Nhật chi gần 400 triệu USD phát triển chiến đấu cơ tàng hình
Một nhóm các công ty quốc phòng lớn của Nhật đang kế hoạch thực hiện một chuyến bay thử nghiệm đối với chiến đấu cơ tàng hình tự chế đầu tiên của nước này vào năm tới.
Liên danh của Nhật - dẫn đầu là Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi - đang phát triển một chiến đấu cơ sở hữu công nghệ tương đương máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo. Một nguyên mẫu chiến đấu cơ của Nhật dự kiến sẽ cất cánh lần đầu tiên vào tháng 1/2015, tờ Mainichi Shimbun đưa tin.
Khoảng 39,2 tỷ yen (384 triệu USD) của đã được đầu tư vào dự án, Mainichi Shimbun cho biết thêm, nhưng không trích dẫn các nguồn tin cụ thể.
Sau chuyến bay đầu tiên, chiến đấu cơ tàng hình sẽ trải qua 2 năm thử nghiệm. Tokyo sẽ quyết định liệu có mua máy bay này hay không vào đầu năm 2019.
Thông tin trên hiện chưa được kiểm chứng.
Nhật Bản, vốn xem một liên minh an ninh với Mỹ là nền tảng trong chính sách ngoại giao của nước này, từ lâu đã phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ về khí tài quân sự.
Nhưng chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nhật và đã nới lỏng một lệnh cấm về xuất khẩu vũ khí.
Tokyo hồi tháng trước cũng nới lỏng các quy định đối với quân đội, cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể để bảo vệ các đồng minh.
Việc Nhật Bản tự phát triển máy bay chiến đấu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc vì các tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông ngày càng xấu đi.
Hồi tháng trước, Nhật Bản cho biết các máy bay chiến đấu nước này đã xuất kích kỷ lục 340 lần chỉ từ tháng 3-6 nhằm đối phó với các vụ xâm phạm không phận của Nhật.
Các tàu và máy bay của chính phủ Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi Nhật quốc hữu hóa một số hòn đảo 2 năm trước.
---------------------------
Thái Lan siết chặt quản lý nhập cảnh, công dân Việt Nam gặp khó
Từ hôm nay (12/8), quy định mới của Thái Lan liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực. Theo đó, các thủ tục xuất nhập cảnh sẽ bị siết chặt hơn so với trước đây.
Trong thời gian áp dụng thử nghiệm vừa qua, những quy định mới đã khiến việc nhập cảnh vào Thái Lan trở nên khó khăn hơn. Quy định mới cũng tác động trực tiếp đến du khách Việt Nam khi đến Thái Lan.
Theo thay đổi trong chính sách quản lý xuất nhập cảnh của Thái Lan, công dân nhiều nước trong đó có công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Thái Lan sẽ phải xin visa. Việc làm này nhằm ngăn chặn tình trạng “nối thị thực” để ở lại lao động bất hợp pháp.
Tuy nhiên đối với công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Thái Lan với mục đích du lịch, vẫn được miễn visa theo Hiệp định song phương của hai Chính phủ. Khi đó, cơ quan chức năng của Thái Lan sẽ căn cứ vào kế hoạch của chuyến đi để giới hạn thời gian lưu trú chứ không mặc định cấp thị thực trong 30 ngày như trước.
Trường hợp, công dân Việt Nam thường xuyên xuất, nhập cảnh vào Thái Lan, nếu không chứng minh được việc nhập cảnh vào Thái Lan là để du lịch thì sẽ phải xin visa
---------------------------
Indonesia sẵn sàng làm trung gian trong tranh chấp Biển Đông
Tổng thống đắc cử của Indonesia Joko Widodo cho hay đất nước ông sẵn sàng làm trung gian để hạ căng thẳng vì các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, báo chí Nhật Bản hôm nay đưa tin.
Thống đốc Jakarta Joko Widodo, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Asahi của Nhật Bản rằng ông sẽ nỗ lực tìm kiếm các thỏa thuận ngoại giao - chứ không phải quân sự - cho các bất đồng dai dẳng ở Biển Đông.
“Chúng tôi đang hi vọng về các giải pháp ngoại giao và, nếu cần thiết, Indonesia sẵn sàng đóng một vai trò trung gian”, ông Widodo nói trong cuộc phỏng vấn, được đăng tải bằng tiếng Nhật. “Tôi không chấp nhận một giải pháp quân sự”, ông nói.
Ông Widodo cũng cho hay ông sẽ giúp đẩy nhanh việc thảo luận một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên của ASEAN.
Indonesia không có bất kỳ tranh chấp nào với Trung Quốc ở Biển Đông, và thường giữ vai trò trung gian trong các cuộc tranh chấp trên biển.
Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, thậm chí cả các vùng biển của các quốc gia láng giềng, và đã xảy ra vài cuộc đối đầu căng thẳng trong khu vực những tháng gần đây.
Những bình luận của ông Widodo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cáo buộc Mỹ cố tình kích động các căng thẳng trên Biển Đông và bác bỏ đề xuất của Washington nhằm “đóng băng” các hành động khiêu khích trong khu vực.
Các cáo buộc của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Myanmar hồi cuối tuần qua, vốn bị phủ bóng bởi các tranh chấp ở Biển Đông.
Các thành viên của ASEAN đã bày tỏ các lo ngại về lập trường hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực. Căng thẳng đã leo thang sau khi Trung Quốc triển khai trái phép một giàn khoan dầu sâu trong thềm lục địa và vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5.
--------------------------
Ấn Độ đề nghị Chủ tịch TQ hoãn chuyến thăm
Tờ The Hindu ngày 11/8 đưa tin Ấn Độ đã đề nghị TQ hoãn chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, vì nó trùng với thời điểm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pranab Mukherjee ngày 15-17/9.
Các nguồn tin của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết theo lịch trình dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ từ 14-15/9, song Bắc Kinh đã được thông báo qua các kênh ngoại giao rằng nhà lãnh đạo này sẽ được hoan nghênh từ ngày 17-18/9, sau khi thăm Sri Lanka và Pakistan.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ tiết lộ theo các kế hoạch trước đây, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Narendra Modi vào ngày 15/9, sau đó ông sẽ tới thăm Colombo và Islamabad.
Tuy nhiên, do Tổng thống Mukherjee không ở trong nước nên New Delhi đề nghị ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ vào ngày 17/9 và tiến hành các cuộc hội đàm cấp cao ngày hôm sau. Hiện Ấn Độ đang chờ trả lời từ phía TQ.
Chính phủ mới tại Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh quan hệ với TQ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và hạ tầng.
---------------------------
Các tay súng Hồi giáo cực đoan Iraq âm mưu ‘thánh chiến’ ở Trung Quốc
Các tay súng cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành ở Iraq âm mưu tiến hành “thánh chiến” ở khu tự tri Tân Cương, Trung Quốc.
Các tay súng IS (trước đây là tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), sau đó đổi tên là Nhà nước Hồi giáo Iraq) đã tiến hành hàng loạt những vụ khủng bố, giết dân thường, tấn công và chiếm giữ nhiều khu vực ở khắp Iraq, khiến hàng chục ngàn người hoảng loạn bỏ chạy, theo AFP.
IS đang đối mặt với những cuộc không kích từ lực lượng Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama “bật đèn xanh” cho phép không kích IS nhằm bảo vệ thường dân và công dân Mỹ ở Iraq.
Nhưng trước đó, vào hôm 4.7, Ngày Độc Lập của Mỹ, thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã tung ra một đoạn video, trong đó ông ta nêu chi tiết các kế hoạch bành trướng của tổ chức này, tuyên bố tiến hành “thánh chiến” tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc là nước đầu tiên, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 10.8 dẫn lại thông tin của tuần san tiếng Trung Phoenix Weekly.
Trong đoạn video, Al-Baghdadi nhắc đến Trung Quốc và Tân Cương nhiều lần, chỉ trích chính sách của Bắc Kinh chống lại người Hồi giáo trong vùng tự trị này, kêu gọi những người Hồi giáo ở Trung Quốc trung thành với ông ta.
Khu tự trị Tân Cương là nơi tập trung nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc lâu nay lên án những phần tử Hồi giáo ly khai cực đoan tại Tân Cương đã tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở nước này, theo Reuters.
Những phần tử khủng bố thời gian gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công chớp nhoáng, sử dụng các loại vũ khí đơn giản như dao, bom tự chế… ở khắp Trung Quốc, nhắm vào nơi đông người, từ nhà ga xe lửa cho đến đồn cảnh sát.
Reuters cho biết nhiều nghi phạm khủng bố ở Tân Cương bị bắt giữ trong những năm gần đây, bị tố cáo tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, tàng trữ vũ khí trái phép.
Bắc Kinh đang tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài chuyên về chống khủng bố để hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm nước này, sau hàng loạt những vũ tấn công chết người gần đây.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc còn đang treo thưởng tổng trị giá lên đến 300 triệu nhân dân tệ (49 triệu USD) cho những người dân Tân Cương có công giúp săn lùng các nghi phạm khủng bố.
---------------------------
Chính quyền Ukraine: Phe ly khai muốn sống thì phải đầu hàng
Giao tranh tiếp diễn khi lực lượng chính phủ Ukraine tiến gần đến thành phố Donetsk, cứ điểm quan trọng của phe ly khai ở miền đông Ukraine, vào ngày 10.8. Kiev đề nghị các tay súng phe ly khai muốn sống thì phải đầu hàng.
Vào ngày 9.8, Thủ lĩnh phe ly khai Aleksandr Zakharchenko lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện để tránh “thảm họa nhân đạo”, theo hãng tin AP (Mỹ).
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine và phương Tây cho rằng động thái này nhằm làm gia tăng áp lực lên Ukraine để cho phép Nga tiến hành sứ mạng hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine. Phương Tây nói Moscow có thể lấy cớ sứ mạng nhân đạo để đưa quân vào Ukraine, cho rằng 20.000 lính Nga đang dàn quân gần biên giới với Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và các lãnh đạo phương Tây nhiều lần tố cáo Nga cung cấp vũ khí cho phe ly khai, một cáo buộc mà Moscow luôn bác bỏ.
Đến ngày 10.8, người phát ngôn cho phe ly khai Elena Nikitina cho rằng các buổi đàm phán ngừng bắn chỉ xảy ra khi quân đội Ukraine rút khỏi khu vực miền đông Ukraine, một điều mà Kiev sẽ không thể làm được.
Andrii Lysenko, người phát ngôn Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ngày 10.8 cho biết cách duy nhất để các tay súng phe ly khai ở Donetsk bảo toàn mạng sống là hạ vũ khí và đầu hàng.
Ông Lysenko nói chính quyền Ukraine nhận thấy phe ly khai không có thiện chí hợp tác.
Ít nhất 1 người chết và 10 người bị trong một vụ pháo kích bắt đầu sáng ngày 10.8 (giờ địa phương) và giao tranh kéo dài trong ngày, và trên 10 tòa nhà chung cư, bệnh viện, một bệnh viện và cửa hàng bị thiệt hại nặng nề sau những đợt giao tranh ở Donetsk, AP dẫn lời ông Maxim Rovinsky, người phát ngôn hội đồng thành phố Donetsk, cho hay.
Ông Rovinsky ước tính 100.000 người đã bỏ chảy khỏi thành phố Donetsk (dân số 1 triệu người) chỉ trong một tuần qua và có tổng cộng khoảng 300.000 người đã sơ tán khỏi thành phố này.
Ít nhất 10.000 người ở thành phố sống không có điện, theo ông Rovinsky. Trên 1.300 người đã thiệt mạng khi giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai nổ ra từ tháng 4.2014 đến nay, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, theo AP.
---------------------------
Bão Halong đổ vào Nhật, 1,6 triệu người di tản
Ngày 10-8, bão Halong đã đổ bộ vào lên đảo Honshu thuộc miền tây nước Nhật. Nhà chức trách đã ra lệnh di tản 1,6 triệu người.
Theo Reuters, sáng sớm hôm nay bão Halong với sức gió 162 km/g đã đánh vào đảo Shikoku. Hàng loạt đợt sóng cao vài mét đã vỗ vào bờ biển Shikoku. Tại đảo Honshu, nhà chức trách ban bố cảnh báo bão cấp cao nhất.
Nhiều khu vực trên đảo Shikoku đã bị ngập nặng. Nước sông dâng ở tỉnh Gifu đã cướp đi sinh mạng của một người đàn ông. Một người chơi lướt ván mất tích ở bờ biển tỉnh Wakayama. Ngoài ra 33 người khác bị thương.
Chính quyền Nhật đã ra lệnh di tản 1,6 triệu người sống ở các khu vực bão đi qua. Hơn 200 chuyến bay bị hủy, dịch vụ tàu điện siêu tốc cũng bị ngắt quãng. Hàng nghìn khách du lịch đi nghỉ lễ Obon đã bị mắc kẹt tại các sân bay và nhà ga.
Cơ quan Khí tượng Nhật (JMA) cho biết hiện bão Halong đang di chuyển theo hướng bắc - đông bắc với tốc độ 30 km/g và đi qua đảo Honshu. Dự kiến bão sẽ đổ khoảng 40 cm nước mưa xuống phía đông Nhật, trong đó có khu vực thủ đô Tokyo.
---------------------------
ASEAN ra thông cáo chung, yêu cầu kiềm chế ở Biển Đông
Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á đã ra bản tuyên bố chung, trong đó thúc giục các bên trong tranh chấp Biển Đông kiềm chế, tránh gây phức tạp tình hình, sau một loạt hành động quyết liệt mới đây của Trung Quốc.
Thông cáo chung được đưa ra sau loạt hội nghị diễn ra cuối tuần này ở Myanamar, giữa các nước ASEAN với nhau và với các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Văn bản này nhấn mạnh sự "quan ngại sâu sắc" của các bộ trưởng Đông Nam Á "về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", và kêu gọi sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử COC.
Bản thông báo cho biết các bộ trưởng "ghi nhận kế hoạch ba bước" mà Philippines đề xuất, trong đó đáng chú ý là đề nghị "đóng băng" toàn bộ các hoạt động nhằm làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Chiều hôm qua, đại diện của Manila cho biết họ mong muốn các bên "tạm dừng" những hoạt động như vậy.
Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu tại các hội nghị này cũng đưa ra đề xuất kêu gọi các bên đóng băng mọi hành động gây căng thẳng.
Ông Kerry nói Mỹ chia sẻ trách nhiệm chung với khối ASEAN để đảm bảo an ninh hàng hải của đường biển và cảng có tầm quan trọng toàn cầu này.
"Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề của khu vực và Mỹ, mà còn là vấn đề với tất cả mọi người trên thế giới, thấy một Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên quy tắc, dựa trên luật pháp quốc tế", ông Kerry nhấn mạnh.
Tuy nhiên các đề nghị này nhận được phản ứng lãnh đạm từ Trung Quốc, quốc gia đã có nhiều hành động khiêu khích và thay đổi nguyên trạng các thực thể trên Biển Đông trong thời gian qua. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn yêu cầu Mỹ không nên can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, và khẳng định Trung Quốc sẽ "có phản hồi rõ ràng và cứng rắn" với hành động của các nước liên quan mà Bắc Kinh cho là khiêu khích.
Vấn đề Biển Đông bao trùm hội nghị ngoại trưởng ASEAN năm nay, tương tự như mấy năm gần đây. Năm 2012, tại hội nghị lần thứ 45, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, các bên không tìm được tiếng nói chung và không thể ra thông cáo.
Bên lề hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp và thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, đề nghị phía Trung Quốc không lặp lại hành động tương tự việc đạt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như từng diễn ra hồi tháng 5.
---------------------------
Nhật giúp ASEAN tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển
Nhật Bản ngày 10-8 cho biết Tokyo có ý định mở rộng hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển của khối trước tham vọng về biển Đông ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar, Ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với ASEAN bằng cách cung cấp tàu tuần tra và các thiết bị khác, theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Nguồn tin này dẫn lời ông Kishida nói thêm rằng Tokyo sẽ làm nhiều hơn để giúp lực lượng bảo vệ bờ biển. Trước đó, ngày 1-8, Nhật Bản đồng ý cung cấp 6 tàu và trang thiết bị nhằm giúp Việt Nam tăng năng lực thực thi luật pháp trên biển Đông.
Trong cuộc họp hôm 10-8, ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm các quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan đến biển Đông, dường như hàm ý nhằm vào lập trường ngày càng thiên về “sức mạnh cơ bắp” của Bắc Kinh để yêu sách chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông.
Giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mý, nhận định từ lâu Trung Quốc đã theo đuổi một lập trường cứng rắn đối với yêu sách trên biển Đông nhưng thời gian gần đây ngày càng hung hăng hơn.
Nhiều nước ASEAN hoan nghênh “vai trò xây dựng” cũng như sự hỗ trợ của Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh, bảo vệ các nguyên tắc của pháp luật, theo quan chức nói trên.
---------------------------
500 người Yazidi ở miền bắc Iraq nghi bị sát hại, chôn sống
Bộ trưởng Nhân quyền Iraq Mohammed Shia al-Sudani ngày 10.8 cho biết, các tay súng của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sát hại ít nhất 500 thành viên cộng đồng dân tộc thiểu số Yazidi trong chiến dịch tấn công ở miền bắc, theo hãng tin Reuters.
Ông al-Sudani cho biết thêm rằng các tay súng Hồi giáo dòng Sunni cũng chôn sống một số nạn nhân, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Khoảng 300 phụ nữ bị bắt cóc làm nô lệ.
“Chúng tôi có bằng chứng đáng chú ý được thu thập từ những người Yazidi chạy khỏi Sinjar và một số người thoát chết, cùng những hình ảnh cảnh tượng tội ác vốn cho thấy một cách hiển nhiên rằng các băng nhóm IS đã xử tử ít nhất 500 người Yazidi sau khi chiếm được Sinjar”, ông nói với Reuters.
Sinjar là quê hương của người Yazidi, một trong những thị trấn bị các tay súng IS, trước đây là ISIL, chiếm đóng. IS coi cộng đồng này là “những người thờ phượng ma quỷ”.
“Một số nạn nhân, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đã bị chôn sống trong những ngôi mộ tập thể nằm rải rác trong và xung quanh Sinjar”, ông al-Sudani nói.
IS, vốn tuyên bố lập nhà nước Hồi giáo ở nhiều phần lãnh thổ của Iraq và Syria, đã khiến hàng chục ngàn người Yazidi và Cơ đốc giáo chạy trốn trong chiến dịch tấn công đến khu vực cách Arbil, thủ phủ khu bán tự trị của người Kurd, chỉ khoảng 30 phút đi ô tô.
Người Yazidi, vốn theo một tôn giáo cổ có nguồn gốc từ Hỏa giáo Ba Tư, sinh sống ở miền bắc Iraq và là một phần của cộng đồng thiểu số Kurd.
Trưa 10.8 là thời hạn chót mà IS đặt ra cho 300 gia đình Yazidi cải đạo nếu không muốn bị sát hại. Hiện chưa rõ ông al-Sudani có đang đề cập số phận của những gia đình này và những người khác trong cuộc xung đột hay không.
IS, vốn tấn công miền bắc Iraq vào tháng 6, đã đánh bật người Kurd trong đà tiến mới nhất của tổ chức này, chiếm nhiều thị trấn, mỏ dầu thứ năm và đập nước lớn nhất Iraq, có khả năng gây ngập lụt các thành phố và cắt nguồn cung cấp điện nước.