Chọn kênh đầu tư nào trong 2015 ?
Câu hỏi được Thanh Niên đặt ra với một số chuyên gia, nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát các cơ hội bảo toàn vốn, sinh lời trong năm 2015.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, bất động sản (BĐS) và gửi tiết kiệm vẫn là hai kênh đầu tư phù hợp nhất đối với đa số người dân. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nên không còn hấp dẫn, mặc dù nó vẫn có thể đem lại thực dương sau khi trừ đi phần lạm phát. Trong khi đó, vàng vẫn đang trong xu hướng giảm giá khi đồng USD mạnh lên từ việc nền kinh tế Mỹ đã đi vào chu kỳ tăng trưởng được dự báo kéo dài trong 2 - 3 năm tới.
Bất động sản cho trung và dài hạn
Tiết kiệm vẫn an toàn nhất
Theo TS Đinh Thế Hiển, gửi tiết kiệm vẫn mang lại lãi suất thực dương và ít rủi ro nhất nên thích hợp cho mọi người. Gửi tiết kiệm có 4 đặc điểm mà những kênh đầu tư khác không thể đồng thời thỏa mãn được là an toàn, thanh khoản, lợi nhuận có được đúng hạn và có thể đầu tư với bất kỳ số tiền ít hay nhiều.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng hiện nay gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người dân vì ít rủi ro và khi so sánh với những kênh đầu tư khác thì lợi nhuận cũng có thể tương đương. Ví dụ nếu có 1 tỉ đồng và gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất nhận được từ 6 - 6,5%/năm, tương đương khoảng 60 - 65 triệu đồng/năm. Nếu với số tiền đó có thể mua được một căn hộ vùng ven, giá cho thuê tối đa chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, tương đương 48 triệu đồng/năm.
Riêng BĐS, TS Đinh Thế Hiển xác định là kênh quan trọng đối với người dân dù tại VN hay tại các nước phát triển. Đáng lưu ý, những điều kiện kìm hãm việc tăng trưởng BĐS trong giai đoạn 2010 - 2014 hầu như đã được giải tỏa phần lớn như lãi suất cho vay đã giảm, nguồn vốn ngân hàng quay trở lại ngành BĐS, chính sách vĩ mô đã mở rộng đối tượng mua, giá BĐS đã giảm khá nhiều trong 4 năm qua...
Vấn đề còn nghi ngại hiện nay, theo ông Hiển là quá nhiều dự án mới đang chào bán làm tăng nguồn cung, cũng như giá trị BĐS còn phụ thuộc khá lớn vào khả năng triển khai dự án và quản lý khi đi vào sử dụng. “Rõ ràng đầu tư vào BĐS đang trở nên hấp dẫn đúng với vị thế của một kênh đầu tư giá trị bền vững lâu dài rất phù hợp với người dân. Để loại trừ hai yếu tố quan ngại vừa nêu, chúng ta nên chọn BĐS có địa điểm tốt và chủ đầu tư uy tín. Không nên lấy tiêu chuẩn giá thấp là ưu tiên chọn lựa. Có thể việc đầu tư này sẽ không mang lại lợi nhuận tốt ngay trong năm 2015, nhưng trong chu kỳ từ 3 - 5 năm sắp tới thì việc đầu tư vào BĐS bây giờ theo tiêu chí chọn lựa như trên sẽ đem lại hiệu quả đáng kể và vững chắc”, TS Hiển nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), lưu ý khi chọn đầu tư BĐS cần xem xét tình trạng có nhiều dự án chung cư vẫn bị “thổi giá” theo kiểu đầu cơ nên giá còn khá cao.
Chứng khoán còn cơ hội
Kết thúc năm 2014, chỉ số VN-Index đạt 545,63 điểm, tăng 8,13% so với cuối năm 2013. Chỉ số HNX-Index đạt 82,98 điểm, tăng 22,3% so với cuối năm 2013. Dù mức tăng của VN-Index trong cả năm qua không mạnh nhưng thị trường chứng khoán đã có nhiều đợt “sóng” khá lớn, mang lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà đầu tư (NĐT).
TS Nguyễn Văn Thuận nhận định, năm 2015 kinh tế VN đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, nên hoạt động của các doanh nghiệp cũng ổn định và theo chiều hướng tốt hơn. “Với những NĐT có kinh nghiệm về chứng khoán thì đây vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Quan trọng là phải chọn được cổ phiếu (CP) có nền tảng cơ bản tốt thì mức lợi nhuận 10%/năm là có thể đạt được”, TS Thuận nói.
Một số lĩnh vực mà chuyên gia dự báo CP có thể mang lại lợi nhuận khá là BĐS, vận tải hay một số ngành tiêu dùng… Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn đang được đẩy mạnh và sự có mặt của những CP lớn trên sàn như Vietnam Airlines, MobiFone… sẽ góp phần thu hút thêm dòng vốn mới từ các NĐT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), lưu ý: “Những người đang gửi tiết kiệm không nên chuyển sang đầu tư chứng khoán. Hiện giờ không phải là lúc đầu tư chạy theo phong trào như cách đây nhiều năm. Dù năm 2015 kinh tế vĩ mô có tốt hơn thì các kênh đầu tư như chứng khoán, BĐS hay vàng đều có tăng trưởng và suy giảm nên NĐT cá nhân phải lựa chọn kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro”.
Vàng tiếp tục chông chênh
Năm 2014, người giữ vàng nhiều phen hú vía vì mức tăng giảm giá khá mạnh, mức cao nhất của vàng SJC là 37,4 triệu đồng/lượng và thấp nhất 34,75 triệu đồng/lượng. Trong năm, giá vàng thế giới có lúc tăng lên đến 1.382 USD/ounce nhưng cũng có khi giảm về 1.141 USD/ounce.
Theo chuyên gia về vàng Phan Dũng Khánh, năm 2015 vàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Những yếu tố tác động đến vàng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6. Điều này khiến đồng USD tăng giá. Nhu cầu vàng trên thế giới giảm và đứng ở mức thấp.
Ngân hàng một số nước có xu hướng mua vàng để bảo toàn đồng tiền nước mình nhưng số lượng mua không nhiều. Nhu cầu mua vàng của các quỹ đầu tư hiện nay không cao, chủ yếu tập trung vào chứng khoán. Các tổ chức, nhà phân tích vàng trên thế giới đều đưa ra dự báo giá vàng giảm hoặc đi ngang.
Trong năm 2014, các quốc gia lớn đều giảm phát (ngoại trừ Mỹ lạm phát tăng nhẹ), sang năm 2015 lạm phát chưa tăng được cũng đồng nghĩa với việc chưa kích thích nhu cầu đầu tư vào vàng.
“Giá vàng thế giới không tăng thì giá vàng VN cũng khó tăng. Việc đầu tư vàng là khá rủi ro, đây không phải là kênh đầu tư tốt”, ông Khánh nhận định.
-----------------------------
Xuất siêu hàng tỉ USD
Từ một nền kinh tế ngập trong nhập siêu, VN đã xuất siêu hàng tỉ USD. Đây cũng là năm thứ 3 VN xuất siêu liên tiếp với con số xuất siêu tăng dần.
Năm 2012, VN xuất siêu 284 triệu USD, qua năm 2013 con số này đạt 863 triệu USD và tính đến giữa tháng 12.2014, xuất siêu đạt gần 2,4 tỉ USD.
Hàng tỉ USD từ xuất khẩu rau quả
Nhiều mặt hàng quan trọng như thủy sản, nhân điều, cà phê, hạt tiêu và thậm chí là cả rau quả đều có mức tăng từ 20 - 40%. Các thị trường xuất khẩu lớn của VN như Mỹ, Nhật, châu Âu đều có mức tăng trưởng tốt, từ 10 - 21%.
Dự báo nhập siêu 6 tỉ USD năm 2015
Sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, năm 2015, theo dự báo của Bộ Công thương, VN sẽ nhập siêu đến 6 tỉ USD. Nguyên do chính từ nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhiên liệu, trang thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, song cũng theo Bộ Công thương, xuất khẩu sẽ không tăng trưởng đột biến. Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay dự báo của Bộ Công thương đưa ra ước khoảng 165 tỉ USD, tăng 10% so với 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 171 tỉ USD, tăng 15,2% so với 2014. Bên cạnh các chỉ tiêu xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng đưa ra một số chỉ tiêu trong năm 2015 này như sản xuất công nghiệp tăng 7,8 - 7,9% so với 2014, bán lẻ và dịch vu sẽ tăng khoảng 11 - 12%.
* Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2014, VN nhập hơn 4,6 triệu tấn bắp, trị giá 1,2 tỉ USD, tăng hơn gấp 2 lần về lượng. Thị trường cung cấp bắp lớn nhất vẫn là Brazil với hơn 55%, kế đó là Ấn Độ 15% và Argentina hơn 8% trên tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm. Sau bắp là đậu nành, khi VN nhập 1,56 triệu tấn đậu nành, trị giá 913 triệu USD, tăng hơn 20% về lượng.
Chỉ tính riêng thủy sản, theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15.12.2014, xuất khẩu ngành hàng này đạt gần 7,5 tỉ USD, tăng gần 1,5 tỉ USD so với năm 2013, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 19%, cao nhất trong 3 năm qua.
Lý giải về tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết công ty này chọn cách đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, đúng nhu cầu của các thị trường giàu có nhưng khó tính như Nhật, EU, Mỹ. Nhờ vậy mà giá trị xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Về khách quan, việc sản xuất tôm của Thái Lan vẫn chưa hồi phục cũng là một thuận lợi cho VN. Xuất khẩu tôm đã tăng vọt trong tháng 11, đến giữa tháng 12 kim ngạch đạt 3,7 tỉ USD, tăng 31% so với cùng kỳ và dự kiến năm nay sẽ đạt 4 tỉ USD.
Một điểm sáng khác là mặt hàng rau quả, khi năm 2013 có giá trị xuất khẩu đạt 9,6 triệu USD đã được xem là sự thành công lớn, thì từ tháng 1 - 11.2014, con số đạt được lên đến 1,36 tỉ USD, tăng 40,3%, tương ứng tăng 390 triệu USD.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Huỳnh Quang Đấu cho biết: Năm 2014 riêng công ty xuất khẩu trên 11.000 tấn rau quả đông lạnh và đóng hộp đi nhiều nước như Mỹ, Nhật, Canada, châu Âu... đạt doanh thu trên 12 triệu USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2013. Ông Đấu cho rằng: “Xét về con số cụ thể thì kim ngạch của ngành rau quả so với các ngành khác cũng không phải lớn, song nó mang nhiều ý nghĩa. Đó là thế giới có nhu cầu lớn về rau quả nhiệt đới của chúng ta. Trong nước, bà con nông dân dần quen với hình thức sản xuất sạch. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp diễn ra nhanh và thuận lợi hơn”.
Doanh nghiệp nội nỗ lực hồi phục
TS Lê Đăng Doanh nhận định xuất siêu là điều đáng mừng. Chỉ có điều là phần lớn do các doanh nghiệp (DN) nước ngoài thực hiện, cho nên giá trị gia tăng của VN đạt được không cao. Nhưng các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản là chúng ta tự xuất. Phần xuất của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điện thoại, máy tính... Đối với mặt hàng điện thoại di động chúng ta tham gia được chỉ khoảng 8%. Còn ở các ngành khác như dệt may, da giày cũng là gia công là chủ yếu nên phần giá trị gia tăng cũng chỉ khoảng 25%.
Nhưng không thể phủ nhận, bức tranh xuất khẩu cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Cụ thể: năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các DN FDI đến 26,3% trong khi khu vực nội địa tăng trưởng chỉ vỏn vẹn có 1,5%. Nhưng năm 2014, xuất khẩu của các DN FDI tăng 14,1% (kể cả dầu thô) còn khu vực nội địa là 13%. Như vậy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hai khối DN đã tương đương nhau. Còn so với con số tăng trưởng 1,5% của năm 2013 và 13% của năm 2014 thì rõ ràng là các DN trong nước đã có sự nỗ lực rất lớn. Đó là chưa kể, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nhiên liệu và khoáng sản vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn ở những năm trước thì sang năm 2014 đã âm 4,2%, đạt 8,4 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn "toàn cục" như vậy có thể thấy, hoạt động sản xuất của khối DN trong nước đã dần hồi phục và phát triển. Họ đã có những đóng góp tích cực cho thành tích xuất siêu của năm 2014.
Với "nền tảng" như vậy, ông Nguyễn Văn Kịch cho rằng năm 2015 này, xuất khẩu của công ty sẽ tốt hơn và tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2014. Vì theo các chuyên gia dự đoán, giá dầu sẽ tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm. Những nước nhập khẩu, sử dụng dầu sẽ lợi hơn và họ cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn của VN nên khả năng tăng trưởng ở các thị trường này là rất tốt.
Với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả VN, ông Đẩu cũng tự tin về hoạt động xuất khẩu rau quả trong năm 2015. Thị trường rau quả thế giới trị giá cả trăm tỉ USD mỗi năm nên con số hơn 1 tỉ USD của VN là hết sức nhỏ bé. Đặc biệt, việc nhiều hiệp định thương mại tự do sắp được ký sẽ mở ra cơ hội rất lớn về mặt thị trường.
-------------------------
Kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi
Ông Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đã khẳng định và phân tích cụ thể những dấu hiệu phục hồi khi trả lời Báo Thanh Niên về xu hướng kinh tế VN năm 2015.
* Ông có thể nêu rõ những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế ?
Tôi nhấn mạnh đây là dấu hiệu phục hồi chứ chưa phải phục hồi. Nếu lấy mốc thời kỳ trước năm 2009, khi kinh tế liên tục tăng trưởng trên 7,2%/năm, thì mức tăng trưởng quanh mức từ 6,2 đến 7,2% phải vững chắc mới có thể nói là kinh tế phục hồi. Nhưng những dấu hiệu về sự phục hồi hiện nay là khá rõ: kinh tế vĩ mô ổn định hơn thể hiện qua các chỉ số, mà rõ nhất là lạm phát ở mức thấp và rất ổn định. Chỉ số lạm phát thấp cũng cho thấy chi phí giảm chứ không hoàn toàn là do giảm cầu. Chi phí sản xuất giảm chắc chắn sẽ giúp kinh tế tốt hơn. Thứ hai, tỷ giá, cán cân thương mại cũng rất ổn định nhờ những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu, dự trữ ngoại hối tăng…
* Nhìn về kinh tế năm 2015, ông thấy có những triển vọng phát triển nào?
- Tôi cho rằng kinh tế năm 2015 cũng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn nhờ những cải cách mang tính thể chế, về kinh tế được thực hiện ngay từ năm 2014. Rõ nhất là việc Quốc hội đã thông qua các luật Đầu tư (sửa đổi), luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và một số luật thuế; giảm rào cản gia nhập thị trường, giảm thủ tục, thời gian cho các hoạt động đăng ký kinh doanh, đầu tư, đảm bảo quyền tự do kinh doanh… của DN. Nghị quyết số 19 của Chính phủ cũng là thúc đẩy giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tất cả những điều này, là những cải cách, theo tôi, mười mấy năm qua mới đạt được. Nó sẽ tạo động lực mới cho kinh doanh, đầu tư và tôi tin sẽ đem lại những thay đổi về chất cho kinh tế VN thời gian tới.
Về đối ngoại, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký và sẽ ký kết trong thời gian tới như FTA với EU, Hàn Quốc, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... sẽ tạo nhiều nhiều cơ hội cho các DN nội địa. Ngoài ra, yếu tố về giá dầu giảm nhìn toàn cục sẽ có tác dụng tốt cho kinh tế VN.
* Theo ông, xu hướng giải thể, phá sản các dn có còn tiếp diễn?
- Tôi nghĩ là xu hướng giải thể, phá sản DN sẽ giảm dần. Lãi suất đang trong xu hướng giảm, các chi phí đầu tư, kinh doanh giảm thì cơ hội kinh doanh của DN nhiều hơn. Năm 2015 sẽ phục hồi phần nào sức lực của cộng đồng DN đã bị hao mòn trong những năm khó khăn nhất như các năm 2008 - 2009 đến nay. Việc cải cách khối DN nhà nước, năm 2014 đã làm khá mạnh nhưng nếu năm 2015 làm quyết liệt hơn cũng sẽ đem lại nhiều yếu tố thay đổi tích cực. Nếu tổ chức tốt thị trường mua bán nợ, tập trung giải quyết thì nợ xấu, sở hữu chéo trong ngân hàng sẽ giảm dần. Kinh tế có nhiều thuận lợi như vậy nhưng nhìn chung, để trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh 7 - 8% như trước đây thì còn phải quyết tâm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa và nếu chúng ta tận dụng, cởi trói cho sản xuất, kinh doanh, chúng ta còn có cơ hội, còn dư địa để đạt mức tăng trưởng này.
-----------------------