Bắc Ninh: Xót xa thảm sát làm 5 người thương vong
Đến giờ người dân địa phương vẫn không hiểu vì sao Cường lại có hành vi tàn độc như vậy, bởi trước khi xảy ra vụ án, giữa hung thủ và các nạn nhân không hề có mâu thuẫn.
Tai bay vạ gió
Chúng tôi trở lại thôn Giới Tế nơi Nguyễn Ngọc Cường sinh sống và là nơi đã xảy ra vụ thảm sát mà TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra xét xử. Một vùng quê yên bình như bao vùng quê khác nhưng cách đây 4 năm thôn Giới Tế đã từng rúng động với vụ thảm sát chưa từng xảy ra ở địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, lúc nửa đêm về sáng 17/8/2010, hung thủ đã dùng dao sát hại 3 mạng người và làm 2 người khác trọng thương.
Tại nhà, ông Ngô Văn Doãn (50 tuổi) - một trong những người may mắn thoát chết trong thảm án đã nhắc lại vụ thảm án mà ông là một trong 2 người may mắn thoát chết.
Kể lại chuyện cũ, ông vẫn cảm thấy rùng mình. Ông nhớ như in chuyện ông và ông Ngô Văn Thực (52 tuổi) đang làm lòng lợn giúp gia đình ông Bốn trong thôn chuẩn bị cho đám giỗ của gia đình sáng ngày hôm sau.
“Lúc đó, anh Ngô Văn Thực và tôi đang mải làm lòng nên không hề hay biết sự xuất hiện của Cường. Thấy anh Thực hét lên đau đớn, tôi cứ nghĩ anh ấy bị chó cắn. Anh Thực vừa nói “anh bị thằng Cường nó đâm”, tôi chưa kịp phản ứng gì thì Cường đã lao đến đâm vào ngực tôi. Tôi chỉ kịp lùi lại, ôm ngực rồi vừa bỏ chạy vừa kêu cứu”, ông Doãn thất thần kể lại.
Sau đó, ông Doãn được mọi người đưa đi cấp cứu và sau hơn 1 tháng nằm viện trở về, ông trở thành tàn tật với tỉ lệ thương tật 43%. Theo lời kể của người dân địa phương, ngày xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng diễn ra vào lúc hầu hết các gia đình còn đang ngủ.
Chỉ một số người có công việc mới thức dậy giờ này. Đầu tiên, Cường ngủ dậy đi loanh quanh trong làng rồi đến quầy bán thịt lợn của chị Đỗ Thị Ý (42 tuổi), là người cùng thôn Giới Tế với Cường. Lúc này, chị Ý và người em ruột của mình là Đỗ Thị Mỵ (35 tuổi) đang pha thịt lợn để bán vào buổi sáng.
Do mải làm việc nên không để ý, Cường bất ngờ lao đến giằng con dao chọc tiết lợn từ tay chị Mỵ đâm một nhát vào ngực phải chị Mỵ, rồi quay sang đâm tiếp vào ngực chị Ý. Hai chị em chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã gục xuống vì vết thương quá nặng.
Sau khi đâm gục hai chị em chị Ý, vẫn cầm con dao trên tay, Cường chạy đến nhà ông Nguyễn Văn Bình (61 tuổi) là anh rể và cũng ở cùng thôn. Lúc này, ông Bình còn đang ngủ, Cường lao vào đâm liên tiếp anh rể mình cho đến khi không thấy cử động mới thôi.
Tiếp đó, Cường truy sát ông Doãn, ông Thực tại nhà ông Bốn như đã kể. Trong số những nạn nhân của vụ án, chị Mỵ, ông Bình, ông Thực đã tử vong do vết thương quá nặng. Còn ông Doãn, chị Ý cùng bị thương tích 43%.
Ông Nguyễn Văn Lâm - công an viên phụ trách thôn Giới Tế - cho biết: “Sau khi gây án, Cường đã bỏ trốn vào khu trồng cây cảnh của người dân trong thôn. Vừa bị bao vây và vừa được thuyết phục ra tự thú, hung thủ đã bỏ hung khí đi ra. Do Cường có biểu hiện tâm thần nên được trưng cầu Viện Giám định pháp y tâm thần giám định tâm thần.
Sau ngày xét xử, nhắc đến vụ án do Nguyễn Ngọc Cường gây ra, nhiều người vẫn cảm thấy rùng mình. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không hiểu vì sao tên Cường lại có hành động dã man như vậy. Tất cả những nạn nhân trong vụ án đều là người dân hiền lành, vô tội và trước đó không hề có mâu thuẫn gì với hắn.
Nói về bản án mà TAND tỉnh Bắc Ninh vừa dành cho bị cáo, hầu hết người dân địa phương đều cho rằng: “Mức án tử hình là thỏa đáng với những tội ác mà Cường đã gây ra cho những gia đình nạn nhân trong vụ án này”.
Hung thủ là người tâm thần?
Qua tìm hiểu được biết, Cường sinh ra trong một gia đình đông con (có tới 9 anh chị em). Sau khi bố mất, người mẹ tần tảo nuôi các con khôn lớn. Tuy nhiên, trong gia đình Cường, người chị cả cũng chết vì bệnh tâm thần.
Người anh trai lớn của Cường là Nguyễn Ngọc Cương cũng có biểu hiện thần kinh không bình thường. Thời gian gần đây, ông Cương là người được quan tâm đặc biệt của thôn Giới Tế.
“Bình thường không sao, nhưng thi thoảng ông ấy cứ cầm dao đi ra đi vào, chúng tôi cũng đã báo cáo với xã và thường xuyên quan tâm tới nhất cử nhất động của ông này để có thể can thiệp kịp thời khi có chuyện xảy ra”, ông Nguyễn Văn Lâm - công an viên phụ trách khu vực cho biết.
Trong gia đình, con gái của một người chị gái Cường cũng có biểu hiện không bình thường dù là người có nhan sắc nhưng tính tình nửa tỉnh, nửa khôn. Tuy nhiên, theo những người trong gia đình, căn bệnh này không phải là bệnh di truyền bởi đời trước không có ai bị như vậy, chỉ bây giờ mới xuất hiện.
Đối với bản thân Cường, ngày còn nhỏ tính tình hoàn toàn bình thường, được gia đình cho ăn học hết cấp 3. Thời gian đi học, Cường luôn là học sinh giỏi. Nhưng do gia đình đông con nên Cường cũng chỉ học được đến đó rồi thôi.
Trở về làm kinh tế gia đình, một thời gian sau, Cường lập gia đình với cô thôn nữ làng bên. Ban đầu, hai vợ chồng sống cũng vui vẻ, đầm ấm. Khoảng thời gian năm 1987-1988, Cường đóng gạch đất xây nhà. Do không có kinh nghiệm nên đốt lò nào hỏng lò ấy, Cường sinh ra chán nản, rồi từ đó thay tính đổi nết, bản thân trở nên lầm lì ít nói.
Tuy vậy, vào khoảng đầu năm 1990, Cường xây móng nhà hết trên 2 vạn gạch, vào thời điểm đó là lớn nhất làng. Nhưng khi xây xong móng nhà thì Cường phát bệnh, thường xuyên đánh đập vợ con. Người vợ không chịu đựng được đã phải bồng bế đứa con út bỏ đi. Để lại cho Cường hai đứa con lớn sống tại căn nhà đang xây dở.
Vợ bỏ đi, lại không có công ăn việc làm, có thời điểm, Cường cùng với 2 con giả người tu hành, mặc áo nâu sòng đi lang thang khắp nơi kiếm ăn. Có khi, 3 bố con đi cả tháng trời mới về nhà một lần. Thời gian sau, có lần trở về Cường với những biểu hiện lạ như chất rơm đốt ngay trước cổng UBND xã và bị công an gọi lên nhắc nhở giáo dục.
Bình thường, Cường không có biểu hiện gì nhiều, những lần mâu thuẫn với anh em trong nhà Cường cũng không khi nào chống cự lại, đứng yên một chỗ mặc cho anh em đánh đến thâm tím mặt mày.
“Trước ngày xảy ra vụ thảm án, Cường vẫn buôn bán chè, thuốc lào bình thường. Nhưng không hiểu vì sao ngay buổi tối hôm đó, Cường đem toàn bộ số thuốc lào và chè khô vun thành 2 đống đốt giữa nhà. Khi mọi người ập vào truy tìm Cường thì hai đống này vẫn còn âm ỉ cháy”, người hàng xóm cho biết.
Dù thế nào đi chăng nữa thì có một thực tế rằng, việc bồi thường nhằm khắc phục một phần hậu quả do Cường gây ra là điều rất khó thực hiện được, dù tòa đã tuyên án tử hình Cường và buộc đền bù 300 triệu đồng cho các gia đình bị hại.
Bởi người con gái của Cường đã lấy chồng trước khi xảy ra sự việc, người con trai bỏ đi lâu không thấy lai vãng về nhà. Người vợ sau một lần bế con vào thăm Cường trong trại rồi cũng đi biệt, không ai biết làm ăn, sinh sống ở đâu.
Theo biên bản giám định pháp y tâm thần số 79/GĐPYTT, ngày 13/10/2010, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Trước, trong và sau khi phạm tội, Cường mắc bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, bệnh đang trong giai đoạn tiến triển, Cường bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Nhưng các rối loạn tâm thần của Cường không chi phối trực tiếp hành vi phạm tội. Cường bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc tại Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương từ ngày 15/4/2011 đến 21/8/2014 thì khỏi bệnh.
----------------------
Vay tiền không được, gã hàng xóm sát hại bà cụ gần 80 tuổi
Viết đòi vay thêm tiền để chuộc xe của bạn nhưng bà cụ hàng xóm không đồng ý. Hai bên giằng co, gã hàng xóm đã lạnh lùng ra tay sát hại bà cụ 79 tuổi.
Ngày 18/1, Công an huyện Bắc Quang đã ra lệnh tạm giữ hình sự Tằng Văn Viết (21 tuổi, ở xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) về hành vi Giết người, Cướp tài sản.
Trước đó, khoảng 20h ngày 12/1, cả thôn Tân Thành, bàng hoàng trước cái chết của bà cụ Hoàng Thị Đương (79 tuổi), sống một mình tại nhà riêng.
Tại hiện trường, nạn nhân nằm chết bên vũng máu, với nhiều vết thương, quần áo xộc xệch và đặc biệt đôi hoa tai bằng vàng bà cụ hay đeo và số tiền hơn một triệu đồng đã “không cánh mà bay”.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tổ công tác hơn 10 người của công an tỉnh Hà Giang chia làm nhiều mũi tiến hành lấy lời khai nhân chứng và gia đình nạn nhân, đồng thời truy bắt hung thủ.
Theo con trai bà cụ, tối cùng ngày, bà Đương có sang ăn cơm tối ở nhà con trai (ngay gần đó). Sau đó bà cụ về nhà, khoảng 20 phút sau, khi con cháu sang thì phát hiện bà cụ đã chết.
Cơ quan Công an xác định, hung thủ chỉ là những người quen biết, thông thuộc địa bàn và nắm rõ lai lịch về nạn nhân. Qua sàng lọc, nổi lên Tằng Văn Viết (ở cách nhà nạn nhân khoảng 100 m) có nhiều biểu hiện bất minh về thời gian và tiền bạc. Cơ quan điều tra đã triệu tập nghi can về trụ sở Công an.
Tằng Văn Viết không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thông qua những câu hỏi sắc bén của các điều tra viên, cộng với nhiều chứng cứ thu thập được, gã lắp bắp, tay run run cúi đầu thừa nhận hành vi tội ác dã man của mình.
Viết khai, ngày 10/1 mượn một chiếc xe đạp điện của người bạn để cầm cố đánh bạc. Do bị thua, Viết đã vay thêm tiền để chơi và cũng bị thua nốt. Tối hôm xảy ra vụ án, lo sợ bạn đòi xe, Viết tìm cách đi mượn tiền để chuộc lại xe.
Biết bà cụ Đương hay cho người khác vay tiền, Viết tìm đến nhà. Trong lúc nói chuyện, bà cụ Đương đồng ý cho vay 500.000 đồng nhưng Viết đòi thêm, bà Đương không cho. Hai bên giằng co, Viết đã ra tay sát hại bà cụ.
Sau đó, Viết tháo đôi hoa tai bằng vàng, lục lọi tài sản và lấy đi hơn một triệu đồng. Sợ bị phát hiện, Viết đã lấy giẻ lau sạch những dấu vết. Sau khi gây án, Viết về nhà thay quần áo dính máu mang ngâm xà phòng và lên giường đi ngủ.
Sáng hôm sau, gã nhét đôi hoa tai giấu ở mái nhà tắm của gia đình, ung dung đến cửa hiệu cầm đồ chuộc xe về trả cho người bạn. Từ lúc nghe con trai chính là hung thủ sát hại bà cụ Đương hàng xóm tốt bụng, bố mẹ Viết rất buồn. Họ đã thay con trai đến nhà nạn nhân thắp hương cho bà cụ và gửi lời xin lỗi đến gia đình.
Chiều 17/1, thay mặt Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, đại tá Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã thưởng nóng 10 triệu đồng cho các đơn vị trực tiếp tham gia phá án.
----------------------------
Một phụ nữ chết bất thường trong tiệm uốn tóc
Sau khi đi chơi về, cô con gái phát hiện mẹ đã chết từ lúc nào, trên người có nhiều vết thương ở vùng đầu.
Chiều 18/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Tiền Giang) đang điều tra và truy bắt nghi can giết người tình tại tiệm uốn tóc trên địa bàn xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Khoảng 16h40 ngày 17/1, một người đàn ông (khoảng 50 tuổi) đi xe máy đến tiệm uốn tóc của chị Lan (32 tuổi, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Khi vào nhà nói chuyện được một lúc thì 2 người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã.
Hơn 19h cùng ngày, sau khi đi chơi về không thấy mẹ, con gái của chị Lan vội kiếm tìm thì phát hiện người phụ nữ này đã chết từ lúc nào, trên người có nhiều vết thương ở vùng đầu.
*Tên nạn nhân đã thay đổi.
---------------------------
Gã trai làng cưới cô gái tâm thần để tránh tội hiếp dâm
Bị phát hiện hành vi cưỡng hiếp cô gái cùng thôn đến có thai, gã trai làng vẫn một mực chối tội. Khi gia đình cô gái dọa sẽ trình báo công an thì hắn mới nhận trách nhiệm.
Sau đó, chàng trai này cưới cô gái về làm vợ. Nhưng cưới nhau được vài ngày cho lấy lệ thì gã trai lại bỏ mặc vợ con rồi ai ở nhà nấy. Cô gái ngày ngày phải sống trong điên loạn và cũng không nhận ra con mình. Chưa thỏa mãn dục vọng, lợi dụng lúc không có ai ở nhà, gã lại một lần nữa tìm tới “giở trò” với người vợ điên làm cô có thai lần thứ hai sau đó bỏ quê đi biệt tích.
Người con gái bất hạnh
Người con gái bất hạnh trong câu chuyện nói trên là Đặng Bích Thúy (29 tuổi, ở huyện Gio Linh, Quảng Trị). Thúy là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em. Thời thiếu nữ, cô vốn xinh đẹp nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn không được ăn học tới nơi tới chốn.
Học hết lớp 9, cô đành bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình. Chỉ một thời gian sau đó, không hiểu lý do gì mà Thúy từ một người bình thường bỗng bị trầm cảm, không nói năng chuyện trò gì với ai, nhiều lúc nói cười vô thức.
Ông Đặng Hữu Tám (bố cô gái) kể lại: “Hôm đó là một buổi trưa mùa hè năm 2005, tôi đi dự đám cưới người thân trong làng về thì thấy con gái nằm ngủ mê mệt. Tôi gọi dậy nhưng con gái vẫn nằm như không nghe thấy ai nói gì nên tôi cũng để yên cho con bé ngủ.
Nhưng đến sáng ngày hôm sau vẫn không thấy nó tỉnh dậy. Thấy có hiện tượng bất thường nên tôi tới lay mạnh cho nó thức giấc nhưng con gái chỉ ú ớ rồi ngủ tiếp. Hoảng quá, tôi liền xách ca nước tạt vào mặt nó. Đến lúc này con bé mới mở mắt ra nhưng nhìn tôi cười khanh khách. Từ lần đó, nó bỗng trở nên ít nói hơn, thường ngồi nhà một mình. Vợ chồng tôi cứ tưởng là vì nó buồn do nghỉ học sớm, không được giao lưu với bạn bè rồi trở nên trầm cảm”.
Thấy thế, gia đình đưa Thúy lên TP. Đông Hà (Quảng Trị) học may. Ban đầu, cô gái nhất quyết không chịu đi mà khóc nức nở và luôn miệng nói “Con không muốn xa anh ấy”. Tưởng là con gái mình đã có người yêu nhưng khi cả nhà hỏi lại “người đó là ai” thì Thúy trả lời rằng “con không biết”. Phải thuyết phục mãi từ sáng tới gần tối thì cô mới chịu lên xe để ông Tám chở lên thành phố.
Sau hai tuần ở lại TP Đông Hà, Thúy không chịu ăn uống, học nghề, cơ thể càng ngày càng xanh xao, gầy mòn. Ông chủ cơ sở may mặc và nhân viên ai cũng sợ nên đành gọi điện cho gia đình lên chở cô về. Về nhà, Thúy có vẻ vui vẻ hơn nhưng không thiết nói chuyện với ai, kể cả với cha mẹ, cứ ngồi thờ thẫn rồi cười nói một mình.
Cho rằng con gái mình đã bị “người âm quở phạt” nên gia đình ông Tám đưa con đi xem “thầy”. “Thầy bói” phán rằng Thúy bị người âm theo đuổi nên mới thành ra như vậy. Vì thương con, chỉ cần nghe “thầy bói” nói thế ông bà Tám liền đưa con về nhà rồi làm lễ tế “thần linh đất đai”.
Bao nhiêu trâu bò, lợn, gà trong nhà đều bán lấy tiền mời “thầy” về cúng vái nhưng bệnh tình của Thúy vẫn không hề thuyên giảm, tiền mất tật mang. Khi những tài sản có giá trị trong nhà lần lượt không cánh mà bay, không còn thứ gì đáng giá nữa, hai vợ chồng ông bà Tám đành chấp nhận số phận, ngậm ngùi nhìn đứa con gái điên dại mà “lực bất tòng tâm”. Lúc này, cả nhà chỉ còn biết động viên tinh thần Chi, tạo tâm lý thoải mái mong hy vọng rằng cô sẽ bớt bệnh.
Bi kịch chưa kết thúc
Không ngờ rằng phương pháp để cho Thúy tự nhiên và động viên tinh thần ấy lại có hiệu quả rõ rệt. Một thời gian sau, cô đã có thể tự cầm bát ăn cơm, ngồi yên lặng cho mẹ tắm gội và không còn cười một cách man rợ như trước nữa.
Ai cũng mừng vì bệnh tình của Thúy có chuyển biến tốt. Vậy nhưng, số phận trớ trêu chưa dừng lại ở đó với cô gái trẻ. Vào một ngày đầu năm 2006, khi hai ông bà Tám đi vắng chỉ còn Thúy ở nhà thì Phan Đức Trung (35 tuổi, ở cùng thôn) đến và giở trò đồi bại.
Từ lần đó, Thúy trở nên hoảng loạn như trước đây, bên cạnh đó còn có triệu chứng nôn ọe, nước da ngày một xanh xao hẳn. Tưởng con gái mắc bệnh nên bà Thắm (mẹ nạn nhân) đưa cô đi khám. Đến lúc nghe bác sĩ cho biết Thúy đã có thai 3 tháng thì bà vô cùng bàng hoàng không thể hiểu được chuyện đó lại có thể xảy ra với đứa con gái điên dại của mình.
“Đưa con về nhà, hai vợ chồng tôi cố gắng gặng hỏi con bé ai đã làm nhục con nhưng nó không trả lời mà cứ im lặng rồi thi thoảng lại khóc nức nở. Biết nó bị bệnh dù cố gắng bao nhiêu nó cũng không biết nói sao nên gia đình tôi cũng không ép nó nữa mà truy xét xem ai là thủ phạm nhưng không thể nào nghĩ được là người nào”, bà Thắm kể lại.
Cuối cùng thì sự thật cũng được phơi bày trong lúc Trung qua nhà ông Tám mượn cây xẻng về đào móng nhà. Vừa thấy mặt Trung, Thúy chạy khắp nơi vừa gào thét vừa khóc nức nở. Bản năng người mẹ khiến cho bà Thắm bắt đầu cảm thấy nghi ngờ rồi hỏi con gái có phải Trung chính là người làm cô có bầu không thì cô gái gật đầu lia lịa.
Sau đó, ông Tám liền gọi Trung vào nhà hỏi chuyện. Ban đầu hắn quanh co chối cãi và cho rằng gia đình ông Tám đang cố tình vu khống cho mình. Đến khi nghe ông Tám bảo rằng sẽ trình báo sự việc với công an để làm rõ thì Trung mới bắt đầu hạ giọng và nhận tội đồng thời xin gia đình ông Tám đừng làm lớn chuyện để Trung về nhà thưa với bố mẹ sang xin cưới Thúy làm vợ.
“Dù sao mọi chuyện cũng đã qua rồi nên tôi cũng chấp nhận cho qua. Chúng tôi là hàng xóm láng giềng với nhau nên cũng không nên làm khó nhau làm gì cả”, ông Tám tâm sự.
Không lâu sau đó, đám cưới giữa Thúy và Trung cũng diễn ra. Sau hôn lễ, cô dâu cũng về nhà chồng nhưng qua đêm tân hôn thì sáng hôm sau cô gái ôm toàn bộ ảnh cưới của mình ra vườn đốt sạch rồi chạy thẳng một mạch về nhà. Từ ngày đó, Trung cũng không sang gia đình ông Tám xin đưa vợ về nhà mà chỉ thỉnh thoảng ghé qua một chút rồi lại trở về.
Đến ngày Thúy sinh nở, Trung vẫn không hề đoái hoài. Khi nghe người khác khuyên nhủ thì Trung mới ghé nhà mua cho con hộp sữa sau đó đi biệt tăm mấy tháng sau mới trở lại. Bà Thắm vừa chạy đôn chạy đáo xin sữa nuôi cháu vừa phải lo lắng, canh chừng Thúy.
Sức chịu đựng của người đàn bà đã cao tuổi cũng có giới hạn. Những ngày tháng lao lực chăm con gái điên và cháu ngoại vừa mới sinh khiến bà Thắm gục ngã, phải nhập viện điều trị. Khi cả gia đình đưa bà đi bệnh viện thì ở nhà chỉ còn Thúy và bà nội đã 93 tuổi, Trung lại tìm tới nhà rồi tiếp tục giở trò với người vợ điên. Ở trong nhà, bà nội nghe thấy tiếng của cháu mình gào thét kêu cứu nhưng vì tuổi cao sức yếu bà cũng không thể làm được gì.
Từ viện về nhà, nghe bà cụ kể lại toàn bộ sự việc, ông Tám tức giận, muốn lôi cổ thằng con rể trời đánh sang để dạy cho một bài học nhưng không ngờ, sau khi giở trò với vợ mình xong Trung đã bỏ quê đi biệt tích.
“Tôi không ngờ thằng Trung nó lại vô nhân tính đến như thế. Đã không chăm sóc gì được cho vợ con rồi mà còn tiếp tục gây chuyện nữa. Mấy tháng sau, khi thấy bụng con gái ngày một to ra, tôi đi khám bác sĩ thì chết điếng khi nghe tin con bé đã có thai được 4 tháng rồi. Gia đình tôi nghèo còn nuôi mẹ già, cháu nhỏ nay đứa con gái điên dại lại tiếp tục mang bầu nữa.
May mà ông trời cũng thương tình cho con Thúy sinh đứa con thứ hai khỏe mạnh bình thường. Còn Thúy thì từ ngày sinh đứa con thứ hai bệnh nó ngày một nặng hơn. Nhiều lần nó trốn nhà đi lang thang làm cả nhà hốt hoảng đi tìm thậm chí còn có lần đòi nhảy giếng tự tử nữa. Thế nên hai vợ chồng tôi phải thay nhau vừa chăm cháu vừa trông con mà không thể làm được việc gì.
Gia đình tôi không may mắn nên mới có thằng con rể như thế. Dù sao nó bây giờ cũng là người nhà tôi, là chồng con Thúy nên tôi cũng không muốn kiện cáo gì cả. Chỉ mong sao sau này nó biết suy nghĩ lại mà về với vợ và chăm lo cho các con của nó chứ hai vợ chồng chúng tôi cùng già rồi, dù có muốn cũng không đủ sức để chăm con và cháu lâu dài được”, bà Thắm tâm sự.
Hoàng Thanh Lương (Chủ tịch UBND xã Gio Mai) cho biết: “Khi biết hoàn cảnh của gia đình ông Tám, chính quyền địa phương đã cử Hội Phụ nữ đến nhà của cả Thúy và Trung để tìm phương án giải quyết. Ở tại địa phương, cả hai gia đình Trung và Thúy đều thuộc diện nghèo.
Sau khi trao đổi, phía bên gia đình Trung cho biết hiện giờ Trung đang đi làm công nhân ở Sài Gòn và gia đình bên đó cũng hứa sẽ khuyên bảo Trung cố gắng làm lụng rồi hàng tháng gửi tiền về nuôi vợ con. Đồng thời họ cũng đã đồng ý sẽ đưa đứa con đầu của Trung và Thúy về nhà nội chăm sóc, chia sẻ khó khăn với gia đình ông bà Tám”.
*Tên nạn nhân đã thay đổi.
-----------------------------