Nhật: Yêu cầu tăng gấp đôi ngân sách bảo vệ Senkaku
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) sẽ yêu cầu ngân sách 50,4 tỉ yen cho năm tài chính 2015 (tức gấp đôi ngân sách hiện tại) để tăng cường an ninh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.
Một nguồn tin thuộc JCG tiết lộ hôm 26-8 rằng JCG có kế hoạch nhận thêm 3 máy bay phản lực và 4 tàu tuần tra nhỏ hiệu năng cao, tăng cường nhân sự phân bổ cho 10 tàu tuần tra lớn, đồng thời cải thiện cơ sở tại cảng Ishigaki ở tỉnh Okinawa, gần Senkaku/Điếu Ngư.
JCG cũng dự kiến thành lập một đội chuyên dụng để bảo vệ vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư trong năm tài khóa 2015, bắt đầu vào tháng 4 năm sau, trong bối cảnh tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng lãnh Nhật Bản gần quần đảo này.
Nếu tính cả lần xâm nhập vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư ngày 24-8, từ đầu năm đến nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã 20 lần đi vào khu vực này. Theo báo Nikkei của Nhật Bản, Tokyo nhận thấy tần suất xuất hiện của tàu hải giám Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giảm dần.
Ngoài ra, JCG cũng đẩy nhanh các nỗ lực thiết lập hệ thống tuần tra trên không 24/24 cũng như tăng cường tuần tra trên biển ở khu vực quanh Senkaku/Điếu Ngư. Không chỉ để bảo vệ lãnh hải, JCG có kế hoạch sử dụng các máy bay phản lực cho các hoạt động cứu nạn trên biển. Hiện JCG có 4 máy bay phản lực và 23 chiếc máy bay cánh quạt.
---------------------------
Viễn cảnh khí cầu thay thế vệ tinh
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch tổ chức cuộc thi chế tạo khinh khí cầu khổng lồ hoạt động ở độ cao gần 20.000m, thiết bị sẽ trở thành căn cứ trên không của các thiết bị định vị và viễn vọng kính.
Khinh khí cầu khổng lồ chạy bằng năng lượng mặt trời có thể thay thế vệ tinh và đóng vai trò như các trung tâm theo dõi và liên lạc giá rẻ.
Đó chính là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu và đánh giá do Viện Keck về nghiên cứu không gian tại Caltech thực hiện dưới sự hỗ trợ của NASA, theo Space.com.
Báo cáo cũng cho rằng các khinh khí cầu tầng bình lưu, hoạt động ở rìa không gian, có thể cho phép thực hiện các cuộc thí nghiệm khoa học và thậm chí là nơi thích hợp để đặt các kính viễn vọng không gian với chi phí phóng chỉ bằng một phần nhỏ so với dùng tên lửa đẩy.
“Khinh khí cầu ở tầng bình lưu có thể cung cấp một nền tảng giống như không gian, nhưng không kèm theo chi phí như phóng vệ tinh lên quỹ đạo”, tờ The New York Times dẫn lời Sarah Miller, nhà vật lý học thiên thể thuộc Đại học California, cho biết.
Về phần mình, NASA công bố sẽ khởi động cuộc thi tài với giải thưởng trị giá 4 triệu USD vào năm sau, nhằm tìm kiếm thiết kế khinh khí cầu dùng để đặt ở độ cao 20.000m, hoạt động trên 20 giờ với trọng tải khoảng 20kg.
Hiện các chuyên gia đã cho bay thử những khinh khí cầu ở độ cao như trên.
---------------------------
70 người thiệt mạng trong vụ lở đất ở Nhật
Một tuần sau vụ lở đất nghiêm trọng ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản), số người chết được xác nhận trong thảm họa này lên đến 70 người vào ngày 27.8, và vẫn còn 18 người mất tích, theo hãng tin AFP.
Hy vọng tìm được những người sống sót còn rất ít, và con số thiệt mạng cuối cùng trong thảm họa này sẽ còn thay đổi.
Thành phố Hiroshima đã phải hứng chịu vụ lở đất vào sáng 20.8. Hàng chục ngôi nhà đã bị chôn vùi hoặc cuốn đi khi hàng tấn đất đá và những mảnh vỡ vụn khác ùa vào những khu định cư với tốc độ 40 km/giờ.
Vào giai đoạn cao điểm, hơn 3.000 cảnh sát, lính cứu hỏa và binh sĩ đã được huy động cho chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ.
Theo thống kê, trong số những người mất tích có một cặp vợ chồng mới cưới, và họ đang chờ đợi đứa con đầu tiên của mình. Họ chỉ mới dọn đến nhà mới một tháng trước khi thảm họa xảy ra.
Mưa lớn tiếp tục xảy ra tại khu vực trên kể từ sau thảm họa ngày 20.8, ảnh hưởng nhiều đến công tác tìm kiếm và cứu hộ.
---------------------------
Tàu tuần duyên Mỹ nổ súng với tàu cá Iran
Một tàu tuần duyên Mỹ đã bắn một tàu cá của Iran ở vịnh Ba Tư, khi tàu của Iran chĩa súng máy vào các binh sĩ Mỹ.
Theo một thông báo từ hải quân Mỹ ngày 26-8, sự cố xảy ra khi một nhóm binh sĩ từ tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Monomoy được đưa xuống chiến thuyền nhỏ “để tiếp cận và đặt câu hỏi với tàu cá” ở hải phận quốc tế, CNN dẫn tuyên bố của hải quân Mỹ.
“Những người trên tàu cá đã được huấn luyện và định dùng một khẩu súng máy 50 ly bắn về phía chiếc thuyền nhỏ đang tiếp cận tàu này trong một hoạt động an ninh hàng hải thông thường”, tuyên bố của hải quân Mỹ nói.
“Hành động này của tàu cá cho thấy ý định thù địch”, khiến nhóm binh sĩ của lực lượng tuần duyên trên tàu nhỏ phải quay lại và sau đó nổ súng về phía tàu cá “để tự vệ”, hải quân Mỹ giải thích.
Người phát ngôn của Lầu năm góc, chuẩn đô đốc John Kirby, nói không có dấu hiệu nào cho thấy tàu cá đã trúng đạn.
Chiếc tàu cá không bắn trả và sau đó đã rời đi mà không liên lạc gì với tàu tuần duyên Monomoy, theo hải quân Mỹ.
Trước đó, tàu Monomoy đã thiết lập được liên lạc với tàu cá và biết đó là một tàu của Iran, nhưng tàu cá từ chối trao đổi thêm.
Phía Mỹ không có ai bị thương và chiếc thuyền nhỏ đã về lại tàu Monomoy an toàn.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ ở vùng Vịnh hoạt động dưới sự chỉ huy của hải đội 5 hải quân Mỹ.
---------------------------
Mỹ gửi ‘thông điệp’ cho Putin về Gruzia
Vào ngày đoàn viện trợ của Nga được cho là đã tới miền đông nam Ukraina, văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát đi thông tin về cuộc trao đổi giữa ông với Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili.
Business Insider cho hay, trong cuộc trao đổi này, ông Biden đã ‘nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với mong muốn của Gruzia nhằm gia nhập NATO’.
Trong một giai đoạn đặc biệt nhạy cảm của quan hệ Nga – Mỹ, ông Biden xác nhận rằng Mỹ vẫn đang hậu thuẫn cho chính sách mà Moscow từ lâu phản đối, và coi đó là một hành động ‘bước qua vạch đỏ’.
Cho dù sự hậu thuẫn mà ông Biden đề cập chỉ được nói qua một cuộc điện đàm, thì tuyên bố này vẫn được đưa ra một cách có cân nhắc và thận trọng.
Qua đó, cho thấy lãnh đạo Mỹ vẫn ủng hộ mong muốn của Gruzia gia nhập NATO, dù chưa rõ là điều này có hàm ý gì trên thực tế, hay chỉ là một chiêu nào đó của ông Biden.
“Vấn đề là Mỹ nghiêm túc ở mức độ như thế nào khi nói về việc này” – Jeremy Shapiro, một học giả tại Học viện Brookings và là cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Ông Biden có thể chỉ muốn nói rằng Mỹ ủng hộ Gruzia tiến hành rất nhiều thủ tục có thể mang lại kết quả hoặc không khi gia nhập NATO.
Hoặc ông cũng có thể ám chỉ việc Mỹ muốn tiến hành các bước để đối trọng lại với Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Nga – Mỹ đối đầu vì Ukraina.
Tuy nhiên, khả năng thứ hai có vẻ không khả thi bằng, và có thể gây nên cuộc đối đầu với Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời giảm bớt cơ hội đạt được một giải pháp hòa bình trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay.
---------------------------
Đài Loan phái chiến đấu cơ “xua” máy bay Trung Quốc
(Dân trí) - Không quân Đài Loan đã phải triển khai chiến đấu cơ để theo dấu 2 máy bay tuần tra trên biển Y-8 của Trung Quốc xâm nhập không phận của hòn đảo này.
Thông tin được Thiếu tướng Hsiung Hou-chi của không quân Đài Loan cho biết vào ngày 26/8.
Một máy bay tiến vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan vào 8h33 sáng ngày thứ hai 25/8 và một chiếc khác tiến vào lúc 2h31 chiều cùng ngày, khi đang trên đường tới Biển Đông.
Hai máy bay của Trung Quốc xuất phát từ tỉnh Quảng Đông, đông nam Trung Quốc. Đài Loan đã phái các chiến đấu cơ Mirage 2000-5 và Indigenous Defense Fighter để theo dấu.
“Chúng tôi đã theo sát chúng để đảm bảo chúng rời ADIZ của chúng tôi”, Thiếu tướng Hsiung Hou-chi cho biết với các phóng viên. Tuy nhiên ông từ chối cho biết có bao nhiêu chiến đấu cơ của Đài Loan được triển khai.
Tờ United Daily News dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết máy bay Trung Quốc trước đây đã thay đổi đường bay nhằm tránh ADIZ của Đài Loan. Nhưng bằng cách “phá lệ” lần này, nguồn tin này cho biết, có thể không quân Trung Quốc muốn thử khả năng do thám trên không của Đài Loan và thử phản ứng của Đài Loan đối với các vụ xâm nhập.
Vụ việc diễn ra khi có nhiều nghi ngại Trung Quốc có thể thành lập ADIZ trên Biển Đông nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của mình ở vùng biển chiến lược này.
Năm ngoái, Trung Quốc đã lập ADIZ ở Hoa Đông, bao trùm cả các hòn đảo tranh chấp với Nhật.
---------------------------
Mỹ cảnh báo “leo thang nghiêm trọng” tại Ukraine
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về “sự leo thang nghiêm trọng” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, sau khi Kiev tuyên bố bắt giữ 10 lính nhảy dù Nga trước thềm môt cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nước vào hôm nay.
“Việc Nga tái diễn các cuộc xâm nhập vào Ukraine là không thể chấp nhận được. Thật nguy hiểm và gây kích động”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice viết trên mạng xã hội Twitter vào cuối ngày 25/8.
Bà Rice đã cáo buộc các lực lượng tiến hành “các cuộc xâm nhập quân sự” vào Ukraine, sử dụng pháo, các hệ thống phòng thủ tên trên không, xe tăng và các binh sĩ, cho thấy một “sự leo thang nghiêm trọng” trong cuộc xung đột.
“Nga không có quyền điều các phương tiện hoặc hàng hóa vào Ukraine nếu không được sự chấp thuận của chính phủ Ukraine”, bà Rice nói thêm.
Các bình luận trên của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ diễn ra sau khi cơ quan an ninh của Kiev cho hay các binh sĩ từ đơn vị không quân số 98 đóng tại miền trung Ukraine đã bị bắt giữ gần ngôi làng Dzerkalne, cách thành phố Donetsk hiện do phe ly khai kiểm soát khoảng 50 km.
Trong một tuyên bố, cơ quan an ninh Ukraine cho hay: “Các nhân viên điều tra đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ vượt biên giới trái phép của các công dân mang vũ khí của Nga”.
Các diễn biến trên diễn ra trước khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến tham dự một cuộc gặp vào hôm nay giữa các lãnh đạo của Liên minh Thuế quan và giới chức cấp cao EU tại thủ đô Minks của Belarus.
Kremlin không loại trừ việc ông Putin và ông Poroshenko hội đàm trực tiếp, nhưng không xác nhận một cuộc gặp song phương.
Hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau tại Pháp trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên đất Pháp trong Thế chiến II (D-Day) hồi đầu tháng 6
---------------------------
Phát hiện hầm xuyên biên giới Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên
Vệ tinh Trung Quốc chụp được hình ảnh về “hàng chục đường hầm xuyên biên giới” tại khu vực phía tây bắc Tân Cương và dọc theo biên giới Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên.
Tin do The Diplomat ngày 26-8 đăng tải và dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý không gian quốc gia Trung Quốc dựa trên những ảnh chụp từ vệ tinh quan sát Cao Phân-1 của nước này.
Mục đích của các tuyến đường hầm này chưa được biết chính xác nhưng The Diplomat nhận định đường hầm có thể được dùng cho người vượt biên để bắt đầu một cuộc sống mới tại nước ngoài hoặc dùng buôn lậu (đặc biệt là buôn lậu thuốc phiện).
Truyền thông Trung Quốc cho hay tại khu vực biên giới Tân Cương cũng có những đường hầm thu hút sự quan tâm của chính quyền Bắc Kinh và suy đoán rằng các đường hầm này có thể do người Duy Ngô Nhĩ sử dụng để ra nước ngoài.
Theo The Diplomat, Tân Cương giáp với các quốc gia như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan. Do đó, các đường hầm này có thể được những người Duy Ngô Nhĩ dùng để chạy tị nạn.
Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc không chỉ rõ các đường hầm xuyên biên giới nước này dẫn đến đâu.
Trung Quốc cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và nhánh của nó là Đảng Hồi giáo Turkes (TIP) có cơ sở tại các khu vực bộ lạc Pakistan hậu thuẫn cho “các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ”.