Chị V. (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là cháu kêu vợ chồng ông L. là bác ruột. Ông nội chị V. mất từ năm 1975, còn bà nội mất vào tháng 6-1995. Năm 2003, chị V. khởi kiện yêu cầu bác ruột trả lại tài sản là quyền sử dụng đất do ông bà nội chết để lại. Năm 2005, khi TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ án, chị V. thay đổi yêu cầu khởi kiện thành “xin hưởng thừa kế thế vị của cha đối với tài sản do bà nội chết để lại”.
Đối với người thừa kế chưa thành niên, thời hiệu khởi kiện đòi chia di sản thừa kế là 10 năm tính từ ngày đương sự trưởng thành. Việc xác định tài sản rối đến mức vụ án đã qua ba lần sơ thẩm, ba lần phúc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc vì bị cấp giám đốc thẩm hủy án. Riêng cách tính thời hiệu khởi kiện dành cho chị V. cũng khác nhau giữa các cấp tòa.
Không tính thời gian chưa trưởng thành
Ông bà nội chị V. có bốn người con ruột. Trong đó, bác cả và cha của chị V. đã mất trước bà nội. Bác cả có ba người con ruột nên theo luật, họ cũng thuộc trường hợp thừa kế thế vị tương tự như chị V.
Khi chị V. thay đổi yêu cầu khởi kiện, TAND huyện Cai Lậy giải quyết vụ án lại từ đầu và tính lại thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Theo luật định, thời hiệu này là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản mất). Bà nội chị V. mất từ tháng 6-1995, tính đến tháng 6-2005 thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Trong khi đó, chị V. đổi yêu cầu khởi kiện thành chia thừa kế tại phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 8-2005. Nghĩa là vào tháng 8-2005, chị V. mới kiện thừa kế.
Vào thời điểm bà mất, ba người chị họ của chị V. đều đạt tuổi trưởng thành. Trong 10 năm tính từ tháng 6-1995 đến tháng 6-2005, họ đều không kiện thừa kế nên thời hiệu khởi kiện không còn. Riêng chị V. thì thời hiệu vẫn còn. Theo TAND huyện Cai Lậy, khi bà nội mất thì chị V. chỉ mới 15 tuổi. Quyền khởi kiện chia thừa kế dành cho chị là 10 năm không tính từ lúc bà nội mất mà tính từ năm chị trưởng thành, tức từ năm 1998 đến năm 2008.
Hủy án vì nhận định chưa đủ
Tháng 4-2008, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ án và giải thích rõ hơn cách tính thời hiệu này. Theo khoản 2 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005, khi người có quyền khởi kiện nhưng chưa thành niên và chưa có người đại diện thì khoảng thời gian đó không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Bảy tháng sau, viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang vì cấp phúc thẩm đã áp dụng luật không đúng. Khi bà nội mất, chị V. đã về ở với mẹ tại TP.HCM, nghĩa là có người đại diện. Như vậy, chị V. không được hưởng sự loại trừ về thời gian như quy định của điều luật nêu trên.
Tuy nhiên, áp dụng Nghị quyết 02 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao lại xác định chị V. đã khởi kiện trong thời hiệu. Vì lẽ chị đã gửi tòa đơn đòi tài sản thừa kế từ năm 2003 và thay đổi yêu cầu khởi kiện vào năm 2005. Tính từ ngày bà nội mất đến khi chị V. nộp đơn (năm 2003) thì chưa quá 10 năm.
Cuối năm 2008, Tòa dân sự TAND tối cao mở phiên họp giám đốc thẩm và cho rằng cách nhận định của viện trưởng VKSND tối cao là không chính xác. Nghị quyết số 02 năm 2006 áp dụng đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trước khi tòa thụ lý vụ án. Trong khi đó, chị V. thay đổi yêu cầu khởi kiện từ “tranh chấp đòi tài sản thừa kế” sang “tranh chấp về thừa kế”. Vì vậy, thời hiệu phải được tính theo ngày chị V. có yêu cầu khởi kiện mới.
Tuy nhiên, hội đồng giám đốc thẩm cũng xác định thời hiệu khởi kiện dành cho chị V. vẫn còn. Hồ sơ vụ án có ba đơn của chị V. cùng đề năm 2003 gồm: Đơn kiện đòi quyền sử dụng đất, đơn khởi kiện tranh chấp thừa kế, đơn yêu cầu ngăn chặn bác ruột làm thủ tục cấp giấy đỏ. Như vậy, chị V. đã khởi kiện tranh chấp về thừa kế ngay từ năm 2003. TAND huyện Cai Lậy thụ lý vụ án “tranh chấp đòi tài sản thừa kế” là không đúng với yêu cầu khởi kiện của chị.
Do bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bị hủy nên sắp tới đây, TAND huyện Cai Lậy lại phải mở phiên tòa để sơ thẩm lại lần thứ tư đối với vụ án này.