Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/12 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn từ bệ phóng thuộc trung tâm vũ trụ Plesetsk ở miền bắc nước Nga.
Trang Itar-Tass dẫn lời Đại tá Igor Yegorov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga xác nhận: “Vào 11h02 theo giờ Mátxcơva, từ bệ phóng thuộc trung tâm vũ trụ Plesetsk Plesetsk, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn, bố trí trên phương tiện cơ động mặt đất và trang bị nhiều đầu đạn".
Các đầu đạn của tên lửa đã rơi xuống bãi thử nghiệm Kura tại bán đảo Kamchatka.
Theo phát ngôn viên Yegorov, mục tiêu chính của cuộc phóng thử hôm qua là nhằm xác nhận sức bền của tên lửa RS-24, đồng thời cũng kiểm tra các tính năng chiến đấu và các tính năng hoạt động khác của loại tên lửa được tiến hành chế tạo trong 2 năm 2013, 2014 này.
Cùng ngày, Thiếu tá Kirill Kiselev phụ trách thông tin báo chí của Lục quân Nga thông báo rằng Lực lượng phòng không thuộc Lục quân Nga đã đưa vào biên chế hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300V4 và Tor-M2U.
Mátxcơva ngày 26/12 tuyên bố Pháp không thể bán tàu chở trực thăng hiện đại lớp Mistral cho các thành viên NATO bởi các tàu chiến này đã được thiết kế để phù hợp với các loại vũ khí của Nga.
Trang tin Itar- Tass dẫn lời Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko tuyên bố: “Tôi nghĩ việc bán tàu Mistral cho NATO là điều không thể xảy ra, đầu tiên là vì hợp đồng đóng tàu đã được ký kết giữa Nga và Pháp”.
“Hơn nữa, những con tàu này được thiết kế để trang bị các loại vũ khí của hải quân Nga”, Đại sứ Grushko nói thêm.
Tháng 6/2011, Pháp đã ký hợp đồng đóng 2 tàu chở trực thăng đổ bộ tấn công lớp Mistral cho Nga với tổng trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD).
Con tàu Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok đã hạ thủy để chạy thử vào hồi tháng 10/2013. Tàu đổ bộ tấn công lớp thứ hai có tên Sevastopol theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 9 vừa qua, sau nhiều tháng chịu áp lực từ NATO về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông đã quyết định sẽ hoãn bàn giao tàu Vladivostok cho Nga “cho đến khi có thông báo tiếp theo”.
Vào trung tuần tháng 12 này, 400 thủy thủ sang Pháp để huấn luyện cách vận hành tàu Mistral đã về nước “tay trắng”. Giới chức Nga thông báo Mátxcơva sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý và đưa ra các khoản phạt với Pháp nếu nước này đơn phương hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu Mistral.
--------------------------
Học thuyết quân sự mới của Nga coi NATO, Mỹ là "nguy cơ chính"
Nga vừa thông qua một phiên bản mới của học thuyết quân sự để ứng phó kịp thời với các nguy cơ đe dọa an ninh nước này, bao gồm cả việc tăng cường quân sự của NATO và thuyết “đòn tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ.
Theo trang RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 đã thông qua đã thông qua bản học thuyết quân sự mới, giữ nguyên những nội dung cốt lõi của phiên bản trước.
Theo đó, Mátxcơva vẫn xem quân đội là một công cụ phòng vệ, đồng thời coi vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe đối với kẻ thù tiềm tàng, nhưng vẫn bảo lưu khả năng sử dụng loại vũ khí này như phương sách cuối cùng trước một cuộc tấn công đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga.
Tuy nhiên, học thuyết quân sự mới nhận định “dù khả năng của một cuộc tấn công quy mô lớn vào Nga giảm đi, các nguy cơ an ninh khác lại gia tăng”.
Phần nội dung mới của học thuyết đã khái quát những nguy cơ đối với an ninh Nga đến từ sự mở rộng và gia tăng quân sự của NATO và nhấn mạnh rằng tổ chức này đã thực hiện các nhiệm vụ toàn cầu thông qua vi phạm luật pháp quốc tế. Thuyết “đòn tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ cũng được liệt vào những nguy cơ quân sự chính đến từ bên ngoài.
Đây cũng là học thuyết quân sự đầu tiên của Nga đưa nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia ở Bắc cực vào ưu tiên của quân đội trong thời bình.
------------------------------
Phát hiện nồng độ kháng sinh cao trên nhiều sông lớn tại Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc đưa tin, nồng độ kháng sinh cao đã được phát hiện trên các con sông lớn tại nước này, gây nguy hiểm cho người dân sống tại các khu vực lân cận và hệ sinh thái khu vực.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 25/12 đưa tin, các loại kháng sinh đã được tìm thấy trong các mẫu nước lấy từ sông Trường Giang, Hoàng Phố, Châu Giang, cũng như trong nguồn nước tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.
CCTV cho hay, nồng độ kháng sinh cao như vậy là do việc xả thải trái phép của Công ty dược Shandong Lukang, một trong những hãng sản xuất thuốc lớn nhất tại Trung Quốc, và sự lạm dụng kháng sinh của những người chăn nuôi gia cầm. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng do sự giám sát không hiệu quả của các cơ quan bảo vệ môi trường địa phương.
Các kháng sinh trong nước có thể gây nguy hiểm của người dân và làm tổn hại các hệ sinh thái.
Mặc dù giới chức không công bố chính xác số người bị ảnh hưởng, nhưng các sông được kiểm tra từ lâu vốn là nguồn cung cấp nước chính cho miền trung, đông và nam Trung Quốc.
Theo CCTV, công ty dược Shandong Lukang đã xả nước thải ô nhiễm chứa nồng độ kháng sinh cao gấp 10.000 lần so với hàng lượng kháng sinh trong nước sạch.
Báo cáo cũng cho biết, tại quận Lishui tại Nam Kinh, một khu vực chăn nuôi gia cầm lớn tại tỉnh Giang Tô, các nông dân thường xuyên cho vịt dùng rất nhiều kháng sinh và đổ phân vịt xuống một con sông gần đó.
Hầu hết các trang trại đều không được trang bị các hệ thống xử lý ô nhiễm. Các hồ và sông gần đó đã bị ô nhiễm rất nặng.
Một quan chức từ Tập đoàn nước sạch Nam Kinh cho hay nguồn nước của thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận rằng không có quy định nào nhằm kiểm tra kháng sinh trong nguồn nước và cũng không có thiết bị nào để phát hiện kháng sinh tại các trạm bơm.
Theo một báo cáo được công bố hồi tháng 5 trên Tạp chí khoa học Trung Quốc, nguồn nước mặt của Trung Quốc bị nhiễm 68 loại kháng sinh.
Trên các con sông như sông Châu Giang, vốn đổ ra Biển Đông, và sông Hoàng Phố tại Thượng Hải, mỗi lít nước mẫu bị phát hiện chúa vài trăm nanogram kháng sinh, so với chưa đầy 20 nanogram tại các quốc gia phát triển.
70% các loại thuốc được sản xuất tại Trung Quốc là kháng sinh, so với 30% tại các nước phương Tây, Xinhua cho biết. Ước tính, ít nhất 15.000 tấn thuốc hết hạn đã bị đưa ra vào thùng rác mỗi năm.
Theo các quy định của Bộ nông nghiệp Trung Quốc, nông dân chỉ có thể mua thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ thú y. Tuy nhiên, các hiệu thuốc tại Nam Kinh đều thừa nhận rằng họ bán thuốc tự do cho các nông dân.
Một chủ hiệu thuốc cho biết các nông dân mua nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau. "Các chủ trang trại vịt không ăn những con vịt được cho uống các loại thuốc này", ông nói.
CCTV cũng dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng Lukang, một trong 4 hãng sản xuất thuốc kháng sinh lớn nhất Trung Quốc, thường xuyên nhận được thông báo bí mật trước mỗi lần có kiểm tra "ngẫu nhiên" của cục bảo vệ môi trường.
"Việc sản xuất sẽ bị ngừng để che giấu sự ô nhiễm... Khi các thanh sát viên rời đi, nhà máy lại nối lại hoạt động như thường lệ", nguồn tin trên nói.
--------------------------