Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hoạt động đổi tiền lẻ để ăn chênh lệch ở các đền chùa, lễ hội… hiện nay là trái với quy định tại Nghị định 96. Theo đó, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có đưa hoạt động đổi tiền lẻ vào quy định.
/
“Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay”, ông Tú cho biết.
Ông Tý cho hay, đây là năm thứ 3 NHNN thực hiện chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tết. Tuy nhiên, các loại tiền nhỏ (mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống) vẫn được các ngân hàng cung ứng, nhưng đó là những tiền cũ đủ điều kiện lưu thông.
Được biết, từ năm 2013, NHNN bắt đầu hạn chế không đưa tiền mệnh giá nhỏ, loại mới tinh vào lưu thông dịp tết vì thực tế hiện nay là tiền nhỏ lẻ đang được sử dụng không hợp lý tại các lễ hội, đình chùa… Việc làm này giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã công bố các con số cụ thể sau khi khảo sát ở 3 tỉnh, thành phố có nhiều đền chùa bao gồm: Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh, với con số cụ thể là: Năm 2013 khi không đưa tiền 500 đồng vào lưu thông đã tiết kiệm được (thông qua việc không in ấn, chi phí vận chuyển, bốc vác, bảo quản…) đã tiết kiệm được 94 tỷ đồng.
Năm 2014 không tin mới tiền mệnh giá 1.000 đồng - 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỷ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 thì năm 2014 đã tiết kiệm được 409 tỷ đồng.
Năm 2015 nếu không in tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỷ đồng.
Cộng dồn cả ba mệnh giá và sau 3 năm thực hiện, NHNN đã tiết kiệm được số tiền 1.084 tỷ đồng.
Cũng theo Phó thống đốc Tú, các năm trước việc xử phạt được thực hiện ở nơi có nơi không, nhưng năm nay, sau khi Nghị định 96 ra đời, hành vi này sẽ được xử lý nghiêm khắc. “Mức phạt 20 triệu - 40 triệu đồng sẽ đủ mạnh để răn đe các vi phạm này”, ông Tú nhận xét.
Theo đó, NHNN sẽ phối hợp chặt với quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý nhằm đảm bảo việc xử dụng đồng tiền Việt Nam đúng với chức năng vốn có của nó.
Về cung ứng tiền tại các máy ATM phục vụ người dân dịp Tết, để đảm bảo sự thông suốt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp quỹ kịp thời, chủ động lập kế hoạch phục vụ chi trả lương bằng tiền mặt cho doanh nghiệp tại các khu vực có ATM không đáp ứng kịp thời nhu cầu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cũng được giao theo dõi sát công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM trên địa bàn.
Cơ quan quản lý cũng xem xét cho một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho các ATM cố định, nhất là vào thời gian cao điểm.
“Lượng tiền mặt để cung ứng cho các ATM đã được cung ứng đầy đủ cho các thành phố, nhất là các nơi tập trung nhiều nhà máy công nhân”, ông Tú cho hay.
Số liệu do NHNN công bố cho thấy, tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có trên 79 triệu thẻ do 52 tổ chức phát hành. Song song với việc phát triển dịch vụ, trong năm 2014, các ngân hàng tiếp tục tích cực đầu tư, phát triển mạng lưới ATM/POS để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của khách hàng.
Đến hết tháng 11/2014, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là 15.931 máy. Số lượng POS cũng được phát triển đạt tới 167.943 máy góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của các ngân hàng.
Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt; mặc dù tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thường gia tăng mạnh, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng quá tải ATM.
---------------------------
"Tiểu thương" trên Facebook không phải đóng thuế
Nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 20/1, người bán hàng trên mạng xã hội như facebook sẽ phải kê khai và nộp thuế. Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 47 do Bộ Công thương ban hành. Theo Thông tư này, khi cá nhân thiết lập một gian hàng để tiến hành bán hàng trên các mạng xã hội phải tuân thủ quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Người bán hàng cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như: tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cá nhân (nếu có) cho chủ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Đồng thời, người bán hàng cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; cung cấp tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
Mới đây, trên website chính thức của Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định, những người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội sẽ không phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Theo nguyên tắc luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội.
Như vậy, nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lí thuế.
Còn những cá nhân bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook sẽ không phải kê khai, nộp thuế.
Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2013 cho thấy, khoảng 73% người sử dụng Internet tại Việt Nam có truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 45% người sử dụng Internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. Con số này dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nắm bắt được trào lưu trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng thông qua mạng xã hội nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, Thông tư số 47 làm rõ hơn quy định của Nghị định số 52, yêu cầu các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (như liệt kê tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52) phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định này.
-----------------------------
Công trình trăm tỷ ngổn ngang sau 4 lần gia hạn
Dự án cầu - đường kinh phí hơn 160 tỷ đồng được khởi công cách đây 6 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, qua 4 lần gia hạn vẫn chưa thể hoàn thành. Cây cầu dở dang, hàng trăm hộ dân ngày ngày cược tính mạng với Hà Bá.
Tháng 6 năm 2009, dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được khởi công.
Ngay từ khi những khối đất đá đầu tiên được đổ xuống để xây dựng tuyến đường, hàng trăm người dân xã Nghĩa Hành, xã Phú Sơn đã khấp khởi vui mừng mong sớm có ngày từ giã cảnh đánh cược mạng sống với tử thần khi vượt đò qua sông để đến được trung tâm huyện Tân Kỳ.
Tuyến đường mới được xây dựng sẽ nối liền đường mòn Hồ Chí Minh vào thẳng trung tâm xã Phú Sơn. Tổng kinh phí của dự án được phê duyệt đến thời điểm hiện tại là 162 tỷ đồng. Bao gồm 18km đường và hệ thống cầu kiên cố. Dự kiến sau 32 tháng toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ dự án vẫn vô cùng ngổn ngang. Đặc biệt công trình cầu Phú Sơn - nút giao thông trọng yếu - vẫn chưa thể nối nhịp để phục vụ nhân dân theo như “lời hứa”.
Chị Nguyễn Thị Mai, một người dân tại đây, cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải ra khu vực trung tâm thị trấn để nhập hàng. Xe chở nặng nên mỗi lần lên đò gặp rất nhiều khó khăn. Có hôm xe tôi bị trượt rồi ngã cả người và hàng xuống sông may mà không sao. Người dân chúng tôi rất mong tuyến đường sẽ sớm hoàn thành để không còn phải khổ sở qua đò như thế này nữa”.
Có mặt tại bến đò Phú Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận có hàng trăm lượt người phải vất vả chen lấn nhau để có thể qua đò. Con đò cũ thiếu an toàn oằn mình sang sông.
Một cô giáo mầm non ở xã Nghĩa Hành mỗi ngày phải đều đặn qua đò hai lần để sang xã Phú Sơn dạy học chia sẻ: “Có hôm vừa lên đò thì cả xe lẫn người trượt xuống mép nước ướt hết cả. Tôi phải mang nguyên bộ quần áo ướt sũng tiếp tục đến trường để kịp giờ đón học sinh. Những ngày này còn đỡ chứ vào mùa mưa nước lớn lại chảy xiết nên cứ mỗi lần lên được con đò là chúng tôi đều nơm nớp lo sợ, chỉ đến khi sang được bờ bên kia mới giám chắc mình còn sống”.
Mùa mưa dòng nước sông chảy xiết đục ngầu, chuyến đò lại càng thêm chòng chành, vô cùng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân nên mỗi khi mưa lớn thì bến đò Phú Sơn tạm ngưng hoạt động. Con đường duy nhất vào xã bị cắt đứt vậy là hàng trăm hộ dân tại xã Phú Sơn bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Nhìn những chiếc trụ cầu đang được thi công dang dở, sắt thép ngổn ngang trên công trình, ông Hồ Công, một người dân tại đây đau xót: “Dự án thì thi công suốt 6 năm nay, dân chúng tôi ai nấy cũng mong cây cầu sớm được hoàn thành để có thể thuận tiện trong quá trình đi lại chứ ngày nào cũng phải qua đò như thế này chúng tôi khổ sở lắm”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Tân Kỳ, đại diện chủ đầu tư - cho biết: “Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn được khởi công từ tháng 6/2009. Với tổng kinh phí ban đầu là 117 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm nay kinh phí toàn bộ dự án đã lên đến 162 tỷ đồng do trượt giá... Hiện tại dự án đã được gia hạn 4 lần nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng theo như dự kiến”.
Cũng theo ông Đức, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ phần lớn là do năng lực nhà thầu trước đây là Công ty Contrexin 16 không đảm bảo, quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nguồn vốn cũng được cấp nhỏ giọt khiến dự án chậm so với tiến độ ban đầu.
Hiện tại để tháo gỡ và sớm đưa công trình vào hoạt động, chủ đầu tư đã kiên quyết cắt gói thầu số 1 và số 2 giao cho nhà thầu khác là Công ty TNHH Hoà Hiệp tại TP Vinh tiếp tục thi công. Đến thời điểm hiện tại nhà thầu mới đã hoàn thành cơ bản tiến độ theo cam kết với chủ đầu tư.
-----------------------