Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh, đối tác châu Á
Ông Evan Medeiros, quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách chính sách châu Á đã bác bỏ chỉ trích của Trung Quốc về nỗ lực của Mỹ hiện đại hóa, củng cố các liên minh, xây dựng quan hệ đối tác mới với Việt Nam, Myanmar. Và khẳng định nếu Mỹ không có các đối tác và đồng minh, châu Á sẽ hỗn loạn.
Ông Medeiros phát biểu như trên tại tổ chức tư vấn độc lập Cơ quan quốc gia nghiên cứu châu Á (NBAR) ở Washington hôm 2.12, theo hãng tin AP.
Trung Quốc lâu nay chỉ trích chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama là nhằm bao vây và khống chế Trung Quốc, thông qua việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ cùng việc thiết lập mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn vào tháng trước đã kêu gọi các nước từ bỏ kiểu "suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh". Ngoài ra, cuối tuần qua, trong cuộc gặp các nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về "xu hướng đang phát triển hướng tới một thế giới đa cực".
Theo AP, những ý kiến này được xem là những cú đấm nhắm vào Mỹ trong vai trò siêu cường toàn cầu duy nhất.
Mỹ đã hưởng ưu thế thống trị về quân sự ở Thái Bình Dương kể từ khi kết thúc Thế chiến II - một khu vực mà sức mạnh quân sự của Trung Quốc bị khống chế. Mỹ vẫn duy trì hàng chục ngàn quân tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, có các hiệp ước liên minh với các nước như Úc và Philippines.
Ông Evan Medeiros nói tại cuộc họp của NBAR ngày 2.12 rằng Mỹ đang nỗ lực để hiện đại hóa và tăng cường quan hệ với các đồng minh như là một phần của chính sách xoauy trục về châu Á, xây dựng quan hệ đối tác mới với những nước như Việt Nam, Myanmar. Ông cho biết Mỹ không áp đặt ý chí của mình, nhưng đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực.
"Môi trường an ninh khu vực ở châu Á sẽ như thế nào nếu Mỹ bỏ rơi đồng minh và ngừng hợp tác với các đối tác của mình? Tôi cho rằng khu vực này sẽ không ổn định và dễ hỗn loạn. Và tác động toàn cầu đó đối với Mỹ, nước có đồng minh ở tất cả các nơi trên thế giới, sẽ rất nghiêm trọng", ông Medeiros nói.
Trung Quốc vẫn xem chính sách xoay trục châu Á của Mỹ là nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và đang thúc đẩy việc hợp tác an ninh giữa các quốc gia châu Á, mặc dù nhiều nước cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng sức mạnh quân sự lẫn các hành động gia tăng yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc
Tuy vậy, trong khi chiến lược đôi bên là xung khắc nhau, cả Mỹ và Trung Quốc cùng lúc nỗ lực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Ông Medeiros nhấn mạnh rằng Mỹ muốn các đồng minh của mình có các quan hệ hợp tác với Trung Quốc, kể cả lĩnh vực quân sự của Trung Quốc.
-------------------------
Pháp giúp Trung Quốc săn lùng tội phạm tham nhũng
Pháp sẽ hỗ trợ Trung Quốc theo dõi tình nghi tham nhũng trên đất Pháp và Paris không loại trừ khả năng dẫn độ tội phạm về Bắc Kinh, Reuters dẫn lời quan chức Bộ Tư pháp Pháp.
Đây là hoạt động nằm trong những nỗ lực truy quét tội phạm tham nhũng trong chiến dịch Fox Hunt (tạm dịch: Săn Cáo) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc kêu gọi sự hợp tác hỗ trợ từ các nước phương Tây để đạt được mục tiêu của chiến dịch. Bảng danh sách 10 nghi phạm tham nhũng đang trốn ở nước ngoài sẽ được Trung Quốc chuyển đến Pháp, trong đó có khoảng 3 nhân vật được cho đang ẩn nấu ở nước này, theo Reuters 2.12.
Tính đến nay, Trung Quốc đã bắt giữ 288 nghi phạm tham nhũng, theo Tân Hoa Xã. Mỹ, Canada và Úc là 3 điểm thu hút nhiều nghi phạm tham nhũng lẩn trốn nhất nhưng Bắc Kinh chưa có thỏa thuận dẫn độ đối với các nước này. Tuy nhiên, cảnh sát Úc cho biết họ sẽ giúp Bắc Kinh phát hiện và bắt giữ các tội phạm có tài sản tham nhũng trong tháng này, theo Reuters.
Hiệp ước dẫn độ Pháp - Trung năm 2007 được thỏa thuận mặc dù không được sự chấp thuận của Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, ông Robert Gelli, quan chức Bộ Tư pháp Pháp cho biết hiệp ước vẫn có hiệu lực trong một số trường hợp nếu như Trung Quốc đồng ý không tử hình tội phạm và bất kỳ cuộc xét xử nào cũng phải qua tòa án phúc thẩm và có chữ ký của Thủ tướng.
Đồng thời Pháp cũng yêu cầu Trung Quốc tiến hành điều tra việc thất thoát tiền của các công ty Pháp thông qua việc chuyển tiền bất hợp pháp vào các ngân hàng Trung Quốc từ năm 2010. Tuy nhiên, Pháp đã nhận được phản hồi rất chậm từ phía Trung Quốc .
-------------------------
Trung Quốc cảnh báo Anh ‘tự vác đá ghè chân mình’
"Các nghị sỹ này không phải vào Trung Quốc trong một "chuyến thăm hữu nghị" mà chỉ nhằm mục đích điều tra. Chúng tôi không cần các chính trị gia nước ngoài nghiên cứu lãnh thổ của Trung Quốc", Tân Hoa Xã dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh.
Trung Quốc ngày 2.12 cảnh báo Anh rằng việc tiếp tục đòi hỏi cho một phái đoàn nghị sỹ Anh vào Hồng Kông sẽ chẳng khác gì "tự vác đá ghè chân mình”, theo Tân Hoa Xã.
Trước đó, ngày 1.12, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng lệnh cấm các nghị sỹ Anh đến thăm Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc là “sai lầm” và “phản tác dụng”. Ngày 2.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng những nỗ lực như vậy sẽ là "vô lý và vô ích”.
Theo bà Hoa, Trung Quốc luôn sẵn sàng phát triển các mối quan hệ hữu nghị và đôi bên cùng có lợi với nước ngoài, trong đó có Anh, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp công việc nội bộ. Bà nhấn mạnh: "Mối quan hệ song phương Trung - Anh sẽ chỉ tiến triển nếu hai bên cùng hợp tác", theo Tân Hoa Xã.
Dư luận cho rằng lý do thực sự đằng sau việc ủy ban của Anh tìm cách vào Hồng Kông là nhằm thông báo việc Anh tiến hành cuộc điều tra về tiến trình dân chủ của Trung Quốc
-------------------------
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên cải thiện tình hình nhân quyền
“Vấn đề nhân quyền của Triều Tiên phải được cải thiện để không chỉ bảo vệ những giá trị phổ quát của nhân loại mà còn đối với tương lai của một Triều Tiên thống nhất”, hãng tin Yonhap ngày 2.12 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 2.12 kêu gọi Triều Tiên trình hồ sơ nhân quyền ảm đạm của mình khi bà đề xuất một loạt các dự án để đặt nền móng cho sự thống nhất tiềm năng với Triều Tiên.
Trong cuộc họp của Ủy ban Dải băng xanh, được thành lập để chuẩn bị cho việc thống nhất Triều Tiên, bà Park Geun-hye nói rằng: “Vấn đề nhân quyền của Triều Tiên phải được cải thiện để không chỉ bảo vệ những giá trị phổ quát của nhân loại mà còn đối với tương lai của một Triều Tiên thống nhất”.
Bà Park cũng bày tỏ tin tưởng rằng hai miền Triều Tiên có thể cải thiện mối quan hệ, nếu Hàn Quốc có các nỗ lực phù hợp để tạo ra những thay đổi tích cực ở Triều Tiên, theo Yonhap.
Hồ sơ nhân quyền của Triều Tiên đang nổi lên là một vấn đề lớn trong cộng đồng quốc tế. Tháng 11, một ủy ban của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vấn đề vi phạm nhân quyền của Triều Tiên lên Tòa án Hình sự Quốc tế.
Triều Tiên từ đó tới nay liên tục phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng đây là một âm mưu lật đổ chính trị do Mỹ đứng đầu. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng Triều Tiên có hệ thống và chính sách về nhân quyền có ưu thế nhất thế giới, theo Yonhap.
-------------------------