Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh nhóm khủng bố Khorasan
Theo Daily Mail, Muhsin al-Fadhli - thủ lĩnh nhóm khủng bố Khorasan, “chân rết” của Al Qaeda, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ trong lãnh thổ Syria hôm 23-9.
Tên thủ lĩnh 33 tuổi từng là cánh tay đắc lực của trùm khủng bố Osama Bin Laden này được cho là đối tượng đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Washington treo thưởng 7 triệu USD để lấy đầu y – kẻ có quá trình thăng tiến nhanh chóng tới kinh ngạch trong hàng ngũ tổ chức khủng bố al Qaeda. Hắn cũng là kẻ nắm thông tin về vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ trước cả khi xảy ra và đang chủ mưu các kế hoạch khủng bố lặp lại thảm họa chấn động này nhằm vào các nước phương Tây và Mỹ.
Được biết chiến dịch không kích đầu tiên của Mỹ và 5 nước đồng minh Ả Rập vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria còn có một sứ mệnh riêng rẽ khác nhằm vào mục tiêu khác được đánh giá là cũng nguy hiểm không kém IS, đó là nhóm khủng bố Khorasan. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Chuẩn Đô đốc John Kirby, các cuộc không kích này đã chặn đứng các kế hoạch tấn công nhằm vào Mỹ và phương Tây của Khorasan vốn đang tiến tới giai đoạn hoàn tất. “Các báo cáo tình báo cho thấy nhóm khủng bố này đang ở giai đoạn cuối trong kế hoạch thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu phương Tây và có thể là cả nước Mỹ" – Ông Mayville xác nhận
Nhóm khủng bố này đã xây dựng nhiều trại huấn luyện tại Syria và đang chế tạo thuốc nổ phục vụ cho cuộc tấn công. Tuy nhiên, các trại huấn luyện đó đã trúng bom từ cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu.
Trung tướng William Mayville, chỉ huy các chiến dịch của Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết Mỹ đã phóng hơn 40 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và "phần lớn tên lửa này nhằm vào Khorasan".
---------------------------
Trung Quốc phát triển máy bay ném bom tàng hình
Các nguồn tin cho hay H-20 của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được phát triển và chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An.
Nga và Trung Quốc đều đang xúc tiến các kế hoạch máy bay ném bom, trong khi Mỹ cũng đang phát triển dự án máy bay ném bom tấn công tầm xa, tạp chí uy tín về công nghệ hàng không Aviation Week & Space Technology đưa tin.
Việc phát triển máy bay ném bom tàng hình của Trung Quốc đã nhận được sự chú ý từ tháng 10/2013, theo Đại tá Wu Guohui, giáo sư từ Đại học quốc phòng quốc gia Trung Quốc.
“Trong quá khứ, Trung Quốc vẫn bị xem là yếu kém liên quan tới máy bay ném bom, nhưng trong tương lai Bắc Kinh sẽ phát triển máy bay tấn công tầm xa”, ông Wu nói.
Dù không quân Trung Quốc không tiết lộ về các kế hoạch của họ nhưng H-20 được đồn đoán là sẽ cất cánh vào khoảng năm 2025.
Khi đó, Trung Quốc sẽ cần máy bay ném bom tàng hình để phục vụ 2 tham vọng chiến lược quan trọng. Trước tiên là ngăn chặn Mỹ vào vùng biển từ Alaska tới Philippines và thứ 2 là củng cố vai trò dẫn đầu ở Hoa Đông với khả năng triển khai sức mạnh rộng lớn. H-20 có thể cho phép không quân Trung Quốc bổ sung sức mạnh cho tàu sân bay và khả năng triển khai lực lượng đổ bộ của hải quân.
H-20 có thể được phát triển như một máy bay chiến đấu không người lái nếu Mỹ và Nga quyết định thiết kế máy bay ném bom tương lai của họ như vậy.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc tiếp tục phát triển phiên bản mới của máy bay ném bom H-6 và nâng cấp các mẫu cũ với các vũ khí mới. Việc Nga từ chối đề nghị của Trung Quốc nhằm mua máy bay ném bom Tu-22M3 hiện đại hơn khiến Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác là phải tự phát triển hoặc nâng cấp phi đội của mình.
-----------------------
Mỹ sẽ trợ giúp Ấn Độ chế tạo tàu sân bay
Nhiều nguồn tin ngoại giao tiết lộ với hãng tin NHK của Nhật rằng giới chức từ cả 2 nước đang đặt nền móng cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Đây sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington của ông Modi kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.
Thủ tướng Modi dự kiến sẽ thăm Mỹ từ 29-30/9 và sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama.
Giới phân tích tại Washington cho rằng hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng cố gắng tìm cách đối phó với sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường quan hệ an ninh.
Hai thủ tướng đã nhất trí rằng hải quân Ấn Độ và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên. Họ cũng thống nhất đẩy nhanh các cuộc đàm phán để Nhật xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ.
-----------------------
Mỹ đề cử đô đốc sinh tại Nhật làm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 22/9 đã đề cử Đô đốc Harry B. Harris Jr. kế nhiệm Đô đốc Samuel Locklear III làm tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Harris hiện là chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - lực lượng hải quân trực thuộc PACOM, đặt trụ sở gần Honolulu, Hawaii.
Việc bổ nhiệm ông Harris cần phải được thượng viện Mỹ thông qua.
Nếu được phê chuẩn, ông Harris sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo PACOM vào một thời điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á.
Chính quyền Obama đang cố gắng thực hiện chính sách "xoay trục" ngoại giao và quân sự sang khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong các tranh chấp chủ quyền với các láng giềng. Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc rất lo ngại về sự hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh và sợ rằng xung đột có thể nổ ra giữa Trung Quốc và các cường quốc khác trong khu vực.
Khu vực chịu trách nhiệm của PACOM bao gồm hầu hết châu Á và ông Harris có hiểu biết sâu rộng về khu vực này.
Ông Harris sinh tại Yokosuka, Nhật Bản vào năm 1956. Cha ông là một sĩ quan hải quân Mỹ, còn mẹ ông là người Nhật. Sau khi gia đình ông trở về Mỹ, Harris lớn lên tại Tennessee và Florida.
Ông Harris từng nghiên cứu về các vấn đề Đông Á khi học tập tại Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, Trường quan hệ quốc tế Georgetown’s School of Foreign Service và Đại học Oxford.
-----------------------
IS cảnh báo Mỹ lãnh hậu quả như chiến tranh Việt Nam
Trong khi Mỹ không kích căn cứ Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, nhóm phiến quân tung ra đoạn video thứ 2 liên quan đến nhà báo Anh John Cantlie bị chúng bắt.
Trong đoạn ghi hình dài 5 phút 55 giây do IS đăng tải hôm 22-9, con tin John Cantlie lặp lại một kịch bản viết sẵn với nội dung cảnh báo Mỹ không nên gây chiến ở Syria nếu không muốn lặp lại thất bại trong chiến tranh Việt Nam.
“Chúng ta có thể thấy các chính phủ phương Tây đang vội vã tiến về Iraq và Syria mà không quan tâm đến những bài học trong quá khứ. Từ sau chiến tranh Việt Nam, chúng ta chưa thấy sự hỗn loạn nào như vậy trong hoạch định chính sách” - ông Cantlie nói.
Đây là video “tuyên truyền” thứ hai có sự xuất hiện của Cantlie mà IS công bố trong vòng một tuần, kể từ khi nhà báo này bị bắt cóc ở Syria năm 2012.
Trong đoạn video lần này, Cantlie vẫn ngồi sau một chiếc bàn, mặc một bộ áo liền quần màu cam – làm gợi nhớ đến trang phục tù nhân tại nhà tù vịnh Guantanamo của Mỹ. Khi đoạn video kết thúc, Cantlie nói “quý vị sẽ còn gặp lại tôi”, như một tín hiệu ám chỉ phiến quân có thể chưa xử tử ông.
Cantlie là một trong số gần 20 con tin nước ngoài mà phiến quân giam tại nhà tù ở Raqqa, căn cứ địa của Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Trước đó, phiến quân lần lượt công bố video về cảnh hành hình các con tin ngoại quốc, bao gồm 2 nhà báo người Mỹ James Foley và Steven Sotloff; David Haines - nhân viên cứu trợ người Anh.
-----------------------
Triều Tiên giữ tàu cá và 6 thuyền viên Trung Quốc
Hãng tin Reuters ngày 23-9 dẫn nguồn tin từ báo chính thống Trung Quốc đưa tin Triều Tiên vừa bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và đòi tiền chuộc.
Reuters cho rằng đây là động thái “liều lĩnh” có thể khiến mối quan hệ giữa Triều Tiên và đồng minh lớn nhất của mình thêm phần căng thẳng.
Theo nguồn tin từ các tờ báo chính thống Trung Quốc, chiếc tàu cá đến từ TP cảng Đại Liên với 6 thuyền viên đã bị Triều Tiên giữa ngày 12-9 trong khi đang đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Hải giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Chủ sở hữu của chiếc tàu cá – ông Zhang Xikai - nói với báo chí rằng vào ngày 14-9, ông nhận được một cuộc điện thoại, được cho là từ lực lượng cảnh sát biển Triều Tiên, cho biết tàu và các thuyền viên của ông đang bị giam giữ do đánh bắt cá trong lãnh hải của Triều Tiên.
Theo đó, Triều Tiên yêu cầu chủ tàu phải nộp 250.000 nhân dân tệ (khoảng 863 triệu đồng) mới thả tàu và các thuyền viên. Tuy nhiên, đến 17-9, các ngư dân đã cập bến làng đánh cá ở Đại Liên với nhiều vết thương trên cơ thể do bị đánh đập. Ví và thắt lưng của những người này cũng đã bị lấy mất.
“Các thuyền viên khẳng định thuyền họ không nằm trong vùng biển Triều Tiên, thậm chí họ còn chưa vượt qua ranh giới vùng đánh bắt cá chung. Họ đang tiến hành hoạt động đánh bắt cá bình thường trong vùng biển Trung Quốc thị bị cảnh sát biển Triều Tiên dùng súng, vũ lực khống chế, tấn công, kéo thuyền họ vào vùng biển Triều Tiên”- ông Zhang Xikai nói.
Tờ báo Trung Quốc cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận sự cố này và Đại sứ quán của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 22-9 vừa qua đã trình vụ việc lên chính phủ Triều Tiên.
Hồi tháng 5, Triều Tiên từng bắt giữ tàu cá Trung Quốc với 16 ngư dân và yêu cầu chủ tàu trả 600.000 nhân dân tệ (gần 2,1 tỉ đồng). Tuy nhiên, cuối cùng nước này đã thả tàu cùng các thuyền viên không điều kiện do có sự can thiệp của Bắc Kinh.