"Nga và Trung Quốc sẽ không chơi với nhau lâu dài"
Trong cuộc đối thoại giữa các chuyên gia về Nga tại Mỹ trên tờ The Huffingpost mới đây, họ cùng phân tích và chỉ ra một điểm: Nga và Trung Quốc không có cùng lợi ích và sẽ khó "ở chung" lâu dài.
Hiện nay dư luận Mỹ đang lo rằng xung đột trong vấn đề Ukraine sẽ đẩy Nga về phía kết thân với Trung Quốc, mà cuộc hội kiến giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin trong đỉnh điểm căng thẳng giữa Nga-phương Tây mới đây là bằng chứng.
Nhưng nhiều chuyên gia không cho rằng như vậy. "Đó là một hiện tượng bề mặt không có gốc rễ sâu xa" - tờ The Huffingpost đưa ý kiến các chuyên gia hàng đầu. Giữa Nga và Trung Quốc hiện nay, có một sự gắn kết nhờ vào mối lo lắng chung cho tương lai của mỗi nước. Nhưng họ không đi chung một đường.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới và sẽ không muốn bị tẩy chay, thì Nga lại không sợ những lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ vào một nền kinh tế dầu mỏ. Trung Quốc có "chiếc phanh" trong việc gây hấn với phương Tây. Còn Nga không có nền xuất khẩu mạnh, không có nền công nghiệp hiện đại và dịch vụ tốt. Họ chỉ "tự cường" bằng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.
Thậm chí, các chuyên gia Mỹ còn tin rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột. Nga có lãnh thổ vô cùng rộng lớn, và lại có nguồn khoáng sản thô mà Trung Quốc thèm muốn. Điều đó có thể tạo ra tiền đề cho xung đột sau này.
"Putin nên quan ngại về phía Đông lãnh thổ của ông ta, nơi có rất nhiều tài nguyên mà Trung Quốc thèm muốn nhưng lại có quá ít dân cư ở đó để bảo vệ chúng" - chuyên gia Strobe Talbott khẳng định.
---------------------------
Lính Trung Quốc lại xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ
Ngày 19-8, truyền thông Ấn Độ đưa tin lính Trung Quốc lại xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ trong vài ngày qua.
Báo chí Ấn Độ dẫn lời một số quan chức New Delhi cho biết có hai lần lính Trung Quốc vượt biên giới xâm nhập vào khu vực hoang vắng ở phía tây dãy Himalaya. Một số lính Trung Quốc giương biểu ngữ: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc. Hãy rút đi”.
Biên phòng Ấn Độ đã thông báo các trường hợp này cho quân đội. Một quan chức nhấn mạnh binh lính Trung Quốc đã xâm nhập rất sâu vào lãnh thổ Ấn Độ ở vùng Ladakh.
Hồi tháng 4-2013, lính Trung Quốc cũng vượt biên giới và lập trại trong lãnh thổ Ấn Độ, dẫn tới một cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài ba tuần với quân đội Ấn Độ. Vụ việc chỉ được tháo gỡ khi hai bên đồng ý rút quân.
Trước đây Ấn Độ và Trung Quốc từng ký thỏa thuận duy trì hòa bình ở khu vực biên giới. Hai nước trải qua một cuộc chiến đẫm máu tại biên giới năm 1962.
---------------------------
Triều Tiên điều chuyển xe tăng gần biên giới Trung Quốc
Triều Tiên được cho là vừa di chuyển hàng chục xe tăng, xe bọc thép tới một quân đoàn gần biên giới với Trung Quốc.
Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin hôm qua cho biết 80 xe tăng vừa được triển khai tới tỉnh Ryanggang, gần biên giới với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên xe tăng được triển khai tới đây.
Khu vực là nơi đồn trú của Quân đoàn 12. Được thành lập năm 2010, quân đoàn vừa chuyển thành "một lực lượng tấn công sau khi được tăng cường", với một đơn vị thiết giáp bộ binh, một đơn vị tên lửa, đơn vị chiến tranh đặc biệt và lữ đoàn xạ thủ.
Khoảng 80 xe bọc thép mới dự kiến sớm được cử tới Lữ đoàn 42 tại tỉnh Ryanggang. Lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh nhanh chóng triển khai những phương tiện mới này, với khả năng di chuyển tối đa 80 km/h, chở từ 10 đến 15 binh sĩ. Hơn 10 xe tăng mới, trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động và màn hình máy tính cũng vừa được triển khai tới đơn vị này.
---------------------------
Phiến quân Hồi giáo dọa nhấn chìm Mỹ trong biển máu
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, đang chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Iraq, cảnh báo sẽ tấn công người Mỹ ở "bất kỳ nơi nào" nếu những đợt không kích của Washington đánh trúng thành viên của nhóm này.
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa đăng tải lên mạng xã hội một đoạn video có hình ảnh một người Mỹ bị chặt đầu trong thời gian Mỹ còn chiếm đóng Iraq và những nạn nhân của các tay bắn tỉa, Reuters cho hay. Đoạn phim còn kèm theo một tuyên bố bằng tiếng Anh nói rằng "bọn ta sẽ nhấn chìm tất cả các ngươi trong biển máu".
Đợt tấn công gần đây nhất của IS ở Iraq đã khiến hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số Yazidi và tín đồ Kito giáo phải bỏ nhà cửa chạy trốn, Baghdad phải báo động. IS là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhưng cho đến nay chúng chỉ tập trung vào chiếm đất tại Iraq và Syria để thành lập một nhà nước Hồi giáo tự xưng, chưa có cuộc tấn công đáng kể nào nhằm vào các mục tiêu phương Tây.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/8 tuyên bố ông cho phép không kích phiến quân Hồi giáo ở Iraq với mục đích là bảo vệ người Mỹ ở thành phố Arbil và cùng người thiểu số Yazidi bị bao vây. Ông Obama trong buổi họp báo hôm qua một lần nữa nhấn mạnh Nhà nước Hồi giáo tạo ra mối đe dọa tới Iraq và toàn bộ khu vực.
---------------------------
Nhiều người Nhật rời bỏ Trung Quốc vì xung đột
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết tính đến tháng 10-2013 chỉ còn 135.078 người Nhật sinh sống và làm việc ở Trung Quốc, giảm 10,19% so với một năm trước đó.
Nhà kinh tế Shinichi Seki thuộc Viện Nghiên cứu Nhật (JRI) nhận định sự suy giảm xuất phát từ việc quan hệ ngoại giao xấu đi khiến người dân hai nước ác cảm với nhau.
Trung Quốc nhật báo dẫn lời chuyên gia Qu Xing thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS) cũng thừa nhận việc người Nhật rời Trung Quốc xuất phát từ căng thẳng giữa hai nước.
Ông này cho biết nhiều công ty, tổ chức tài chính và sinh viên Nhật lo lắng rằng đối đầu chính trị khiến cuộc sống của người Nhật tại Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, các chuyên gia khác cũng cho biết điều kiện sống ngày càng tồi tệ tại Trung Quốc cũng là một nguyên nhân. Đáng kể nhất chính là bầu không khí ô nhiễm, đầy khói bụi ở các thành phố lớn tại Trung Quốc và các xìcăngđan thực phẩm bẩn, nhiễm độc.
Quan hệ Nhật - Trung Quốc xấu đi trầm trọng kể từ tháng 9-2012 khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền. Các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra khắp Trung Quốc, người biểu tình điên cuồng đập phá nhiều doanh nghiệp Nhật.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc thường xuyên triển khai tàu và máy bay tới vùng biển gần quần đảo Senkaku, đối đầu với lực lượng tuần duyên Nhật.
Kể từ khi lên nắm quyền 18 tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa đối thoại chính thức.
---------------------------
Triều Tiên tham gia triển lãm vũ khí Nga bất chấp lệnh cấm vận
Triều Tiên đã cử một phái đoàn tới triển lãm vũ khí ở Nga hồi tuần trước, trong một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng vẫn quan tâm tới thương mại vũ khí bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Giới chức chính phủ Triều Tiên đã tham gia triển lãm vũ khí Oboronexpo năm nay, được tổ chức từ 13-17/8 tại Zhukovsky, gần Mátxcơva, Đài phát thanh châu Á đưa tin, trích dẫn thông tin từ hãng tin Itar-Tass của Nga.
Triển lãm vũ khí Oboronexpo thường niên là dịp trưng bày các hệ thống tên lửa, xe tăng, pháo, các vũ khí tiên tiến khác và các công nghệ liên quan.
Hơn 300 công ty quốc phòng từ 11 quốc gia đã tham gia cuộc triển lãm năm nay.
Đài phát thanh châu Á cho biết có khả năng Bình Nhưỡng tham gia triển lãm nhằm mua vũ khí. Tuy nhiên, không rõ là Triều Tiên có ký hợp đồng vũ khí nào trong triển lãm hay không.
Triều Tiên bị cấm mua bán vũ khí theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, vốn được áp đặt nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa tầm xa và các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
---------------------------
Philippines tập trận hải quân với 11 nước
Manila hôm qua điều động đội tàu thủy khởi hành tới Australia, tham gia cuộc tập trận chung do Canberra tổ chức dự kiến bắt đầu sau một tuần.
Khoảng 180 binh lính cùng một chiến hạm lớp Hamilton của lực lượng Hải quân Philippines hôm qua rời Vịnh Subic để chuẩn bị tham dự cuộc tập trận chung đa quốc gia quy mô lớn mang tên Kakadu 2014, diễn ra từ ngày 25/8 đến 12/9, trên vùng biển Bắc Australia, Xinhua dẫn lời phát ngôn viên quân đội Philippines nói.
Trong đợt tập trận này, Philippines mang theo thủy thủ đoàn tàu BRP Ramon Alcaraz (PF-16), phi hành đoàn trực thăng Augusta Westland PNH431, đội quân y cùng nhiều thành viên trực thuộc ban chỉ huy.
Philippines kỳ vọng sự góp mặt của họ sẽ giúp nước này tăng cường khả năng chiến đấu và tác chiến cùng các đơn vị hải quân khác trong khu vực, theo ông Ensign John Windy Abing, trưởng cơ quan công vụ phụ trách chiến dịch Kakadu 2014 của Hải quân Philippines.
Kakadu 2014 có sự tham dự của 12 nước, trong đó Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Pakistan và Australia sẽ trực tiếp diễn tập. Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Vanuatu, Hàn Quốc, Ấn Độ cử quan sát viên theo dõi.
Kakadu là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất do Australia tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1993. Mục đích của nó nhằm củng cố và tăng cường hợp tác khu vực giữa hải quân các nước.
Đây là lần thứ 2 Philippines gửi tàu và binh sĩ tới tham gia sự kiện.
---------------------------
Tiêu hủy xong kho vũ khí hóa học của Syria
Theo New York Times, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria kết thúc sớm hơn dự kiến vài tuần.
Tổng thống Mỹ cho rằng đây là thông điệp gửi tới các nước, cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ việc sử dụng vũ khí hóa học. Ước tính 1.300 tấn vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy trong gần một năm qua.
Trong thời điểm nội chiến Syria nổ ra dữ dội, Mỹ, Nga và các nước đã vận chuyển vũ khí hóa học của chính quyền al-Assad tới tàu quân sự Mỹ Cape Ray và xử lý khoảng 50% lượng vũ khí này. Phần còn lại được chuyển tới các cơ sở ở Phần Lan, Đức và Pháp để tiêu hủy.
Dù vậy, Syria vẫn phải thực hiện nhiệm vụ phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học ở nước này. Mới đây Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cảnh báo việc sử dụng khí chlorine ở những khu vực nơi phe nổi dậy kiểm soát vẫn xảy ra.
Một năm trước, phương Tây cáo buộc chính quyền al-Assad dùng vũ khí hóa học sát hại hơn 1.000 người ở ngoại ô thủ đô Damascus. Khi đó Mỹ mô tả Syria đã xâm phạm “làn ranh đỏ”, buộc Washington phải phản ứng.
Trước nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự, chính quyền al-Assad đã đồng ý với thỏa thuận phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này theo sáng kiến Nga và Mỹ đưa ra.