Chiếm đoạt trên 3,3 tỉ đồng, nguyên cán bộ UBND phường lãnh án
Tin Pháp luật đọc nhanh 18-09-2014
- Cập nhật : 18/09/2014
Khởi tố bổ sung vụ dùng nhục hình tại Phú Yên
Ngày 16.9, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can nguyên là điều tra viên Công an TP.Tuy Hòa về tội dùng nhục hình vì đã gây ra cái chết cho anh Ngô Thanh Kiều, trú xã Hòa Đồng, H.Tây Hòa, Phú Yên vào tháng 3.2012. Sau đó, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm với lý do chưa làm rõ hành vi các bị cáo cũng như trách nhiệm của ban chuyên án. Việc bổ sung quyết định khởi tố vụ án này được cho là nhằm xem xét trách nhiệm của ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng công an TP.Tuy Hòa.
-------------------------
Được ủy quyền xây bệnh viện, lừa đảo hàng chục tỉ đồng
Ngày 16-9, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Lê Bá Tùng, giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Quang Tấn
Lê Bá Tùng, giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Quang Tấn (Công ty Quang Tấn, đường Dương Bạch Mai, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Xác minh ban đầu của công an cho thấy, Lê Bá Tùng được một vị hòa thượng của một cơ sở Phật giáo tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ủy quyền cho phép “khai thác vốn bảo trợ, ưu đãi, tài trợ” và “điều hành, chọn các liên danh thi công, được quyền ký kết các hợp đồng xây dựng” để xây bệnh viện đa khoa 500 giường tại địa phương.
Mục đích của dự án chữa bệnh cho người nghèo. Trong năm 2012, lợi dụng giấy ủy quyền này, cùng một hạng mục thi công, Tùng đã ký giao cho nhiều công ty khác nhau và có dấu hiệu lừa đảo số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng là 1% trên tổng giá trị gói thầu.
Ví dụ tại gói thầu “khoa cấp cứu”, Tùng đã ký một lúc với hai công ty để lấy số tiền hơn 3 tỉ đồng hay cùng một gói thầu “Đông y- vật lý trị liệu”, Tùng ký giao một lúc cho ba công ty, lấy hơn 3 tỉ đồng...
Sau khi nhận tiền đảm bảo hợp đồng của các doanh nghiệp, Tùng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, tắt điện thoại.
Đến tháng 4-2014, một doanh nghiệp phát hiện Tùng đang ở Q.7, TP.HCM đã dẫn Tùng về làm việc với cơ quan công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đơn tố cáo của các doanh nghiệp là nạn nhân của Tùng, tổng cộng bị can đã lừa các doanh nghiệp số tiền hơn 11 tỉ đồng. Trong khi ban đầu làm việc với cơ quan công an, Tùng thừa nhận đã lấy tổng cộng 8,4 tỉ đồng.
-------------------------
Bịa chuyện trúng trầm để lừa tiền tỉ
Mặc dù gia đình Phan Thị Hoài My (ngụ xã Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) không có ai làm phu trầm nhưng My vẫn “nổ” vừa trúng bận trầm trị giá hàng trăm tỉ đồng để chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng của nhiều người.
Ngày 16-9, Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã bắt giữ My để điều tra hành vi lừa đảo này.
Theo điều tra ban đầu, đầu tháng 1-2014, My gặp anh HTL, nói chồng My vừa trúng bận trầm ở rừng Khánh Hòa, trị giá cả ngàn tỉ đồng nhưng chưa bán được. My đang cần tiền để vận chuyển số kỳ nam này, đồng thời đi cúng chùa và trả tiền bảo kê cho giang hồ. My còn hứa sẽ biếu anh L. 50 tỉ đồng để trả nợ và làm từ thiện. Tin lời, anh L. đồng ý cho My vay 50 triệu đồng. Khi anh L. hỏi My về khoản nợ thì My nói chưa bán được vì các đầu nậu không đủ tiền mua.
Để anh L. tin tưởng, My tìm mua ba mẩu trầm (giá 30 triệu đồng) đưa cho anh L. vào TP.HCM kiểm tra thật giả. Anh L. mang số trầm kiểm tra được xác định là hàng thật và đầu nậu trả giá 10-12 tỉ đồng/kg. Do đó anh L. càng tin là gia đình My đang sở hữu một khối trầm trị giá lớn. Tính đến tháng 6-2014, anh L. đã nhiều lần chuyển khoản cho My với số tiền hơn 955 triệu đồng. Sau nhiều lần yêu cầu My hoàn trả nợ cả gốc lẫn lãi không được, anh L. về tận quê tìm hiểu thì mới biết gia đình My không có ai làm phu trầm và cuộc sống rất khó khăn.
Cùng với thủ đoạn trên, My còn lừa mượn tiền của nhiều người để đi lễ chùa, chữa bệnh cho con và tiêu xài cá nhân. Công an huyện Đại Lộc thông báo những ai là bị hại của My hãy đến cơ quan điều tra trình báo, làm rõ vụ việc.
-------------------------
Cán bộ THA sắp ra tòa vì hối lộ
Ngày 16-9, cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Hương, thẩm tra viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Thanh Khê (Đà Nẵng), về tội môi giới hối lộ.
Theo kết luận, bà Ngô Thị Ngọc D. ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) là người được THA và bà nộp đơn yêu cầu THA. Sau đó Chi cục THADS quận Thanh Khê phân công chấp hành viên Hà Thị Thanh Nga giải quyết. Khi bà D. đến Chi cục THADS quận Thanh Khê gặp Hương nhờ giúp THA nhanh, Hương đồng ý. Hương nói lại với bà Nga về việc này và được bà Nga đồng ý với điều kiện phải có tiền mới làm.
Sau đó, ngày 22-1 Nga nói cần tiền để đi xác minh lại một số thông tin liên quan đến bản án nên bà D. đưa cho Nga 10 triệu đồng. Nga nhận tiền bỏ vào cốp xe nhưng nói chưa đủ nên “mượn” thêm 10 triệu đồng nữa. Tối 20-2, tại một quán cà phê, bà D. gặp Nga đưa 30 triệu đồng nhưng Nga chỉ nhận 10 triệu đồng gọi là khoản “ứng trước”. Bốn ngày sau, Nga nói với Hương là bà D. sẽ đưa 30 triệu đồng nên dặn vị thẩm tra viên này đến nhận tiền. Tối 24-2, khi Hương nhận số tiền 29 triệu đồng từ bà D. tại quán cà phê thì bị bắt quả tang.
Theo kết luận, Hương đã có hành vi môi giới, làm trung gian nhận tiền của bà D. Còn Nga đã nhiều lần gọi điện thoại và gặp bà D. bên ngoài cơ quan để nói chuyện về việc THA và nhận 49 triệu đồng nhưng tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh nên tách ra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý sau.
Còn bà D. có dấu hiệu đưa hối lộ nhưng là người bị ép buộc, chủ động tố giác, phối hợp với cơ quan điều tra nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
-------------------------
Đề nghị phạt tù nguyên lãnh đạo quản lý đường sông
Ngày 16-9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ sai phạm liên quan đến nguyên lãnh đạo Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10 (gọi tắt là Đoạn 10, thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ GTVT).
Theo hồ sơ, năm 2005 và năm 2007, Đoạn 10 đã ký ba hợp đồng kinh tế với một số đơn vị về việc nhận thiết lập hệ thống báo hiệu và điều tiết lưu thông thủy trong thời gian thi công các cầu Tân An 3, Bến Lức 3, Chợ Đệm 2, Thanh Hà, Rạch Tam và cầu Nguyễn Văn Cừ. Để thực hiện các hợp đồng này, từ năm 2005 đến năm 2011, hai bị cáo Bùi Duy Tâm và Vũ Văn Tâm (đều là nguyên giám đốc Đoạn 10) với sự giúp sức của Nguyễn Hải Tùng và Lê Huỳnh Xuân (nguyên phó phòng kinh doanh và nguyên quyền kế toán trưởng Đoạn 10) đã ký kết, nghiệm thu, thanh toán 25 hợp đồng thuê phương tiện thủy của Công ty TNHH TM DV Vận tải Sơn Lâm.
Thực chất các phương tiện thủy Đoạn 10 sử dụng là phương tiện hiện có của đơn vị hoặc thuê của các doanh nghiệp khác. Thông qua việc này, các bị cáo rút 724 triệu đồng để trả tiền mua hóa đơn, chia cho cán bộ, công nhân viên Đoạn 10 và các chi phí khác không có cơ sở chứng minh. Bị cáo Huỳnh Thạch Lâm (giám đốc Công ty Sơn Lâm) đã ký 25 hợp đồng cho Đoạn 10 thuê tàu cứu hộ, canô công tác, từ đó xuất 53 hóa đơn GTGT khống cho Đoạn 10, hưởng lợi bất chính 750 triệu đồng.
Tại tòa, VKS đề nghị xử phạt Duy Tâm và Văn Tâm cùng mức án từ bốn đến năm năm tù, Tùng từ hai đến ba năm tù và Xuân từ hai đến ba năm án treo cùng về tội cố ý làm trái... Bị cáo Lâm (giám đốc Công ty Sơn Lâm) bị đề nghị từ hai đến ba năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn.
-------------------------
Xét xử vụ buôn lậu xăng dầu ở vùng biển Thanh Hóa
Trong hai ngày 15 - 16.9, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ buôn lậu xăng dầu tại vùng biển Thanh Hóa. HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Phương (ngụ Thanh Hóa) 8 năm 6 tháng tù; Khiếu Văn Anh (ngụ Hải Dương), Nguyễn Trọng Đăng (ngụ Thái Bình), Lê Văn Lâm, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Thế Thanh, Ngô Văn Chung (đều ngụ Thanh Hóa) mỗi bị cáo từ 7 năm đến 7 năm 3 tháng tù, cùng về tội “buôn lậu”; Chen Xing Chun và Long Guang Khun (cả hai quốc tịch Trung Quốc) chịu các mức án 3 năm và 2 năm 6 tháng tù về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”; 4 bị cáo khác lãnh án từ 2 - 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Theo cáo trạng, ngày 27.7.2012, Công ty TNHH MTV xăng dầu hàng không VN mở tờ khai tái xuất 1.350 tấn xăng A92, trị giá hơn 1,3 triệu USD cho Công ty TNHH Hồng Phát (đóng tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Tuy nhiên, số xăng dầu từ cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Quảng Ninh không được xuất cho đối tác bên Trung Quốc mà vận chuyển ra vùng biển Thanh Hóa rồi chuyển qua các tàu khác, chở vào đất liền nước ta tiêu thụ.
-------------------------
Đình chỉ lưu hành lô kem dưỡng da chứa chất cấm
Kem dưỡng da trị mụn B2 do một công ty tại TP HCM vừa bị Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi do có chứa chất cấm dùng trong mỹ phẩm.
Công văn của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, lô mỹ phẩm kem dưỡng da ngừa mụn B2 bị thu hồi được sản xuất ngày 6/10/2013, hạn sử dụng đến 6/10/2015. Nơi sản xuất là Công ty Quốc Anh có cơ sở tại quận Tân Phú, TP HCM. Lô sản phẩm này được phát hiện có chứa chất Fluocinolon Acetonid là thành phần cấm sử dụng trong mỹ phẩm.
Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty Quốc Anh tiến hành thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này, đồng thời báo cáo việc thu hồi đến cơ quan chức năng. Cục cũng đồng thời chỉ đạo Sở Y tế TP HCM giám sát việc thu hồi và xử lý vi phạm theo quy định.
Theo các tài liệu về thuốc, Fluocinolon acetonid là dạng corticosteroid tổng hợp dùng để bôi, trị các bệnh ngoài da như viêm da, vẩy nến. Fluocinolon acetonid vẫn được dùng để sản xuất thuốc bôi nhưng không được dùng trong sản xuất mỹ phẩm.
Khi dùng Fluocinolon acetonid trên mảng da rộng không nên băng kín vì tăng nguy cơ nhiễm độc toàn thân. Chất này cũng có thể gây suy vỏ tuyến thượng thận ở những người bệnh dùng lượng lớn thuốc và bôi trên diện rộng, dài ngày hoặc băng kín.
Những người bị vảy nến cần được theo dõi cẩn thận vì bệnh có thể nặng lên hoặc tạo vảy nến có mủ. Dùng fluocinolon acetonid cho các vết thương nhiễm khuẩn mà không có thêm các kháng sinh điều trị thích hợp có thể làm cho nhiễm khuẩn bị lan rộng.
-------------------------
Thêm ba người đi tù vì hôi của ở Vũng Áng
Lợi dụng lộn xộn sau vụ 6.000 người xô xát tại khu kinh tế Vũng Áng, 3 công nhân vào công trường đánh cắp máy hàn.
Sáng nay, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên thứ hai trong số chuỗi các vụ trộm cắp xảy tại ở khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh). Ba bị cáo hầu tòa Phan Văn Lánh (39 tuổi), Hồ Xuân Nguyên (54 tuổi), Lê Đình Yên (30 tuổi) từng là công nhân tại Công ty Hữu hạn cổ phần Kỹ thuật Công trình CISDI (Trung Quốc) thi công tại công trường xây dựng nhà máy cán thép Formosa.
Theo cáo trạng, ngày 14/5 tại Khu kinh tế Vũng Áng có cuộc tụ tập đông người phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông. Không lâu sau do bị kích động, lợi dụng, hàng nghìn công nhân xảy ra xô xát. Nhân việc này, nhiều người đã trộm cắp tài sản của doanh nghiệp.
18h cùng ngày, trên đường xem tụ tập về, Lánh phát hiện một máy hàn màu xanh cạnh mương nước liền rủ bị cáo Nguyên lấy trộm. Lánh và Nguyên sau đó gặp Yên cũng đang có ý định lợi dụng hỗn loạn để trộm cắp tài sản.
Lúc này Lánh đứng trông xe, hai người còn lại vào công trường lấy thêm 3 máy hàn nữa đem về phòng trọ. 22h, bộ ba thuê xe đưa tang vật về nhà người quen ở huyện Cẩm Xuyên cất giấu. Giá trị 4 máy hàn được xác định gần 30 triệu đồng.
HĐXX nhận định, giá trị tài sản không lớn nhưng hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng lớn tới tình hình an ninh trật tự cần phạt nghiêm khắc để răn đe. Tòa phạt Lánh 18 tháng tù, Nguyên và Yên mỗi người 12 tháng cùng về tội Trộm cắp tài sản.