Chuyện lạ lùng về tiền tiết kiệm để lâu bị “bốc hơi” đã làm hàng ngàn bạn đọc đặt câu hỏi và hiến kế về cách giải quyết thỏa đáng cho người dân
Bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu theo sự vận động của tổ dân phố lúc đó. Địa điểm lãnh tiền là Kho bạc Nhà nước ở địa chỉ 368 Bạch Đằng, P.14, Q.Bình Thạnh.
Số tiền gửi này được chia thành hai lần, lần thứ nhất bà Thủy gửi vào ngày 17-9-1983 trị giá 150 đồng và lần gửi thứ hai vào ngày 1-10-1983 là 120 đồng. Theo bà Thủy, tại thời điểm đó không có nhiều người muốn gửi tiền nên phường, tổ phải vận động bà con gửi tiền tiết kiệm, thấp nhất thì 1 đồng, có người chỉ gửi vài chục đồng.
Rắc rối bắt đầu
Ngày 8-10-2014, bà Thủy đến Kho bạc Nhà nước Q.Bình Thạnh cơ sở Bạch Đằng, để lãnh tiền tiết kiệm theo quy định nhưng nơi đây cho biết kho bạc không còn có nhiệm vụ này nữa mà hướng dẫn bà qua Ngân hàng Công thương .
Mang nỗi lo tìm đến Ngân hàng Công thương chi nhánh 7, bà Thủy nhận được câu trả lời: Năm 1985, Nhà nước có thực hiện đổi tiền theo tỉ giá 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới, nên khoản tiền 270 đồng của bà còn 27 đồng, không phát sinh lãi gì. Vì số tiền này thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định nên khoản tiền trong sổ bị trừ còn 0 đồng.
Tiền cũ của những năm 1980. Ảnh minh họa
Bức xúc vì tiền gửi tiết kiệm bị mất trắng, bà Thủy thắc mắc: “Tôi không hiểu vì sao?”
Băn khoăn về cách tính lãi của ngân hàng
Số tiền 270 đồng của bà Thủy gửi tiết kiệm (TK) vào thời điểm gửi được xem như cả một gia tài mà vợ chồng bà đã dành dụm từ nghề sửa tủ lạnh.
“Vào thời điểm đấy, vàng có giá 110-130 đồng/chỉ nên số tiền đó mua được nhiều thứ” – bà Thủy chia sẻ. Với tình hình hiện tại, bà Thủy lo lắng không biết có còn nhận lại được số tiền ấy hay không.
Sổ tiết kiệm của những năm 80. Ảnh minh họa
Và nhiều trường hợp khác
Cùng chia sẻ với trường hợp của bà Lê Thị Bích Thủy, trường hợp ông Quãng Văn Hai (Bình Thạnh, TP.HCM) gửi tiết kiệm 1.800 đồng tháng 11-1975, đến năm 2000 số tiền nhận lại chỉ 23.562 đồng.
“1.800 đồng ở tháng 11-1975 của ông Quãng Văn Hai lớn lắm. Lúc đó, gạo 4 hào/kg, vàng khoảng 90 đồng/chỉ. Giá trị nhất là tiền gửi tiết kiệm do sự vận động của nhà nước” - bạn đọc Huỳnh Văn Hiệp nói.
Hàng ngàn bạn đọc đã phản hồi ý kiến với báo Tuổi Trẻ về các trường hợp này.
Họ cho rằng người dân đã có tinh thần đóng góp để xây dựng đất nước lúc khó khăn, ngày nay đất nước đã phát triển hơn cần phải giải quyết thỏa đáng cho người đã từng gửi tiết kiệm vào những năm tháng ấy.
“Từ trước năm 1985 là thời bao cấp, dân rất khó khăn mà có những người thế này là điều đáng quý và trân trọng” – một bạn đọc nói.
Bạn đọc Trần Văn Tài bức xúc: “Cho dù người gửi tiền TK có đến hay không thì trách nhiệm của ngân hàng phải đảm bảo giá trị tài sản cho người gửi chứ".
Bạn đọc Lê Hương bộc bạch: “Thời 1983, tôi mới ra trường đi làm với mức lương tập sự là 39 đồng 25 xu. 270 đồng của bà Thủy theo sự vận động của tổ dân phố là gần bằng 7 tháng lương của tôi. Một số tiền đâu có nhỏ ở thời điểm đó. Vậy mà bây giờ chỉ còn giá trị kỷ niệm?”
Bạn đọc An Hoa khẳng định: “Giải quyết cho những người đã gửi tiền vào các tổ chức tín dụng của Ngân hàng VN để xây dựng đất nước dù thời hạn là bao nhiêu (từ 30-4-1975 trở đi). Không thể giải thích là do đổi tiền, do duy trì tài khoản, lạm phát, lãi suất thấp... mà để số tiền gửi của dân trở về 0 đồng, cuốn sổ chỉ còn giá trị làm kỷ niệm (về việc đã đóng góp xây dựng đất nước).
Nếu NHNN không có được cách giải quyết thấu tình đạt lý thì đây sẽ là bài học cho những ai có tiền nhàn rỗi có ý định gửi tiết kiệm vào các ngân hàng.
“Dù bao năm đi nữa, phải đảm bảo chi trả cho người dân” - đó là chia sẻ của chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển.
Theo ông Hiển, trước đây phần lớn người dân đi gửi tiền tiết kiệm hay mua công trái với tinh thần đóng góp xây dựng đất nước nên ít ai để ý đến lãi thế nào.
Về nguyên tắc, dù bao năm đi nữa thì trách nhiệm của ngân hàng là phải lưu trữ, xác minh hồ sơ, chứng từ để luôn bảo đảm chi trả cho người dân.
"Chúng ta dám mua nợ xấu thì sao không thể trả cho đầu tư tốt? Còn hỏi tiền đâu trả thì cứ lấy ngân sách ra trả cho đúng, đảm bảo người dân không ai phản đối. Vì sao vậy? Vì tiền đó xây dựng đất nước nên bây giờ đất nước phải có trách nhiệm trả" - bạn Trần Hào viết.
Hiến kế
Bạn đọc NTL nói: “Lãnh đạo ngân hàng liên quan đến cuốn sổ tiết kiệm phải tham mưu cho cấp trên chi trả hợp lý, hợp tình”.
Bạn đọc Nguyễn Thu Hà viết: “Số tiền tương đương 2 chỉ vàng vào thời điểm 2014 vẫn là một gia tài chứ đừng nói vào năm 1983. Sau hơn 30 năm xây dựng, đất nước mình đã khác trước. Tôi nghĩ ngân hàng nhà nước phải giải quyết thỏa đáng”.
Bạn đọc Vũ Công Dũng đề nghị:”Về hình thức chi trả khoản gửi tiết kiệm đó thì Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để coi đó như hình thức mua công trái và qui số tiền gửi tiết kiệm đó theo giá thóc tại thời điểm gửi. Sau đó nhân với lãi suất bình quân của từng năm để tính được khối lượng thóc tại thời điểm chi trả và nhân với giá thóc tại thời điểm hiện tại”.
Riêng trường hợp bà Thuỷ, NH nơi bà gửi TK cách đây 30 năm nên có giấy khen kèm với số tiền thưởng cá biệt (không ép thành tiền lệ), nếu tương đương với 2 chỉ vàng thì rất tốt. NH nào nhanh tay mua sổ tiết kiệm của bà Thuỷ dán "làm kỷ niệm" như món "đồ cổ" sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng hơn rất nhiều lần chi phí quảng cáo!...”
Bạn đọc Khanhnd8... cho biết: “Tôi còn nhớ một NH của Pháp có văn phòng ở phố Tràng Thi, Hà Nội có chi trả tiền tiết kiệm cho một khách hàng VN gửi tiết kiệm từ năm 1953 cách đây vài năm. Số tiền chi trả được tính theo giá lạm phát hằng năm cộng lãi suất của kỳ hạn tương ứng kỳ hạn gửi của khách hằng hằng năm nên sau hơn 50 năm, giá trị của sổ tiết kiệm đó không hề giảm sút”.
Trong nền kinh tế hội nhập, mỗi sản phẩm, dịch vụ đều có những quy định rõ ràng. “Dù người dân quên 20-30 năm thì vẫn phải cộng dồn lãi suất và tính toán đúng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân” – chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển khẳng định:
Bạn đọc NTN nói thêm: “Ngân hàng nhà nước kêu gọi bà con ai còn sổ tiết kiệm đặc biệt như thế nên thông báo để thống kê có biện pháp giải quyết thuận tình thuận lý”.