Trong 2 tuần, Trung Quốc thiệt hại 13 tỷ USD vì thiên tai
Sau 2 cơn bão Matmo và Rammasun, Trung Quốc lại gánh chịu thêm trận động đất lớn ở Vân Nam. Theo nhiều ước tính, thì thiệt hại về kinh tế mà quốc gia này phải hứng chịu sau những thiên tai gần đây lên tới gần 13 tỷ USD.
Các cơn bão Matmo và Rammasun đã giết tổng cộng 64 người và làm 21 người mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế mà 2 cơn bão này gây ra, theo Tân Hoa Xã, lên tới 38,5 tỷ NDT - tương đương với 6,25 tỷ USD.
Ngày 3/8, một trận động đất lớn lại diễn ra tại Vân Nam, khiến ít nhất 150 người chết. Hiện chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Nhưng theo phân tích sơ bộ của trang Earthquake Report, một chuyên trang về các vụ động đất trên thế giới, thì một trận động đất ở cường độ này, với mật độ dân cư của tâm động đất (vùng Lỗ Điện, Vân Nam), thì chắc chắn thiệt hại về kinh tế sẽ không thể dưới 6,5 tỷ USD.
Thậm chí, theo Earthquake Report, thiệt hại của trận động đất kiểu này có thể lên đến 10 tỷ USD.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần, Trung Quốc đã thiệt hại không dưới 13 tỷ USD vì thiên tai.
Trong năm nay, bão lũ và động đất đã ảnh hưởng tới 120 triệu người Trung Quốc và cướp đi khoảng gần 700 sinh mạng, với hơn một trăm người khác còn mất tích.
-------------------
175 người chết trong động đất mạnh ở Trung Quốc
Một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra chiều nay ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 175 người thiệt mạng, 180 người mất tích và hơn 1.400 người bị thương.
Trận động đất xảy ra vào khoảng 16h30 chiều nay tại thành phố Chiêu Thông tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Tâm chấn được ghi nhận ở độ sâu 12 km dưới lòng đất, theo báo cáo từ Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC). Trận động đất làm ít nhất 175 người chết cùng hàng nghìn người bị thương.
"Tôi đang ở căn hộ trên tầng 5 thì cảm thấy rung lắc dữ dội, đồ đạc trong nhà liên tiếp rơi khỏi kệ", Xinhua dẫn lời người dân tại Chiêu Thông cho hay. Một số địa phương khác như Côn Minh, Trùng Khánh, Lạc Sơn, Thành Đô cũng cảm nhận được cơn địa chấn.
Hầu hết mọi người đều vội vã rời các tòa nhà và đổ xuống đường. Điện đã bị cắt, dịch vụ viễn thông cũng gián đoạn ở nhiều nơi. Động đất làm nứt vỡ nhiều nhà cửa và công trình công cộng. "Quá nhiều tòa nhà bị phá hủy, chúng tôi đang thu thập thêm thông tin về số người chết và bị thương", một quan chức địa phương nói.
Cảnh sát và quân đội nhanh chóng có mặt tại hiện trường sơ tán và cứu nạn. Nhà chức trách gửi 2.000 lều bạt, 3.000 giường gấp, chăn, áo ấm đến khu vực bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân.
Năm 1974, một trận động đất xảy ra trên cùng khu vực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người. Tháng 5/2008, một trận động đất mạnh 8 độ Richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, giáp Vân Nam, làm chết hàng chục ngàn người và san phẳng một vùng rộng lớn .
-------------------
Đông Nam Á: Ký sinh trùng kháng thuốc đặc trị sốt rét lây lan
Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) ngày 30-7, cuộc chiến toàn cầu chống lại căn bệnh sốt rét đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự xuất hiện chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở các khu vực biên giới Đông Nam Á.
Ký sinh trùng này đang lây lan với tốc độ nhanh tại khu vực biên giới của bốn quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) do Giáo sư về y học nhiệt đới Nicholas White đứng đầu, đã tiến hành phân tích mẫu máu của 1.241 bệnh nhân, cả người trưởng thành và trẻ em. Các mẫu máu cho thấy những ký sinh trùng có khả năng kháng thuốc đặc trị sốt rét artemisinin. Những ký sinh trùng kháng thuốc còn có dấu hiệu xuất hiện ở miền trung Myanmar, nam Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ba quốc gia châu Phi khác là Kenya, Nigeria và Congocũng được lấy mẫu kiểm tra nhưng không xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc .
Đây là lần thứ ba trong vòng hơn 50 năm qua Đông Nam Á xuất hiện chủng ký sinh trùng kháng thuốc đặc trị sốt rét, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Ký sinh trùng kháng thuốc chloroquine trước đây đã từng lây lan từ các nước châu Á sang châu Phi trong giai đoạn từ 1950 đến 1970.
Theo ông Jeremy Farrar, giám đốc Tổ chức từ thiện toàn cầu Wellcome Trust, nếu muỗi kháng thuốc lan ra ngoài khu vực châu Á và vào châu Phi, thì những tiến triển lớn đạt được trong giảm tử vong do sốt rét sẽ bị đảo ngược hoàn toàn. Ông Farrar nhấn mạnh đây không phải là mối đe dọa với tương lai mà chính là sự đe dọa của ngày hôm nay. Về phần mình, Giáo sư Nicholas White cảnh báo rằng các phương pháp kiểm soát sốt rét như hiện nay là không đủ, cần phải hành động quyết liệt hơn nữa và đưa nguy cơ này trở thành ưu tiên của y tế công cộng toàn cầu.
-------------------
Máy bay do thám Mỹ thoát truy đuổi của chiến đấu cơ Nga
Một máy bay do thám của không quân Mỹ đã thoát khỏi một cuộc đối đầu với quân đội Nga hôm 18/7, chỉ một ngày sau khi chuyến bay MH17 của Malaysia bị rơi ở miền đông Ukraine mà Mỹ và phương Tây cáo buộc phe ly khai thân Nga là thủ phạm.
Một quan chức quân đội Mỹ tiết lộ chiếc máy bay do thám RC-135 Rivet Joint của không quân Mỹ đã lánh sang không phận Thụy Điển mà không được phép của nước này. Máy bay Mỹ cũng có thể bay qua không phận các nước khác, mặc dù không rõ nó có được phép làm vậy hay không.
Máy bay Mỹ đang bay trong không phận quốc tế, tiến hành sứ mệnh giám sát điện tử nhằm vào quân đội Nga thì phía Nga bất ngờ hành động nhằm theo dõi nó với radar trên mặt đất.
Phía Nga sau đó đã điều ít nhất 1 máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay Mỹ, quan chức giấu tên trên cho biết.
Phi hành đoàn trên máy bay do thám lo ngại về sự theo dõi radar nên đã ra khỏi khu vực càng sớm các tốt. Con đường nhanh nhất để thoát khỏi Nga là vào không phận Thụy Điển. Quan chức Mỹ thừa nhận hành động đó không được sự phê chuẩn của quân đội Thụy Điển.
Do đó, Mỹ đang phải thảo luận vụ việc với Thụy Điển và cho giới chức biết nước này rằng có thể xảy ra các vụ việc tương tự khác, khi các máy bay Mỹ phải chuyển hướng nhanh chóng nên có thể không chờ được cho tới khi Thụy Điển cho phép.
Vụ việc trên lần đầu tiên được tập đoàn truyền thông Thụy Điển DN.se đưa tin. Giới chức Nga chưa có bình luận gì về cuộc đối đầu trên.
Đây là vụ đối đầu có khả năng gây nguy hiểm thứ 2 giữa máy bay Mỹ và Nga trong vài tháng qua. Hôm 23/4, một máy bay chiến đấu Su-27 Flanker của Nga đã "giáp mặt" một máy bay do thám RC-135U của không quân Mỹ trên biển Okhotsk nằm giữa Nga và Nhật Bản.
Trước đó, một máy bay chiến đấu Nga đã suýt va chạm với một máy bay quân sự Mỹ hồi tháng 4.
Các máy bay Nga và Mỹ thường xuyên đối đầu nhau, cả ở phía bắc châu Âu và khu vực giữa vùng Viễn Đông của Nga và bang Alaska. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết rằng hoạt động theo dõi bằng radar trên mặt đất của phía Nga như trong vụ việc trên là bất thường.
Cuộc khủng hoảng hiện thời tại đông Ukraine và bụ bắn rơi máy bay MH17 ở đông Ukraine hôm 17/7, vốn làm toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Mátxcơva. Chuyến bay MH17 được tin là đã bị trúng tên lửa đất đối không.
Phe ly khai thân Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng họ bắn rơi máy bay, và cũng bác bỏ chuyện Nga cung cấp vũ khí để phá hủy MH17.
-------------------
Tấn công ở Tân Cương, 96 người thiệt mạng
Ngày 3-8, truyền thông Trung Quốc đưa tin 37 thường dân và 59 “kẻ khủng bố” thiệt mạng trong vụ tấn công ở Tân Cương hôm 28-7.
Tân Hoa xã cho biết có 13 thường dân khác bị thương. Cảnh sát Tân Cương bắt giữ 215 “tên khủng bố” trong vụ tấn công bằng dao tại một đồn cảnh sát và một số cơ quan chính quyền địa phương ở huyện Shache, vùng Kashgar thuộc Tân Cương.
Truyền thông Trung Quốc chỉ hé lộ thông tin về vụ tấn công này vào ngày 29-7. Một tổ chức người Uighur ở nước ngoài cho biết gần 100 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa những người Uighur nổi loạn và cảnh sát Tân Cương.
Theo Tân Hoa xã, trong số các thường dân thiệt mạng có 35 người Hán và hai người Uighur. Cảnh sát thu giữ nhiều con dao ở hiện trường vụ án và những băng rôn với khẩu hiệu kêu gọi thánh chiến chống chính quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố vụ tấn công “được lên kế hoạch từ trước và có liên quan đến nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan”. Hôm 1-8, cảnh sát ở Tân Cương bắn chết chín “nghi can khủng bố” và bắt giữ một người khác.
Trong thời gian qua, hàng loạt vụ bạo động nổ ra ở Tân Cương, đẫm máu nhất là vụ tấn công vào khu chợ trời thủ phủ Urumqi hồi tháng 5 khiến 39 người thiệt mạng. Trước đó là vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh hồi tháng 3, do một số người Uighur thực hiện, khiến 29 người chết.
Các tổ chức người Uighur ở nước ngoài cáo buộc chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách đàn áp văn hóa, kinh tế và chính trị đối với người Uighur ở Tân Cương, dẫn tới tình trạng bạo loạn.
-------------------
Cảnh sát trộm 50kg ma túy trong nhiệm sở
Một sĩ quan cảnh sát chống ma túy Pháp vừa bị bắt giữ do bị tình nghi đánh cắp hơn 50kg cocaine từ sở cảnh sát Paris.
ABC News ngày 3-8 đưa tin sĩ quan cảnh sát trên, hiện chưa được tiết lộ tên, 34 tuổi, bị bắt khi đang đi nghỉ tại thành phố miền nam Perpignan, gần biên giới Tây Ban Nha.
AFP dẫn lời các đồng nghiệp của người này nói anh ta là người "khiêm tốn" và "đáng tin cậy".
Các quan chức cho biết số ma túy bị đánh cắp có giá chợ đen lên đến 3 triệu euro (4 triệu USD). Đây được xem là một vụ gây bẽ mặt lực lượng cảnh sát Pháp, còn báo chí nước này mô tả vụ việc "như phim hình sự".
Vụ đánh cắp được cho là xảy ra vào ngày 24-7, số ma túy khi đó đang được cất giữ tại một căn phòng an ninh cao ở sở cảnh sát Paris. Đến ngày 31-7, sự việc mới được phát hiện.
Xem lại hình ảnh từ máy quay an ninh, các nhà điều tra phát hiện có một người đàn ông mang theo hai chiếc túi vào trụ sở cảnh sát vào đêm đó, và rời khỏi ngay sau đó. Căn cứ vào hình ảnh do máy quay ghi được, các nhà điều tra đã xác định nghi phạm và tiến hành vụ bắt giữ.
Tờ Le Parisien cho biết số ma túy trên vốn là tang vật trong một vụ đột kích hôm 4-7 nhằm vào một băng đảng ma túy hoạt động ở phía bắc Paris. Hiện chưa rõ số ma túy này đã được thu hồi hay chưa.
Trụ sở cảnh sát Paris - được lưu danh trong loạt tiểu thuyết trinh thám về thanh tra Maigret của Georges Simenon và trong các bộ phim tội phạm tiếng Pháp, nằm tại số 36 Quai des Orfevres, trung tâm của thủ đô nước Pháp, nhìn ra sông Seine và gần nhà thờ Notre Dame.
-------------------
Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân để "đối phó đe dọa"
Hôm qua 2-8 Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ vẫn đe dọa nước này.
Theo hãng tin Yonhap, Đại sứ Ri Tong-Il cho rằng không quốc gia nào trên thế giới liên tục bị đe dọa như CHDCND Triều Tiên và Bình Nhưỡng cần vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa đó. Ông Ri kêu gọi LHQ coi các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng.
Ông Ri cáo buộc Hội đồng Bảo an LHQ “phân biệt đối xử” khi lên án các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên nhưng lại không chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng mô tả là “đợt tập huấn chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.
“Nếu HĐBA từ chối đề nghị họp khẩn thì điều đó chỉ cho thấy nó đã đánh mất các nguyên tắc, sự trung lập và nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, ổn định” - Đại sứ Ri nhấn mạnh.
Ông cho biết Mỹ đã tổ chức 18.000 cuộc tập trận tại Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Ông cũng cho rằng Washington chính là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Ri cũng khẳng định CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục các cuộc thử tên lửa và tập trận bắn pháo kích để tăng cường khả năng phòng thủ. “Đó là hành động tự nhiên nhằm phản ứng lại tình huống nguy hiểm mà các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tạo ra. Mối nguy cơ chiến tranh đang gia tăng” - ông Ri nói.
-------------------
Nga tố EU âm thầm dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Ukraine
Nga hôm qua buộc tội Liên minh châu Âu âm thầm dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Ukraine trong khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực quốc phòng của Moscow.
Chủ nhật, 3/8/2014 | 07:26 GMT+7 Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
Nga tố EU âm thầm dỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Ukraine
Nga hôm qua buộc tội Liên minh châu Âu âm thầm dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Ukraine trong khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực quốc phòng của Moscow.
Nga: Biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đi ngược lẽ thường
quan-su-3-3470-1406999245.jpg
Quân đội Ukraine tuần tra gần khu vực thành phố Debaltseve ở vùng Lugansk hôm 1/8. Ảnh minh họa: RT.
Mối quan hệ giữa Moscow và Brussels trở nên xấu đi kể từ khi EU áp các biện pháp trừng phạt lên Nga vì cho rằng nước này có liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nơi các tay súng nổi dậy chống lại lực lượng chính phủ.
"Trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng châu Âu tại Brussels, lãnh đạo của các nước thành viên EU âm thầm nhất trí dỡ bỏ hạn chế trong việc xuất khẩu các thiết bị quân sự cho Kiev. Những thiết bị này có thể được sử dụng để trấn áp trong nước", Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đăng trên website của cơ quan này.
"Việc xuất khẩu kỹ thuật và thiết bị quân sự cũng được cho phép", tuyên bố cho biết thêm và không nhắc tới thời điểm chính xác EU đưa ra quyết định trên. Moscow gọi động thái này là "mâu thuẫn với những luật lệ về việc xuất khẩu đạn dược và kỹ thuật quân sự" mà EU áp dụng.
Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu các nhà lãnh đạo EU không nên bị Washington kích động qua những sự kiện ở miền đông Ukraine. Tuần qua, EU đã thông qua nhiều hình phạt nặng nề nhất với Moscow, áp lệnh trừng phạt lên lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của nước này.
Những hạn chế về việc xuất khẩu thiết bị quân sự lần đầu tiên được EU đưa ra vào tháng 2 năm nay khi ông Viktor Yanukovich vẫn còn là tổng thống của Ukraine. "Khi đó EU quyết định rằng sẽ là sai lầm khi cung cấp vũ khí cho chế độ Yanukovich", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trước cáo buộc từ Moscow, phía EU chưa có bình luận chính thức nào.
Theo Russia Time, cái gọi là "hoạt động chống khủng bố" của Kiev ở những khu vực miền đông Ukraine đã được tăng cường cách đây không lâu. Cuộc đàn áp không nương tay mới đây nhất diễn ra ở làng Gorlovka thuộc Donetsk làm 31 dân thường ở đây thiệt mạng.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, ít nhất hơn 1.000 người thiệt mạng và gần 3.500 người khác bị thương ở miền đông Ukraine kể từ khi hoạt động này bắt đầu vào tháng 4. Theo báo cáo của tổ chức trên, nguyên nhân số người chết tăng lên là do những cuộc nã pháo tăng cường vào các khu vực dân thường.
----------
Lở đất kinh hoàng ở Nepal
Một vụ lở đất khủng khiếp đang chôn vùi hàng chục ngôi nhà ở Nepal, với ít nhất tám người được xác nhận đã chết và nhiều người nữa mất tích.
Đất lở ngáng trở dòng chảy sông Sunkoshi ở đông thủ đô Kathmandu, buộc hàng ngàn người phải di tản và chuyển đến vùng đất cao hơn.
Nhà chức trách cho biết các kỹ sư quân sự đang cố khai thông dòng sông cho nước chảy.
Có nhiều lo sợ rằng số người chết sẽ còn tăng, khi công tác cứu hộ tiếp tục diễn ra ở quận Sindhupalchowk, đông Kathmandu khoảng 120km.
Xa lộ Arniko tới Tây Tạng đã được phong tỏa và khu vực được tuyên bố là một “khu vực khủng hoảng ngập lụt”.
Lở đất thường xảy ra trong mùa mưa từ tháng sáu tới tháng chín ở Nepal. Hàng chục người chết mỗi năm ở đây vì lũ lụt và lở đất.