Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, địa phương anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nay vẫn là một vùng quê nghèo khó và cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Nếu trước đây, nỗi ám ảnh với người dân là sự hoành hành của bệnh ung thư thì giờ đây, sự xuất hiện và gia tăng số lượng trẻ em mắc bệnh khuyết tật một cách bất thường đang trở hành vấn đề nan giải đối với người dân và chính quyền địa phương sở tại.
Chị Hà Thu Hoàng đang được mẹ chăm sóc tận tình.
Nỗi ám ảnh trẻ bị bệnh khuyết tật
Theo thống kê từ chính quyền xã Bình Dương, hầu như năm nào cũng có trẻ em sinh ra bị bệnh khuyết tật. Thống kê mới nhất, tính từ độ tuổi trẻ sơ sinh đến 18 tuổi trong toàn xã có đến 42 trường hợp trẻ em khuyết tật. Trong đó đa phần khuyết tật trí tuệ, nhìn, vận động, tâm thần.
Ông Đặng Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết:” Trước mắt, chính quyền địa phương tập trung thống kê chủ yếu những em nhỏ mắc bệnh khuyết tật trong độ tuổi sơ sinh đến 16 tuổi. Ngoài ra, con số khác, từ 18 tuổi trở về sau cũng có gần 100 trường hợp mà chính quyền đang tổ chức thống kê, tìm hiểu để bổ sung thật cụ thể”.
Trong số trẻ em khuyết tật tại địa phương, có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có gia đình đông con cái nhưng chỉ có 1 con nhỏ mắc khuyết tật. Và cũng có gia đình, trong tộc họ có đến 3 người con, cháu họ phải gồng mình gánh phải căn bệnh quái ác này.
Chị Cao Thị Xít, người mắc bệnh tâm thần, mẹ bé Cao Văn Lại, cũng là trẻ khuyết tật tại địa phương (người ngồi giữa).
Đơn cử gia đình anh Ngô Thanh Xuân, trú tại thôn 5, xã Bình Dương. Anh Xuân có một người con trai nhỏ là Ngô Thanh Tuấn Anh (đang học lớp 3), hằng ngày phải vật lộn với khuyết tật trí tuệ. Cạnh nhà anh Xuân là 2 cháu gọi anh bằng chú cũng đang mắc phải căn bệnh quái ác này, đó là cháu Ngô Thanh Tiến ( sinh năm 2003 ) bị khuyết tật trí tuệ và cháu Ngô Hoàng (sinh năm 2011) bị bệnh tâm thần.
Nhìn vào cậu bé Tuấn Anh đang chơi đùa cùng chú dế, anh Xuân vừa nói vừa mếu máo:”Tôi cũng chẳng biết tai hoạ nào đang ập xuống gia đình mình, vì thực tế, những đứa con và cháu tôi mắc phải bệnh quái ác từ rất nhỏ. Cuộc sống thì là bất hạnh vậy, nên khi nhìn con sinh ra và lớn lên trong bệnh tật, vợ chồng tôi ngày nào cũng khóc vì thương con”.
Trong nỗi buồn vẫn còn đó chút may mắn, khi nhiều gia đình đông con cái nhưng thật “may” khi họ chỉ có một con nhỏ mắc bệnh khuyết tật. Anh Mai Văn Tài, trú tại thôn 6, người có đến 11 đứa con nhỏ, trong số ấy chỉ có duy nhất trường hợp em Phạm Thị Ri là mắc khuyết tật.
Cạnh nhà anh Tài, là bà mẹ đơn thân Cao Thị Xít (sinh năm 1979) đang mắc bệnh tâm thần. Sinh con ra được thời gian và lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà ngoại, em Cao Văn Lại (sinh năm 2001) cũng mắc phải căn bệnh khuyết tật trí tuệ, hằng ngày cứ đi lại quậy phá khắp nơi trong làng.
Gia đình anh Hà Phương Bình đang ngày ngày phải vật lộn với công việc và chăm sóc cho chị Hoàng, người bị khuyết tật.
Trọn đời người trong 2 chữ “ khuyết tật”
Việc mắc khuyết tật ngay từ lúc nhỏ khiến cho nhiều em nhỏ đang theo học tại trường cũng đành bỏ dở. Thầy Nguyễn Trường- Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết:” Tại trường có nhiều em nhỏ khuyết tật bẩm sinh. Đa phần, các em bị bệnh này thường rất mặc cảm, rất dễ xúc động với bạn bè”.
Nếu khuyết tật trí tuệ khiến cho nhiều bạn nhỏ khó tiếp thu được tốt nhất kiến thức của giáo viên trong quá trình giảng dạy thì khuyết tật vân động lại làm giảm khả năng vận động từ việc đi lại đến việc ghi chép của học sinh. Thầy Trường chia sẻ:” Nhiều em nhỏ tại trường, những năm đầu đến lớp còn bình thường, nhưng những năm về sau thì nhiều em này lại tỏ ra chậm chạp, đó là hậu quả của sức tàn phá từ tật bệnh mà các em đang mang trong mình”.
Ví như trường hợp em Hà Thu Hoàng bị khuyết tật vận động, theo chương trình hỗ trợ dạy học cho người khuyết tật, trường tiểu học Lê Văn Tám đã cử giáo viên đến tận nhà để dạy học cho em. Anh Hà Phương Bình, bố em Hoàng cho biết:” Cháu nó bị bệnh vậy chứ ham học lắm, nó cứ nằng nặc đòi đến trường để đi học, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên mọi thành viên trong nhà đều tất bật với công việc, chẳng có nhiều thời gian để đưa cháu nó đi học và về nhà mỗi ngày”.
Hàng xóm thương tình gia cảnh anh Bình nên thường mang đồ ăn sang nhà để cho gia đình anh.
Trong số nhiều em nhỏ khuyết tật, một số em được may mắn cắp sách đến trường và số khác lại bất hạnh khi đành ngậm ngùi chấp nhận cảnh “thất học”. Tuy nhiên, trong khi nhiều em được theo đuổi “con chữ” thì cùng với đó là căn bệnh quái ác ngày thêm tiến triển theo hướng xấu hơn. Vì lẽ đó, một số em nhỏ đi học tại trường được thì một thời gian đành lòng phải cắp sách trở về nhà, chờ đợi một phép màu kỳ diệu, xua tan bệnh tật để các em được tiếp tục đến trường.
Bế tắc đi tìm nguyên nhân?
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của sự xuất hiện trẻ khuyết tật tại địa bàn nhiều bất thường. Ông Đặng Văn Hùng- Phó Chủ tịch xã Bình Dương cho biết:” Chính quyền cũng chưa thể xác định được nguyên nhân của thực trạng này. Chúng tôi chỉ ghi nhận, thống kê và lập danh sách để hội đồng giám định công nhận những trẻ bị bệnh khuyết tật”.
Anh Ngô Thanh Xuân cùng con là bé Ngô Thanh Tuấn Anh (trẻ khuyết tật trí tuệ) đang kể lại sự việc.
Cũng theo ông Hùng, thì nguyên nhân người dân liên tục mắc phải căn bệnh này có thể đến từ nhiều phía, cần có cơ sở khoa học để khẳng định lại. Tuy nhiên, xã Bình Dương là một xã nghèo, đời sống người dân còn quá nhiều khó khăn nên việc người dân chủ động quan tâm hơn đến sức khoẻ của mình là điều hiếm thấy. Vậy nên, đó cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cho những ai đang có dấu hiệu bị bệnh mà họ vẫn không hề hay biết, họ chủ quan không đi bệnh viện, chỉ chờ khi bệnh phát trầm trọng thì mọi sự đã quá muộn màng.
Chủ tịch UBND xã Bình Dương- ông Cao Thành Phiện, than thở:” Tôi rất mong các cơ quan chức năng hay các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ đến bà con nơi đây. Toàn xã hiện có đến 228 hộ nghèo. Có những trường hợp người nhà nghèo lại có con bị khuyết tật nên cuộc sống của bà con càng trở nên bế tắc”. Bên cạnh đó, ông Phiện còn mong các nhà khoa học về khảo sát tại thực địa trên địa bàn, tìm hiểu nguyên nhân giúp bà con chấm dứt nổi ám ảnh, lo sợ.