Bí mật về vai trò của Ả-rập Xê-út trong vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ, cũng như sự bưng bít của Washington trong suốt hơn 13 năm qua về những thông tin liên quan đến cú sốc kinh hoàng này với người dân Mỹ, mới đây đã bị một số cựu nghị sỹ nước này phát giác.
Theo cựu thượng nghị sỹ Bob Graham, ngay từ những ngày đầu sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, đã có những tin tức nói rằng những kẻ không tặc đến từ Ả-rập Xê-út, đi kèm những cáo buộc về vai trò của quốc gia đồng minh Trung Đông thân cận của Mỹ trong vụ này.
Trong bản báo cáo về vụ khủng bố do Tiểu ban tình báo Thượng viện Mỹ, mà ông khi đó là Chủ tịch, chỉ đạo thực hiện đã đặt vấn đề về vai trò của Ả-rập Xê-út trong việc tổ chức các vụ khủng bố bằng máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC).
Tuy nhiên, khi công bố bản báo cáo này vào năm 2002, vị thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đã kinh ngạc phát hiện thấy 28 trang trong bản báo cáo bị xóa và xếp vào diện tối mật theo đề nghị của chính quyền Tổng thống George W. Bush.
Lý do mà ông Bush đưa ra lúc đó là vì “lý do an ninh quốc gia”. Trong khi đó, ông Graham cho rằng, những trang tài liệu này không đủ tiêu chuẩn để được xếp là một bí mật an ninh quốc gia hợp pháp.
Là người đã được đọc tài liệu này, Thượng nghị sỹ Walter Jones của tiểu bang Bắc Carolina cũng cho rằng, “không có lý gì mà 28 trang tài liệu đó lại không được công bố”, bởi “nó không phải là vấn đề an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, theo ông Jones, vào thời điểm đó sẽ có “một chút lúng túng cho chính quyền Bush”, vì “mối quan hệ nào đó với Ả-rập Xê-út”.
Nhưng đến thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, 28 trang tài liệu mật này cũng vẫn bị “khóa”. Ông Obama thậm chí còn phớt lờ một lá thư đề nghị giải mật tài liệu trên của ông Jones và thượng nghị sỹ Stephen Lynch.
Cựu Thượng nghị sỹ Graham cáo buộc rằng, đã có “một nỗ lực có tổ chức để ngăn chặn thông tin” về sự hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố của Ả-rập Xê-út, bắt đầu từ rất lâu trước sự kiện 11/9 và còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay”.
Ông Graham còn khẳng định “chính phủ Ả-rập Xê-út vẫn tiếp tục ủng hộ al-Qaeda, rồi gần đây nữa vẫn hậu thuẫn về kinh tế và tư tưởng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính từ chối nhìn thẳng vào sự thật như vậy đã tạo ra làn sóng cực đoan mới, tấn công vào Paris vừa qua”.
"Tôi không cho rằng bất cứ ai ở cơ quan nào, cho dù đó là Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) hay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), quyết định làm điều này (đưa 28 trang tài liệu vào diện tối mật). Tôi nghĩ rằng, Nhà Trắng đã quyết định và các cơ quan hành pháp có trách nhiệm tuân thủ chỉ đạo trên”, ông Graham nói.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác, chẳng hạn của Philip D. Zelikow - cựu Chủ tịch Ủy ban 11/9 - người cũng đã đọc tài liệu mật trên, cho rằng chúng vẫn nên còn là bí mật. Bởi, theo ông Zelikow, 28 trang tài liệu bao gồm lời khai bồi thẩm đoàn, các cuộc phỏng vấn với cảnh sát, toàn là các sự kiện chưa được chứng minh, tin đồn và lời nói bóng gió. Nếu chính phủ quyết định công khai với dân chúng thì “hàng trăm, hàng ngàn” trang tài liệu bổ sung lấy từ các cuộc phỏng vấn tương tự cũng có thể cần phải được giải mật.
Về phần mình, Ả-rập Xê-út đã phủ nhận mọi trách nhiệm đồng thời kêu gọi giải mật 28 trang hồ sơ liên quan để bảo vệ danh dự của Riyad.
Bình luận về vụ việc này, tờ Le Figaro (Pháp) cho rằng, phát giác của cựu thượng nghị sĩ Mỹ giờ đây đang khiến cho Mỹ khá lúng túng vì lo ngại nếu được giải mật, tài liệu trên sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ đồng minh đang trong giai đoạn mật thiết giữa Washington và Riyad.
----------------------
Hải quân Iran cứu 2 tàu chở dầu khỏi tay bọn cướp biển
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 3/2, lực lượng Hải quân Iran đã giải cứu thành công 2 tàu chở dầu của nước này khỏi tay cướp biển.
Các nhóm cướp biển đã tiếp cận hai tàu chở dầu bằng 5 tàu nhỏ, sau đó tấn công nhằm tìm cách kiểm soát hai con tàu này.
Tuy nhiên, đội tàu hộ tống của Hạm đội 33 thuộc lực lượng Hải quân Iran đã kịp thời ngăn chặn vụ cướp, buộc bọn cướp biển phải tháo chạy khỏi hiện trường.
Vụ chạm trán cướp biển diễn ra tại Vịnh Aden khi đoàn tàu của hải quân Iran đang trên hành trình tới vùng biển Đông Á trước khi vào Đại Tây Dương.
Theo thông tin từ Hải quân Iran, cuộc đụng độ với những tên cướp biển xảy ra trong ngày đầu tiên Hạm đội 33 hiện diện tại vùng biển quốc tế và tại Vịnh Aden.
Tuy nhiên, quân đội Iran không cho biết chi tiết về số người bị thương vong trong vụ giải thoát hai tàu chở dầu nói trên.
Vụ việc này diễn ra 3 ngày sau khi những tên cướp biển thực hiện một cuộc tấn công tương tự nhằm vào một tàu chở dầu của Iran ở địa điểm gần cảng Al-Mukalla ở Yemen.
Al-Mukalla là một cảng biển lớn đồng thời là thành phố thủ phủ của tỉnh ven biển Hadhramaut của Yemen nằm ở phần phía nam của bán đảo Arab trên Vịnh Aden.
Hải quân Iran đã tăng sự hiện diện trên vùng biển quốc tế trong những năm gần đây để bảo vệ các tuyến đường hàng hải và cung cấp dịch vụ an ninh cho các tàu buôn và tàu chở dầu quốc tế khi có nhu cầu qua tuyến đường biển nhiều bất ổn vốn là địa bàn hoạt động của cướp biển.
Gần đây, Hạm đội 33 đã triển khai hoạt động tình báo và tiến hành kế hoạch huấn luyện và đào tạo tại khu vực Bandar Abbas, tỉnh Hormuzgan thuộc miền Nam Iran.
Lực lượng Hải quân Iran cũng đã ngăn chặn được rất nhiều cuộc tấn công của hải tặc nhằm vào các tàu chở dầu của Iran và quốc tế khi thực thi nhiệm vụ của mình trên vùng biển quốc tế./.
----------------------
Jordan đã treo cổ nữ tử tù IS đòi thả
Các nguồn tin an ninh cho biết Jordan đã treo cổ Sajida al-Rishawi, nữ tử tù người Iraq được IS đòi phóng thích trước đó để đổi lấy tự do cho nhà báo Nhật Bản Kenji Goto và viên phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh.
Việc treo cổ được tiến hành rạng sáng nay 4/2, sau khi IS thiêu sống phi công al-Kasaesbeh đêm qua và chặt đầu nhà báo Nhật Bản trước đó một ngày.
Chính quyền Jordan cho biết đây là hành động đáp trả vụ IS hành quyết phi công al-Kasaesbeh.
Al-Rishawi là một thành viên cấp cao của al-Qaeda, bị Jordan tuyên án tử hình vì tham gia kế hoạch đánh bom khủng bố một khách sạn ở thủ đô Amman năm 2005 làm 60 người thiệt mạng.
"Án tử hình dành cho Sajida al-Rishawi, người Iraq, sẽ được thi hành vào lúc bình minh", một quan chức giấu tên của Jordan tuyên bố trước khi vụ hành quyết diễn ra.
Trước đó, IS đã cho công bố đoạn băng hình thiêu sống phi công al-Kasaesbeh trong một chiếc lồng sắt. Đây là vụ hành quyết con tin tàn bạo nhất do IS tiến hành trong thời gian qua và đã khiến dư luận quốc tế kịch liệt phản đối.
Đại diện quân đội Jordan xác nhận thời điểm xảy ra vụ việc có thể là vào ngày 3/1, trước khi IS đặt điều kiện trao đổi al-Kassasbeh lấy nữ tử tù al-Rishawi.
Trong các tuyên bố mới nhất, chính quyền Mỹ và Jordan cam kết không từ bỏ cuộc chiến chống IS. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp Quốc vương Jordan Abdullah vào 18h00 ngày 4/2 tại Nhà Trắng (6h00 sáng 5/2 ở Việt Nam) để thảo luận về vụ việc này.
Phi công người Jordan al-Kassasbeh, 26 tuổi, bị IS bắt làm con tin tháng 12/2014 khi máy bay của anh bị bắn rơi ở Syria. IS đã yêu cầu trao đổi viên phi công này với al-Rishawi và nhà báo Nhật Bản Goto song mọi nỗ lực thương lượng bất thành do IS không chịu đưa ra bằng chứng xác minh phi công al-Kassasbeh vẫn còn sống trước khi có thể tiến hành trao đổi con tin.
---------------------
Mỹ: Tàu hỏa đâm vào ô tô, 6 người chết
Một đoàn tàu đã đâm vào một ô tô tại đường ray phía bắc thành phố New York, Mỹ làm ít nhất 6 người chết và 12 người bị thương vào tối qua giờ địa phương.
BBC dẫn lời một ông Aaron Donovan, một quan chức của hãng tàu Metro-North, thông báo vào tối 3/2 (giờ địa phương) rằng một chuyến tàu hỏa của hãng này đã bị đâm vào một ô tô tại đường ray tàu, khi đi ngang qua vùng Vahalla, cách thành phố New York 32 km về phía bắc. Vụ tai nạn làm 6 người thiệt mạng, bao gồm tài xế ô tô và 5 người trên khoang.
Chiếc xe và một phần đoàn tàu sau đó đã bị bắt lửa, gây ra một đám cháy. Các hành khách trên tàu sau đó đã phải sơ tán.
Hành khách Justin Kaback kể lại với hãng tin ABC News: "Tôi đã bị mắc kẹt. Hoàn cảnh lúc ấy rất đáng sợ... Một phần đoàn tàu đã bốc cháy".
Hiện vụ việc đang được giới chức địa phương điều tra. Một phần tuyến tàu điện ngầm Harlem của hãng Metro-North đã bị tạm dừng do vụ tai nạn.
---------------------
Lãnh đạo thế giới phẫn nộ vì vụ IS thiêu sống phi công Jordan
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 3/2 đã lên án vụ IS thiêu sống phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh là hành động “tội ác kinh hoàng”. Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Anh Cameron cũng đồng loạt lên án vụ hành quyết.
Trong thông cáo được phát đi qua người phát ngôn Stephane Dujarric, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ để lên án nhóm Hồi giáo cực đoan IS, và kêu gọi cả thế giới tăng gấp đôi những nỗ lực để loại trừ chủ nghĩa khủng bố.
Ông Ban gọi IS là “một tổ chức khủng bố không hề đoái hoài tới sinh mạng con người”, và bày tỏ sự chia buồn đối với chính phủ và người dân Jordan.
“Mọi suy nghĩ của ngài Tổng thư ký đều hướng về gia đình và người thân của ông al-Kassasbeh”, người phát ngôn Dujarric nói. “Ông ấy chia sẽ sự mất mát với họ và cùng đoàn kết với nhân dân và chính phủ Jordan lên án hành động kinh hoàng này”.
Phi công Maaz al-Kassasbeh bị IS bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái, khi chiếc chiến đấu cơ F-16 của anh bị rơi tại Syria, khi đang tham gia cùng lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo tấn công IS.
Một đoạn clip dài 22 phút được công bố trên mạng cho thấy, một người đàn ông có ngoại hình giống phi công này bị lửa bao trùm trong khi đang bị nhốt trong lồng sắt. Truyền hình nhà nước Jordan khẳng định phi công này đã bị sát hại từ một tháng trước, hôm 3/1.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng lên án vụ sát hại, khẳng định “những hành động man rợ đang tiếp diễn của IS sẽ không khiến Hội đồng bảo an lo sợ mà càng củng cố thêm quyết tâm của cơ quan này” trong việc chống chủ nghĩa cực đoan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thì khẳng định đoạn clip đã cho thấy hết sự “man rợ” của nhóm Hồi giáo cực đoan này.
“Nếu đoạn clip là xác thực, nó sẽ là một minh chứng nữa cho thấy sự tàn độc và man rợ của tổ chức này”, ông Obama nói. “Tổ chức này chỉ thích thú với sự chết chóc và hủy diệt”.
Lãnh đạo Nhà Trắng khẳng định nước Mỹ sẽ “tăng gấp đôi sự cảnh giác và quyết tâm của liên minh quốc tế để đảm bảo rằng” nhóm IS “cuối cùng cũng bị đánh bại”.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố lên án “hành động giết người bệnh hoạn”, kèm theo khẳng định nó sẽ chỉ “củng cố hơn nữa quyết tâm của chúng tôi”.
“Tôi bày tỏ sự tri ân đối với những cống hiến và sự dũng cảm của trung úy Moaz al-Kassasbeh, người đã không tiếc sinh mạng để bảo vệ đất nước mình cũng như tất cả chúng ta. Mọi suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi đều hướng về gia đình cậu ấy trong thời khắc bi kịch này”.
“Những hành vi khủng bố tàn bạo này sẽ chỉ củng cố thêm quyết tâm của chúng ta…Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi những kẻ cực đoan và tư tưởng hiểm độc này bị đánh bại”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi đây là vụ giết người tàn bạo, đồng thời bày tỏ sự chia buồn với gia đình và người dân Jordan. Ông Hollande tuyên bố Pháp sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, và hợp tác với Jordan để đem hòa bình đến với Trung Đông.
Nhà vua Jordan Abdullah II, người khẳng định cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan là mặt trận bảo vệ các giá trị, kêu gọi người dân nước mình phải đoàn kết lại.
“Nhiệm vụ của tất cả chúng ta đó là phải đoàn kết lại và cho thấy giá trị thực của người Jordan trong thời khắc khó khăn này”, ông Abdullah phát biểu khi đang ở thăm Mỹ. Hãng thông tấn nhà nước Jordan Petra cho biết ông Abdullah sẽ cắt ngắn chuyến thăm Washington để về nước.
------------------------