Nông nghiệp châu Á đấu Âu - Mỹ
Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa châu Á đang hướng tới những thị phần thực phẩm và nông sản có tiềm năng...
Hơn một thế kỷ qua, thị trường lương thực toàn cầu nằm trong vòng “cương tỏa” của bốn đại gia lâu đời của Mỹ và châu Âu thường được gọi là nhóm ABCD gồm Archer Daniels Midland (ADM), Bunge, Cargill và Louis Dreyfus Commodities.
Nhưng nay châu Á đã và đang giành lại thị phần với nhóm NOW, tên gọi tắt của ba doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore và Hong Kong là Noble, Olam và Wilmar.
Tờ Financial Times dẫn nguồn thống kê của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Dealogic, năm 2014, tổng giá trị hợp đồng đã ký của nhóm NOW là 4,5 tỉ USD, tăng đáng kể so với mức 411 triệu USD năm ngoái.
Hồi đầu năm 2014, Wilmar, tập đoàn của doanh nghiệp người Malaysia có trụ sở tại Singapore, cũng đã thâu tóm một phần cơ sở sản xuất trị giá 1,14 tỉ USD của Goodman Fielder, tập đoàn sản xuất kinh doanh thực phẩm hàng đầu Úc.
Chuyên gia Rohit Chatterji, phụ trách lĩnh vực sát nhập và thâu tóm của các công ty ở khu vực châu Á tại Hãng JPMorgan, nhận định: “Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa châu Á đang hướng tới những thị phần thực phẩm và nông sản có tiềm năng khuếch trương tại những khu vực mà khách hàng truyền thống đang quay lưng với các doanh nghiệp chủ chốt của họ”.
Cả ba ông lớn Olam, Wilmar và Noble đều đang tập trung chiến lược kinh doanh vào các thị trường có nhu cầu lương thực lớn tại châu Á, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Đây là nguyên nhân thúc đẩy Noble bán tới 51% cổ phần của Noble Agri cho Tập đoàn thực phẩm Cofco (Trung Quốc).
Thương vụ trị giá 1,5 tỉ USD này là giao dịch thương mại lớn thứ hai về thực phẩm tại nước ngoài của Trung Quốc được ký kết năm qua. Theo đó, thông qua Noble Agri, Tập đoàn Noble sẽ trực tiếp đưa hàng hóa nông sản và thực phẩm vào Trung Quốc mà không phải qua các nguồn trung gian như trước.
Còn với Tập đoàn Olam, tổng giám đốc Sunny Verghese cho biết doanh nghiệp của ông không tập trung vào lúa gạo và đậu nành mà đi vào các dòng sản phẩm nhỏ hơn như hạt điều. Olam hiện có chi nhánh tại 19 quốc gia.
Cũng như Olam kinh doanh thêm bột cacao bên cạnh các sản phẩm chính là cà phê, các loại hạt, tương cà chua và các sản phẩm bơ sữa, Wilmar cũng thêm vào đường khi vẫn giữ vị thế hàng đầu thế giới về dầu cọ.
Năm 2010, Tập đoàn Wilmar đã thâu tóm Công ty Sucrogen của Úc và đang ngày càng khuếch trương trong sản xuất và kinh doanh đường. Tháng 2 năm nay, Wilmar đã tiến vào thị trường Ấn Độ - quốc gia có hạng thế giới về sản xuất đường - với một lượng cổ phần khiêm tốn của Công ty Shree Renuka.
-------------------------
Doanh nghiệp vay USD bị đe dọa kép
Doanh nghiệp châu Á từng sử dụng những khoản vay USD giá rẻ trong quá khứ đang đối mặt với mối đe dọa kép: phải trả lãi cao hơn trong khi lợi nhuận lại thâm hụt.
Những năm gần đây khi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lãi suất thấp, các ngân hàng liên tiếp tung ra hàng loạt khoản vay tỉ USD cho các công ty châu Á. Nay đến lúc "cỗ máy tăng trưởng châu Á" Trung Quốc suy yếu, gánh nặng của các công ty đó ngày càng căng thêm.
Tăng trưởng kinh tế giảm đang khiến lợi nhuận thâm hụt, nhưng họ vẫn cần lượng tiền địa phương nhiều hơn để trả lãi các khoản vay bằng đồng USD.
WSJ nhấn mạnh những thách thức trên đặc biệt ám ảnh các doanh nghiệp Đông Nam Á - nơi rổ tiền tệ đang rơi giá nhanh nhất.
Trong tháng 12-2014, Ngân hàng Indonesia buộc phải bảo vệ đồng rupiah khi nó rơi tự do xuống mức chưa từng có so với USD kể từ khủng hoảng năm 1998. Đồng ringgit Malaysia so với USD trong tuần này cũng hạ đến mức sàn năm năm, đồng baht Thái cuối năm 2014 đóng cửa thấp hơn.
Ngay cả rupee Ấn Độ - đồng tiền tốt nhất trong rổ tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi - cũng giảm 2% so với USD trong năm vừa qua.
Đã thấy rõ dấu hiệu cho thấy các khoản nợ xấu đang tăng lên. Cụ thể, nợ xấu năm 2014 của bốn ngân hàng lớn nhất Thái Lan tăng lên 2,8% dư nợ cho vay - từ mức 2,6% cuối năm 2013. Ngân hàng Trung ương Indonesia ước tính nợ xấu cuối năm 2014 đã tăng lên 2,4% từ 1,8% cùng kỳ năm ngoái.
WSJ cho rằng dù cả ngân hàng và người đi vay đều biết những biến động ngoại hối nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phòng vệ đầy đủ.
Nhiều công ty Trung Quốc gặp vấn đề với các khoản vay USD của họ, chủ yếu do tác động từ tăng trưởng giảm nhịp. Tính đến cuối tháng 9-2014, nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 766,9 tỉ NDT (123,7 tỉ USD).
Giới phân tích cho rằng các khoản vay trong ngành bất động sản, sản xuất thép và ngành sản xuất nói chung đặc biệt nguy hiểm.
-------------------------
Giá gạo Việt Nam bán qua Philippines dự báo giảm?
Reuters trích nhận định từ các nhà buôn hôm 7-1, cho rằng khả năng giá gạo Việt Nam đầu năm 2015 sẽ thấp hơn mức đã thiết lập giá bán hồi cuối năm 2014.
Tháng trước, cơ quan thu mua thóc gạo Philippines đã cho phép các thương nhân tư nhân nhập 187.000 tấn gạo trước ngày 28-2.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7-7,5 triệu tấn gạo trong năm 2015. Philippines - khách hàng lớn thứ II của Việt Nam, sau Trung Quốc, sẽ nhập 1,5-2 triệu tấn gạo trong năm nay.
Hôm 31-12-2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết các nhà xuất khẩu đã bán gạo 5% tấm cho các nhà nhập khẩu Philippines với giá 385 USD/tấn (giá FOB tại (cửa xuất khẩu) cảng Sài Gòn). Giá sàn loại gạo 10% tấm là 375 USD/tấn và loại 15% tấm là 365 USD/tấn - tất cả đều có hiệu lực từ ngày 1 đến 31-1-2015.
Trước đó, Hiệp hội đã định giá xuất khẩu loại gạo 25% tấn là 380 USD/tấn vào ngày 25-11-2014.
"Giá xuất khẩu sang Philippines hiện đang thấp hơn giá sàn trước đó, vì thế nó có thể trở thành chuẩn giá mới cho các đơn hàng sau", một nhà buôn Việt Nam nói.
Reuters trích lời các thương nhân cho biết gạo 5% tấm tuần này có giá FOB là 380-390 USD/tấn - nới rộng mức dao động từ 385-390 USD/tấn trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, bất chấp tình hình vắng người mua và cổ phiếu duy trì mức thấp.
Sau khi xuất được khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2014, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7-7,5 triệu tấn gạo trong năm 2015, chủ yếu cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến Philippines - khách hàng mua gạo lớn thứ II của Việt Nam, sau Trung Quốc - sẽ nhập từ 1,5-2 triệu tấn gạo Việt Nam trong năm nay.
-------------------------