Báo Trung Quốc: Mỹ âm mưu cách mạng màu tại Hồng Kông
Nhân dân nhật báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10/10 đã có bài viết cáo buộc Mỹ đang âm mưu với nhóm Chiếm đóng trung tâm tại Hồng Kông để tìm cách thực hiện một cuộc “cách mạng màu”.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng buổi sáng của Hồng Kông, mặc dù tờ báo trên trước đây từng có những nhận định tương tự, việc Nhân dân nhật báo đưa bài bình luận lên trang nhất trong phiên bản xuất bản tại nước ngoài cho thấy Bắc Kinh đang đưa những cáo buộc trên lên một cấp độ cao hơn.
Bài viết có tiêu đề “Tại sao Mỹ không bao giờ thấy chán các cuộc cách mạng màu”, khẳng định Washington đang khuấy động những rắc rối chống lại các chính quyền họ không ưa, dưới cái cớ là hỗ trợ các phong trào dân chủ.
Trích dẫn những bài viết chưa được kiểm chứng ở nước ngoài, tờ báo trên khẳng định những lãnh đạo chủ chốt của Chiếm đóng trung tâm đã gặp gỡ với Louisa Greve, phó chủ tịch của Cơ quan hỗ trợ dân chủ quốc gia Mỹ (NED).
Bài viết cũng trích dẫn những bình luận cho rằng Greve có liên hệ với các lực lượng đang đòi độc lập cho Tây Tạng và phong trào Hồi giáo Đông Turkestan.
“Tất nhiên Mỹ sẽ không thừa nhận họ đang thao túng “Chiếm đóng trung tâm”, cũng giống như họ sẽ không thừa nhận việc đang kiểm soát các lực lượng chống Trung Quốc. Họ sẽ hợp pháp hóa các bước đi của mình dưới các giá trị “dân chủ, tự do và nhân quyền””, bài viết bình luận.
Đến nay NED chưa có phản hồi gì.
Bài bình luận được đăng tải sau khi chính quyền Hồng Kông hủy một cuộc đối thoại được lên kế hoạch trước đó với lãnh đạo của phong trào sinh viên biểu tình, sau khi các cuộc tuần hành bước sang ngày thứ 13.
“Cách mạng màu” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để miêu tả các phong trào khác nhau tại Liên Xô cũ trong giai đoạn đầu những năm 2000, vốn dẫn tới việc lật đổ chính quyền. Nó cũng được áp dụng cho các cuộc nổi dậy tại Trung Đông.
Trước đó, một bài bình luận trên trang nhất của Nhân dân nhật báo số ra thứ Bảy tuần trước cũng cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào để tiến hành một cuộc “cách mạng màu” tại đại lục thông qua Hồng Kông sẽ chết yếu, nhưng không chỉ đích danh Mỹ đứng đằng sau.
Những cảnh báo đầy cứng rắn trên được tờ báo Trung Quốc đưa ra sau khi một ủy ban của quốc hội Mỹ về Trung Quốc khẳng định trong một báo cáo rằng, việc Bắc Kinh hạn chế dân chủ tại Hồng Kông “làm gia tăng quan ngại về tương lai của sự tự do và pháp quyền mong manh, vốn là sự khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục”.
Chủ tịch ủy ban trên, thượng nghị sỹ Sherrod Brown đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama trực tiếp gây sức ép với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này.
-----------------------
15.000 người xuống đường: Hong Kong ‘tăng nhiệt’ trở lại
Đêm 10-10, 15.000 người biểu tình lại tụ tập ở khu vực tòa nhà chính phủ và quận Mongkok để tiếp tục phản đối hành động hủy bỏ đàm phán của chính quyền Hong Kong.
Trước đó, chính phủ Hong Kong đã hủy bỏ cuộc đàm phán với đại diện các sinh viên biểu tình dự định tổ chức vào ngày hôm qua (10-10).
Về phía chính quyền Hong Kong, bà Carrie Lam lý giải nguyên nhân hủy bỏ đàm phán là do nghi ngờ lực lượng sinh viên lợi dụng dịp này để tổ chức một cuộc biểu tình khác, quy mô hơn và đó là những hoạt động phi pháp.
Mặc dù vậy, bà Lam cũng loại trừ khả năng cảnh sát lại sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để giải tán người biểu tình.
Đáp trả hành động đơn phương hủy bỏ đàm phán của chính quyền Hong Kong. Lester Shum, phó tổng thư ký liên đoàn sinh viên tuyên bố sẽ có một cuộc biểu tình lớn quy tụ hàng chục ngàn người vào tối 10-10.
Đúng như dự đoán, khoảng 8 giờ tối (giờ Hong Kong), số lượng người biểu tình quy tụ về Harcourt Road, gần khu vực tòa nhà chính phủ liên tục tăng cao. Đến khoảng 10 giờ thì số người biểu tình ước tính đã đạt mốc 10.000 người.
Lester Shum tuyên bố những cuộc biểu tình lần này là một thông điệp gửi đến chính phủ Hong Kong, sinh viên sẽ tiếp tục biểu tình chừng nào các yêu sách đàm phán của họ chưa được đáp ứng.
Lãnh đạo biểu tình này cho rằng những người tham gia đã quá mệt mỏi sau hai tuần và bản thân mình cũng sắp kiệt sức nhưng họ sẽ không đầu hàng vì dân chủ của Hong Kong.
Trong khi đó ở quận Mongkok có khoảng 600 người vẫn đang biểu tình ngồi và bất bạo động. Hơn 100 cảnh sát được điều động để tránh tình trạng đụng độ giữa phe biểu tình và chống biểu tình.
Hưởng ứng lời kêu goi của liên đoàn sinh viên, các lãnh đạo phong trào “chiếm khu trung tâm” cũng tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch bất tuân dân sự cho đến khi chính quyền đáp ứng yêu cầu của họ.
Nhóm Scolarism của Joshua Wong thì tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc bãi khóa trong tuần sau và lần này sẽ bao gồm cả các trường cấp hai ở Hong Kong.
Wong phát biểu tại Harcourt Road yêu cầu chính quyền phải xin lỗi vì đã xịt hơi cay vào người biểu tình không có vũ trang đồng thời kêu gọi mọi người đem theo lều bạt để biểu tình suốt đêm.
-----------------------
Trung Quốc 'bất bình cực độ' vì Mỹ ủng hộ biểu tình Hong Kong
Trung Quốc hôm nay bày tỏ sự tức giận trước một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ, trong đó ủng hộ cuộc biểu tình "Occupy Central" ở Hong Kong.
"Báo cáo của cơ quan Mỹ bóp méo sự thật và là một sự tấn công có chủ đích nhằm vào Trung Quốc. Chúng tôi thể hiện sự bất bình cực độ đối với bản báo cáo", Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói.
Ông Hồng cũng yêu cầu Ủy ban điều hành các vấn đề về Trung Quốc, thuộc Quốc hội Mỹ, "ngừng hành động can thiệp sai trái và làm tổn hại quan hệ Mỹ - Trung". Theo người phát ngôn, Mỹ không có quyền tham gia vào tình hình Hong Kong, vốn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. "Cơ quan này cần nói và hành động cẩn trọng, ngừng gửi thông điệp sai trái tới Occupy Central và các hoạt động bất hợp pháp khác, hoặc hỗ trợ họ", ông Hồng nói.
Ủy ban điều hành các vấn đề về Trung Quốc hôm qua công bố báo cáo thường niên, cho rằng Washington cần tăng cường ủng hộ cho nền dân chủ ở Hong Kong và thúc đẩy phổ thông đầu phiếu. Báo cáo tuyên bố Mỹ nên theo sát tiến trình dân chủ của Hong Kong, tăng cường trao đổi trong khu vực và đưa các quan chức cấp cao tới đây.
Đặc khu hành chính Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, đã chứng kiến cuộc biểu tình "Occupy Central" kéo dài gần hai tuần, nhằm kêu gọi chính phủ Trung Quốc giữ lời hứa về phổ thông đầu phiếu. Cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của đặc khu này dự kiến diễn ra năm 2017, nhưng Bắc Kinh mới đây nói một ủy ban đặc biệt sẽ sàng lọc trước các ứng cử viên, điều bị coi là một sự thất hứa.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo là bất hợp pháp, và hoàn toàn ủng hộ chính quyền Hong Kong xử lý khủng hoảng.
Trước đó, trên WSJ, thủ lĩnh phong trào biểu tình của sinh viên Joshua Wong cho biết nếu sinh viên không được đáp ứng các yêu sách, họ sẽ tiếp tục xuống đường. Wong cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Mỹ ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong mạnh mẽ hơn nữa.
------------------
Hồng Kông căng thẳng trở lại
Hưởng ứng lời kêu gọi mở cuộc tuần hành của các thủ lĩnh biểu tình sau khi chính quyền thành phố hủy bỏ đàm phán với sinh viên, hàng ngàn người lại tập trung tại trung tâm Hồng Kông hôm 10-10 để tiếp tục đòi quyền được tự do bầu lãnh đạo.
Nhiều người mang theo lều và đồ ăn dự trữ, cho thấy quyết tâm duy trì chiến dịch đòi dân chủ đầy đủ bất chấp cảnh sát yêu cầu giải tỏa các tuyến đường chính tại trung tâm tài chính của Hồng Kông.
Trước đó một ngày, Tổng Thư ký quản trị Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam giải thích cuộc đàm phán bị hủy do sinh viên không thay đổi quan điểm đòi phổ thông đầu phiếu vốn không phù hợp với luật pháp của đặc khu cũng như tiếp tục chiếm đóng trái phép nhiều khu vực trong thành phố.
Ngoài sức ép của người biểu tình, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh còn đối mặt cuộc điều tra sau khi xuất hiện cáo buộc ông nhận hối lộ 6,4 triệu USD của Công ty Kỹ thuật UGL (Úc). Ông Lương và đại diện của Công ty Kỹ thuật UGL đã ký một hợp đồng vào cuối năm 2011. Theo đó, UGL, công ty mua lại DTZ Holdings mà ông Lương từng là giám đốc, sẽ trả số tiền trên với điều kiện ông không được thành lập công ty đối thủ và sẵn sàng làm cố vấn cho công ty này trong 2 năm 2012 và 2013. Sở Tư pháp Hồng Kông đã giao cho các công tố viên điều tra vụ việc trong lúc văn phòng đặc khu trưởng phủ nhận có sai trái trong việc này.
-----------------------
Người biểu tình Hồng Kông kêu gọi tạo “quảng trường dù”
Trung Quốc đã bắt giữ 40 người đại lục trong 2 tuần qua vì hỗ trợ phong trào biểu tình tại Hồng Kông, hãng tin Kyodo dẫn báo cáo của các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền cho biết.
Những người bị bắt thuộc các lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc từ các nghệ sĩ, các nhà hoạt động dân chủ tới các nông dân. Đa phần các vụ bắt giữ xảy ra tại Bắc Kinh và tỉnh giáp với Hồng Kông là Quảng Đông, theo các ghi chép của nhà hoạt động nhân quyền Ôn Vân Siêu. Những người bị bắt giữ hầu hết đang bị giam giữ tại một trung tâm ở Tây Nam Bắc Kinh.
Dựa vào thông tin của ông Ôn, các vụ bắt giữ bắt đầu vào ngày 28-9, cùng ngày cảnh sát Hồng Kông xịt hơi cay vào hàng ngàn người biểu tình tập trung tại các khu vực trung tâm nhằm kêu gọi các cuộc bầu cử tự do tại đây.
Làn sóng bắt giữ đầu tiên dường như đã diễn ra sau khi một số người bày tỏ sự ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Đợt bắt giữ thứ 2 diễn ra vào ngày 1-10, nhân dịp kỷ niệm 65 năm quốc khánh Trung Quốc. 4 nông dân ở ngoại ô Bắc Kinh cũng bị bắt, trong đó có cụ bà 70 tuổi.
Cuối ngày 9-10, chính quyền Hồng Kông bất ngờ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch đàm phán với những người biểu tình ủng hộ dân chủ chỉ vài giờ trước khi nó bắt đầu. Do đó, Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông đã kêu gọi người dân tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở khu Kim Chung (Admiralty) vào lúc 19 giờ 30 ngày 10-10 (theo giờ địa phương).
Với khẩu hiệu “chiếm từng centimét đường phố” với dù và chăn mền, nhóm này hy vọng điều này sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền nhằm giải quyết yêu cầu của họ về cải cách chính trị. Lãnh đạo sinh viên hy vọng người biểu tình sẽ tạo ra một “quảng trường dù” tối nay.
Có khoảng 100 người cắm trại ở Kim Chung trong buổi sáng 10-10, theo ước tính của phóng viên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Hàng chục tuyến xe buýt bị hoãn vì những người biểu tình ủng hộ dân chủ tiếp tục chặn các con đường giao thông chính ở Kim Chung và Vượng Giác (Mong Kok).