Nhận được thông tin tại xóm Tân Lộc, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà có cơ sở sản xuất rượu, nhãn mác “Côộc toóc” bán ra thị trường không đảm bảo hồ sơ theo quy định, Phòng PC49 phối hợp với Công an huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Điền tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nói trên; đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất trên chấm dứt việc sản xuất rượu khi chưa có giấy phép của cấp có thẩm quyền.
Thượng tá Trần Ngọc Thăng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nhận được thông tin tại xóm Tân Lộc, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà có cơ sở sản xuất rượu, nhãn mác “Côộc toóc” bán ra thị trường không đảm bảo hồ sơ theo quy định, Phòng PC49 phối hợp với Công an huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Điền tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nói trên; đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất trên chấm dứt việc sản xuất rượu khi chưa có giấy phép của cấp có thẩm quyền và bán sản phẩm ra thị trường.
Được biết, cơ sở sản xuất trên đóng tại nhà ông Nguyễn Đình Hồng (53 tuổi), với diện tích 2.500m2, công suất sản xuất rượu 50 – 60 lít/ngày. Từ tháng 7/2014, anh Nguyễn Tâm Trinh (53 tuổi, trú tại thành phố Hà Tĩnh), đặt vấn đề phối hợp với anh Hồng mua của Công ty TNHH Hoàng Lạc một máy khử độc rượu thanh lý công suất 250 lít/ngày, với giá 30 triệu đồng. Đầu tháng 12/2014, cơ sở sản xuất rượu đã thử nghiệm đưa rượu nấu thủ công qua máy khử độc lọc rượu. Sau đó, các sản phẩm rượu được đựng trong các can 20 lít, 2 lít và dán nhãn “Côộc toóc”.
Tại thời điểm kiểm tra cho thấy thực tế quy trình nấu rượu, công nghệ nấu khử rượu của cơ sở thì chỉ có một người nấu rượu, dây chuyền khử rượu không hoạt động. Phát hiện trong nhà có 50 can nhựa 20 lít, 25 thùng giấy chứa vỏ chai rượu 250 ml (mỗi thùng 20 chai), 7 can 10 lít, 5 can 20 lít rượu đã nấu nhưng chưa qua khử độc, 48 thùng nhựa màu đỏ và nhiều nhãn mác rượu các loại…
Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận trong quá trình sản xuất rượu chưa làm bất cứ hồ sơ thủ tục gì, kể cả đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, nhãn mác. Được biết đã có một số người đã đến cơ sở mua rượu về dùng, đồng thời cơ sở đã tiếp thị rượu tại các quán trên địa bàn TP Hà Tĩnh…
Càng gần đến Tết Nguyên đán, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại và thực phẩm “bẩn” càng có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng lợi dụng xe khách để vận chuyển các mặt hàng kiểu này đang diễn biến phức tạp…
Trong những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2, lực lượng Công an đã liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại và thực phẩm “bẩn” trên xe khách. Trong đó, có ngày lực lượng Công an bắt đến 2-3 vụ xe khách chở hàng lậu, hàng gian lận thương mại.
Đơn cử: Ngày 4/2, Phòng CSGT và CSPCTP về môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 40 khúc gỗ cẩm lai, gỗ hương lậu, có tổng trọng lượng 1,5 tấn đựng trong 11 bao tải trên xe khách và 50 chai rượu ngoại không hóa đơn chứng từ được giấu trên chiếc ôtô khách chạy từ Quảng Trị ra Hà Nội. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện, bắt giữ 180 thùng bia Heineken vi phạm tem nhãn hàng nhập khẩu giấu trên ô tô khách để đưa ra Thủ đô. Ngày 28/1, lực lượng CSGT Công an Hà Nội liên tiếp phát hiện 3 vụ việc liên quan đến điện thoại di động đắt tiền, thuốc lá ngoại nhập lậu và 20 xác linh trưởng khô.
Không chỉ mua bán, vận chuyển lậu đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường, các đối tượng buôn lậu còn khoảng 1,5 tấn nội tạng động vật đang bốc mùi hôi thối nồng nặc, CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện bắt giữ 4 tạ chân giò heo biến màu, bốc mùi hôi thối trên ôtô khách BKS 48B – 00123, do Nguyễn Mạnh Hà, 37 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ điều khiển, để đưa ra Hà Nội tiêu thụ…
Chiều 6/2, chúng tôi đã trao đổi với Trung tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, được biết thời gian gần đây, số vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, thực phẩm bẩn trên phương tiện vận tải hành khách đã được lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng nhiều hơn, nhất là qua công tác kiểm tra của lực lượng CSGT trên các tuyến lộ.
Theo ông Bình, càng gần dịp Tết, lượng hàng hóa tham gia lưu thông trên thị trường phục vụ người dân đón Tết càng tăng cao. Ngoài phương thức chuyên chở hàng hóa trên phương tiện vận tải hàng hóa thông thường, các đối tượng xấu đã lợi dụng phương tiện vận tải hành khách để “ém”, “gửi” hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại và thực phẩm “bẩn” để tuồn vào thị trường tiêu thụ. Thủ đoạn “ém” hàng, ký gửi hàng trên xe khách dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, bởi hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận bị trà trộn với hàng xách tay của hành khách trên xe, ít bị cơ quan chức năng “soi” hơn so với vận chuyển bằng xe tải hay các phương tiện khác.
Ngoài ra, cơ chế quản lý trong vận tải hành khách, cũng như cơ chế xử phạt đối với các vi phạm kiểu này hiện vẫn còn những “lỗ hổng”. Trong nhiều vụ bắt giữ hàng vi phạm trên xe khách, lái xe thường khai nhận vận chuyển thuê hàng hóa để lấy tiền công, khi nhận hàng không biết hàng hóa gửi là chủng loại gì, hóa đơn chứng từ ra sao; nhà xe, cũng như lái xe không nắm được nhân thân, địa chỉ của người gửi, người nhận hàng. Khi xe bị phát hiện, bắt giữ do chở hàng vi phạm, cơ quan chức năng rất khó điều tra chủ nhân thực sự của số hàng vi phạm.
Cho nên để ngăn chặn tận gốc tình trạng lợi dụng xe khách vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, thực phẩm “bẩn”, rất cần có sự minh bạch về trách nhiệm đối với hàng hóa ký gửi vận chuyển trên xe.
Trung tá Đỗ Thanh Bình cho biết: Khi một khách hàng muốn gửi hàng lên xe khách thì nhà xe phải có trách nhiệm lưu lại hình ảnh hay các thông tin cụ thể về chủng loại hàng hóa ký gửi; nhân thân, địa chỉ của người gửi hàng và người nhận hàng. Nếu nhà xe không làm hết trách nhiệm như vậy, khi phát hiện hàng hóa vi phạm trên xe thì nhà xe, chủ phương tiện phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm pháp luật, rồi đến lái xe. Thêm nữa, cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện nếu phát hiện hàng hóa vi phạm trên phương tiện đó. Có như vậy, tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng gian lận và thực phẩm “bẩn” trên xe khách mới thực sự được ngăn chặn.
-----------------------
Sản xuất đồ nghề đánh bạc bịp bị xử lý tội gì?
Theo cảnh sát, 2 anh em Hưng và Hải có thể bị xem xét, xử lý hành vi Kinh doanh trái phép.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) cho hay, để triệt phá đường dây sản xuất thiết bị, đồ nghề đánh bạc bịp do anh em Phạm Văn Hải (39 tuổi) và Phạm Đình Hưng (35 tuổi, nhà cùng ở quận Đống Đa, Hà Nội) cầm đầu, lực lượng chức năng đã kiên trì theo dõi, xác minh, điều tra ở nhiều địa phương trong thời gian dài.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự đánh giá việc chặt đứt đầu mối cung cấp đồ nghề chơi cờ bạc dịp giáp Tết có ý nghĩa quan trọng, góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội bùng phát ở nhiều địa phương.
Đại diện C45 cho biết, nếu Hải và Hưng đã từng bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất thiết bị, đồ nghề chơi cờ bạc bịp, họ có thể bị xem xét xử lý thêm về hành vi Kinh doanh trái phép.
Trước việc một số thiết bị chơi cờ bạc bịp có dấu hiệu bị tẩm hóa chất (nghi chất phóng xạ), cơ quan điều tra đã gửi mẫu trưng cầu giám định tại Viện khoa học hình sự, Bộ Công an để có hướng xử lý. Nếu có dấu hiệu về phóng xạ, những người liên quan sẽ bị xem xét về hành vi Mua bán, tàng trữ chất phóng xạ - đại diện C45 nói.
Tháng 8/2014, Công an tỉnh Quảng Ninh từng bắt quả tang Bùi Đình Chung (ở phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) tàng trữ 4 bộ tú lơ khơ có chứa chất phóng xạ và nhiều phụ kiện kèm theo dùng để đánh bạc bịp. Kết quả giám định của cơ quan chuyên môn, 4 bộ bài này chứa chất phóng xạ, vượt từ 20-30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Từ kết quả này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án Mua bán, tàng trữ chất phóng xạ.
------------------------
Người dân lại phản ánh trong chai Number One có ruồi
Một người dân ở Mỹ Tho (Tiền Giang) lại vừa phản ánh với báo chí về việc mua một chai nước Number One gần nhà, thấy có con ruồi nên không dám uống và để lại.
Ngày 9/2, anh Nguyễn Xuân Định (26 tuổi, ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho) đã phản ánh với các cơ quan báo chí về việc cách đây ba tháng, anh có mua một chai nước Number One ở quán gần nhà, thấy có con ruồi nên không dám uống và để lại.
Sau đó anh Định có liên hệ với Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát - đơn vị sản xuất chai nước uống trên, tuy nhiên người của công ty này có xuống nhưng rồi trở về và đến nay chưa liên hệ lại.
Qua ghi nhận bằng mắt thường cho thấy trong chai nước Number One có vật thể lạ giống một con ruồi, nắp chai còn đóng kín chưa khui.
Trên nắp chai có ghi rõ đơn vị sản xuất và đóng chai tại Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát (địa chỉ 219, đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam). Ngày sản xuất in trên chai là 3/7/2014, hạn sử dụng 3/7/2015, loại chai sành 240ml.
Chị Phan Kim Loan, người bán chai nước nói trên cho anh Định xác nhận có bán chai nước nhưng không để ý. Sau đó, khi anh Định đến phản ánh thì chị mới biết sự việc. Chị Loan cho biết thêm, các sản phẩm Number One có lượng nước trong chai không đồng đều, có chai đầy nhưng cũng có chai mực nước rất thấp.
Cảnh sát kinh tế TP Mỹ Tho và Quản lý thị trường tỉnh đang tiếp cận sự việc tại nhà anh Định.
----------------------