Thương vụ mua siêu thị Metro Việt Nam nguy cơ bất thành
Nỗ lực mua lại Metro Việt Nam của Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) vấp phải sự phản đối của nhóm cổ đông thiểu số vì họ lo ngại rủi ro tài chính và pháp lý.
Trong đại hội bất thường hôm qua (8/1) tại BJC, gần 88,5% cổ đông thiểu số tham gia đã bỏ phiếu không thông qua thương vụ mua lại Metro Việt Nam. Trong khi đó, TCC Holding - cổ đông lớn nhất - được coi là cổ đông có quyền lợi liên quan (do trực tiếp đề xuất thương vụ và tham gia đàm phán) và không được bỏ phiếu trong cuộc họp này.
Tháng 8 năm ngoái, BJC đã đồng ý mua Metro Cash & Carry Việt Nam - mảng hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức). Cả hai sau đó cũng chấp thuận điều khoản thanh toán bổ sung vào tháng 10.
Theo đó, BJC sẽ phải đưa chứng thư bảo lãnh (letter of guarantee) trị giá 655 triệu euro cho bên bán trong 2 ngày làm việc kể từ khi nộp giấy tờ lên Chính phủ Việt Nam để sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư. Nếu Chính phủ yêu cầu có bằng chứng thanh toán trước khi sửa đổi, BJC sẽ phải chuyển trước cho Metro Vietnam 655 triệu euro vào tài khoản.
Trên Bangkok Post, Weerawong Chittmittrapap - một lãnh đạo BJC cho biết công ty có thể phải chi 1,31 tỷ euro để hoàn tất việc mua lại. "Nếu các cổ đông bỏ phiếu ủng hộ thương vụ này theo điều khoản bổ sung, BJC sẽ gặp rất nhiều rủi ro tài chính". Công ty có thể phải vay tới 40,52 tỷ baht và tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần sẽ tăng lên 1,99.
JayDee Partners - một cố vấn tài chính độc lập cho BJC cũng cho biết thương vụ mua Metro Việt Nam theo điều kiện bổ sung là không phù hợp, do sẽ làm nảy sinh rủi ro và các ảnh hưởng tiêu cực cả về tài chính và pháp lý với BJC. Nếu BJC không thể có nguồn tài chính cần thiết để tham gia thương vụ, họ sẽ gặp rắc rối pháp lý do không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của nhóm cổ đông thiểu số, ông Weerawong cho biết TCC Holding sẽ tiếp tục đàm phán với Tập đoàn Metro về việc làm thế nào để thực hiện thương vụ hợp lý và thành công cho cả hai bên. "Nếu cả hai có thể giải quyết mọi chướng ngại và tiếp tục với các điều khoản công bằng hơn, TCC Holding có thể sẽ lại đưa vấn đề này vào các cuộc họp cổ đông tiếp theo của BJC", ông nói.
Nếu nhóm cổ đông thiểu số của BJC, trừ TCC Holding, bỏ phiếu chấp thuận thương vụ, BJC có thể tiếp tục. Nhưng nếu họ lại bác bỏ, TCC Holding sẽ tiếp quản và tự tìm nguồn tài chính để mua Metro Việt Nam.
-------------------------
Không hoàn thuế với rượu, bia, thuốc lá tái xuất quá 365 ngày
Bộ Tài chính vừa yêu cầu cơ quan thuế, hải quan địa phương không thực hiện hoàn thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ tròn, gỗ xẻ tái nhập khẩu sau đó tái xuất trả chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba nhưng quá hạn 365 ngày kể từ ngày nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian gần đây có nhiều thông tin về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng trên.
Đối với trường hợp trong hạn 365 ngày, yêu cầu các Cục Hải quan, các Cục Thuế tỉnh, thành phố phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kiểm tra, thanh tra đầy đủ, chặt chẽ trước khi thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi nhập khẩu và khi tái xuất, xác nhận đầy đủ, chính xác về thủ tục, hồ sơ hải quan theo quy định.
-------------------------
Mexico áp thuế nhập khẩu 20% với gạo Việt Nam
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Mexico đã áp dụng biểu thuế nhập khẩu 20% với gạo và 9% với thóc có hiệu lực từ 9/1/2015.
Theo VFA, dù Mexico không phải là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, nhưng việc áp thuế trên có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu gạo trong năm 2015, đặc biệt khi đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu.
VFA cho biết, từ khi Mexico áp dụng chính sách tự do thương mại trong việc nhập khẩu lúa, gạo, diện tích trồng lúa, sản lượng trong nước giảm rất mạnh vì khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Hiện, giá nhập khẩu gạo của Mexico từ Việt Nam, Pakistan rẻ hơn giá nhập từ Mỹ 100 USD/tấn và thấp hơn giá sản xuất trong nước đến khoảng 200 USD tấn.
------------------------
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 24 tỷ USD
Ngày 9/1, Ban Quản lý chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia (Bộ Công Thương) và Cục Xúc tiến thương mại tổng kết hoạt động năm 2014.
Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng. Mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với hơn 24 tỷ USD, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có sự phục hồi, ước tăng trưởng ở mức 10,4% (năm 2013 là 3,5%). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,5 triệu USD.
-------------------------