Bùng nổ chiến tranh giá dầu
Cuộc chiến tranh giá dầu hiện đã bùng nổ trên thị trường thế giới khi các nhà sản xuất cố duy trì vị thế của mình bằng cách cung cấp dầu mỏ giá rẻ.
Thế giới lo ngại trước hiện tượng giá dầu giảm liên tục cũng như trước phản ứng cực kỳ bình thản của Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) mặc dù trong vòng 3 tháng qua giá dầu đã giảm 21,7%.
Ngày 10-10, giá dầu đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 giảm xuống dưới 90 USD/thùng.
Cuối tuần qua, giá dầu Brent cho tháng 11 giảm xuống đến 87,76 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Đến chiều 13-10, giá dầu ở Nga giảm 2,28%, xuống còn 88,1 USD/thùng trong khi dầu ở Mỹ giảm giá 1,62%, còn 84,38 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định giá dầu càng giảm bao nhiêu, mâu thuẫn giữa các quốc gia sản xuất vàng đen sẽ càng sâu sắc bấy nhiêu.
Venezuela đã yêu cầu OPEC nhanh chóng triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình trên thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và sự sụt giảm giá dầu kỷ lục nói riêng.
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) không nhận thấy sự cần thiết phải triệu tập phiên họp khẩn cấp lúc này.
OPEC đã lên kế hoạch tổ chức phiên họp vào ngày 27-11 tới.
Trong khi đó, 12 quốc gia thành viên tổ chức này không thống nhất ý kiến về sự cần thiết phải giảm sản lượng dầu.
Đáng chú ý là trong những ngày này, Ả Rập Saudi đã hạ giá dầu thêm nữa cho một loạt khách hàng lớn ở các nước châu Á.
Iran cũng đã có động thái tương tự. Đồng thời, Iran cảnh báo rằng giá dầu sẽ còn sụt giảm mạnh khi OPEC không có một chính sách thống nhất để chỉnh đốn thị trường dầu mỏ thế giới.
Trong khi đó, điều không thể phủ nhận là giá dầu giảm đã làm suy yếu đáng kể giá trị đồng rúp của Nga.
Tính đến trưa 13-10, theo tỉ giá hối đoái trên thị trường Moscow, 1 USD = 40,37 rúp, cao hơn 4 kô-pếch so với phiên giao dịch trước đó, trong khi 1 euro = 51,11 rúp , tăng 26 kô-pếch so với ngày 10-10.
-------------------------
Triều Tiên thả 30.000 bóng truyền đơn sang Hàn Quốc
Hàn Quốc đã nhận được khoảng 30.000 truyền đơn từ Triều Tiên gửi đi bằng những quả bóng bơm khí heli.
Nghị sĩ Sohn In-chun, thuộc Đảng Saenuri của Hàn Quốc đưa ra thông tin trên hôm 13.10. Ông này cho biết, theo dữ liệu thu thập từ Bộ Quốc phòng, Triều Tiên thường xuyên gửi truyền đơn sang Hàn Quốc cho đến gần đây.
Hàn Quốc đã nhận được khoảng 30.000 truyền đơn từ Triều Tiên. Những truyền đơn này được gửi đi bằng những quả bóng khí heli bay qua biên giới trong suốt 3 năm qua.
Phía Hàn Quốc cũng nhiều lần gửi truyền đơn cho Triều Tiên với thông điệp chỉ trích bộ máy lãnh đạo của nước này qua những quả bóng, khiến Triều Tiên đáp trả bằng trận đấu súng ở biên giới hai nước hôm 10.10.
Triều Tiên từ lâu đã chỉ trích các quả bóng truyền đơn của Hàn Quốc là hành động khiêu khích và đe dọa đáp trả bằng vũ lực. Trước vụ đấu súng ngày 10.10, Triều Tiên chưa bao giờ hành động như vậy.
-------------------------
Thủ tướng Trung Quốc sang Nga bàn hợp tác hạt nhân
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 12/10 đã có mặt tại Mátxcơva để tiếp xúc với Tổng thống Vladimir Putin, và chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế, năng lượng hạt nhân và tài chính ngân hàng.
Phát biểu trước chuyến thăm Nga của ông Lý, phó thủ tướng Trình Quốc Bình khẳng định “đây là một sự kiến lớn trong mối quan hệ song phương” Nga - Trung.
Ông Trình tiết lộ hai bên sẽ ký một thông cáo chung cùng khoảng 50 thỏa thuận. “Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công”, vị phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Nga Igor Morgulov tại Mátxcơva thì cho biết hai bên sẽ ký một loạt thỏa thuận về năng lượng hạt nhân, khí tự nhiên, tài chính và ngân hàng.
“Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của ngài thủ tướng Trung Quốc sẽ giúp tạo ra bước tiến quan trọng trong một số lĩnh vực hợp tác then chốt”, ông Morgulov khẳng định trong bản thông cáo của Bộ ngoại giao Nga.
Chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Lý Khắc Cường diễn ra ở một thời điểm nhạy cảm, khi điện Kremlin đang phải đối phó với những hậu quả của hàng loạt lệnh cấm vận của phương Tây, xuất phát từ việc Mátxcơva bị cáo buộc hậu thuẫn cho phe ly khai tại Đông Ukraine.
Ngoài việc gặp gỡ ông Putin trong ngày 14/3, trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày, ông Lý cũng gặp người đồng cấp Dmitry Medvedev và dự một diễn đàn về đổi mới.
Trung Quốc khẳng định họ phản đối các lệnh cấm vận của phương Tây chống lại Nga. “Trung Quốc luôn phản đối việc sử dụng các lệnh cấm vận vì mục đích riêng, hoặc đe dọa cấm vận”, ông Trình nói.
“Chúng tôi hoan ngênh các bước đi bởi các bên khác nhau để tăng cường động lực cho việc giải quyết vấn đề Ukraine bằng giải pháp chính trị.
Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Mátxcơva đang ngày một cải thiện. Ngoài việc cùng giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, làm đối trọng với phương Tây, Trung Quốc cần Nga để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong bối cảnh nhu cầu ngày một cao phục vụ phát triển. Trong khi đó Nga cần Trung Quốc để đón bắt đà phát triển nhanh của thị trường châu Á.
Hồi tháng 5 vừa qua, hai nước đã ký hợp đồng khí đốt có thời hạn 30 năm, trị giá tới 400 tỷ USD.
-------------------------
Kim Jong-un xuất hiện sau 1 tháng vắng mặt bí ẩn
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau hơn một tháng vắng mặt bí ẩn.
CNN ngày 14.10 dẫn nguồn từ hãng thông tấn KNCA (Triều Tiên) cho biết ông Kim đã đến "chỉ đạo hiện trường" một khu nhà ở mới xây, và thăm Viện Năng lượng Tự nhiên thuộc Học viện Khoa học Nhà nước. "Những nhà khoa học đầy lòng ái quốc của chúng ta đã dâng hiến cả cuộc đời họ để xây dựng nên một quốc gia giàu có và hùng cường", Kim Jong-un phát biểu tại viện nghiên cứu, ABC News (Úc) dẫn nguồn KNCA.
KNCA đưa ra thông tin trên vào rạng sáng ngày 14.10, nhưng không ghi rõ thời gian ông Kim Jong-un đến thăm các địa điểm trên. Trong khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho rằng các chuyến thăm được thực hiện trong ngày 13.10, theo ABC News.
Hôm 10.10, ông Kim đã không tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cùng với các quan chức cấp cao của WPK và quân đội, làm gia tăng đồn đoán về sức khỏe của ông.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không xuất hiện công khai sau khi cùng phu nhân Ri Sol-ju tham dự một buổi hòa nhạc ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 3.9. Kể từ lúc đó, truyền thông Triều Tiên cũng không đăng tải thông tin về các hoạt động của nhà lãnh đạo 31 tuổi như thường thấy.
Một số người theo dõi tình hình Triều Tiên đồn đoán ông Kim có thể đã bị gạt ra rìa trong một cuộc tranh giành quyền lực. Kịch bản này càng được củng cố với chuyến thăm bất ngờ đến Hàn Quốc của phái đoàn Triều Tiên do Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hwang Pyong-so, người được coi là nhân vật số 2 sau ông Kim, dẫn đầu.
Ngoài ra, cũng có lời đồn cho rằng em gái của ông Kim, bà Kim Yo-jong đang nắm quyền điều hành đất nước do sức khỏe của anh trai bị sa sút nghiêm trọng.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời ông John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định Bình Nhưỡng có thể không muốn công bố hình ảnh ông Kim ngồi xe lăn sau khi tiến hành một cuộc phẫu thuật và đang hồi phục.
-------------------------
Quân đội Trung Quốc thừa nhận khó thắng nếu có chiến tranh
Ngày 12/10, một bài viết trên trang nhất tờ báo chính thức của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thừa nhận, quân đội nước này còn những điểm yếu trong huấn luyện, khiến họ khó chiến thắng nếu chiến tranh nổ ra.
Trong bài viết ngày 12/10, tờ PLA Daily chỉ ra 40 điểm yếu trong phương pháp huấn luyện hiện nay của quân đội nước này.
“Những vấn đề này phản ánh những thiếu sót và điểm yếu trong việc xây dựng quân đội của chúng ta trở thành một lực lượng chiến đấu. Nếu không được giải quyết nhanh chóng, chắc chắn những vấn đề đó sẽ ảnh hưởng và làm suy giảm khả năng tham chiến của quân đội”, bài báo viết dẫn lời lãnh đạo Bộ tổng tham mưu của PLA.
Từ khi nhậm chức đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc củng cố sức chiến đấu của lực lượng vũ trang với khoảng 2,3 triệu quân của nước này. Đồng thời quá trình hiện đại hóa cũng được đẩy mạnh đối với các lực lượng có thể tham gia hoạch định sức mạnh của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp tại Hoa Đông và Biển Đông.
Dù vậy, các lực lượng vũ trang Trung Quốc từ đầu năm tới nay liên tục bị chỉ trích từ các sỹ quan đương nhiệm cũng như đã về hưu, trong khi truyền thông nhà nước đặt câu hỏi về việc liệu quân đội có trong tình trạng tham nhũng đến mức không thể chiến thắng nếu xảy ra xung đột thật sự.
PLA Daily cho rằng Trung Quốc cần phải tìm ra một phương thuốc để trị “căn bệnh hòa bình” đang ảnh hưởng tới công tác huấn luyện, nhằm đảm bảo các lực lượng vũ trang có thể làm chủ khả năng chiến thắng một cuộc chiến thực sự.
Giới chức quân sự nước này chỉ ra các vấn đề của bộ binh, hải quân và không quân, gồm tiêu chuẩn và phương thức huấn luyện của chỉ huy và các đơn vị quân đội. Vấn đề được xác định thông qua quá trình giám sát các cuộc diễn tập, bao gồm cả những đợt tập trận chung với các lực lượng nước ngoài, PLA Daily cho biết.
-------------------------