Thống đốc Bình: Một số ngân hàng bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn
"Trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN”, Thống đốc kết luận.
Dư luận đang theo dõi phiên xử phúc thẩm bầu Kiên và những đồng phạm về những liên quan trong sai phạm lĩnh vực ngân hàng. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lên quan tới sai phạm trong ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay: tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng cũng có những diễn biến với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.
Theo đánh giá của Thống đốc NHNN, có 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc tham nhũng, sai phạm trong ngành ngân hàng thời gian qua.
Thứ nhất, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức tín dụng.
Thứ hai, do thời kỳ trước năm 2011, các tổ chức tín dụng chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư lớn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, đầu tư tài chính, vi phạm các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng và các quy định an toàn hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, hoạt động ngân hàng phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa công nghệ, tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi đó việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Công tác thanh tra, giám sát còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thứ tư, một bộ phận cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ có nơi có lúc còn làm chưa tốt dẫn đến sai phạm. Tại một số đơn vị ngân hàng, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quan tâm và triển khai quyết liệt những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm một cách có hiệu quả.
Thứ năm, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng (TCTD) còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
“Một số TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn (vượt giới hạn an toàn) và rủi ro cao cho TCTD. Những sai phạm xảy ra ở một số TCTD còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của TCTD buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền...”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, phương tiện chống lại tội phạm tấn công từ ngoài vào của các ngân hàng còn hạn chế do hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ của một số TCTD hiện nay còn nhiều bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao chưa được cảnh báo kịp thời.
“Có thể thấy, trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN”, Thống đốc kết luận.
Do đó, với những cá nhân có sai phạm trong ngành ngân hàng, NHNN đã xử lý và yêu cầu các TCTD có biện pháp xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự được NHNN kịp thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật. Điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương...
-------------------------
Đằng sau việc Saudi Arabia giảm giá bán dầu
Quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia vừa tuyên bố giảm giá dầu thô bán cho Mỹ và các khách hàng châu Á. Đây có thể là nỗ lực tiếp theo của nước này nhằm bảo vệ thị phần giữa lúc giá dầu quốc tế lao dốc chóng mặt.
Theo tin từ tờ Wall Street Journal, Saudi Arabia quyết định giảm giá dầu cho khách hàng chỉ 1 tuần sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuyên bố giữ nguyên sản lượng khai thác thay vì giảm sản lượng để đẩy giá lên. Saudi Arabia là nước sản lượng dầu lớn nhất và ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC.
Phản ứng trước động thái trên của OPEC, giá dầu thô Brent tại thị trường London hôm qua (4/12) đóng cửa giảm 0,4% còn 69,64 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2010. Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã giảm 37%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York chốt phiên giảm 0,8%, còn 66,81 USD/thùng, nhưng vẫn cao hơn mức đáy của 5 năm thiết lập hôm 28/11.
Hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco Oil tuyên bố giảm giá bán chính thức tất cả các loại dầu cho khách hàng châu Á trong tháng Giêng tới. Mức giảm dao động từ 1,5-1,9 USD/thùng so với giá của tháng 12. Cùng với đó, Saudi Aramco giảm giá dầu bán cho Mỹ từ 0,1-0,9 USD/thùng.
Nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank nhận xét, đợt giảm giá dầu này của Saudi Arabia cho châu Á “báo hiệu cho một vòng đấu giành thị phần tiếp theo”. Còn việc giảm giá dầu cho Mỹ, theo ông Fritsch, giống như “một lời tuyên chiến với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”.
Trái với việc giảm giá dầu cho khách Mỹ và châu Á, Saudi Aramco tăng giá dầu bán cho khách hàng Bắc Âu và Địa Trung Hải từ 0,2-0,5 USD/thùng. Saudi Aramco thiết lập giá dầu bán cho khách hàng dựa trên giá chuẩn (benchmarks) của thị trường dầu khu vực. Mức giá mà công ty này đưa ra cho khách mua tại các khu vực khác nhau là khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu tại từng khu vực.
Theo một số nguồn tin thân cận, trong cuộc họp OPEC hôm 27/11 vừa qua, Saudi Arabia lập luận rằng, nếu giảm sản lượng, nhóm này sẽ để mất thị phần vào tay các nước ngoài khối, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu đã phiến của Mỹ. Mới tháng trước, Aramco đã giảm giá dầu bán cho khách Mỹ và việc giảm này cũng được cho là nhằm mục đích giữ thị phần.
Saudi Arabia cho rằng, giá dầu sắp tới có thể giữ ổn định ở ngưỡng 60 USD/thùng, mức giá mà cả nước này và các quốc gia vùng Vịnh khác có thể “chịu được”. Điều này cho thấy, Saudi Arabia sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian trước mắt, cho dù giá dầu có giảm sâu hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Kuwait, ông Khalifa Hamada, hôm qua cho biết, nước này có thể sẽ lên kế hoạch ngân sách năm 2014-2015 dựa trên mức giá dầu trong khoảng 55-60 USD/thùng.
---------------------
Tiền “chảy” vào bất động sản, thị trường sẽ có “sóng” lớn?
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản đang đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình.
Dòng tiền đói kênh đầu tư
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sau 1 tháng giảm trần lãi suất tiền gửi từ 6%/năm xuống 5,5%/năm (áp dụng từ 29/10), huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, tính đến 27/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Tiền gửi tiếp tục tăng tốt khiến thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Huy động tiền đồng tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy, gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, điều này cũng cho thấy, dòng tiền đang đói kênh đầu tư.
Dù dòng tiền vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, song nhiều chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất thấp và đang có xu hướng giảm tiếp như hiện nay, khả năng thời gian tới dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển hướng sang những kênh đầu tư khác có mức lợi nhuận cao hơn.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình.
Số liệu mới nhất cho thấy, qua thống kê 9 tháng đầu năm 2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng tới 10,8% so với đầu năm - mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống (xấp xỉ 7%) và so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản bình quân giai đoạn 2011-2013 (7,2%/năm).
Tính đến cuối tháng 9/2014, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt 1,224 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Tín dụng “chảy” vào bất động sản: Có đáng lo?
9 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản đã tăng trưởng gần 11%, tương đương khoảng 290.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, vượt mức cao nhất trước đây đạt được là 280.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tín dụng sẽ tiếp tục “chảy” vào bất động sản, nhất là khi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực 1/2/2015 do hệ số rủi ro được giảm từ 250% xuống còn 150% khi cho vay bất động sản và chứng khoán.
Điều này có nghĩa, nếu ngân hàng có 100 đồng vốn điều lệ và hệ số an toàn vốn (CAR) là 9% và hệ số 250% thì ngân hàng chỉ có thể cho vay ra 40 đồng, nhưng với hệ số 150% thì ngân hàng được cho ra 67 đồng. Nguyên do là hệ số rủi ro càng cao thì số tiền cho vay càng thấp vì phải trích lập dự phòng cao.
Giới chuyên gia cho rằng, việc kéo hệ số rủi ro xuống 150% đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách gỡ khó cho thị trường bất động sản. Thực tế, nền kinh tế sẽ khó phục hồi nếu thị trường bất động sản khó phục hồi. Những cũng có ý kiến cho rằng, liệu tín dụng đổ vào bất động sản như vậy có đáng lo không?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản như vậy là tích cực. Thực tế, bản chất tín dụng chảy vào thị trường bất động sản thời điểm trước năm 2011 và thời điểm này là khác nhau.
“Trước đây, bất động sản được định giá gấp đôi, gấp ba giá trị thực và các ngân hàng vẫn ồ ạt đầu tư vào. Đến khi bong bóng bất động sản vỡ ra khiến nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ bị mất thanh khoản. Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản thời điểm đố cũng theo kiểu sẵn sàng cho vay giới đầu cơ bất động sản với kỳ vọng kiếm lời ngắn hạn từ bong bóng giá nhà đất.
Đến khi thị trường đóng băng khiến nhiều ngân hàng đã phải trả giá cho bài học liều lĩnh của mình, thậm chí có ngân hàng buộc phải hợp nhất, sáp nhập để tồn tại, cứu nguy thanh khoản”, ông Hiếu bình luận.
Cũng theo ông Hiếu, tín dụng bất động sản hiện tại khác với trước. Ngân hàng đã thấm nhuần bài học từ những năm trước và việc cho vay bất động sản và tín dụng bất động sản cũng thực hơn với nhu cầu thị trường. Có nghĩa, khi cho vay ngân hàng tính đến rủi ro nên rất cân nhắc, vì vậy, sẽ cho vay với nhu cầu mua nhà thật.
Trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng hồi năm 2011 là đến từ thị trường bất động sản.
“Sở dĩ ngành ngân hàng bị rơi vào khủng hoảng năm 2011 là vì trước đó, ngành ngân hàng đưa tín dụng ra thị trường quá cao. Thực tế tín dụng chỉ nên tăng từ 15 - 17% là hợp, nhưng có những năm tín dụng tăng đến 35 - 37%. Cho nên vốn chảy từ trong ngân hàng ra thị trường quá lớn nhưng không phải vào sản xuất mà phần lớn những dòng vốn ấy lại đổ vào những lĩnh vực nóng sốt như chứng khoán, bất động sản. Khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ sang Châu Âu thì ngành tài chính của Việt Nam bị ảnh hưởng”, ông Quý phân tích.
Và có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy rủi ro này, nên đã ban hành Thông tư 13, điều đáng chú ý là hệ số rủi ro đối với các khoản vay nâng lên 250%. Cùng với Thông tư 13 là sự siết chặt các qui định cho vay và giảm tỷ trọng xuống ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trước thời điểm 2011.
Động thái siết vốn ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản cũng với lãi suất cho vay thời điểm đó cao, khoảng 22%/năm đã đẩy ngành bất động sản vào khó khăn, thanh khoản thị trường đông cứng. Không ít ý kiến nhận định các ngân hàng bị khủng hoảng do đầu tư quá nhiều vào bất động sản với kỳ vọng kiếm lời cao từ bong bóng giá nhà đất được thổi lên bởi giới đầu cơ…
Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 % -14%, trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta chỉ có thể đạt tăng trưởng dao động từ 12% đến 13%, chứ khó có thể đạt được tối đa 14%. Đây là đã tính đến việc các doanh nghiệp tăng cường vay vốn cho kế hoạch cuối năm và các ngân hàng nới rộng các điều kiện cho vay, không sợ sệt vay các khoản có nguy cơ phát sinh nợ xấu như bất động sản, vay tiêu dùng…”.
Tuy nhiên, theo TS.Hiếu: “Tín dụng tăng trưởng 12% hay 14% sẽ không có nghĩa khi có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn, nó càng không có nghĩa khi các ngân hàng sợ không dám cho vay mà tập trung mua trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khiến lượng vốn không được đưa ra sản xuất, không đến đúng nơi cần…”.
------------------------