Khoảng 8 giờ 30 sáng nay 10.12, trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe giường nằm mang biển kiểm soát 47V-2347 (chưa rõ người điều khiển) chạy theo hướng Vinh - Hà Nội. Khi chạy đến xã Quỳnh Giang, xe giường nằm đã va chạm với xe đạp của bà Nguyễn Thị Tuyết (67 tuổi, trú tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang chạy phía trước.
Cú va chạm mạnh khiến bà Tuyết đập đầu xuống đường, tử vong tại chỗ.
Ứng cứu 8 ngư dân gặp nạn ở Trường Sa khi chạy bão Hagupit
Sáng 10.12, Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây nguyên cho hay 8 ngư dân trên đường chạy bão Hagupit (bão số 5) gặp nạn ở Trường Sa đã được ứng cứu an toàn.
Trước đó, sáng 9.12, tàu cá PY 96021 có 8 ngư dân do ông Huỳnh Tâm (44 tuổi, trú khu phố Bạch Đằng, phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) làm thuyền trưởng hành nghề ở quần đảo Trường Sa, trên đường chạy vào đảo để tránh bão số 5 thì mắc cạn và bị sóng đánh hỏng tàu. Lúc này có 3 tàu cá của ngư dân TP.Tuy Hòa đang ở gần nên đã đến cứu và đưa 8 ngư dân sang tàu PY 92122 an toàn.
Theo thống kê của Trung tâm PCLB miền Trung - Tây nguyên, hiện khu vực quần đảo Hoàng Sa có 12 tàu/184 lao động (LĐ) (Quảng Nam 2 tàu/85 LĐ, Quảng Ngãi 9 tàu/89 LĐ, Bình Định 1 tàu/10 LĐ), khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có 1 tàu/10 LĐ của Bình Định.
Khu vực quần đảo Trường Sa có 198 tàu/2.825 LĐ (Quảng Nam 18 tàu/744 LĐ đang neo đậu tại đảo Đá Bắc, Quảng Ngãi 79 tàu/1.226 LĐ, Bình Định 14 tàu/98 LĐ từ 110 độ vĩ bắc trở xuống phía nam, Phú Yên 76 tàu/677 LĐ, Khánh Hòa 11 tàu/80 LĐ từ 100 độ vĩ bắc trở xuống phía nam).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 10.12, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 13,6 độ vĩ bắc, 117,1 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 390 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9 - 10.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5 kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10, sóng biển cao từ 3 - 5 m.
---------------------------
Chặn dịch hạch từ các cửa khẩu quốc tế, cảng biển
Nguy cơ dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam không hề nhỏ, khi nước ta từng 5 lần xảy ra các vụ dịch hạch, gây tổn thất rất lớn và những ca bệnh đầu tiên là do chuột mang mầm bệnh từ các tàu thủy từ nước ngoài vào. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước giáp biên với Việt Nam đã có người tử vong do dịch hạch từ nhiều tháng trước. Do vậy, ngăn chặn mầm bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào tại các cửa khẩu quốc tế, sân bay, cảng biển, đang là mối quan tâm đặc biệt hiện nay của ngành Y tế.
Bộ Y tế cho biết, mỗi ngày, chỉ riêng cảng Hải Phòng đã có hơn 10 tàu nước ngoài cập cảng, trong đó khoảng 1/3 là tàu từ Trung Quốc đến. Trong khi, chuột đến từ các tàu thủy được coi là một nguy cơ mang mầm bệnh lây truyền lớn nhất. Vì thế, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp phối hợp với ngành Giao thông vận tải (GTVT) để ngăn chặn nguy cơ dịch hạch đến từ đường tàu biển. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị có phương tiện GTVT nhập cảnh, đặc biệt là các phương tiện vận tải đường biển đến từ các nước đang có bệnh dịch hạch phải chủ động khai báo, thông báo cho các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế biết về tình hình vệ sinh, sự xuất hiện của chuột, bọ chét trên các phương tiện vận tải người, hàng hóa để thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý y tế các phương tiện trước khi nhập cảnh; yêu cầu các đơn vị quản lý tàu, thuyền chấp hành đúng các qui định của kiểm dịch y tế về đảm bảo vệ sinh tàu, thuyền.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Với các tàu quốc tế cập cảng Việt Nam, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế (KDYTQT) phải kiểm tra giấy chứng nhận diệt chuột theo qui định hàng hải, hoặc phải áp dụng biện pháp diệt chuột mới cho nhập cảnh. Tàu Việt Nam đi ra nước ngoài cũng phải áp dụng biện pháp đó. Dĩ nhiên, không thể chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận diệt chuột, mà lực lượng KDYTQT còn phải kiểm tra trên tàu xem thực tế còn chuột hay không. Điều này đòi hỏi ngành Y tế và hàng hải phải phối hợp chặt chẽ. Còn với tàu nội địa chạy, vì không có giấy phép diệt chuột, đòi hỏi ngành GTVT tự kiểm tra tốt, nếu không, chuột có mầm bệnh sẽ theo các tàu di chuyển, làm lan truyền bệnh từ vùng này sang vùng khác rất nhanh chóng.
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh dịch hạch, cũng như nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành không được chủ quan, mà phải tăng cường phòng, chống và giám sát dịch tễ học bệnh dịch hạch tại các vùng có nguy cơ xảy ra như nơi đã từng có dịch và các cửa khẩu quốc tế. Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường giám sát người, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào nước ta, nhất là các phương tiện đến từ vùng đang có dịch, đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu động vật qua biên giới, giám sát và xử lý chuột, bọ chét trên trên tàu biển, máy bay, sân bay, bến cảng.
Những ngày này, các cửa khẩu đường bộ quốc tế ở Lạng Sơn, Lào Cai đang được đặc biệt quan tâm, vì giáp biên giới với Trung Quốc, để ngăn chặn dịch lan sang. BS. Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm KDYTQT Lạng Sơn cho biết: Từ nhiều tháng trước, Lạng Sơn đã có dự án phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) TW để giám sát bệnh dịch hạch ở 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Do các phương tiện đường bộ nhập cảnh không có giấy phép diệt chuột như tàu thủy, nên cán bộ KDYTQT phải trực tiếp kiểm tra các xe hàng chở trái cây, thực phẩm, vốn là môi trường chuột thường trú ngụ, thông qua các dấu hiệu nhận biết như gặm nhấm hoa quả, bao bì thực phẩm, hay có phân chuột trên xe hàng. Ngoài ra, Trung tâm KDYTQT còn tổ chức bắt chuột, kiểm tra chỉ số bọ chét trên chuột, để đưa về Viện VSDT TW xét nghiệm xem có dịch hạch không. Ý thức được Lạng Sơn nằm giáp Trung Quốc, nên Trung tâm KDYTQT Lạng Sơn đặc biệt quan tâm giám sát các phương tiện qua cửa khẩu, cũng như kiểm tra xem có chuột chết bất thường không.
Là tỉnh giáp ranh với Trung Quốc, địa phương đã có dịch hạch, nên Lào Cai đã chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch hạch, đặc biệt ở cửa khẩu quốc tế. Ông Nông Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, cho biết: Vì hiểu được nguy cơ của bệnh dịch hạch có thể lan truyền đến Việt Nam, nên từ nhiều năm nay, ngành Y tế Lào Cai và Trung Quốc đã có nghiên cứu chung về bệnh dịch hạch trên chuột và bọ chét, đồng thời, Trung tâm cùng Bộ đội Biên phòng và Ban quản lý cửa khẩu thường xuyên kiểm tra công tác diệt chuột ở các bãi tập kết hàng.
Là người trực tiếp kiểm tra tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, BS Bùi Thị Lộc, Giám đốc Trung tâm KDYTQT Lào Cai cho biết, ngay khi biết Trung Quốc có dịch hạch, công tác KDYTQT được tăng cường với việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt, còn tất cả các phương tiện vận tải đều được phun thuốc diệt khuẩn. Hàng tháng, Trung tâm tổ chức bẫy chuột, gửi mẫu về Viện VSDT TW để xét nghiệm xem có dịch hạch không.
-------------------------