Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa ra thông cáo báo chí phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá lần thứ 10 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với sản phẩm philê cá tra, basa đông lạnh Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Đồng thời, Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm philê cá tra, basa đông lạnh Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, việc sản phẩm cá tra Việt Nam có giá xuất khẩu thấp là do các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm, từ đó dẫn đến việc giảm thiểu chi phí sản xuất đưa đến sản phẩm cá tra Việt Nam có giá cả rất cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), Ủy ban Điều tra chống bán phá giá sản phẩm cá tra và Quốc hội Hoa Kỳ xem xét việc bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm philê cá tra, basa đông lạnh Việt Nam.
Việc giải phóng mặt bằng của dự án đường Trần Phú - Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) hiện vẫn đang gặp vướng mắc, dù dự án quan trọng này đã được phê duyệt hơn 3 năm. Hiện “nút thắt” vẫn chưa được mở.
Chiều ngày 27/1 vừa qua, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã có cuộc trả lời báo chí liên quan đến phương án giải tỏa mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường Trần Phú - Kim Mã.
Theo đó, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết dự án có vai trò quan trọng giảm tải ách tắc giao thông cho nội thành Hà Nội này đã được phê duyệt hơn 3 năm. Nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang kẹt.
Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân nhân dân quận Ba Đình cho biết, thời điểm hiện tại, dự án đã có 203 phương án bàn giao mặt bằng.Trong số 13 phương án chưa bàn giao còn lại, có 1 phương án của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dăm - người đang sử dụng nhà tại địa chỉ số 8B Lê Trực gặp nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, “nút thắt” cuối cùng trên tiến trình giải phóng mặt bằng dự án này ẩn chứa nhiều điều éo le, qua nhiều đời chủ thuê, với không ít “binh đao” và nhiều phận người trái ngược.
Được biết, ngôi nhà số 8B Lê Trực vốn thuộc sở hữu nhà nước do Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình quản lý. Ngày 9/1/1992, Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình cho ông Nguyễn Bá Chí thuê 17m2 tầng. Năm 1992 ông Nguyễn Bá Chí chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Ngô Đức Trung và vợ Đỗ Kim Thanh.
Sau một thời gian ở với nhau, ông Trung và bà Thanh lại ly hôn, nên ngôi nhà được chia đôi mỗi người sử dụng một nửa.
Sự việc bắt đầu trở nên “lùm xùm” khi vào ngày 10/4/2000, bà Đỗ Kim Thanh cùng con trai là Ngô Thanh Đức lúc này là đồng chủ sở hữu và chủ sử dụng căn nhà số 8B ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Dăm cùng chồng là ông Công Đình Quý.
Sau khi ký hợp đồng, bà Thanh và ông Đức đã ký nhận đủ 230.000.000 triệu đồng, bàn giao nhà và các giấy tờ liên quan, đồng thời cam kết trong hợp đồng rằng: “Nếu có gì man trá trong việc chuyển nhượng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Sau khi dọn vào ở khoảng một năm, ngày 28/5/2001, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm bất ngờ khi hay tin ngôi nhà 8B lại tiếp tục được chủ cũ ký bán theo dạng “gán nợ” cho một người khác là ông Trần Xuân Đồng. Sau đó, đến lượt ông Đồng lại bán lại cho người khác.
Từ đó xung đột liên tục nổ ra khi nhiều người đột nhiên đến “đòi nhà” mà người thân bà Dăm đang ở tại căn nhà này. Sau khi phát hiện tình trạng “một căn nhà, nhiều giao dịch” nói trên, những cuộc kiện tụng, khiếu nại… liên tục diễn ra và phải nhờ tới sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì nhà bà Dăm mới được ở yên trong ngôi nhà này. Từ đó đến nay, theo xác nhận của UBND phường Điện Biên thì hai người con của bà Dăm ở và kinh doanh ổn định tại đây.
Cho đến ngày 1/8/2014, sau khi biết tin về việc giải phóng mặt bằng, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm đã nhận được quyết định 1913/QĐ-UBND phê duyệt phương án, bồi thường và tái định cư.
Tại quyết định này, tổng số tiền bồi thường sẽ là 2,83 tỷ đồng. Trong đó, số tiền mà gia đình bà Dăm được nhận ngay là… 11,7 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 2,8 tỷ đồng bất ngờ bị giữ lại tại kho bạc nhà nước và chỉ được chi trả “khi có quyết định giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền”.
Đặc biệt, cũng trong thông báo nói trên, mức giá mua nhà tái định cư đối với gia đình bà Nguyễn Thị Dăm lại nhân với hệ số k = 1,4. Điều này càng khiến bà Dăm thấy vô lý vì mức giá này còn cao hơn cả thị trường bất động sản tự do. Trong khi hộ liền kề với nhà 8B mà bà Dăm đang ở lại, chính là nửa căn nhà còn lại mà tòa án phân chia theo bản án xử ly hôn của chủ cũ, có hệ số k thấp hơn rất nhiều.
Nhận được thông báo này, gia đình bà Dăm hốt hoảng khiếu nại, bởi đối mặt với nguy cơ “ra đường” mà gần như không có một đồng bồi thường nào.
Một lần nữa, liên ngành thành phố lại nhóm họp và đến cuối tháng 12/2014, UBND quận Ba Đình đã ra quyết định nâng số tiền chi trả ngay cho gia đình bà Dăm từ 11,7 triệu lên 231,5 triệu (tính chẵn). Số tiền còn lại vẫn giữ lại trong kho bạc nhà nước.
Đồng thời, nhà bà Nguyễn Thị Dăm được xét bán 1 căn hộ tái định cư nhân với hệ số k = 1,2 và được trả chậm tiền mua nhà.
Tuy nhiên, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm vẫn không đồng tình với quyết định trên bởi cho rằng việc mua nhà 8B tiến hành hợp tình, hợp lý có người làm chứng, bản thân gia đình bà sống và kinh doanh tại số nhà 8B Lê Trực trong suốt 14 năm qua đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.
Thêm vào đó, hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Dăm đang rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le. Trong khi câu chuyện bồi thường vẫn chưa “ngã ngũ” gia đình bà chưa biết ngày nào sẽ được nhận nốt số tiền đền bù thì chỉ còn vài ngày nữa sẽ có quyết định cưỡng chế để giải phóng mặt bằng.
Có vẻ như ngôi nhà không mang lại may mắn cho chủ này tiếp tục gây nên phiền toái kể cả đến sau khi nó bị đập đi. Bởi trong khi những tranh cãi về nó dài hàng chục năm không kết, những người liên quan có người đã chết, có người vướng lao lý, thì những người đang sống cũng có nguy cơ bơ vơ và những đồng tiền bồi thường ít ỏi bị giữ lại với những lời hứa hết sức mù mờ, xa xăm.
------------------------
Đại gia Ninh Bình xây lâu đài theo kiến trúc tòa nhà quốc hội Mỹ
Với tình cảm đặc biệt đối với nước Mỹ, một đại gia Ninh Bình đã quyết định xây tòa lâu đài tráng lệ, theo lối kiến trúc của một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới hiện nay: tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Được thiết kế theo phong cách kiến trúc tân cổ điển với các đường khối cột phong cách Hy Lạp xa xưa, lâu đài Hải Biên - tòa lâu đài gắn với tên vị chủ nhân Đinh Hải Biên, được nhiều người dân Ninh Bình biết đến bởi sự nguy nga, tráng lệ.
Theo Công ty thiết kế kiến trúc AC - đơn vị thiết kế lâu đài Hải Biên, chủ nhân của tòa lâu đài là người đặc biệt yêu thích nước Mỹ, nên một trong những yêu cầu được đặt ra là phải làm sao cho người khác nhìn và cảm nhận được đây là công trình lớn, gây được ấn tượng sâu sắc ngay từ lần đầu tiên.
Xuất phát từ ý tưởng đó, sau nhiều lần trao đổi, thống nhất, ông Hải Biên đã quyết định phương án xây dựng một tòa lâu đài phỏng theo kiến trúc của tòa nhà Quốc hội Mỹ nổi tiếng thế giới.
Với diện tích xây dựng hàng trăm mét vuông và chi phí xây dựng hàng chục tỷ đồng, tòa lâu đài tọa lạc giữa TP. Ninh Bình dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện vẫn khiến cho không ít người phải trầm trồ, thán phục bởi các đường nét tinh tế, hệ thống mái vòm đặc trưng theo kiến trúc Tân cổ điển.
------------------------
Giá dầu thế giới lại xuống đáy mới
Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức đáy mới trong gần 6 năm trong phiên giao dịch hôm qua (28/1) sau báo cáo từ Mỹ cho biết dự trữ và sản lượng dầu thô của nước này lên mức cao nhất trong hơn 3 thập niên.
Theo AAA, tổ chức chuyên theo dõi giá xăng bán lẻ tại Mỹ, giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc tại nước này hôm 25/1 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, ở mức 2,038 USD/gallon, tương đương khoảng 11.500 đồng/lít.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 23/1 tăng 8,87 triệu thùng, lên mức 406,7 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 8/1982 khi thống kê này bắt đầu được theo dõi. Mức tăng này vượt xa dự báo tăng 3,85 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ngoài ra, EIA còn dự báo sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng. Theo cơ quan này, trong năm 2015, Mỹ sẽ sản xuất 9,31 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều nhất kể từ năm 1972. Tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 27.000 thùng, lên mức 9,21 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 1983.
Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 giảm 1,78 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 44,45 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu ngọt nhẹ kể từ ngày 11/3/2009.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 3 giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 48,47 USD/thùng.
“Sản lượng và mức dự trữ dầu của Mỹ sẽ không giảm trong ít nhất 3-6 tháng tới. Hiện chẳng có động lực nào để giá dầu tăng lên cả”, nhà quản lý quỹ Chip Hodge thuộc công ty John Hancock nhận định.
Phát biểu tại một hội thảo ở Riyadh hôm 26/1, ông Khalid Al-Falih, Giám đốc điều hành (CEO) công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia, tuyên bố, nước này sẽ duy trì chính sách hiện tại, tức là từ chối cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu, cho dù giá dầu có giảm xuống mức “quá thấp cho tất cả mọi người”.
Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - đã dùng tiếng nói của mình để OPEC ra quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp hôm 27/11/2014.
“Cung cầu và các quy luật kinh tế sẽ quyết định. Sẽ phải mất thời gian để tình trạng thừa dầu hiện nay được giải quyết. Saudi Arabia sẽ không đơn thương độc mã cân bằng thị trường khi giá giảm”, ông al-Falih nói.
Giá xăng giao sau tại Mỹ hôm qua giảm 0,51 cent, tương đương giảm 0,4%, còn 1,345 USD/gallon. Giá dầu diesel giao tháng 2 giảm 3,1 cent, tương đương giảm 1,9%, còn 1,6318 USD/gallon.
Theo AAA, tổ chức chuyên theo dõi giá xăng bán lẻ tại Mỹ, giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc tại nước này hôm 25/1 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, ở mức 2,038 USD/gallon, tương đương khoảng 11.500 đồng/lít.
Ngân hàng Anh Barclays đã cắt giảm dự báo giá trung bình của dầu thô Brent trong năm nay về mức 44 USD/thùng từ mức 72 USD/thùng do sản lượng dầu của Mỹ ở mức cao. Theo Barclays, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ sẽ tiếp tục giảm trong mấy tháng tới, xuống dưới mức 40 USD/thùng.
“Thật khó để tưởng tượng giá dầu sớm trở lại mức 90-100 USD/thùng. Tôi không nhận thấy khả năng giá dầu phục hồi trước quý 3 hoặc quý 4 năm nay”, chiến lược gia cấp cao Dan Heckman thuộc US Bank Wealth Management nhận định.
-------------------------