ruộng thì phát hiện con rắn. Thấy con rắn to, nó đến kêu tôi. Khi đến nơi tôi thấy con rắn to và lạ nên kêu thêm anh Lý Văn Trê và cùng một hai người nữa để bắt rắn.
Lúc đó, anh em chúng tôi ai cũng cầm gậy trong tay và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Riêng anh Trê là người trực tiếp “khống chế”con rắn. Anh em còn lại chỉ mang tính chất hỗ trợ nếu con rắn tấn công hay bò ra ngoài”.
Con rắn hổ mang chúa nặng 6,3kg được đưa về Trại rắn Đồng Tâm - Tiền Giang
Anh Thiên kể tiếp: “Cũng may lúc phát hiện con rắn, cái đầu của nó hướng vào bên trong, chứ nếu hướng ra ngoài có thể chúng tôi đã bị rắn cắn chết vì trở tay không kịp”.
Anh Trê nói: “Con rắn to và khỏe vô cùng, dù bị tôi đập mấy gậy vào lưng, con rắn chỉ bất tỉnh. Khi kéo con rắn ra, chúng tôi thấy những khoang vàng ở đầu, lúc đó anh em chúng tôi thấy lo vì biết đây là rắn độc, chứ chưa biết rắn gì. Dù bị bất tỉnh nhưng bỏ vào bao cước khoảng 5 - 10 phút là con rắn tỉnh lại ngay”.
Theo anh Trê, khi khống chế được con rắn bằng mấy đòn gậy, anh kéo ra ngoài và biết con rắn vừa bắt được không thuộc các loại rắn độc thường thấy nên anh đã dùng dây kẽm khâu miệng rắn lại rồi cho vào bao lưới.
Lúc đó, anh Trê không đo được chiều dài con rắn nhưng bỏ lên bàn cân thì thấy rắn có trọng lượng 6,3kg. Khi nghe một vài người lớn tuổi ở ấp nói con rắn này là loài động vật quý hiếm, cần bảo tồn nên nhóm anh Trê đã mang con rắn đến giao nộp cho Công an xã Phú Đức.
Anh Thiên chỉ nơi đầu tiên phát hiện con rắn
Anh Thiên cho biết thêm: “Xung quanh chỗ con rắn nằm có 2 cái hang rất to, chưa rõ là hang rắn hay hang chuột. Nhưng nghe các cụ lớn tuổi nói, loại rắn này thường đi đâu cũng có cặp có đôi. Do vậy, bà con ở địa phương cũng thấy lo. Tuy nhiên, chúng tôi thấy khó hiểu vì vùng đất này trống trải, cách xa rừng, khu dân ở là bờ bao mới được thổi đất lên vài năm nay… Vậy mà có rắn hổ mang chúa ở cũng là điều lạ!”.
Về chuyện đòi 1 triệu đồng tiền công bắt rắn, anh Trê chia sẻ: “Một triệu đồng chia cho mấy anh em là số tiền không lớn lắm. Tuy nhiên chúng tôi cũng phấn khởi, có chút vinh dự với bà con ở xóm trong việc bảo vệ động vật quý hiếm. Chứ nói thật, khi thấy cơ quan chức năng đùn đẩy nhau chuyện thưởng công, anh em cũng thấy buồn”.
Anh Trê chỉ cái hang gần chỗ bắt con rắn hổ mang chúa, không rõ đó là hang chuột hay hang rắn
Anh Thiên chia sẻ thêm: “Nói thật nếu biết rắn hổ mang chúa anh em chúng tôi không dám bắt đâu. Bây giờ đã qua mấy ngày rồi mà nghĩ đến con rắn vẫn còn thấy sợ. Do vậy không có chuyện chúng tôi đòi rắn lại để làm thịt. Lý do chúng tôi không đồng ý giao nộp rắn cho cơ quan chức năng là vì chúng tôi muốn được trả chút công cho công việc bắt rắn nguy hiểm, muốn được cơ quan chức năng khen thưởng, khích lệ để những người dân sau này khi bắt được động vật quý hiếm cũng sẵn sàng giao nộp cho cơ quan chức năng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Hải - Phó Trưởng Công an xã Phú Đức - cho biết: “Ở xã Phú Đức người dân hay bắt được những con vật to, lạ lắm. Như năm rồi, người dân bắt được con tắc kè trên 15kg. Tuy nhiên rắn hổ mang chúa “khổng lồ” như thế này thì xưa nay chỉ có một”.