Chủ tịch huyện cho thuê mặt bằng trái quy định
Mục đích của Nhà nước khi đầu tư 90 tỉ đồng xây dựng Cảng cá Hòa Lộc thuộc xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc nhằm giúp ngư dân có nơi neo đậu tàu thuyền, phân loại hải sản, tu sửa ngư lưới cụ… Song, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc lại ký 2 hợp đồng cho 2 hộ thuê đất ở vị trí đắc địa nhất giữa trung tâm cảng để mở hàng quán.
Ngư dân bức xúc
Theo thiết kế, quy hoạch xây dựng, cảng cá Hòa Lộc có năng lực tiếp nhận sản lượng thủy sản từ 10.000 - 15.000 tấn/năm. Hiện cảng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng với kết cấu hạ tầng khá hiện đại, đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư cho công trình này lên tới trên 90 tỉ đồng, gồm: 2 bến cầu tàu dài 270m, trong đó bến dài 120m dành cho tàu có công suất trên 400CV; sân bãi trong cảng rộng hơn 10.000m2, đáp ứng nhu cầu từ 200 - 300 tàu thuyền ra vào neo đậu.
Song, khi cảng cá mới đưa vào sử dụng đã xảy ra nghịch lý. Khung cảnh bên trong cảng hết sức lộn xộn. Theo thiết kế, vị trí trung tâm sẽ xây dựng nhà phân loại cá và ở hai đầu cảng xây dựng kho đông lạnh. Thế nhưng, tại hầu hết những vị trí “đắc địa” này đã được một số hộ kinh doanh thuê đất tổ chức xây dựng, kinh doanh buôn bán. Nguyễn Văn K (ngư dân xã Hòa Lộc) bức xúc: Cảng được xây dựng lên để phục vụ cho việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, phân loại cá và nơi tu sửa ngư lưới cụ. Chẳng hiểu vì sao toàn bộ diện tích trung tâm của cảng thiết kế mái che, UBND huyện Hậu Lộc lại cho một số cá nhân thuê mở hàng quán? Ông K nói: “Vào những ngày giữa tháng, tàu thuyền về nhiều, chúng tôi không có nơi để sơ chế, phân loại cá, vá ngư lưới cụ. Những hôm trời mưa, chúng tôi cũng phải ở ngoài trời để vá lưới rất cơ cực”.
Phá vỡ quy hoạch
Về sự việc trên, ông Lê Văn Thăng - Giám đốc BQL cảng cá Hòa Lộc - xác nhận, việc người dân phản ánh là đúng. Tuy nhiên, UBND huyện Hậu Lộc đã trực tiếp cho cá nhân thuê đất, dựng nhà, BQL cảng cá Hòa Lộc chỉ được giao nhiệm vụ giám sát, thu tiền thuê đất. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hoằng - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc - đã ký 2 hợp đồng cùng số 20, ngày 21.5.2013 cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cường và hộ ông Phạm Văn Dũng thuê diện tích đất hơn 400m2 trong cảng cá để xây dựng và tổ chức sản xuất kinh doanh. Hợp đồng cho thuê đất ghi: “Bên B chỉ được xây dựng và sản xuất kinh doanh xưởng cấp đông. Tuyệt đối không được phá vỡ mặt bằng quy hoạch xây dựng của nhà phân loại”. Thế nhưng, xưởng cấp đông không thấy đâu, thế vào đó những gian nhà được xây kiên cố phục vụ kinh doanh, buôn bán trái mục đích.
Trước câu hỏi, các cá nhân thuê đất kinh doanh buôn bán những mặt hàng không có trong quy hoạch như quán cơm, quán nước giải khát... trái với điều khoản ký kết lại không được cơ quan chức năng huyện Hậu Lộc xử lý, ông Nguyễn Văn Hoằng nói: “Thực ra, đất ở đó lâu nay để không, huyện cho các hộ thuê là để tận dụng, khỏi lãng phí. Ngoài ra còn mục đích góp phần đưa cảng cá trở nên sôi động, phát triển hơn, đồng thời giúp ngân sách có thêm nguồn thu. Chúng tôi mời họ mới chịu vào chứ huyện cũng không có tư lợi gì trong việc này!”.
Thực trạng quy hoạch xây dựng cảng cá cấp IV Hòa Lộc được Chính phủ đầu tư đang bị phá vỡ quy hoạch một cách nghiêm trọng. Ngoài việc các cá nhân sử dụng sai mục đích diện tích đất thuê, hiện trong khu vực cảng còn có người đầu tư xây dựng cây xăng. Song, do cây xăng này không nằm trong quy hoạch nên đang bị các cơ quan chức năng tạm dừng việc thi công. Ngư dân đang rất cần có kho đông lạnh và nơi phân loại cá, tu sửa ngư lưới cụ nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi, căn cứ hợp đồng số 20, số tiền thu được từ các cá nhân thuê đất với mức giá hơn 10 triệu đồng/năm/hộ không đáng là bao. Đổi lại, hàng trăm hộ ngư dân bị đẩy vào tình cảnh khó khăn là việc cần được chính quyền huyện Hậu Lộc nghiêm túc xem xét lại.
-------------------------
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Bộ NN&PTNT tập trung quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, ATTP.
Quản lý chất lượng, an toàn các loại rau, củ, quả trên thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trên các sản phẩm này.
Bộ Công Thương tăng cường triển khai các biện pháp ATTP để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến; phối hợp các bộ, ngành và địa phương kiểm soát ATTP đối với các làng nghề thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát ATTP tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.
-------------------------
Vụ bới đường tìm 'vàng': Chỉ là vàng găm
Sau khi đơn vị thi công đổ đá dăm làm đường có lẫn những viên đá nhỏ có màu vàng, hàng chục người dân trên địa bàn lầm tưởng vàng thật đã kéo nhau đi nhặt.
Hàng trăm người bới đá dăm vì tin đồn có vàng
Tin đồn trong đá dăm vừa được đổ trên đường Mậu Thân (Trà Vinh) có vàng nên hàng trăm người đổ ra bới đá tìm, mong có cơ hội đổi đời.
Ngày 12/12, theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục người vẫn kiên trì tìm nhặt "vàng" trên tuyến đường Mậu Thân, phường 9, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, bất chấp sự vận động của chính quyền địa phương. Theo ông Từ Chí Minh, Chủ tịch UBND phường 9, trong đêm 11/12, cả trăm người dân dùng đèn pin soi tìm đến tận khuya.
Theo những người rành về đá quý, những hạt đá người dân nhặt được là vàng găm có trong quặng pyrit, thành phần là sắt disunfua. So với vàng thật, vàng găm cứng hơn, khối lượng riêng cũng nhỏ hơn, chỉ có giá trị làm đá cảnh nếu hình thù đẹp và kích thước to. “Loại đá này rất độc. Tôi từng bỏ chúng vào hồ cá, chỉ vài ngày sau thì cá chết” - ông Lê Minh Thanh (ngụ phường 2, TP.Trà Vinh), một người chơi đá cảnh, khuyến cáo.
Ông Nguyễn Dương Minh (ngụ phường 9, TP.Trà Vinh), có thâm niên trong ngành xây dựng, khẳng định: “Chuyện đó không có gì lạ, đá xây dựng ở Trà Vinh hay các tỉnh lân cận cũng thường lẫn loại vàng găm này”.
Trong khi đó, việc trải đá đoạn đường Mậu Thân đã hoàn thành. Đơn vị thi công sẽ sớm tráng nhựa mặt đường, chấm dứt tình trạng nhặt “vàng”.
---------------------------
Người bỏ rơi bé trai trên taxi chính là mẹ ruột
Đi tìm chồng lấy tiền trả cước taxi nhưng không thấy, chị Vân vào nhà người quen chờ đợi đến sáng chứ không ra nhận con khi đang gửi cho tài xế taxi trông chừng giúp.
Ngày 12/12, ông Trần Hữu Thám – Phó giám đốc trung tâm Giáo dục – Dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân xác nhận, trung tâm đã tiếp nhận chị Hồ Thị Thu Vân (22 tuổi) từ công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyển đến để cai nghiện, cắt cơn.
Chị Vân chính là người phụ nữ để lại bé Đinh Gia Huy (2 tuổi) trên xe taxi của tài xế Hồ Minh Thuận nhưng không quay lại. Sau đó tai xế này đã đưa bé Huy đến phường 1, quận 8 trình báo vụ việc.
Anh Đinh Gia Thuấn (41 tuổi, ngụ quận 4 – người đã đến UBND phường 1, quận 8 nhận là cha bé Huy) khẳng định, mình chính là cha ruột bé Huy và là chồng chị Vân nhưng không làm đăng ký kết hôn. Do điều kiện khó khăn nên khi sinh bé Huy thì đôi vợ chồng này đã cho người dượng của mình là ông Liêm đem về nuôi dưỡng.
Về việc bé Huy bị bỏ lại trên taxi, anh Thuấn cho biết, rạng sáng 1/12, anh Thuấn đi làm nhưng điện thoại hết pin nên chị Vân ở phòng trọ tại xã Bình Hưng không liên lạc được. Gọi chồng nhiều lần không được, chị Vân bế bé Huy đón taxi đi tìm. Đi taxi của tài xế Hồ Minh Thuận nhiều lần nhưng không tìm được anh Thuấn nên chị Vân đề nghị người tài xế chở đến con hẻm gần cầu Kênh Xáng để vào phòng người thân tìm chồng lấy tiền nhưng cũng không gặp nên ngồi chờ đến sáng.
Đến sáng cùng ngày anh Thuấn mới trở về thì hay tin bé Huy đã được tài xế Thuận đưa đến công an và UBND phường 1 trình báo vụ việc. Anh lập tức đi tìm vợ để cùng lên UBND phường nhận con nhưng không gặp. Đến sáng 5/12, người chồng hay tin vợ mình đã bị công an xã Bình Hưng tạm giữ và chuyển giao lên trung tâm Nhị Xuân cắt cơn, cai nghiện ma tuý.
Hiện anh Thuấn đang làm các thủ tục bảo lãnh vợ ra để cùng đi đón bé Huy về rồi lại tiếp tục giao cho dượng của mình là ông Liêm nuôi dưỡng. Người chồng này cho biết thêm, anh và Vân sống với nhau có hai con nhưng không đăng ký kết hôn. Bé Huy có một người em được gọi là Vàng (mới 6 tháng tuổi), cả hai đều không có giấy khai sinh.
Do cuộc sống khó khăn, anh và vợ đã đưa bé Huy cho ông Liêm nuôi dưỡng từ lúc sinh ở bệnh viện, hai vợ chồng hiện đang nuôi dưỡng bé Vàng và dành dụm chu cấp cho bé Huy.
Về phần gia đình ông Liêm, sau khi nhận Huy về nuôi nhưng chưa làm giấy khai sinh cùng các giấy tờ pháp lý khác nên khi vụ việc bé Huy bị bỏ rơi xảy ra, ông không cung cấp được các giấy tờ liên quan. Vì vậy ông Liêm chưa đủ chứng cứ xác định nhân thân và chưa được nhận bé trai này về.
Bà Hồ Thị Thạnh (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, quận 4) – dì ruột của chị Vân cho biết, trước đây chị Vân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đây và sống chung với bà, sau khi lấy chồng thì chuyển qua xã Bình Hưng ở trọ đến khi bị đưa về trại Nhị Xuân. Hiện, gia đình đang làm hồ sơ bảo lãnh chị Vân ra để về nhận bé Huy và chăm sóc bé Vàng chỉ mới 6 tháng tuổi.
------------------------