‘Phương Tây tạo bằng chứng giả biến Nga thành kẻ xâm lược’
Các nước phương Tây đang cố gắng tạo ra hình tượng nước Nga như một kẻ xâm lược công khai Ukraine bằng việc đưa ra những bằng chứng giả mạo và thô thiển, theo Tướng Nga Valery Gerasimov.
Trong cuộc gặp các tùy viên quân sự nước ngoài ngày 10.12, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov nói rằng: “Những đồ họa máy tính giả mạo, thô thiển đăng trên Internet và các mạng xã hội được đem ra làm những bằng chứng về sự tham gia tích cực của quân đội Nga vào cuộc xung đột tại các vùng Donetsk và Lugansk”, theo Itar-Tass.
Tướng Nga cho biết, trước khi gặp gỡ các tùy viên quân sự các nước, Moscow đã tính toán cụ thể xem bao nhiêu lính của Nga bị cáo buộc một cách đầy khiêu khích. Ông khẳng định: “Theo những tính toán khiêm tốn nhất, tổng cộng có hơn 8.500 xe tăng và xe thiết giáp, gần 1.200 vũ khí pháo binh và khoảng 1.900 hệ thống hỏa lực phóng loạt. Trong khi đó, tổng diện tích của cả hai khu vực Lugansk và Donetsk của Ukraine chỉ xấp xỉ bằng Moscow”.
Trước tùy viên quân sự các nươc, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga khẳng định, với những con số như trên, ngay cả trong lý thuyết cũng không thể che giấu một cụm quân khổng lồ trong một khu vực nhỏ như vậy. Hơn nữa đó là nơi các nhà báo và đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hoạt động tự do thì điều đó lại càng không thể.
"Tất cả những việc này xảy ra trong bối cảnh họ muốn Ukraine trở thành khu vực bất ổn có thể kiểm soát được trong thời gian dài, gây thiệt hại trực tiếp vào lợi ích địa chính trị của Nga và các quá trình hội nhập trong không gian hậu Xô Viết”, Itar-Tass dẫn lời ông Gerasimov.
Mặt khác, ông Valery Gerasimov cho rằng lãnh đạo các nước lớn ở phương Tây đã dùng mọi phương tiện theo cách của họ để lật đổ các chính phủ hợp pháp. Ông lấy dẫn chứng từ những thay đổi đáng kể trong tình hình chính trị, quân sự ở Ukraine, Trung Đông và Bắc Phi.
Tướng Nga nói rằng việc các nước phương Tây can thiệp công việc nội bộ các quốc gia khác được gọi là “cách mạng màu", nó vẫn đang tiếp diễn. Không những thế, họ đã và đang dùng sức mạnh quân sự của mình để thực hiện các hành động hủy hoại các chính phủ khác.
------------------------
Ukraine bắt tay Úc, giảm lệ thuộc năng lượng vào Nga
Kiev đang tìm giải pháp nhằm giảm lệ thuộc khí đốt vào Nga khi đàm phán với Úc về khả năng mua than và uranium để phục vụ cho nhu cầu năng lượng trong nước, theo AFP.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hội đàm với Thủ tướng Úc Tony Abbott vào ngày 11.12. Ông Porochenko đang rất muồn tìm nguồn cung năng lượng mới nhằm giảm lệ thuộc vào Nga, giữa lúc nguồn dự trữ nhiên liệu của Ukraine đang giảm nhanh.
“Chúng tôi đã thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ukraine có thể mua uranium của Úc để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của mình”, ông Porochenko nói.
Dù không dùng điện hạt nhân nhưng Úc đang là nước sản xuất uranium lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Kazakhstan và Canada. Sản xuất điện ở Úc phần lớn là dùng nguồn than đá và khí đốt dồi dào.
Ông Porochenko cũng cho biết Ukraine rất quan tâm đến than đá của Úc. “Là một cường quốc năng lượng, Úc có vai trò rất quan trọng với Ukraine. Việc mua than đá và uranium từ Úc có thể mang đến việc làm và sự thịnh vượng cho cả hai nước”, ông nói.
Tổng thống Porochenko đang có chuyến thăm 2 ngày ở Úc, từ 11 đến 12.12 để thảo luận về thảm họa máy bay MH17.
Tuần này, Nga đã nối lại việc cung cấp khí đốt cho Kiev, sẽ giúp cho 45 triệu người dân Ukraine có khí đốt để sưởi ấm trong những tháng mùa đông sắp tới. Trước đây, gần một nửa lượng khi đốt ở Ukraine là do Nga cung cấp.
-------------------------
'Ba Lan từng cho CIA mở nhà tù bí mật'
Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski thừa nhận nước này đã cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dùng một cơ sở làm nhà tù bí mật nhưng không hề biết tới sự đối xử tàn nhẫn của các thẩm vấn viên, theo BBC.
Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski thừa nhận trong nhiệm kỳ của ông (1995-2005), Ba Lan đã cung cấp cho CIA một cơ sở để làm nhà tù bí mật. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Ba Lan thừa nhận điều này. Ông Kwasniewski trước đó cũng luôn phủ nhận sự tồn tại của cơ sở trên, theo BBC ngày 10.12.
Báo cáo mới công bố của Thượng viện Mỹ về hoạt động của CIA không đề cập đến tên các quốc gia có nhà tù mà cơ quan này sử dụng. Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã cáo buộc Ba Lan cho phép CIA dùng cơ sở bí mật ở nước này để tra tấn 2 nghi phạm của mạng lưới khủng bố al-Qaeda vào năm 2002 và 2003, trong thời gian ông Kwasniewski làm tổng thống.
Tuy vậy, cho đến nay, giới lãnh đạo Ba Lan đương nhiệm vẫn phủ nhận về sự tồn tại của cơ sở trên. Năm 2008, các công tố viên đã chỉ thị tiến hành một cuộc điều tra, tuy nhiên chưa có kết quả nào được công bố.
Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của nhà tù bí mât ở Ba Lan nhưng ông Kwasniewski khẳng định không hề biết đến những biện pháp tra tấn mà CIA sử dụng. Ông cho biết Mỹ đã rất bí mật khi họ tiến hành các hoạt động ở Ba Lan, điều này đã gây ra nhiều nghi ngại đối với giới chức nước này.
Sau khi báo cáo của Thượng viện Mỹ được công bố, ông nói: “Những phương pháp đó thật đáng sợ, tôi không chấp nhận được, chúng không chính đáng và không mang lại điều gì tốt đẹp. Đó thực sự là thảm họa của Mỹ, của CIA và của George Bush", theo BBC.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 10.12 đã công bố một bản tóm tắt dài 500 trang về chi tiết cuộc điều tra của Ủy ban này, liên quan đến những kỹ thuật thẩm vấn cao cấp được CIA áp dụng đối với các nghi can thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.
Ngay sau khi báo cáo này được công bố, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong khi Tổng thống Obama và nhiều người khác cho rằng các hoạt động của CIA nói trên đi ngược lại với giá trị cốt lõi của Mỹ, thì lãnh đạo và những người từng làm việc cho CIA lại khẳng định bản báo cáo của Thượng viện Mỹ là phiến diện và thiếu trung thực.
-----------------------
Tội phạm mạng đe dọa an toàn hàng không
Tin tặc, tội phạm mạng và những phần tử khủng bố hiện được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn ngành hàng không dân dụng thế giới.
Tin tặc, tội phạm mạng và những phần tử khủng bố khác trộm thông tin của các hãng hàng không và có thể đe dọa mạng sống nhiều người trên máy bay nếu họ tấn công mạng vào hệ thống máy tinh các hãng hàng không, AFP ngày 11.12 dẫn thông cáo của Hiệp hội Giao thông Hàng không Quốc tế (IATA).
IATA cùng các tổ chức và hãng hàng không vừa ký kết thỏa thuận an ninh mạng mới nhằm chống lại tội phạm mạng. “Mục tiêu chung của chúng tôi trong thỏa thuận này là phối hợp làm việc hiệu quả hơn để xúc tiến an ninh mạng và thiết lập các chiến lược vì lợi ích của tất cả các bên trong ngành hàng không”, ông Raymond Benjamin, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cho biết.
Sự tiến bộ trong thiết kế máy bay và hệ thống định vị đã giảm thiểu nguy cơ những vụ rơi máy bay, nhưng đồng thời khiến máy bay hoạt động dựa quá nhiều vào hệ thống máy tính.
Ông Benjamin cho biết thêm: “Công nghệ ngày phát triển và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng được nên chúng ta không nên phớt lờ mối đe dọa tấn công mạng”.
IATA đang nỗ lực tăng cường an ninh mạng cho ngành hàng không, bao gồm việc ra mắt một bộ công cụ giúp hãng hàng không đánh giá và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ tấn công mạng hệ thống máy tính của các hãng, theo Reuters.
-----------------------