Liên quan đến sai phạm trong dự án hơn 700 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 490C2 đoạn từ S2 đến Nam Điền và đoạn từ Km 40 đến phà Thịnh Long do Sở Giao thông vận tải Nam Định làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận giám đốc Ban QLDA cùng hơn 10 cán bộ được bổ nhiệm trái Nghị định Chính phủ.
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý, đầu tư xây dựng của Sở Giao thông vận tải Nam Định. Hàng loạt sai phạm có hệ thống tại dự án mở rộng nâng cấp Tỉnh lộ 490C2 (đường 55 cũ) đoạn từ S2 đến Nam Điền và đoạn từ Km 40 đến phà Thịnh Long do Sở Giao thông vận tải Nam Định làm chủ đầu tư đã phát lộ. Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị thu hồi, giảm trừ thanh quyết toán 2,1 tỷ đồng.
Cùng với các sai phạm về công tác quản lý, thi công xây dựng công trình, sai phạm về kinh tế, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận về nhân sự tham gia các dự án.
Cụ thế: Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông Nam Định được xác định là thiếu giấy chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án. Đồng thời, 1 phó giám đốc ban và 10 cán bộ nhân viên trong ban cũng thiếu giấy chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án.
Trong khi đó, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Việc bổ nhiệm các cán bộ này thực hiện chưa đúng Khoản 4, Điều 36 Nghị định 12/2009/NĐ-CP quy định: "Cá nhân tham gia quản lý dự án phải có giấy chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình".
Trước sai phạm này, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Sở GTVT Nam Định trong thời hạn 1 năm phải bố trí cho các cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án tham gia các lớp học để được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án theo quy định.
Như Dân trí thông tin, Theo đó, Dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 490C2 có tổng mức đầu tư là hơn 700 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ Km3+540 đến Km25+800; Giai đoạn 2 từ Km25+800 đến Km55+300 và giai đoạn từ Km40 đến phà Thịnh Long.
Dự án do UBND tỉnh Nam Định phê duyệt được giao Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nam Định thẩm định. Chủ đầu tư dự án là Sở GTVT tỉnh Nam Định. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông Nam Định dưới hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.
Nhà thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần Tasco.
Các đơn vị tham gia tư vấn gồm: Tư vấn khảo sát lập dự án là liên danh Công ty CP Nadeco và Công ty CP tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (Tecco2); Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cũng là liên danh Công ty CP Nadeco và Công ty CP tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (Tecco2); Đơn vị tư vấn giám sát là Ban QLDA giao thông Nam Định và Công ty CP tư vấn công trình giao thông 8, Công ty CP tư vấn thí nghiệm công trình giao thông 1 (thuộc Cienco 1).
Tuy nhiên, tại hầu hết các khâu thực hiện dự án giao thông này của Sở GTVT tỉnh Nam Định đều mắc hàng loạt sai phạm. Tại giai đoạn 1, phần khảo sát thiết kế sai phạm dẫn đến phí tính vượt trên dưới 400 triệu đồng.
Các hạng mục như thiết kế lớp đá mạt đảm bảo giao thông chưa hợp lý làm tăng chi phí quản lý thi công xây dựng công trình, tính thừa một số khối lượng thi công, lập dự toán công trình chưa căn cứ vào thành phần, nội dung, tính chất công việc thi công và biện pháp thi công được duyệt để vận dụng định mức cho phù hợp với một số nguyên nhân khác. Dẫn đến, làm tăng giá gói thầu tại dự án thanh tra là 4.485.347.000 đồng
Về quản lý chất lượng công trình, thực hiện chưa đầy đủ quy định về lập hồ sơ quản lý chất lượng thi công công trình. Công tác nghiệm thu, thanh toán để xảy ra tình trạng nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng, thanh toán không đúng và một số nguyên nhân khác. Dẫn đến, số tiền bị “dựng khống” lên, làm tăng giá trị thanh, quyết toán là 2.127.518.000 đồng.
Từ đó kết luận thanh tra yêu cầu Sở Giao thông vận tải Nam Định cho lập và phê duyệt lại dự án xây dựng (giá gói thầu) theo quy định tại khoản 5, Điều 26, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ làm cơ sở phê duyệt giá trúng thầu. Kết quả xử lý báo cáo bằng văn bản gửi Thanh tra Bộ Xây dựng. Thu hồi số tiền 926.581.000 đồng sai phạm; giảm trừ khi thanh, quyết toán 1.200.937.000 đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng "điểm mặt" hàng loạt đơn vị phải chịu trách nhiệm trong những sai phạm nghiêm trọng này gồm: Chủ đầu tư dự án là Sở GTVT tỉnh Nam Định; Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Nam Định, Công ty Cổ phần Tasco, Công ty CP Nadeco và Công ty CP tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (Tecco2); Công ty CP tư vấn công trình giao thông 8, Công ty CP tư vấn thí nghiệm công trình giao thông 1 (thuộc Cienco 1)...
-----------------------
Vụ khốn khổ vì “thần chết” treo trên đầu: Chủ tịch tỉnh Bến Tre đề nghị giải quyết
Chiều 5/1, tại UBND tỉnh Bến Tre, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Bé (ngụ TP Bến Tre) với các cơ quan ban ngành cùng ngành điện lực về việc di dời hoặc bồi thường do đường dây điện đi ngang phần đất của gia đình bà Bé.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin trong bài “khốn khổ vì “thần chết” treo lơ lửng trên đầu” phản ánh gia đình bà Nguyễn Thị Bé trước năm 1975 có mua mảnh đất rộng 2.340 m2 tại xã Tam Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đến năm 2009 thì được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng diện tích này bị ngành điện lực cắm trụ, xây dựng đường dây điện ngang qua khu đất mà không có một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, khi muốn xây cất nhà cửa bà phải vác đơn cầu cứu khắp nơi vì đường dây điện vắt ngang mảnh đất của mình. Đồng thời ngành điện lực giải quyết bằng cách di dời nhưng bắt gia đình bà Bé phải chịu 150 triệu đồng chi phí.
Tại buổi đối thoại, bà Bé cho rằng: “Không biết lý do nào mà ngành điện lực cắm trụ điện trên phần đất của gia đình tôi đã có sổ đỏ mà không ai giải quyết suốt trong thời gian dài. Vì vậy tôi có đất mà không được kinh doanh, hay sử dụng. Ngành điện nói rằng trụ điện cắm từ năm 1980 là không đúng và không có hồ sơ nào để chứng minh. Vì vậy tôi yêu cầu ngành điện trả lại đất cho tôi kinh doanh, buôn bán hoặc hoán đổi để tôi lấy đất ở vị trí khác”.
Đại diện Công ty Điện lực Bến Tre cho rằng, đã đưa ra 3 phương án giải quyết với gia đình bà Bé trong đó có phương án di dời, nâng độ cao với chi phí 150 triệu đồng do gia đình bà Bé chịu nhưng Bà bé không đồng ý. Trước đây khi cắm trụ điện và qua các lần sửa chữa nhưng không thấy bà Bé khiếu nại.
Còn ông Phan Thanh Hà, Đại diện Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho rằng: “Ngành điện rất thấu hiểu với gia đình bà Bé. Tuy nhiên nếu bồi thường cho gia đình bà Bé thì không chỉ có ở Bến Tre mà nhiều tỉnh khác không biết sẽ giải quyết như thế nào. Đồng thời, thời điểm năm 1980 không bồi thường mà chỉ hỗ trợ hoa màu, những phần đất thường không có giá trị, dân cũng không khiếu nại. Đến nay không xem xét giải quyết được vì pháp luật không xem xét hồi tố. Tuy nhiên, nếu bà Bé chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì có thể bàn với điện lực nâng độ cao, di dời nhưng chi phí do dân chịu”.
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại đại diện UBND huyện Châu Thành (nơi đường dân điện đi qua - PV) cho biết, qua xem xét hồ sơ thì việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Bé là đúng theo trình tự quy định của pháp luật. Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bến Tre cho rằng: “GCNQSDĐ là của dân nên ngành điện cắm trụ là phát sinh hành vi hành chính. Vì vậy thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết là của ngành điện”.
Kết luận tại buổi đối thoại, ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Ghi nhận ý kiến của bà Bé và của ngành điện. UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Bến Tre giải quyết và có văn bản mang tính pháp lý để trả lời cho gia đình bà Bé”.
Bà Bé cho rằng rất hài lòng với đề nghị giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Bởi vì từ năm 2011, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam kiểm tra hồ sơ xây dựng đường dây và phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết. Tuy nhiên, đến nay ngành điện lực vẫn chưa giải quyết và cho rằng hồ sơ xây dựng đường dây đã bị thất lạc. Bà Bé cho biết bà rất hy vọng lần này, có sự phối hợp giữa các ngành có liên quan, gia đình bà Bé sẽ được thực hiện quyền của mình để xây cất trên đất thổ cư ghi trong GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.
---------------------------
Giao dịch điện tử giúp hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH
“Cả nước có hơn 480.000 doanh nghiệp dùng mã số thuế giao dịch với cơ quan thuế và hải quan. Nhưng số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 150.000. Quý 2/2015, việc giao dịch BHXH dự kiến qua internet nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi người lao động”.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Dân trí về những giải pháp hạn chế trốn nợ đóng BHXH và giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Thưa ông, năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện thu BHXH, BHYT đạt gần 194.000 tỉ đồng, nhưng số nợ còn tới hơn 11.000 tỉ đồng?
Theo thống kê, số nợ hơn 11.000 tỉ đồng chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN ngoài quốc doanh. Trong đó, nợ BHXH hơn 7.800 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần 530 tỉ đồng, nợ Bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 2.750 tỉ đồng.
Các DN nợ BHXH chủ yếu trong tình trạng khó khăn hoặc đã chấm dứt hoạt động. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, BHXH Việt Nam đã khởi kiện gần 4.000 DN, nhưng việc thu hồi số tiền chỉ được khoảng 25%.
Nhiều DN đã trích lương của người lao động nhưng không thực hiện việc đóng BHXH, gây thiệt hại cho người lao động.
Việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai lộ trình giao dịch BHXH qua mạng sẽ có tác dụng gì trong việc giảm trốn nợ BHXH, hạn chế thủ tục phiền hà, thưa ông?
Trước đây, việc giao dịch BHXH khá rườm rà. DN lập danh sách, đóng dấu và nộp “bản cứng” cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH lại lập danh sách và rà soát. Như vậy, việc nhập danh sách thực hiện 2 lần, chưa kể việc đi lại và chờ đợi tốn nhiều thời gian cho DN.
Trong đề án trình Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam giao dịch điện tử, việc giao dịch sẽ được thực hiện qua mạng và chỉ cần nhập 1 lần, giảm thiểu tối đa các thủ tục và số giờ tham gia BHXH.
Cả nước hiện có khoảng 480.000 DN có sử dụng chữ ký số để làm thủ tục thuế, hải quan qua mạng internet. BHXH Việt Nam đang bàn với Tổng cục Thuế để thống nhất sử dụng chung chữ ký số và thông tin thuế của DN nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra BHXH.
Theo đó, qua việc rà soát thông tin về thuế thu nhập cá nhân của đối tượng trong doanh nghiệp, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ phát hiện ra các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH trong doanh nghiệp nhưng chưa được đóng, hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Bên cạnh việc chờ quyết định của Chính phủ, BHXH Việt Nam đang khẩn trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự kiến quý 2 triển khai việc này.
Đối với người lao động, việc triển khai giao dịch điện tử BHXH có tác dụng gì trong việc giám sát DN đóng BHXH, thưa ông?
Theo quy định của Luật BHXH năm 2006, cuốn sổ BHXH do DN quản lý. BHXH Việt Nam công khai kết quả đóng BHXH tới từng DN. Nhưng nhiều DN không công khai cho người lao động biết tiến độ đóng BHXH tới đâu.
Vài năm sau, người lao động chuyển sang DN khác nhưng cơ quan BHXH không thể chốt được sổ BHXH. Lúc đó, người lao động mới biết là chưa được DN cũ đóng BHXH.
Theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ năm 2016, sổ BHXH sẽ giao cho người lao động, cứ 6 tháng BHXH sẽ cung cấp danh sách để DN công khai cho người lao động. Trong 1 năm, BHXH in danh sách và yêu cầu DN công khai cho người lao động.
Đồng thời, người lao động chỉ cần dùng số CMT hoặc số sổ BHXH để có thể kiểm tra việc đóng BHXH của mình theo từng tháng trên mạng internet.
Như vậy, người lao động có thể nắm được tình trạng DN đóng BHXH cho mình theo từng tháng và có thể đấu tranh với hành vi vi phạm việc đóng. Đồng thời, cơ quan BHXH có căn cứ ghi vào sổ BHXH để giải quyết chính sách.
Xin cảm ơn ông!
------------------------