Cần tập hợp, lên danh sách các cơ sở thu mua, chế biến, sau đó bố trí lực lượng theo dõi. Nếu thấy ai khả nghi thì kiểm tra và đấu tranh xử lý.
Từ những vụ chết ngạt trước khi chết cháy: Bạn phải làm gì?
- Cập nhật : 18/09/2014
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy làm chết nhiều người mà nhiều trường hợp là do nạn nhân thiếu hiểu biết về kiến thức PCCC nên đã bị ngạt khói hoặc khí độc, khiến toàn thân bị tê liệt, mất khả năng kêu cứu và thoát hiểm, dẫn đến cái chết thương tâm. Vậy làm thể nào để thoát hiểm trong đám cháy có nhiều khói?
Những cái chết thương tâm
Có thể kể ra rất nhiều vụ cháy mà nạn nhân đáng thương đã bị chết ngạt vì khói và khí độc trước khi bị lửa xâm hại. Vào lúc 3h sáng ngày 27-4-2011 , một vụ hỏa hoạn đau lòng xảy ra ngày tiệm vàng Huỳnh Vân tại chợ Trung An của huyện Cờ Đỏ (Thốt Nốt, Cần Thơ) làm 4 người trong một gia đình chết. Đó là anh Huỳnh, vợ Nguyễn Tuyết Vân và con trai 2 tuổi Phan Thành Đạt, con gái đang học lớp 6 là Phan Kim Ngân.
Theo đại tá Nguyễn Khắc Định - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ), qua khám nghiệm tử thi cho thấy, gia đình chủ tiệm vàng Huỳnh Vân chết ngạt rồi mới bị lửa cháy lên da thịt.
Tương tự là vụ cháy tiệm giày khiến ba người chết xảy ra ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hôm 6-7 vừa qua. Trong vụ hỏa hoạn này, căn nhà xảy ra cháy phía trước sử dụng cả hai cửa đều là cửa cuốn nên khi xảy ra cháy người ở trong không thể thoát ra được. Ba nạn nhân bị kẹt trong nhà đã ôm nhau chết thảm trong nhà vệ sinh. "
“Cũng do sử dụng cửa cuốn không thể mở nên căn nhà bít bùng hoàn toàn, lúc lực lượng tiếp cận được căn nhà thì nhiệt bên trong đã rất lớn, khói mù mịt trong khi không xác định được vị trí người bị nạn nên dù có mặt nạ, bình oxy hỗ trợ nhưng các lực lượng vẫn không thể vào trong ngôi nhà”, Thượng tá Ngô Việt Hòa, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Ninh Kiều cho biết. Khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng kết luận, các nạn nhân chết do ngạt khí CO2.
Mới đây nhất là vụ bảy người chết trong căn nhà khóa kín. Khoảng 3 giờ sáng ngày 16-9, nhiều người dân phát hiện căn nhà số 416 Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5, TP.HCM) bốc cháy nên cùng bảo vệ dân phố, công an phường đem bình chữa cháy dập lửa nhưng cửa nhà khóa trái, không ai tiếp cận được. Bên trong nhà chứa các nguyên phụ kiện làm tóc như dung dịch, hóa chất khiến đám cháy bùng nhanh. Khoảng 3 giờ 40, lửa được khống chế nhưng vẫn còn nạn nhân kẹt trong đống đổ nát.
Nhân viên y tế có mặt cùng lực lượng cứu nạn cứu hộ tổ chức tìm kiếm. Tại gác gỗ phía trước, lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể hai nạn nhân. Phía sau nhà tìm thấy thêm một nạn nhân. Phía dưới tầng trệt hàng hóa tạo thành một đống hỗn độn, các chiến sĩ phải bới lên, di dời ra ngoài mới tìm được bốn thi thể nữa.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận định căn nhà trên thuộc dạng khép kín chỉ có một lối thoát duy nhất phía trước nhưng đã bị khóa kín. Thời điểm xảy ra sự cố, nạn nhân bị mắc kẹt, không thể thoát ra được nên bị ngạt khói.
Làm thế nào để thoát nạn trong đám cháy nhiều khói?
Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra trong đám cháy có nhiều khói là phải hết sức bình tĩnh, nhận định hướng khói và phải cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn luôn bay lên cao. Đôi lúc, người phải bò dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để khỏi bị ngạt.
Để chống nhiễm khói, mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
Thực tế, nghẹt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị phỏng và chết cháy. Vì vậy hãy di tản nhanh chóng ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.
Ngoài ra, Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng cũng hướng dẫn thêm một số quy tắc thoát nạn trong đám cháy như sau:
- Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết và nên đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.
- Không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Do đó chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra.
- Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Không nên giúp đỡ người khác thoát nạn khi bản thân cũng đang bị khói, lửa đe dọa đến tính mạng.
- Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường lối, sơ đồ thoát nạn. Điểm này có thể sẽ giúp ích rất tốt, cứu mạng con người khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
- Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.
- Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.
- Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn.
- Khi bị kẹt trong đám cháy, khói của đám cháy đang tràn vào từ các cửa và hành lang, mọi người phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để không có khói, lửa tràn nhanh vào nhà sau khi sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.
- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.
- Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.
- Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.
- Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại. Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa.
- Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng phải tổ chức sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.
- Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.
Thy Lan (Tổng hợp) - Theo: PLO