Người biểu tình kiện đòi cảnh sát bồi thường 40 triệu USD
Một vụ kiện dân sự đòi bồi thường nhiều triệu đô la đã được đệ trình hôm 28-8, cáo buộc giới chức cảnh sát ở Ferguson, bang Missouri vi phạm quyền công dân.
Đơn kiện được gửi đến Toàn án Quận, miền Đông Missouri để lên án hành động trấn áp bằng lựu đạn cay và đạn cao su của cảnh sát trong cuộc bạo loạn sau cái chết của Michael Brown, một thiếu niên da đen 18 tuổi vào hôm 9-8.
Tên của các bị cáo được xác định đều ở quận St Louis, thành phố Ferguson: cảnh sát trường thành phố Ferguson- Tom Jackson, cảnh sát trưởng quận St Louis- Jon Delmar, sĩ quan cảnh sát Ferguson- Justin Cosmo và một sĩ quan cảnh sát khác được giấu tên ở Ferguson và quận St Louis.
Tổng giá trị đòi bồi thường lên đến 40 triệu đô la Mỹ, nhằm đòi bồi thường cho 6 nạn nhân đã bị lực lượng cảnh sát địa phương trấn áp.
Một trong những nguyên đơn đã cáo buộc hành động vô lý của lực lượng cảnh sát khi cô và con trai đang ăn ở nhà hàng Mc Donald thì một số nhân viên cảnh sát đã dùng súng và vũ lực để bắt giữ họ.
Một nguyên đơn khác chỉ đến thăm mẹ mình ở Ferguson, thì bị một số nhân viên cảnh sát mặc đồng phục quân sự bắn đạn cao su, sau đó còn đánh đập và sử dụng cả hơi cay khi ông cố cống cự.
Hai nguyên đơn khác đang biểu tình ôn hòa thì các nhân viên cảnh sát đã sử dụng hơi cay, súng cao su và lựu đạn gây choáng nhắm vào họ. Một số sự việc đã bị người dân ghi hình.
Một số nhân chứng nói rằng đã nhìn thấy cảnh sát Darren Wilson bắn chết Brown trong cuộc ẩu đã xảy ra trên đường phố, Brown đã giơ tay đầu hàng, nhưng anh ấy vẫn bị bắn nhiều phát, trong đó có hai phát đạn ở đầu.
Minh Đức (theo Reuters/PLO)
---------------------------
Hồng Kông chuẩn bị biểu tình
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông hôm 28-8 tuyên bố sẽ leo thang kế hoạch biểu tình của Phong trào Chiếm lĩnh trung tâm (Occupy Central) sau khi nổi lên thông tin các đại biểu đang tham dự cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh đã nhất trí với dự thảo nghị quyết hạn chế cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông năm 2017.
Thông tin về dự thảo này được phát trên đài RTHK của Hồng Kông, khẳng định Trung Quốc vẫn ủng hộ một cuộc bầu cử trực tiếp của người dân đặc khu nhưng tất cả ứng cử viên trước hết phải nhận được sự ủng hộ đa số của một ủy ban đề cử thân Bắc Kinh. Theo đó, chỉ có 2 - 3 ứng cử viên được chạy đua trong cuộc bầu cử năm 2017 và không cho phép ứng cử viên mở rộng.
Người đồng sáng lập Phong trào Chiếm lĩnh trung tâm Benny Tai cho biết nếu nghị quyết được thông qua sau phiên họp toàn thể vào ngày 31-8, các nhóm ủng hộ dân chủ sẽ mở chiến dịch “quy mô toàn diện, tạo làn sóng biểu tình tầng tầng lớp lớp”. Mở đầu là cuộc tuần hành bên ngoài văn phòng của đương kim Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh ngay trong đêm đó.
Dự kiến, hàng ngàn sinh viên cũng tẩy chay trường lớp vào giữa tháng 9 để tham gia biểu tình. Lực lượng cảnh sát Hồng Kông với 28.000 người đang tăng cường diễn tập kiểm soát đám đông. Theo Reuters, đây có thể là nỗ lực nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế một khi biểu tình lớn nổ ra.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng không ngừng thúc đẩy chiến dịch truy quét các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Trường hợp mới nhất là ông trùm truyền thông Jimmy Lai vừa bị các cán bộ phòng chống tham nhũng Hồng Kông (ICCA) đột kích nhà riêng sáng 28-8. Jimmy Lai thường công khai chỉ trích Bắc Kinh và tờ báo Apple Daily do ông sở hữu vốn nổi tiếng ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.
---------------------------
Đồng rúp của Nga tụt giá kỷ lục
Đồng rúp của Nga tụt giá đến mức kỷ lục và chứng khoán nước này cũng sụt giảm giữa lúc phương Tây đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow và Ukraine tố cáo cuộc chiến được tăng cường của phe ly khai thực chất là một cuộc xâm lược.
Cụ thể: Trước khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28-8, đồng rúp giảm giá 1,5%, xuống mức 36,7247 rúp/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7-1993.
Ngoài ra, chỉ số Micex (INDEXCF) mất 1,7%, còn 1.423,78.
Ông Vladimir Bragin, trưởng nhóm nghiên cứu tại tổ chức tín dụng Alfa Capital ở Moscow, nhận định: “Tâm trạng của các nhà đầu tư đã thay đổi theo hướng xấu đi. Tuyên bố của Ukraine rằng Nga đưa quân vào Ukraine đã gây ra tình trạng sụt giá”.
Về phần mình, ông Lars Christensen, trưởng nhóm nhà phân tích thị trường tại Danske Bank A/S ở Copenhagen - Đan Mạch, nhấn mạnh: “Trong 2 ngày qua, sự việc trên chiến trận diễn tiến theo chiều hướng xấu đi và thị trường đã phản ứng lại cũng theo chiều hướng đó. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ chuyển sang một vòng trừng phạt mới” -.
Trong khi đó, chỉ số Equities của Ukraine (UX) cũng tụt giá 6,2%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 3-3 năm nay, còn trái phiếu của chính phủ sẽ mãn hạn vào tháng 7-2017 đã giảm giá ngày thứ bảy liên tiếp.
Thêm vào đó, đồng zloty của Ba Lan giảm 0,6% so với đồng euro và đồng forint của Hungary sụt giá 0,8% trong khi các chỉ số chứng khoán ở Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan đều sụt giá hơn 2%.
---------------------------
NATO: Hơn 1.000 lính Nga đang hoạt động tại Ukraine
NATO đã công bố các bức ảnh vệ tinh mà liên minh này nói là cho thấy các lực lượng bên trong lãnh thổ Ukraine để giúp phe ly khai chiến đấu với các lực lượng chính phủ.
Chuẩn tướng Niko Tak của NATO nói rằng hơn 1.000 binh sĩ Nga đang hoạt động bên trong UKraine, cả hỗ trợ quân ly khai và chiến đấu cho phe mình.
Ông Niko Tak nói với hãng tin BBC rằng đã có "sự leo thang nghiêm trọng về cấp độ và độ tinh vi trong sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine" trong 2 tuần qua.
"NATO đã phát hiện số lượng lớn các vũ khí tiên tiến, trong đó có các hệ thống phòng không, pháo, xe tăng, xe chở binh sĩ bọc thép đang được chuyển cho lực lượng ly khai ở đông Ukraine", ông Tak nói.
"Họ (người Nga) hỗ trợ phe ly khai và chiến đấu cùng họ", hãng tin AFP cũng dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của NATO cho biết, nói thêm rằng nguồn cung vũ khí từ Nga đã tăng cả về số lượng và chất lượng.
Theo quan chức trên, tình hình đã trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết do một tuyến đường quan trọng giữa Donetsk và Novoazovsk, trên biển Azov gần biên giới Nga, đã bị các lực lượng thân Nga chặn lại.
"Tuyến tiếp tế cho quân đội Ukraine đã bị cắt", ông nói.
Tuy nhiên, đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu, Vladimir Chizhov, đã bác bỏ các thông tin trên.
Ông Chizhov cho hay NATO "chưa từng đưa ra một chút bằng chứng nào" cho các cáo buộc của liên minh này.
Đại sứ Nga nói thêm rằng các binh sĩ Nga duy nhất trên đất Ukraine là 10 lính nhảy dù bị quân đội Ukraine bắt giữ hồi đầu tuần này.
Phía Nga cho hay các binh sĩ đó đã vô tình vượt qua biên giới trong khi đang tham gia tuần tra một khu vực biên giới Nga-Ukraine.
Ukraine kêu gọi trợ giúp quân sự "quy mô lớn" từ phương Tây
Các cáo buộc của NATO diễn ra một tuần trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này tại Cardiff (Anh), nơi các hành đồng tiềm tàng chống lại Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ được thảo luận.
Đại sứ Ukraine tại EU ngày 28/8 đã kêu gọi sự trợ giúp quân sự "quy mô lớn" từ phương Tây trong bối cảnh có các báo cáo nói rằng các binh sĩ Nga đã giúp mở một mặt trận mới ở đông nam Ukraine.
Giới lãnh đạo EU sẽ thảo luận các diễn biến mới tại một cuộc gặp vào ngày 30/8, vốn có nhiệm vụ cơ bản là bầu các vị trí hàng đầu của EU.
Ngay trước cuộc gặp vào ngày mai, Tổng thống UKraine Petro Poroshenko sẽ gặp người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch EU Herman Van Rompuy tại Brussels, Bỉ.
---------------------------
Canada sẵn sàng dùng vũ lực với Nga ở Bắc cực
Hãng tin The Canadian Press hôm qua dẫn lời Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh các lực lượng nước này không được lơi lỏng phòng vệ và cần phải sẵn sàng trả đũa trước bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền nào. Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Harper kết thúc chuyến thị sát vùng lãnh thổ phía bắc của Canada và theo dõi cuộc tập trận thường niên Nanook 2014, diễn ra ngoài khơi đảo Baffin thuộc cực bắc nước này.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Berlingske của Đan Mạch trước đó, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng nhấn mạnh chính quyền Ottawa đang đặc biệt lo ngại về động thái đẩy mạnh hoạt động quân sự của Nga tại Bắc cực, “sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền”. “Đối với chúng tôi, đây là ưu tiên chiến lược. Trước những hoạt động quân sự hóa khu vực đang diễn ra, chúng tôi muốn giảm nguy cơ xung đột, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”, ông Baird tuyên bố.
Nga và các nước khác đang tham gia tranh chấp ở Bắc cực như Mỹ, Đan Mạch, Na Uy chưa có phản ứng về các tuyên bố trên. Từ năm ngoái, Nga bắt đầu đẩy mạnh khôi phục hoạt động ở Bắc cực, mở đầu bằng việc cho hoạt động trở lại một căn cứ quân sự bị bỏ hoang từ thời Liên Xô trên quần đảo Novosibirsk ngoài khơi bờ biển đông bắc của nước này. Sau đó, Moscow liên tục điều động tàu chiến, tàu phá băng đến khu vực và vào đầu năm nay, Hạm đội phương Bắc của Nga thông báo sẽ mở rộng tuần tra Bắc cực bằng máy bay chống tàu ngầm/trinh sát biển Tu-142 và Il-38, theo RIA-Novosti. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết nước ông sẽ xây dựng một hệ thống hợp nhất các cơ sở hải quân tại những vùng lãnh thổ Bắc cực để chứa tàu chiến và tàu ngầm hiện đại, tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích tại đây.
Bắc cực được cho là khu vực chiến lược trên thế giới về tài nguyên, quân sự và hàng hải.
Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học ước tính nơi này chiếm 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc... Riêng Greenland đã chiếm 10% nguồn dự trữ nước ngọt của trái đất. Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè. Từ châu Âu sang châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được từ 6.000 - 8.000 km so với các tuyến đường hiện nay.