Cảnh báo rủi ro khu vực xung đột hàng không dân dụng
ICAO vừa cho biết sẽ khởi động hai dự án thí điểm nhằm giúp các hãng hàng không và các quốc gia chia sẻ thông tin tốt hơn về rủi ro trong khu vực xung đột.
Sở dĩ Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khởi động hai dự án này xuất phát từ sự kiện chiếc MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine cách đây sáu tuần.
Theo Reuters, các kế hoạch đã được công bố sau cuộc họp hai ngày của ICAO xung quanh chủ đề bay trong khu vực xung đột.
Dự án thí điểm đầu tiên sẽ xem xét cách thức để hệ thống Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) hiện thời có thể thông báo nguy cơ khẩn cấp và quan trọng. Trong khi đó, dự án thứ hai sẽ thiết lập một hệ thống tập trung mới để chia sẻ kịp thời thông tin về khu vực xung đột. “Những kế hoạch này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn, bất kể họ đang bay cho hãng nào hoặc bay tới đâu” - ông David McMillan, người đứng đầu nhóm công tác đặc biệt của ICAO, cho biết.
Tuy nhiên, ICAO không thể mở hoặc đóng cửa không phận trong khu vực xung đột, và hiện tại cũng chưa cung cấp những hướng dẫn cụ thể về các nơi mà máy bay dân sự có thể gặp hiểm họa tên lửa.
Việc ICAO hoặc một cơ quan khác làm nhiệm vụ cảnh báo nguy cơ khi bay trong khu vực xung đột có thể là khó khăn về chính trị, dẫn đến việc phải yêu cầu các quốc gia chia sẻ những thông tin nhạy cảm trong lĩnh vực quân sự và chính trị của họ.
---------------------------
Cựu thủ tướng Thái thoát cáo buộc giết người
Sáng nay 28-8, Tòa án ở Thái Lan đã bác cáo buộc giết người và lạm quyền đối với cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva về vụ trấn áp người biểu tình đẫm máu năm 2010.
Theo AFP, cựu phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dưới chính quyền ông Abhisit cũng bị cáo buộc tương tự. Hơn 90 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp người biểu tình và các vụ bạo lực liên quan khi lực lượng Áo đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra xuống đường phản đối chính phủ của ông Abhisit năm 2010.
Tòa án hình sự Thái Lan sáng nay nói họ không có quyền hạn để xét xử vụ này bởi ông Abhisit và ông Suthep khi đó đang đương chức và hành động dưới luật tình trạng khẩn cấp. Tòa tuyên bố chỉ có Tòa tối cao mới có quyền xem xét vụ này.
Trước đó, các công tố viên cáo buộc ông Abhisit và ông Suthep ban hành các mệnh lệnh dẫn đến việc giết người của binh sĩ quân đội. Cả hai ông đều bác bỏ cáo buộc này.
Luật sư của nguyên đơn nói họ sẽ kháng lại quyết định của tòa sáng nay, nói rằng mọi chuyện chưa kết thúc.
Theo AFP, dự đoán có thể Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) sẽ xem xét xem hai cựu lãnh đạo này có lạm quyền trong vụ trấn áp năm 2010 không. Nếu có đủ căn cứ, NACC có thể đưa vụ việc lên Tòa án tối cao.
Ông Suthep cũng là lãnh đạo biểu tình phản đối chính phủ của em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, trong những tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chính phủ lâm thời của Phuea Thai hồi tháng 5.
---------------------------
Mỹ cự tuyệt yêu cầu của Trung Quốc
Lầu Năm Góc đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc về việc kết thúc tất cả chuyến bay giám sát dọc theo biên giới của Bắc Kinh.
Chuẩn Đô đốc John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết hôm 26-8: “Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay trong không phận quốc tế theo cách mà Washington đang làm. Giống như việc Mỹ đang điều khiển tàu thuyền trong vùng biển quốc tế theo cách vẫn thường làm”.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc đã chỉ trích cuộc trạm chán giữa chiếc máy bay P-8 của Hải quân Mỹ và chiếc Su-27 của nước này hôm 19-8, đồng thời cho rằng những cuộc chặn đầu khiêu khích sẽ còn diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng chiếc máy của Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập trên không chỉ cách P-8 của Mỹ 6 mét là hành động nguy hiểm.
Ông Kirby nói rằng Mỹ sẽ không giảm vị thế của mình ở Thái Bình Dương. Ông Kirby nói thêm: “Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương, chúng tôi có trách nhiệm với 5 trong số 7 đồng minh hiệp ước ở khu vực này. Mỹ sẽ tiến hành các cam kết an ninh theo cách cởi mở và minh bạch. Mỹ muốn chia sẻ nhiều thông tin với các đồng minh, đối tác và Trung Quốc khi có thể”.
Đô đốc Zhang Zhaozhong, từ trường Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh thực hiện những cuộc chặn đầu đe dọa gần hơn với máy bay Mỹ. Ông nói trước đây, máy bay quân đội Trung Quốc thiếu khả năng kỹ thuật để gây "áp lực" đối với Mỹ nhưng nay đã đến lúc thực hiện việc này. Ông cũng cho rằng Trung Quốc nên bắt đầu các chuyến bay giám sát Mỹ như hành động trả đũa. Trong khi đó, cựu Đô đốc Yin Zhuo nhận định các chuyến bay của Mỹ là hợp pháp theo luật quốc tế nhưng cho rằng hành động trên là “nguy hiểm và khiêu khích”.
---------------------------
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị điều tra tham nhũng
Ngày 27.8, cơ quan chức năng Pháp đã chính thức mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde.
Bà Lagarde bị cáo buộc dính líu đến một vụ lừa gạt chính trị kéo dài, trong đó bà đã chi 403 triệu euro từ ngân sách nhà nước cho nhà tài phiệt Bernard Tapie hồi năm 2008 khi bà còn là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, để đổi lại việc ông Tapie ủng hộ đảng của bà.
Tổng giám đốc IMF đã bác bỏ cáo buộc này và cho biết bà sẽ kháng cáo.
---------------------------
Trực thăng Liên Hiệp Quốc rơi ở Nam Sudan, 3 phi công Nga thiệt mạng
Hôm 26.7, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho hay, 3 công dân mang quốc tịch Nga đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ở Nam Sudan.
Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc xác nhận, 3 phi công trực thăng thiệt mạng là công dân Nga. Ông nói thêm rằng, chiếc trực thăng này được thuê từ một công ty của Nga.
Trước đó, Phái đoàn Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đưa ra một tuyên bố cho hay, 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và 1 người sống sót trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng. Cơ quan này cũng xác nhận, 3 phi công trên chiếc trực thăng Mi-8 thiệt mạng trong vụ tai nạn gần Bentiu, bang Unity vào tối thứ ba (26.8). Phi công may mắn sống sót đã nhận được sự hỗ trợ y tế của nhóm “Bác sĩ không biên giới” ở Bentiu.
Trước đó, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Juba cho biết, có khả năng chiếc trực thăng đã bị bắn rơi. Ông nói: “Thông tin liên lạc với máy bay bị gián đoạn vào cuối buổi chiều, vào thời điểm có thể chiếc máy bay đã bị bắn rơi gần thành phố Bentiu”.
UNMISS đã cử một đoàn tìm kiếm và cứu hộ đến khu vực xảy ra vụ tai nạn trực thăng, nhưng không có báo cáo nào về số lượng và quốc tịch của các phi công trên chiếc máy bay gặp nạn.
---------------------------
NATO điều thêm tàu chiến tới Biển Đen
Một khu trục hạm Mỹ cùn"Hai chiến hạm NATO sẽ tới Biển Đen vào ngày 3/9. Chúng gồm tàu khu trục USS Ross của Hải quân Mỹ và khinh hạm Commandant Birot của Pháp", hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin quân sự quốc tế giấu tên cho hay.
Hiện chỉ có một tàu quân sự NATO và tàu do thám Pháp Dupuy de Lome ở Biển Đen. Tàu USS Vella Gulf, bắt đầu tuần tra Biển Đen từ ngày 7/8, mới đây lên đường rời khu vực.
Theo Công ước Montreux, tàu hải quân các quốc gia không giáp Biển Đen chỉ có thể ở lại nơi này tối đa 21 ngày. Hồi đầu năm, Nga cáo buộc tàu USS Taylor của Mỹ vi phạm Công ước khi kéo dài thời gian hoạt động thêm 11 ngày.
Đội tàu NATO ở Biển Đen trong tháng 7 gồm 9 chiếc, nhiều nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Cũng trong tháng 7, NATO tiến hành cuộc tập trận hải quân BREEZE 2014 ở ngoài khơi Bulgaria với sự tham gia của 6 nước, trong đó có Mỹ, nhằm thể hiện sự sẵn sàng ủng hộ đồng minh Đông Âu sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
---------------------------
Trung Quốc: Thêm quan lớn ngành khoáng sản bị bắt
Chủ tịch công ty khoáng sản quốc doanh Trung Quốc China Resources Power cùng một “ông trùm” ngành than tại tỉnh Sơn Tây đã bị cơ quan chức năng nước này bắt để điều tra tham nhũng, trong bối cảnh cuộc chiến "đả hổ" tiếp tục mở rộng.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Wang Yujun, 49 tuổi, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của China Resources Power (CRP) đang bị các công tố viên tại tỉnh Giang Tô điều tra.
Thông báo trên được đưa ra cùng lúc với thông tin cho biết, Zhang Xinming - người từng là doanh nhân giàu nhất tỉnh Sơn Tây với trị giá tài sản ước tính khoảng 4 tỷ nhân dân tệ (648 triệu USD) - đã bị bắt đầu tháng này. Zhang là nhà sáng lập công ty than Shanxi Jinye Coking Coal, công ty đang nằm trong tâm điểm một vụ đầu tư vào ngành than gây tranh cãi.
Năm 2012, CRP đã trả cho công ty của Zhang 7,9 tỷ nhân dân tệ (1,28 tỷ USD) để mua 3 mỏ than và các tài sản có liên quan. Các cổ đông của CRP trong năm ngoái đã khởi kiện các thành viên hội đồng quản trị cũ cũng như đương nhiệm về vụ đầu tư này, với cáo buộc mức giá mua các mỏ than bị thổi phồng.
Trong số những người liên quan có cựu chủ tịch của công ty mẹ China Resources của CRP là Song Lin, người bị sa thải hồi tháng 4 vừa qua và đang bị điều tra vì tội tham nhũng.
“Vụ bắt giữ Zhang chắc chắn có liên quan tới thương vụ ông này đã thực hiện với China Resources”, Li Jianjun, nhà hoạt động vì quyền lợi các cổ đông và là người đã cáo buộc ông Song có vai trò chủ mưu trong vụ thâu tóm 3 mỏ than trên cho biết.
Một nguồn tin thứ hai thân cận với Zhang cũng chia sẻ chung quan điểm của ông Li.
“Song đã mở màn cho một chuỗi các sự việc. Zhang đã nghĩ rằng có thể dùng tiền để thoát khỏi vụ việc”, nguồn tin này khẳng định với tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng.
Cả ông Li và nguồn tin này cho biết Zhang bị bắt hôm 4/8 tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ của Sơn Tây. Họ còn khẳng định nhiều người có liên quan khác đã bị đưa đi để điều tra.
“Một lí do khác cảnh sát bắt giữ ông ta đó là do sự dính líu tới hoạt động tội phạm có tổ chức và rửa tiền”, Li nói.
CRP cho biết Wang, người được bổ nhiệm vào chức chủ tịch năm 2010, sẽ bị tạm đình chỉ chức vụ chờ kết quả điều tra. Dù vậy ông này vẫn sẽ là thành viên hội đồng quản trị.