Nhật lên tiếng việc Trung Quốc xây căn cứ gần Senkaku/Điếu Ngư
Hôm qua, truyền thông Nhật dẫn nguồn tin từ Trung Quốc tiết lộ quân đội Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự quy mô lớn gần quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Theo Hãng tin Kyodo News, căn cứ này đang được xây dựng trên quần đảo Nam Kỷ thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, cách quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư khoảng 300km về phía tây bắc.
Các nguồn tin khẳng định căn cứ này giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng quân sự trong khu vực. Nó cũng sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng giám sát vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này đơn phương lập ra trên biển Hoa Ðông hồi tháng 11-2013.
Kyodo News đưa tin hiện quân đội Trung Quốc đang xây dựng vài đường băng sân bay trên đảo chính của quần đảo Nam Kỷ.
Một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc cho biết hiện quân đội nước này đã triển khai một hệ thống rađa ở quần đảo Nam Kỷ.
Phản ứng trước diễn biến trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo đang phân tích các thông tin đã có được.
“Trung Quốc đang liên tục tăng cường hoạt động quân sự tại các vùng biển và vùng trời quanh Nhật. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành động này” - ông Suga nhấn mạnh.
Một số nhà quan sát nhận định căn cứ của Trung Quốc có thể sẽ khiến Nhật và Mỹ phải thay đổi chiến lược an ninh bảo vệ quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư.
-------------------------
Nga tái lập hoàn toàn căn cứ hải quân ở Crimea
Moscow đã tái lập hoàn toàn căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Crimea, vùng lãnh thổ tuyên bố tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, theo Itar Tass.
Tuyên bố được đại diện Hạm đội Biển Đen đưa ra hôm 21.12. Căn cứ của hạm đội có ở nhiều nơi nhưng Tổng hành dinh ở thành phố cảng Sevastopol, tây nam bán đảo Crimea, thuộc phía bắc Biển Đen.
Chức vụ chỉ huy căn cứ ở Sevastopol được bổ nhiệm cho Đại tá hải quân Yuri Zemsky, trước đó ông từng chỉ huy một sư đoàn hải quân của Nga đóng tại Địa Trung Hải.
Các đơn vị mới thành lập ở Crimea đã hợp nhất với phần còn lại của hải quân Nga, đảm nhận nhiệm vụ giám sát và bảo vệ Biển Đen trước sự xâm nhập của bên ngoài, theo Itar Tass.
Crimea trước đây là lãnh thổ của Nga và Hạm đội Biển Đen đã đóng tại cảng Sevastopol từ khi mới thành lập cách đây hơn 200 năm. Tháng 5.1954, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã chuyển giao bán đảo Crimea cho Ukraine, lúc đó Ukraine vẫn thuộc Liên bang Xô Viết.
Kiev đã sử dụng Sevastopol làm cơ sở của hải quân Ukraine. Ngày 16.3, Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18.3 đã ký các thỏa thuận thống nhất với Crimea và cảng Sevastopol thuộc về Nga chỉ một ngày sau đó.
Moscow đang đẩy mạnh sáp nhập Crimea không chỉ về mặt lãnh thổ, mà còn về quân sự, kinh tế, tài chính, pháp lý và quản lý nhà nước, theo Itar Tass.
Kiev và phương Tây luôn phủ nhận tính hợp pháp trong hành động sáp nhập Crimea của Nga và tuyên bố vùng lãnh thổ này vẫn thuộc Ukraine. Moscow thì cho rằng việc sáp nhập là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hợp với tiền lệ từng được thiết lập trước đây khi Kosovo tách khỏi Serbia vào năm 2008.
-------------------------
Putin sẽ đưa Nga vượt qua ‘giông bão’?
Tổng thống Nga đặt ra thời hạn 2 năm để Nga khôi phục tình trạng kinh tế, khi “các yếu tố bên ngoài” thay đổi. Vậy, ông Putin dựa trên điều gì để có thể tự tin như vậy?
Trong bài phát biểu quan trọng ở buổi họp báo cuối năm hôm 18.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có câu trả lời cho vấn đề được quan tâm nhất: Kinh tế Nga có khả quan nếu tiếp tục bị châu Âu và Mỹ trừng phạt? Có! Bloomberg dẫn lời ông Putin cho rằng người Nga sẽ chỉ đợi 2 năm để thấy mọi thứ ổn định trở lại, với điều kiện “các yếu tố bên ngoài thay đổi”.
Các giải pháp kinh tế
Sự khủng hoảng của kinh tế Nga, theo cách nói của các tờ báo, hãng tin như The Guardian, Reuters, Business Insider..., được thấy rõ nhất khi giá dầu tụt dốc và đồng rúp biến động theo hướng bất lợi. Washington Post hôm 19.12 có bài viết cho rằng Nga sẽ sớm nhận ra sự thua thiệt khi kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo cách dễ hiểu nhất, Nga phải đa dạng hóa kinh tế và tìm thị trường mới sau khi có khả năng tiếp tục bị châu Âu trừng phạt.
Ngày 19.12, The Moscow Times xác nhận thông tin ông Putin đã mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang Nga. Lời mời này nhằm vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Liên bang Xô Viết thắng phát xít Đức. Nhưng NK News cho rằng đây sẽ là buổi nói chuyện xung quanh mối quan hệ song phương giữa điện Kremlin và Bình Nhưỡng.
Nga có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Hàn Quốc và dự kiến tập đoàn Gazprom sẽ xây đường ống dẫn khí đốt thông qua Triều Tiên để đến Hàn.
Ngoài ra trong buổi phỏng vấn của Rusia Today hồi tháng 7 năm nay, ông Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Mỹ Latin. Trước đó, Nga cũng ký kết nhiều hợp đồng kinh tế quan trọng với Cuba, bao gồm việc khai thác dầu mỏ ở Vịnh Mexico.
Hồi tháng 11 tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Nga đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ USD với Trung Quốc, xem như đã và đang tiếp tục tìm con đường mới khi bị châu Âu trừng phạt.
Sự tự tin của ông Putin
Trong buổi họp báo hôm 18.12, ông Putin đã giữ thái độ rất tự tin, kể cả khi nói về việc đồng rúp và giá dầu đang ảnh hưởng xấu đến kinh tế Nga. Khi được hỏi về việc làm thế nào Nga ứng phó với lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU, ông kể một câu chuyện khá ấn tượng.
Câu chuyện được được Bloomberg và kremlin.ru ghi lại rằng: Putin đã gọi điện trò chuyện với vài doanh nghiệp. Ông hỏi họ có tiếp tục tham gia thị trường không, họ lo ngại về số vốn vay ngân hàng phải trả. Sau đó ông Putin hỏi nếu vét túi thì họ còn bao nhiêu tiền. Người kia đáp còn 3 tỉ USD. Ông Putin nói với các phóng viên: “Họ còn 3 tỉ USD dự trữ. Các bạn hiểu ý tôi chứ? Đó không phải 30 đồng kopek (100 kopek = 1 rúp – NV), và đó chỉ là 1 doanh nghiệp của chúng tôi thôi”.
Ông Putin tỏ ra rất tự tin về tiền dự trữ của Nga, và câu chuyện đó có thể xem là trợ lực cho ông chủ điện Kremlin sẵn sàng “đấu” với Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến giá dầu.
Không riêng Nga, việc đồng rúp tụt giá cũng ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch làm ăn của thế giới. Hãng Gazprom vừa qua đã hủy hợp đồng với tập đoàn hóa chất Đức BASF SE. Hiện Nga cung cấp đến 40% nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Đức, theo The Moscow Times.
Khi tuyên bố kinh tế Nga sẽ phục hồi sau 2 năm nữa khi các “yếu tố bên ngoài” thay đổi, đó là cách ông Putin nhắc nhở rồi châu Âu cũng sẽ cảm nhận sự tổn thương khi trừng phạt Nga. Ý kiến này đã từng được Russia Today dẫn hồi đầu tháng này. Nhưng liệu Nga sẽ “sống sót” với thế mạnh và lượng tiền dự trữ ấy?
-------------------------
Campuchia: Bác sĩ dùng ống tiêm bẩn truyền HIV hơn 100 người
Một bác sĩ bị tình nghi truyền HIV cho hơn 100 người tại Campuchia vừa thú nhận đã sử dụng lại ống tiêm nhiều lần, theo Cambodia Daily ngày 22.12.
Theo đó, bác sĩ tên Yem Chrin, không có giấy phép hành nghề, bị tạm giữ tại đồn cảnh sát tỉnh Battambang và vừa ra toà vào ngày 21.12.
“Chrin thú nhận khi xét nghiệm HIV cho bệnh nhân, ông có đổi kim nhưng thỉnh thoảng chỉ dùng một ống tiêm vừa lấy máu xét nghiệm và vừa tiêm thuốc cho 2-3 người”, Seng Luch, một quan chức cảnh sát điều tra cho biết.
Vụ việc được phát hiện khi một cụ ông 74 tuổi cùng người cháu và con trai bị dương tính HIV sau khi xét nghiệm HIV tại trung tâm y tế xã Roka (tỉnh Battambang, Campuchia), kiện Yem Chrin đã truyền vi rút chết người cho ông và con cháu.
Sau khi thông tin lan truyền, nhiều người trong xã sau đó đều đi xét nghiệm và gần 110 người có kết quả dương tính với HIV. Trong đó có 90 trường hợp đã được khẳng định sau khi xét nghiệm lại tại Viện Pasteur ở Phnom Penh.
-------------------------