Mỹ sẽ đưa thêm tàu chiến đến châu Á - Thái Bình Dương
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof cho biết Mỹ đang tăng cường lực lượng hải quân ở châu Á - Thái Bình Dương để “có thể đối phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào tại đây”.
Tuyên bố của ông Maloof đưa ra sau khi Hải quân Mỹ công bố chi tiết kế hoạch 5 năm, trong đó nhấn mạnh tăng cường tàu chiến Mỹ tại các vùng biển quốc tế lên khoảng 120 chiếc vào năm 2020.
Đài Press TV (Iran) hôm 21-8 cho biết kế hoạch nói trên gắn liền với ngân sách chi tiêu dự kiến của Hải quân Mỹ trong giai đoạn 2015-2019. Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, khẳng định kế hoạch sẽ tiếp tục thực thi chính sách tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Barack Obama ở Thái Bình Dương bằng cách gia tăng số lượng tàu chiến Mỹ tại khu vực lên 65 chiếc vào năm 2019, nhiều hơn 15 chiếc so với năm nay.
“Những vũ khí mạnh nhất của Hải quân Mỹ sẽ vận hành tại Tây Thái Bình Dương, trong đó có khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp DDG tối tân, máy bay trinh sát chống ngầm Poseidon, chiến đấu cơ Growler cũng như nhiều máy bay tiên tiến khác như F-35C (vốn được xem là một trong những “khắc tinh” hàng đầu của Trung Quốc)” - ông Greenert nói.
Thêm vào đó, đến năm 2015, một tàu ngầm tấn công dự kiến được bổ sung vào đội tàu 3 chiếc đang hoạt động ở Guam.
---------------------------
Ấn Độ chế tạo chiến hạm chống ngầm đề phòng Trung Quốc
New Delhi hôm nay công bố chiến hạm chống ngầm tự chế tạo đầu tiên nhằm ngăn chặn Trung Quốc tuần tra dưới nước gần bờ biển Ấn Độ.
Theo Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley sẽ tiếp nhận tàu chiến INS Kamorta 3.300 tấn ở cảng phía đông nam Vishakapatnam. Con tàu được đặt theo tên một hòn đảo ở nước này đi vào hoạt động muộn hai năm so với dự kiến.
90% các bộ phận của Kamorta là nội địa, trong đó thân tàu, các khẩu pháo tầm trung và bệ phóng ngư lôi do các công ty lớn của nước này sản xuất.
"Đây là một sự tăng cường khả năng chiến tranh chống ngầm của hải quân Ấn Độ trước các tàu ngầm Trung Quốc", chuẩn đô đốc Raja Menon, một quan chức Ấn Độ đã nghỉ hưu, nhận định.
Ấn Độ đã thiếu tàu chống ngầm trong hạm đội gồm 135 tàu chiến suốt hơn một thập kỷ qua. Chiếc cuối cùng trong số 10 chiến hạm chống ngầm lớp Petya từ thời Xô viết đã được New Delhi cho "nghỉ hưu" hồi tháng 12/2003. Ấn Độ dự kiến đóng thêm 42 tàu chiến nữa, gồm 3 tàu chống ngầm, trong 10 năm tới.
Tàu chiến INS Kamorta ra mắt chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố khu trục hạm có tên lửa dẫn đường lớn nhất do nước này tự chế tạo và cam kết củng cố quốc phòng để không nước nào dám thách thức New Delhi.
Tuy nhiên, ông Menon thừa nhận "việc phát triển tàu chiến của Ấn Độ không thể so sánh với sự hiện đại hóa mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc".
Bắc Kinh đã chế tạo 20 chiến hạm tương tự chỉ trong hai năm qua và từng điều một tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương hồi tháng 12 để tuần tra chống cướp biển trong hai tháng.
Trung Quốc có ít nhất 52 tàu ngầm trong hạm đội, trong đó có ba tàu trang bị tên lửa hạt nhân và ba tàu đang hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ có một hạm đội gồm 14 tàu ngầm diesel-điện và một tàu ngầm hạt nhân do Nga sản xuất.
---------------------------
20 con tin phương Tây đang bị khủng bố Hồi giáo giam giữ
Có tới 20 con tin phương Tây hiện đang bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ, báo chí Anh đưa tin. IS chính là nhóm đã hành quyết man rợ nhà báo Mỹ James Foley mới đây.
Tờ Telegraph của Anh cho biết, ngoài nhà báo Mỹ Steven Sotloff, người bị đe dọa chặt đầu trong cùng đoạn video ghi lại cảnh hành quyết Foley do IS công bố hôm 19/8, tổ chức phiến quân này còn đang bắt giữ một loạt các nhân viên cứu trợ nước ngoài, trong đó có 2 công dân Ý là Vanessa Marzullo, 21 tuổi, và Greta Ramelli, 20 tuổi.
Hai cô gái người Ý đã mất tích gần thành phố Aleppo tại Syria hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Ý ngày 21/8 đã từ chối bình luận về việc liệu có họ có đang nằm trong tay của IS hay không.
3 nhân viên cứu trợ của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cũng được cho là đang bị giam giữ sau khi họ bị bắt cóc hồi tháng 10 năm ngoái.
ICRC không công bố các chi tiết về quốc tịch, giới tính hay tuổi của các nhân viên cứu trợ của tổ chức này hiện đang bị bắt giữ làm con tin. 3 người trên nằm trong một nhóm 7 người bị bắt cóc, nhưng 4 người trong số họ đã được phóng thích sau đó.
Một phát ngôn viên của ICRC cho biết: "Các nỗ lực lớn lao đang được tiến hành nhằm tìm kiếm sự tự do của 3 đồng nghiệm còn lại, thông qua mạng lưới rộng lớn của ICRC trong khu vực".
"Chúng tôi không thể cung cấp các thông tin chi tiết về chủ đề này vì sự an toàn của các đồng nghiệp hiện vẫn đang bị bắt giữ".
Trong bối cảnh các lo ngại gia tăng rằng IS có thể sát hại thêm các con tin, gia đình của những người đang bị giam giữ đã bảo vệ quyết định của người thân nhằm tới Syria làm công tác từ thiện.
Mẹ của Greta Ramelli, bà Antonella, cho hay con gái bà đã rất muốn trợ giúp những người khác ngay từ khi còn nhỏ, bằng cách tham gia hoạt động từ thiện tại một trại dưỡng lão năm Ramelli mới 12 tuổi.
Trước những lời khuyên nói rằng bà đáng lẽ không nên để con gái tới Syria, bà Antonella nói: "Khi tôi nghi thấy con gái nói: "Mẹ, ở đất nước đó người ta đang sát hại trẻ em. Con phải lên đường và trợ giúp chúng". Tôi có thể nói gì nữa?"
Hôm 19/8, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã tung một đoạn video dài khoảng 5 phút ghi hình vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley, người bị phiến quân Hồi giáo bắt giữ tại Syria hồi năm 2012. Giới chức Mỹ đã xác nhận tính xác thực của đoạn video này.
---------------------------
Ấn Độ có tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên
Ấn Độ đang đóng một tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của mình mang tên INS Arihant tại cảng Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này, theo kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ ngày 21-8.
Đây là chiếc đầu tiên trong số 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, lượng giãn nước 6.000 tấn và có khả năng trang bị tên lửa đạn đạo. INS Arihant được thiết kế để mang theo 4 quả K-4 (loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm với tầm bắn 3.500 km) hoặc hàng chục tên lửa đạn đạo BO-5 với tầm bắn 700 km. Kênh NDTV tuyên bố đã có những hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm này.
Cũng như những vũ khí chiến lược khác, tàu ngầm INS Arihant do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển. Như vậy, khi tàu ngầm mới này chính thức đi vào hoạt động, Ấn Độ sẽ trở thành một trong 6 nước trên thế giới có khả năng thiết kế, chế tạo và vận hành một tàu ngầm hạt nhân.
Hiện tại, Ấn Độ đang vận hành một tàu ngầm hạt nhân khác do Nga sản xuất mang tên INS Chakra. Tàu ngầm này không được trang bị vũ khí nguyên tử nhưng có thể sẽ được triển khai cùng với INS Arihant trong quá trình thử nghiệm.
---------------------------
Lại tấn công bằng dao ở Trung Quốc, 8 người bị thương
Tám người bị thương trong vụ tấn công bằng dao xảy ra đêm qua 21-8 ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin nghi can họ Fan 32 tuổi, ngụ thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Cảnh sát nói nghi phạm đã tấn công 8 người bằng con dao làm bếp.
Vụ việc xảy ra trên đường Lanyuan và Lanyuan New, thành phố Quảng Châu. Cảnh sát cho biết họ nhận được tin báo lúc 19g28 và đã bắt giữ kẻ tấn công với sự trợ giúp của người dân ở hiện trường. Bản thân hắn cũng bị thương.
Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công. Luo Xianggui - chồng của một người bị thương, nói Fan sống trên đường phố và trong tiếp xúc hàng ngày không cho thấy có biểu hiện bất thường. Trong khi đó, người nhà Fan nói anh ta có tiền sử bệnh thần kinh.
Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công bằng dao ở Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, một người đàn ông đã điên cuồng dùng dao đâm loạn xạ các học sinh ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Hồ Bắc làm 8 học sinh bị thương.
--------------------------
Nhật tính tự làm chiến đấu cơ
Mạng tin Channel New Asia dẫn bài viết được đăng trên tờ Nikkei ngày 21/8 cho biết, Nhật Bản đang cân nhắc phát triển chiến đấu cơ, sau nhiều năm "đóng vai phụ" trong quan hệ hợp tác chế tạo máy bay với Mỹ. Điều này có thể làm dấy lên những lo ngại về sự trỗi dậy quân sự của Nhật Bản đối với các nước láng giềng châu Á.
Nỗ lực của Nhật trong thập niên 1980 nhằm chế tạo chiến đấu cơ nội địa đầu tiên từ sau Thế chiến 2 đã bị Mỹ phản đối, dẫn tới việc Mỹ cùng Nhật phát triển chiến đấu cơ F-2. Tuy nhiên, việc sản xuất F-2 đã chấm dứt hơn 2 năm sau đó và những chiếc cuối cùng của dòng máy bay này sẽ được "nghỉ hưu" vào khoảng năm 2028.
Theo tờ Nikkei, Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến đề xuất một khoản kinh phí lên đến 40 tỷ Yên (tương đương với 387 triệu USD) trong ngân sách năm tài khóa tới (bắt đầu từ tháng 4/2015), để kiểm tra những động cơ thử nghiệm và thiết kế khung máy bay tàng hình tránh radar dành cho một chiến đấu cơ hoàn toàn do Nhật sản xuất.
Theo chương trình quốc phòng trung hạn của Nhật Bản, chính quyền Tokyo trước năm tài khóa 2018 sẽ quyết định xem có tiếp tục thúc đẩy dự án máy bay chiến đấu hoàn toàn do Nhật Bản tự chế tạo này hay không.
Báo Nikkei cho biết, mức độ cần thiết của việc Nhật Bản phát triển và chế tạo một loại chiến đầu cơ tầm xa, có khả năng tàng hình tốt để đối phó với việc Trung Quốc ngày càng phô trương sức mạnh trên biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, đang tăng lên.
4 năm trước, Bộ Quốc phòng Nhật bắt đầu nghiên cứu máy bay công nghệ cao (ATD-X) nhằm thăm dò tính khả thi của nó bằng cách nghiên cứu các thiết kế khung máy bay nhẹ và cơ chế bắn tên lửa cài sẵn. ATD-X dự kiến sẽ vận hành động cơ thử nghiệm vào tháng 1/2015 và thiết kế khung máy bay tàng hình vào tháng 4/2015.
---------------------------
Trung Quốc: bỏ tù băng nhóm mua bán 51 thận người
Tòa án Nhân Dân số 1 Bắc Kinh ngày 22-8 tuyên án băng nhóm buôn thận gồm 15 thành viên từ 3,5 năm đến 12 năm tù giam.
Trong số 15 người này có ba bác sĩ làm việc ở các bệnh viện ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô.
Thời báo Bắc Kinh cho biết băng nhóm trên đã mua và bán tổng cộng 51 quả thận, con số nội tạng giao dịch lớn nhất ở thị trường “chợ đen nội tạng” ở Trung Quốc từ trước đến nay.
Trịnh Vĩ, trùm băng nhóm này lãnh mức án 12 năm tù giam, số còn lại bị tuyên từ ba năm rưỡi cho đến chín năm tù. Cáo trạng của tòa án khẳng định băng nhóm này ép buộc người khác bán “nội tạng” của mình.
Từ năm 2010 đến 2012, băng nhóm này đã dụ dỗ, ép buộc các nạn nhân bán thận của mình với giá từ 21.000 nhân dân tệ đến 25.000 nhân dân tệ (3.413 USD-4.064 USD). Sau khi cắt thận của nạn nhân, chúng chuyển số thận này đến một bệnh viện lớn ở Bắc Kinh, là nơi giao dịch bán thận với giá 200.000 nhân dân tệ (32.512 USD) mỗi quả thận.
Tòa án không công bố thông tin về bệnh viện này cũng như khả năng bệnh viện này có bị truy tố hình sự hay không. Trong số bị cáo trên có 3 bác sĩ ở một bệnh viện công ở thành phố Từ Châu (tỉnh Giang Tô), được Trịnh thuê chuyên phẫu thuật cắt thận của bệnh nhân.
Số 11 bị cáo còn lại được Trịnh phân công rà tìm người muốn bán thận cũng như khách hàng cần cấy ghép thận. Chúng tìm những người này thông qua các mạng xã hội.
Ban đầu, băng nhóm của Trịnh thuê một trung tâm y tế ở Từ Châu với giá hơn 60.000 nhân dân tệ mỗi tháng (9.753 USD) làm nơi để “cắt” thận nạn nhân. Trịnh là người trực tiếp lái xe đưa những quả thận người chứa trong thùng đông lạnh đến Bắc Kinh, cách Từ Châu khoảng 800 km.
Một lần, trong lúc chở thận từ Từ Châu đến Bắc Kinh thì xe của Trịnh gây tai nạn giao thông, thời gian xử lý kéo dài khiến 3 quả thận do Trịnh chuyên chở bị hỏng. Vì sợ bại lộ nên Trịnh đã chuyển địa điểm “cắt thận” đến một khu vực gần “nơi giao dịch” ở Bắc Kinh.
Tại đây, Trịnh thuê một tòa nhà 4 tầng ở quận Hải Điện và biến nơi này thành một bệnh viện “bí mật” chuyên cắt thận. Trịnh trang bị phòng chuyên phẫu thuật, phòng theo dõi, nhà thuốc, căn tin, ký túc xá cho bác sĩ, y tá và người bán thận.
Bộ Y tế Trung Quốc cho biết hiện nay có hơn 10.000 ca phẫu thuật ghép nội tạng ở Trung Quốc và có đến 1,5 triệu bệnh nhân đang còn nằm trong danh sách chờ.