Ấn Độ chi 2,5 tỉ USD mua trực thăng Mỹ
Trang tin Defence News dẫn nguồn từ một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ (giấu tên) cho biết tại cuộc họp ngày 29-8, hội đồng mua sắm quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng Arun Jaitley đứng đầu đã giải tỏa những vướng mắc cuối cùng cho thương vụ trên.
Hội đồng mua sắm quốc phòng cũng tạm hoãn quyết định về đề xuất thương vụ mua tên lửa dẫn đường chống tăng Spike của Israel trị giá 2,5 tỉ USD. Lý do hoãn là vì Mỹ đang đề nghị hợp tác với Ấn Độ để sản xuất tên lửa chống tăng Javelin.
Cũng tại cuộc họp nêu trên, hội đồng mua sắm quốc phòng nhất trí đề xuất của hải quân về kế hoạch mua thêm 16 máy bay trực thăng đa năng. Hãng sản xuất máy bay Sikorsky Aircraft (Mỹ) có thể được chọn để ký kết hợp đồng cung cấp 16 máy bay này.
Tuy nhiên, hội đồng mua sắm quốc phòng đã quyết định hủy thương vụ chào mua 197 máy bay trực thăng hạng nhẹ trị giá 991 triệu USD từ các công ty nước ngoài. Trước đó, hai hãng Eurocopter (Pháp) và Kamov (Nga) đã tham gia đấu thầu thương vụ này. Hội đồng đề nghị các công ty vũ khí trong nước sản xuất 400 trực thăng hạng nhẹ.
---------------------------
Máy bay lại rơi ở Mỹ, 5 người thiệt mạng
Hôm qua (31-8), ít nhất 5 người đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay cá nhân tại gần sân bay Denver, phía bắc Colorado, Mỹ.
Chiếc máy bay có tên Piper PA-46 đã rơi tại địa điểm gần sân bay của thành phố Erie, Colorado vào lúc 11:50 sáng, ông Peter Knudson, một phát ngôn viên của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) cho biết.
Cảnh xác Erie đã xác nhận 2 trong số 5 người bị thương đã được đưa ra khỏi hiện trường và chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng không may, tất cả 5 người gặp nạn đều không thể qua khỏi.
Trung tá cảnh sát Erie, ông Lee Mathis cho biết chiếc máy bay 6 chỗ ngồi này đã rơi tại một địa điểm cách đường băng chỉ vài trăm mét. Đến giờ các nhà điều tra vẫn chưa biết liệu chiếc máy bay này đang cất cánh hay hạ cánh. Vụ tai nạn đã được một người đi đường gần sân bay báo cáo lại.
Nhân chứng hiện trường, Jan Culver và bạn cô ấy đã có mặt tại địa điểm nơi chiếc máy bay rơ cho biết họ đã không nghe thấy bất cứ điều gì cho đến khi phát hiện một chùm sáng với đầy khói trong không khí. “ Vụ tai nạn diễn ra rất “im lặng”, thật sự rất “im lặng”. Cô nhấn mạnh “ Biết rằng máy bay đang rơi nhưng chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì để giúp họ. Thật là tồi tệ”.
Cục hàng không liên bang và NTSB đang tập trung làm rõ vụ việc.
---------------------------
Căng thẳng dâng cao ở Hồng Kông
Ngày 31.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định cho phép việc chọn Trưởng đặc khu Hồng Kông sẽ được tiến hành theo phương thức bỏ phiếu phổ thông từ năm 2017. Tuy nhiên, các ứng viên phải do một ủy ban đề cử lựa chọn và số ứng viên được chọn chỉ từ 2 - 3 người, trong đó mỗi ứng viên phải được sự ủng hộ của hơn 50% thành viên ủy ban. Quy định mới còn nêu rõ đặc khu trưởng đắc cử phải được chính quyền trung ương thông qua mới có thể nhậm chức. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang ca ngợi đây là “quyết định rất quan trọng trong việc cải cách dân chủ và cải tiến bầu chọn lãnh đạo Hồng Kông theo pháp luật” vì cho phép người dân lần đầu tiên trực tiếp bỏ phiếu bầu lãnh đạo kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả năm 1997. Hiện nay, đặc khu trưởng Hồng Kông do một ủy ban gồm 1.200 thành viên bị chỉ trích là thân Bắc Kinh bầu chọn.
Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định trên được công bố, nhiều chính trị gia, trí thức và tổ chức ở Hồng Kông đã phản đối mạnh mẽ và cáo buộc trung ương đang “áp đặt một nền dân chủ giả” bằng cách kiểm soát ứng viên tranh cử, theo Reuters. Nghị viên kỳ cựu Thang Gia Hoa phát biểu trên truyền hình: “Đây là ngày đau buồn nhất và đen tối nhất cho phong trào dân chủ ở Hồng Kông”. Tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông Châu Vĩnh Khang thì chỉ trích quyết định của trung ương là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và khẳng định: “Chúng tôi không có lựa chọn và phải đấu tranh”.
Bên cạnh đó Tổ chức Occupy Central (OC), được xem là đầu tàu cho phong trào đòi cải cách ở Hồng Kông hiện nay, tuyên bố họ sẽ thực hiện kế hoạch phong tỏa khu trung tâm hành chính - tài chính Trung Hoàn như cảnh báo trước đó. “Tất cả cơ hội đối thoại đã bị dập tắt. Việc chiếm Trung Hoàn chắc chắn sẽ diễn ra”, Reuters dẫn tuyên bố của OC viết. Tổ chức này không thông báo chi tiết nhưng cho hay trong vài tuần tới sẽ tiến hành hàng loạt hoạt động để chuẩn bị cho cuộc phong tỏa. Hồi tháng 7, OC đã phát động cuộc đại biểu tình với hàng trăm ngàn người tham gia để đòi cải cách quá trình bầu trưởng đặc khu. Ngoài ra, ông trùm truyền thông Lê Trí Anh vừa tuyên bố sẽ tham gia OC và góp tiền cho những nhà ủng hộ dân chủ, theo báo South China Morning Post. Ông này là chủ sở hữu nhiều tờ báo, tạp chí có lượng phát hành hàng đầu Hồng Kông như Apple Daily và Next. Đáng chú ý là nhà của ông Lê vừa bị cảnh sát lục soát hôm 28.8 để điều tra cáo buộc tham nhũng, theo AFP.
Căng thẳng càng dâng cao khi trong ngày 31.8, các nhóm ủng hộ Bắc Kinh đã xuống đường tuần hành để bày tỏ đồng tình với quyết định của trung ương lẫn phô trương thanh thế trước OC. Đài RTHK còn dẫn lời cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Trần Tá Nhị cảnh báo rằng “kế hoạch bất hợp pháp của OC sẽ kết thúc bằng đổ máu”.
---------------------------
Singapore khai trương mạng Internet nhanh nhất Đông Nam Á
Singapore mới đây đã đưa vào sử dụng mạng Internet cáp quang siêu nhanh, với tốc độ 100 Gbps, gấp 100 lần so với hệ thống mạng hiện tại ở Đảo quốc Sư tử. Đây cũng là mạng Internet cộng đồng nhanh nhất tại Đông Nam Á, ngang với Mỹ và châu Âu.
Mạng lưới Internet siêu nhanh nói trên có SingAREN-Lightwave Internet Exchange (Slix) do các cơ quan Mạng Nghiên cứu và Giáo dục Hiện đại Singapore (SingAren) và Quỹ Nghiên cứu Quốc gia đầu tư gần 10 triệu SGD để lắp đặt.
Những đối tượng đầu tiên được tiếp cận mạng lưới nghiên cứu và giáo dục này sẽ là các nhà nghiên cứu, học giả tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A-STAR), Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quốc gia Singapore.
Với Slix, các nhà nghiên cứu có thể truyền một số lượng lớn dữ liệu về biến đổi khí hậu thông qua mạng Internet chỉ trong vài giây thay vì vài phút như trước đây. Chẳng hạn như để truyền 3 terabyte dữ liệu phải mất 50 phút trên mạng 1 Gb trên giây trước đây thì nay chỉ mất có 30 giây trên mạng Slix.
Phó Giáo sư Francis Lee - Chủ tịch SingAren cho biết: “Trong tương lai, nếu công nghệ cho phép, chúng tôi có thể nâng cấp đường truyền lên 200 hoặc 400 Gbps, và tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát.”
Cơ quan Phát triển Thông tin truyền thông Singapore (IDA) nhận định Slix sẽ giúp các nhà nghiên cứu tại quốc đảo Sư tử tăng cường kết nối với các đồng nghiệp tại Mỹ và châu Âu, từ đó thúc đẩy quá trình áp dụng các ứng dụng và dịch vụ mới, vốn ý nghĩa quan trọng trong việc biến Singapore trở thành một “đất nước thông minh”./.
---------------------------
Mỹ cấp tên lửa cho Hàn Quốc: Nga và Trung Quốc khó chịu
Mỹ đang muốn trang bị cho Hàn Quốc một hệ thống tên lửa phòng vệ có giá nhiều tỷ USD. Động thái này khiến Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đồng loạt phản đối.
Trạm phòng ngự tầm cao (THAAD) là hệ thống phóng tên lửa trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi bộ, mà Mỹ khẳng định là "để phòng vệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc trước các vụ tấn công bằng tên lửa". Nhưng cả Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều cho rằng hệ thống này có thể gây nguy hiểm cho họ và gia tăng khả năng chiến tranh trong khu vực.
Bộ ngoại giao Nga tuyên bố: "THAAD có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hệ thống tên lửa này "không có lợi cho sự ổn định trong khu vực hoặc sự cân bằng chiến lược". Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thì đặt vấn đề rằng hệ thống này có thể được sử dụng để tấn công Bắc Triều Tiên.
Nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ đồng ý cho Mỹ lắp đặt THAAD trên lãnh thổ, với điều kiện là phía Mỹ chịu hoàn toàn chi phí - bởi giá thành quá cao của THAAD. Hiện chưa rõ Mỹ muốn lắp bao nhiêu "trạm" THAAD tại Hàn Quốc.
Không phải người Hàn Quốc nào cũng ủng hộ ý tưởng này. Một số học giả của Hàn Quốc đang đặt ra câu hỏi về việc THAAD có phục vụ cho lợi ích của họ, bởi nếu Bình Nhưỡng quyết định tấn công, thì họ chỉ phải đối mặt với tên lửa tầm gần và tầm trung. "Tầm cao của các tên lửa Bắc Triều Tiên không quá 40 km, trong khi THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao 150 km" - Jang Cheol-wun, một nhà nghiên cứu tại Đại học Kyungnam nói.
Theo ông Jang, hệ thống này phục vụ cho cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều hơn là cho chính lợi ích của Hàn Quốc.
---------------------------
Lo châu Âu trừng phạt, đồng rúp Nga mất giá kỷ lục
Những lo lắng về khả năng châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới do cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến đồng tiền rúp của Nga bị rớt giá kỷ lục, BBC hôm nay đưa tin.
Tỷ giá quy đổi đồng rúp hiện là 37,03 rúp/USD, theo BBC. Đây là lần rớt giá xuống mức thấp nhấp tính từ năm 1988.
Hồi đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Nga đã tuyên bố sẽ huỷ bỏ cơ chế hành lang giao dịch, vốn để hạn chế biên độ dao động của đồng rúp so với các đồng tiền khác như USD hay euro.
Nga hiện còn hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Trong trường hợp nội tệ yếu, Nga có thể tung ngoại tệ mua lại đồng rúp để đẩy giá lên. Tuy nhiên, nền kinh tế phụ thuộc vào các nguồn hàng như dầu mỏ, khí đốt đồng nghĩa với việc Nga không sẵn sàng và cũng khó có khả năng thực hiện việc này.
Theo báo cáo sơ bộ, tăng trưởng GDP trong quý II của Nga chỉ ở mức 0,8%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cũng thấp hơn mức 0,9% trong quý I.
Chứng khoán của Nga cũng đi xuống khi chỉ số RTS giảm 1,9%, lần đầu tiên xuống dưới mức 1.200 điểm từ ngày 8/8. Chỉ số MICEX cũng giảm 1,3%.
Theo Ngân hàng Stanley Morgan (Mỹ), căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng đầu tư vào Nga.
Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) hôm 30/8, Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine, ủng hộ phe ly khai miền đông phản công quân chính phủ Kiev. EU tuyên bố cho Nga 1 tuần để thay đổi, nếu không muốn đối diện các lệnh trừng phạt mới của EU.
---------------------------
Các nghị sĩ Mỹ kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine
Các nghị sĩ cấp cao của Mỹ ngày 31/8 đã kêu gọi Washington cung cấp vũ khí để trợ giúp Ukraine để đối phó với các diễn biến căng thẳng ở miền đông nước này.
Ông Robert Menendez, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với sự trả giá cho “sự gây hấn”.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn đài truyền hình CNN, ông Menendez, một thành viên đảng Dân chủ, nói: “Chúng ta nên cung cấp cho người Ukraine các loại vũ khí phòng vệ vốn có thể khiến ông Putin phải trả giá nếu tiếp tục gây hấn”.
“Đây không còn là vấn đề một số phần tử ly khai, đây là một sự xâm chiếm trực tiếp của Nga. Chúng ta phải thừa nhận điều đó”.
Ông Menendez nói thêm rằng vấn đề trên “nên được đưa lên bàn thảo luận” cho Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lúc này.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Thượng nghị sĩ John McCain cũng cáo buộc: “Đây không phải sự xâm nhập. Đây là sự xâm chiếm”.
Ông McCain đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, trước khi nói thêm rằng Ukraine cần phải được cung cấp các vũ khí.
“Hãy đưa cho họ các loại vũ khí họ cần. Cung cấp tiền mà họ cần, cho họ khả năng để chiến đấu”, ông McCain nói.
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, nói với kênh Fox News: “Nếu cúng ta không cung cấp các vũ khí nhỏ nhưng hiệu quả lúc này, chúng ta sẽ nhận hệ quả rất lớn và đáng sợ sau đó”.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi các cuộc đàm phán nhằm thảo luận vấn đề “nhà nước” cho miền đông Ukraine.
Các bình luận của ông Putin diễn ra sau khi EU cho Nga tối hậu thư 1 tuần để thay đổi tình hình ở đông Ukraine, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Ông Putin đã bác bỏ đe dọa của EU, cáo buộc EU ủng hộ một cuộc đảo chính tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 30/8 nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã ở rất gần ngưỡng không thể quay lại. Ngưỡng không thể quay lại là một cuộc chiến tổng lực”.