Trung Quốc phóng 2 vệ tinh mang "mục đích quân sự"
Vệ tinh cảm biến từ xa Dao Cảm 21 cùng vệ tinh thí nghiêm Thiên Thác 2 mà Trung Quốc phóng từ tỉnh Thái Nguyên hôm 8/9 vừa qua có thể mang theo các ứng dụng quân sự, như giám sát trên biển.
Thông tin được đăng tải trên tờ tuần báo quốc phòng Jane. Trước đó truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định các vệ tinh cảm biến từ xa sẽ được sử dụng cho các thí nghiệm khoa học, khảo sát tài nguyên thiên nhiên, ước tính sản lượng hoa màu và giảm trừ thảm họa.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng dữ liệu từ Dao Cảm có thể được sử dụng để giám sát trên biển. Cách đây 2 tháng, Trung Quốc đã phóng vệ tinh Dao cảm 20 từ trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, tỉnh Cam Túc. Các nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy có tới 3 hệ thống vệ tinh được đưa lên không trung.
Các chuyên gia tin rằng 3 vệ tinh này sẽ tạo thành một hệ thống giám sát biển. Họ cũng nhận định một loạt các hệ thống cảm biến quan sát hình ảnh quang điện, hệ thống chặn thông tin tình báo điện tử và các radar khẩu độ mở đã được các vệ tinh Dao Cảm mang theo.
Dao Cảm 1, vệ tinh đầu tiên trong loạt vệ tinh này được phóng tháng 4/2006. Đây được tin là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc được trang bị radar khẩu độ mở hoạt động trên vũ trụ.
Dao Cảm 9, được phóng tháng 3/2010 là lần đầu tiên một đội hình 3 vệ tinh đồng thời được triển khai. Kế sau đó là Dao cảm 16 được đưa lên vũ trụ năm 2011. Sau khi Dao Cảm 17 được phóng năm 2013, Dao Cảm 20 được đưa lên quỹ đạo mùa Hè vừa qua.
Theo nhà phân tích Andrew Tate của tờ Jane’s tin rằng Dao Cảm 20 được thiết kế để thay thế Dao Cảm 9, vốn được tin là có nhiệm vụ phát hiện hệ thống radar của các tàu, và xác định vị trí phát sóng thông qua phép tam giác đạc. Được trang bị 4 camera ghi hình Thiên Thác 2 có khả năng theo dõi các vật thể chuyển động.
-------------------------
Snowden: Mỹ có điệp viên chìm theo dõi Trung Quốc
Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã triển khai các chương trình tại Trung Quốc, sử dụng những điệp viên bí mật cũng như xâm nhập các mạng lưới và thiết bị thông qua “sự phá hoại về vật chất”, tài liệu mật của cựu điệp viên Snowden khẳng định.
Thông tin được tờ The Intercept đăng tải. Theo đó các tài liệu của cựu điệp viên CIA hé lộ cho thấy, NSA đã triển khai một dự án có mật danh là Sentry Eagle, một tập hợp các chương trình nhạy cảm được thiết kế để “bảo vệ không gian mạng của Mỹ”.
Sentry Eagle, vốn được đưa vào hoạt động từ khoảng năm 2004 và có khả năng còn hoạt động đến năm 2012, được tạo thành từ ít nhất 6 chương trình gồm: Sentry Hawk có nhiệm vụ do thám mạng, Sentry Falcon để phòng thủ mạng máy tính, Sentry Osprey, phối hợp giữa CIA và các cơ quan tình báo khác; Sentry Raven nhằm phá vỡ các hệ thống mã hóa, Sentry Condor dành cho việc vận hành và tấn công các máy tính, và Sentry Owl là chương trình có sự hợp tác với các công ty tư nhân.
Các tài liệu về Sentry Eagle miêu tả chương trình này như một phần của những “bí mật cốt lõi” của NSA, nằm trên đỉnh của hệ thống phân loại an ninh quốc gia gồm 6 cấp của Mỹ, cao hơn cả cấp độ “tối mật”. Các chi tiết về những hoạt động bí mật cốt lõi được cho là chỉ được tiết lộ trong một nhóm nhỏ quan chức bên ngoài NSA, và phải được sự phê chuẩn của một trong số một vài quan chức tình báo cấp cao nhất, bao gồm cả giám đốc NSA.
Một trong những phát hiện gây bất ngờ hơn từ tài liệu do Snowden công bố đó là, bên cạnh việc đột nhập từ xa các máy tính và mạng máy tính của nước ngoài, NSA được tin là đã hợp tác với CIA và các cơ quan tình báo khác, để thực hiện những chiến dịch “tình báo con người”, trong khuôn khổ chương trình Sentry Osprey.
Theo một trong những tài liệu tóm tắt, bộ phận Khai thác mục tiêu của NSA, hay TAREX, triển khai các điệp viên để hỗ trợ các chiến dịch tình báo khắp thế giới của họ, và các điệp viên được “tích hợp” với các chiến dịch của CIA, FBI và Cục tình báo quốc phòng.
Các nước được liệt kê là mục tiêu của TAREX bao gồm Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc, vốn là những nước có nhiều nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn. Cụ thể là Trung Quốc được xác định là mục tiêu then chốt của các hoạt động tình báo Mỹ.
Tài liệu cũng cho thấy chính phủ Mỹ chi hàng trăm triệu USD cho các công nghệ để vượt qua hệ thống mã hóa thương mại, và NSA hoạt động bên trong các công ty nước ngoài để đột nhập và các mạng máy tính mà các quốc gia nơi công ty đó đóng trụ sở không hề hay biết.
-------------------------
Hơn 17 vạn binh sĩ Nga rời khu vực gần biên giới Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng rút 17.600 binh sĩ đang huấn luyện trong khu vực Rostov, giáp biên giới Ukraine, trở về căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Liên bang.
“Bộ trưởng Quốc phòng đã báo cáo Tổng thống Putin kết quả công tác huấn luyện mùa hè của các đơn vị quân đội Nga tại khu vực”, Thư ký báo chí của Tổng thống, ông Dmitry Peskov, nói. “Dựa trên kết quả của bản báo cáo, Tổng thống Putin đã ra lệnh các đơn vị tham gia cuộc tập trận trở về căn cứ thường trực đóng trên lãnh thổ Liên bang Nga”.
Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, khoảng 17.600 binh sĩ đã tới khu vực Rostov tham gia các cuộc tập trận từ mùa Hè năm nay. Hơn 100 máy bay, bao gồm Su-27, MiG-31, Su-34, Su-24, Mi-8, Mi-24 và Mi-28N cũng đã được huy động cho các cuộc tập này.
Quyết định của người đứng đầu điện Kremlin đưa ra ít ngày trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko tại Milan, Italia, bên lề hội nghị thưởng định Á-Âu lần thứ 10.
Trước đó, Nga cũng đã công bố rút quân nhưng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Mỹ cho rằng lệnh rút quân này không thực sự được thực hiện.
Nga bị cáo buộc hỗ trợ về lực lượng cũng như vũ khí cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine, nhưng nước này luôn phủ nhận.
-----------------------
'Quân đội Trung Quốc huấn luyện yếu, khó thắng trận'
Nhật báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 12.10 thừa nhận hàng chục điểm yếu trong công tác huấn luyện khiến cho PLA khó có khả năng đánh thắng trận.
Trong bài viết đăng trên trang nhất, nhật báo PLA cho biết họ đã gửi một công văn đến các đơn vị quân đội mô tả chi tiết 40 điểm yếu trong các phương pháp huấn luyện hiện tại, theo Reuters.
“Những điểm yếu này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng và làm cản trở khả năng thắng trận của quân đội Trung Quốc”, theo PLA.
Nhật báo PLA cho biết Trung Quốc cần phải tìm ra thuốc chữa cho “căn bệnh hòa bình” ảnh hưởng đến chương trình huấn luyện trong quân đội, nhằm đảm bảo lực lượng vũ trang có đủ khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến thật sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lâu nay đẩy mạnh việc tăng cường năng lực tham chiến cho lực lượng vũ trang 2,3 triệu lính của Trung Quốc, thuộc hàng lớn nhất thế giới, đồng thời tăng cường nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân đội nước này, theo Reuters.
Hồi tháng 8.2014, sau hàng loạt những vụ bê bối tham nhũng trong PLA bị phanh phui, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải các bài viết nghi ngờ rằng tham nhũng đang khiến sức mạnh quân đội bị xói mòn.
-----------------------
Đánh bom Baghdad, ít nhất 45 người chết
Ít nhất 45 người thiệt mạng trong những vụ đám bom ở thủ đô Baghdad của Iraq giữa lúc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) lăm le chiếm lấy Baghdad.
Ở khu vực phía tây Baghdad, 34 người thiệt mạng và 27 người khác bị thương trong ba vụ đánh bom bằng xe hơi liên tiếp nhắm vào các khu vực tập trung nhiều người Hồi giáo dòng Shi'ite vào ngày 11.10, cảnh sát và các quan chức y tế địa phương cho hay.
Ở khu vực phía bắc Baghdad, một kẻ đánh bom liều chết đã kích ngòi khối thuốc nổ gắn trong người tại một khu chợ, khiến ít nhất 11 người chết và 21 người khác bị thương.
Những vụ đánh bom này xảy ra giữa lúc IS lăm le chiếm lấy thủ đô Baghdad. Lực lượng chính quyền Iraq cũng đang nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của IS sau khi tổ chức này chiếm được nhiều khu vực rộng lớn ở miền bắc Iraq kể từ tháng 6.2014.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành chiến dịch không kích nhắm vào IS ở Iraq và Syria, sau hàng loạt vụ IS cắt đầu các con tin phương Tây rồi tung video lên mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 11.10 thừa nhận cuộc chiến chống lại IS là “gian nan” và “lâu dài”.
-------------------------