Bất ngờ tăng mạnh ngay từ tháng 2/2015, tín dụng đang diễn biến trái với quy luật thông thường. Tuy sự phục hồi này là đáng mừng, song đã có những cảnh báo về sự quay lại của tín dụng nóng.
Tín dụng bất ngờ hồi phục
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2/2015, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng 0,96%. Còn theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tính đến hết tháng 2/2015, tín dụng đã tăng trưởng trên 1%. Đây là những con số khá bất ngờ, bởi tín dụng tháng 2 mấy năm gần đây đều tăng trưởng âm, trong đó, tháng 2/2014, tín dụng giảm tới 1,67%.
Trước đó, trong tháng 1/2015, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tín dụng giảm 0,5%, giống như quy luật thông thường mấy năm gần đây.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải, sở dĩ tín dụng tăng trưởng dương ngay từ tháng 2/2015 vì doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. Mặt khác, Tết năm nay rơi vào tháng 2 Dương lịch, nên nhu cầu vay vốn cũng tăng mạnh.
Các ngân hàng cũng tỏ ra lạc quan với tín dụng năm nay. Ông Rahn Wood, Giám đốc Dịch vụ bán lẻ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, theo nhiều dự báo, kinh tế sẽ ấm lên trong năm nay, do vậy, VIB kỳ vọng tín dụng trong năm 2015 tiếp tục tăng trưởng tốt.
Một liều “thuốc kích thích” với tín dụng là mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp và ổn định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm thêm 1 - 1,5% lãi vay trung và dài hạn. Quy định mới cũng cho phép ngân hàng được sử dụng tới 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (trước đây, tỷ lệ này là 30%).
Thực tế, tín dụng phục hồi năm 2015 là điều được dự đoán từ trước, do lãi suất thấp, giá dầu giảm, kinh tế có dấu hiệu phục hồi… Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của VietinBank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, cầu tín dụng sẽ tăng lên trong năm nay.
Dè chừng tăng tín dụng để “lấp” nợ xấu
Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tín dụng tăng là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tín dụng tăng vọt trở lại sẽ đẩy ngân hàng vào nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất của việc sống dựa quá nhiều vào tín dụng là nợ xấu. Bên cạnh đó, không loại trừ một số ngân hàng “kích” tín dụng ảo để “che” nợ xấu.
Năm 2014, thị trường đã chứng kiến nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, cùng với đó là tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong bối cảnh xử lý nợ xấu chung của toàn khối ngân hàng vẫn nan giải. Dù nợ xấu nhiều ngân hàng công bố chỉ 1 - 2%, song theo các chuyên gia, nếu các ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức bình quân của toàn hệ thống (14%) thay vì 30 - 50%, thì nợ xấu sẽ đội lên gấp đôi, gấp ba.
TPBank được xem là trường hợp tăng tín dụng và giảm nợ xấu ngoạn mục nhất. Trong năm qua, tín dụng của ngân hàng này tăng tới 50%, đưa nợ xấu giảm chỉ còn 1%.
Một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, như NamA Bank, VPBank. Hai ngân hàng này vẫn còn giấu kín báo cáo tài chính quý IV, song kết quả tăng trưởng tín dụng quý III của hai nhà băng này tăng 32 - 35%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tín dụng tăng trưởng 30 - 50% sẽ có nguy cơ dẫn đến tăng trưởng nóng mà hệ thống ngân hàng từng nếm trải và đang phải giải quyết hậu quả. Vì vậy, các ngân hàng không nên mở quá rộng tín dụng, mà thay vào đó, cần triển khai mạnh các mảng dịch vụ để đưa hoạt động ngân hàng vào chiều sâu và giảm bớt rủi ro.
Thực tế cho thấy, tín dụng tăng trưởng cao cũng chưa hẳn tốt cho nền kinh tế, nhất là khi vốn đó là “ảo” và hoàn toàn không có tác dụng với nền kinh tế. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% trong năm nay không phải là để phấn đấu đạt được, mà là để hạn chế tín dụng chỉ tăng ở mức này.
“Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng từ trước tới nay đến từ tăng tín dụng là chính. Vẫn biết tín dụng là quan trọng, nhưng phải ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn, chứ nếu chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng mà không phát triển dịch vụ ngân hàng, thì không thể phát triển bền vững được”, Thống đốc nhận định.
------------------
Khi Trung Quốc xuất khẩu 'bom nổ chậm' ra thế giới
Khi mà nền kinh tế thế giới đang suy trầm và hàng hóa xuất khẩu thông thường giảm đi thì Trung Quốc lại đang nghĩ đến một món hàng mới: các nhà máy điện hạt nhân "made in China", một món hàng xuất khẩu đang khiến cả thế giới lạnh gáy.
"Nếu như các nước khác xuất khẩu những thứ tốt nhất của họ, thì người Trung Quốc lại xuất khẩu thứ tệ nhất”, câu nói nổi tiếng được truyền miệng trong giới phân tích đầu tư trong những năm qua để ám chỉ tình trạng xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và có hàm lượng công nghệ thấp của Trung Quốc.
Khi mà nền kinh tế thế giới đang suy trầm và hàng hóa xuất khẩu thông thường giảm đi thì Trung Quốc lại đang nghĩ đến một món hàng mới: các nhà máy điện hạt nhân Made in China, một món hàng xuất khẩu đang khiến cả thế giới lạnh gáy, vì nó chẳng khác gì những quả bom nổ chậm.
Có lẽ, sai lầm lớn nhất của các cơ quan năng lượng nguyên tử hay các nhà soạn thảo các hiệp định thương mại thế giới trong những năm qua chính là việc chấp nhận cho Trung Quốc ký thỏa thuận toàn cầu cho phép nước này xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của nó ra toàn thế giới.
Nhiều người khi biết tin đã ví đây không khác gì một hiệp định phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tràn lan khắp toàn cầu, đơn giản là vì với tính năng an toàn mong manh của công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc thời điểm hiện tại việc cho phép nước này xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên khắp thế giới là một điều quá nguy hiểm.
Ngay bản thân các chuyên gia Trung Quốc cũng tỏ ý hoài nghi về việc năng lực hiện nay của ngành điện hạt nhân nước này có thể đáp ứng được việc xây dựng các lò phản ứng đúng tiêu chuẩn hay không. “Điểm yếu chết người của chúng tôi là tiêu chuẩn quản lý không đủ cao. Có một khoảng cách lớn giữa các tiêu chuẩn của chúng tôi với tiêu chuẩn của thế giới”, Xu Lianyi, một chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn nhà máy điện hạt nhân trung ương Trung Quốc cho biết.
Trong hầu hết tất cả các ngành công nghệ cao của Trung Quốc hiện nay, tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn được áp dụng vẫn đang thấp hơn so với các tiêu chuẩn an toàn trên thế giới khá nhiều. Việc thiếu những tiêu chuẩn cần thiết trong một lĩnh vực nguy hiểm như điện hạt nhân vì thế có thể đồng nghĩa với những hiểm họa khôn lường một khi để các công ty Trung Quốc bắt tay vào xây dựng.
Có lẽ người Trung Quốc cũng ý thức được điều này nên hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đang được vận hành ở nước này đều được thiết kế và xây dựng bởi các tập đoàn hàng đầu quốc tế chứ không mạo hiểm sử dụng các bản thiết kế và khả năng xây dựng của các tập đoàn trong nước.
Điều tương tự cũng diễn ra ở một lĩnh vực công nghệ cao khác là đường sắt cao tốc, khi kể từ sau vụ tai nạn tàu cao tốc khủng khiếp ở Ôn Châu năm 2011, chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ những cản trở để cho phép các tập đoàn nước ngoài được phép đấu thầu vào các dự án xây dựng đường sắt cao tốc mới. Kinh nghiệm đang cho thấy các tiêu chuẩn công nghệ của các tập đoàn phương Tây đang cao hơn và giá thành cũng rẻ hơn so với sản phẩm của các tập đoàn giao thông Trung Quốc.
Chính vì thế, cả thế giới rùng mình khi biết tin Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với lò phản ứng lớp Hualong 1 cho Argentina như bước khởi đầu cho hành trình tiến quân ra thế giới của các tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc. Không rùng mình sao được khi mà độ an toàn của loại lò phản ứng hạt nhân Made in China này vẫn là một dấu hỏi, và nhất là khi cũng chưa có lò phản ứng hiệu Hualong 1 nào được xây dựng trước đó để làm mẫu.
Ngay cả ở Trung Quốc, dự án xây dựng lò phản ứng Hualong 1 đầu tiên ở tỉnh Phúc Kiến có thể sẽ không hoàn thành ít nhất là trước năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ không thể dám chắc về độ an toàn của mẫu lò Hualong 1 cho đến trước năm 2020, và Argentina có vẻ như đang trở thành một con chuột bạch để làm thí nghiệm cho sự an toàn của một mẫu lò phản ứng đầu tiên của người Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh đã hứa sẽ áp dụng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho mẫu lò Hualong 1, nhưng cái cách mà Trung Quốc vội vã ký thỏa thuận xây dựng với Argentina đang khiến cả thế giới nghi ngờ, đơn giản là vì cách đảm bảo rõ ràng nhất cho sự an toàn của Hualong 1 với toàn thế giới là chờ đến khi dự án ở Phúc Kiến hoàn thành và vận hành an toàn
Đằng này Trung Quốc lại lớn tiếng đảm bảo về độ an toàn và vội vã triển khai ở nước ngoài một công nghệ lò phản ứng hạt nhân chưa từng được triển khai hoàn thành dù chỉ là một dự án nào trước đó. Nhất là khi Argentina có vẻ như chấp thuận dự án này vì những ràng buộc kinh tế với Trung Quốc thay vì tin tưởng vào khả năng công nghệ của các tập đoàn điện hạt nhân nước này.
Sự lo ngại về độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Made in China đang tăng lên nhanh chóng trong xã hội và người dân Argentina, và các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng dự án này cũng sẽ bị hủy bỏ như những dự án đường sắt cao tốc trước đó của Trung Quốc ở Mexico hay Bolivia. Quả thực, làm sao có thể tin tưởng vào công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc khi mà chính các tập đoàn giao thông Trung Quốc đang phải chấp nhận cho các tập đoàn nước ngoài tràn vào các dự án đường sắt cao tốc ở nước này sau vụ tai nạn Ôn Châu.
Cũng tương tự như thế, làm sao có thể tin tưởng vào công nghệ thiết kế và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc khi hầu hết các lò phản ứng đang hoạt động ở Trung Quốc đều được thiết kế và xây dựng bởi các tập đoàn nước ngoài, còn mẫu lò phản ứng đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và xây dựng thì vẫn chưa làm xong.
Có lẽ, Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể hiện thực hóa giấc mơ về việc tiến ra thế giới của các tập đoàn điện hạt nhân của nước này. Và cũng giống như ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, phải đến khi ngành điện hạt nhân Trung Quốc đảm bảo được độ an toàn của các lò phản ứng trong nước thì nước này mới có thể nghĩ đến việc xuất khẩu công nghệ ra thế giới.
Khác với phần lớn các dự án xây dựng khác, điện hạt nhân thuộc loại dự án có độ nguy hiểm cao và hậu quả khó lường, vì thế đa phần các nước trên thế giới sẽ chọn một nhà thầu an toàn và chấp nhận chi phí cao thay vì tham giá bỏ thầu thấp vốn là một chiêu bài quen thuộc của các công ty Trung Quốc để giành lấy các hợp đồng lớn.
----------------------
Mua ngân hàng giá 0 đồng: Cứng rắn để ổn định
Nhiều ông chủ ngân hàng (NH) đã và đang đứng trước khả năng phải bỏ cuộc chơi. Các NH yếu kém không thể tự tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc mua lại với giá 0 đồng.
Đó có thể coi là sự cưỡng chế nhưng là cần thiết cho sự ổn định. Bước đi quyết liệt này buộc các ngân hàng phải nỗ lực tái cấu trúc, nếu không muốn bị liệt vào danh sách các mắt xích có khả năng gây đổ vỡ hệ thống.
Không thể mãi chờ sự tự giác
Sau một năm khá yên ắng trong lĩnh vực M&A ngân hàng, thị trường tài chính bất ngờ xôn xao trước việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng hồi cuối tháng 1/2015.
Đây cũng là “phát súng” đầu tiên báo hiệu cho một cuộc chiến mới - tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn hai, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
“NHNN có thể mua lại các ngân hàng như đã mua lại VNCB với giá cổ phiếu là 0 đồng. Không chỉ VNCB mà còn một số ngân hàng khác được xử lý như vậy thời gian tới. Sẽ có nhiều ngân hàng hợp nhất, sáp nhập. Các ngân hàng đang “khỏe mạnh” cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ trên Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hồi giữa tháng 2/2015.
Nhiều khả năng, sắp tới biện pháp này sẽ có thể được áp dụng cho một số ngân hàng khác. Đây là tiết lộ mới đây của một lãnh đạo NHNN về các kế hoạch tái cơ cấu các NH yếu kém trong 2015.
Đánh giá về vụ mua VNCB với giá 0 đồng, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ với PV. VietNamNet rằng, quyết định mua lại VNCB là một bước ngoặt trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
“Trong giai đoạn 2012-2014, NHNN đã để cho các ngân hàng tự tái cấu trúc, tự tìm đối tác cho mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, năm 2015 là lần đầu tiên NHNN mua lại toàn bộ một ngân hàng, nắm quyền sở hữu hoàn toàn một NHTMCP và giao cho một ngân hàng khác quản trị điều hành”.
Theo ông, đây là một bước ngoặt và là một bước đi phù hợp và cần thiết vào thời điểm cả nền kinh tế đang tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng cũng phải hoàn thành đề án tái cấu trúc trong năm nay.
“Mua lại VNCB với giá 0 đồng là minh chứng rõ nét cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. VNCB đã mất vốn, nợ xấu cao hơn vốn điều lệ nên việc mua lại thực chất là nhằm tránh đổ vỡ. Khách hàng được đảm bảo quyền lợi nhưng cổ đông tham gia góp vốn sẽ không còn quyền lợi bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Đây là điều bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, TS. Lực nhìn nhận.
Đánh giá về hướng đi mới của NHNN, TS. Trần Hoàng Ngân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing, cho rằng, trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống NH chưa hoàn tất, việc áp dụng mua lại bắt buộc ngân hàng âm vốn nhiều là lựa chọn đúng nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống.
Theo ông Ngân, các biện pháp mạnh hơn như áp dụng phá sản ngân hàng âm vốn lớn/yếu kém có thể áp dụng từ năm 2016 trở đi, vừa giúp lành mạnh hóa thị trường, vừa tránh tình trạng tâm lý ỷ lại.
Cưỡng ép để ổn định
Trao đổi gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định cam kết xử lý tái cấu trúc từ 7 đến 8 ngân hàng trong năm 2015, thực hiện chiến lược thiết lập kỷ cương tài chính và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
“Một khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình, thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa và NHNN tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó”, ông Bình nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo TS. Lực, NHNN mới chỉ mua lại VNCB, còn các trưởng hợp khác đều trong quá trình tự tái cơ cấu, mua lại chỉ là một trong các phương án trong trường hợp ngân hàng này không tự thực hiện được.
Theo ông Lực, trên thế giới, có nhiều phương pháp để tái cơ cấu ngân hàng bao gồm: mua bán sáp nhập, phá sản... rồi mới đến việc nhà nước mua lại. NHNN đã làm khá thận trọng, cho phép các ngân hàng thương mại tự tái cấu trúc và cho đến khi không thể tự xử lý thì mới vào cuộc.
Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý không để ngân hàng phá sản nhằm tránh xảy ra đổ vỡ dây chuyền, tạo ra sự ổn định trong hệ thống và cũng bởi bảo hiểm tiền gửi theo quy định hiện hành còn quá thấp, 50 triệu đồng/người.
Trả lời báo chí tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 ngày 2/3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định, trong quá trình tái cơ cấu, cơ quan này có thể trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo các NHTMCP. Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN cũng đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đó là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống.
Quyết liệt trong tái cơ cấu, và “dù thế nào đi nữa thì chắn chắn NHNN sẽ không để một ngân hàng nào phá sản”.
Trong diễn biến mới nhất để củng cố VNBC, NHNN đã chính thức công bố việc đưa NHCP này thành mô hình công ty TNHHMTV nhà nước, điều động một loạt nhân sự, xây dựng các cơ chế và nhất là tuyên bố rõ ràng về việc bơm vốn cũng như lộ trình cần thiết để ngân hàng này ổn định là lành mạnh trở lại. Điều này là thông điệp thực tế về tái cơ cấu NH 2015 của NHNN.
---------------------