Truyền thông Trung Quốc cho rằng Đức thiết lập quan hệ quân sự với Đông Á và Đông Nam Á là nhằm vào Bắc Kinh.
Ngày 4/2, báo “Hoàn cầu” của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ trang mạng “Chính sách Ngoại giao Đức” cho biết hôm 3/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp đón trọng thị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới thăm nước này. Giới quan sát cho rằng Singapore là một trong những nước quan trọng nhất đối với xuất khẩu kỹ thuật quân sự của Đức.
Tờ báo Trung Quốc bình luận rằng “việc Đức cùng với phương Tây thiết lập quan hệ quân sự với khu vực Đông Á và Đông Nam Á rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc”.
Theo đó, Singapore tuy là quốc gia nhỏ bé nhưng vị trí địa chính trị lại rất quan trọng, được coi là “cửa ngõ châu Á”. Có tới 30% thương mại trên biển và hơn 1/4 lượng dầu vận chuyển của thế giới đi qua eo biển Malacca.
Cách đây 10 năm, Mỹ và Singapore đã ký kết hiệp định khung chiến lược cùng sử dụng căn cứ hải quân. Bây giờ đến lượt Đức không ngừng nâng cấp hợp tác quân sự với Singapore.
Theo số liệu thống kê những năm gần đây, Singapore đã trở thành 1 trong 10 khách hàng lớn mua vũ khí của Đức, thậm chí còn đứng đầu danh sách trên trong 4 tháng đầu năm 2014. Năm ngoái, Singapore còn đặt mua 2 tàu ngầm của Đức với giá trị hợp đồng khoảng 1,7 tỷ euro.
Trang mạng “Chính sách ngoại giao Đức” cho rằng bắt đầu từ năm 2016, Singapore sẽ mỗi năm 2 lần cử 500 lính đến huấn luyện ở căn cứ xe tăng thực chiến của Đức. Quân đội 2 nước còn định kỳ thăm viếng lẫn nhau.
Đối với Trung Quốc, Malacca luôn là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Chẳng vậy mà hồi tháng 3/2014, các tàu chiến Trung Quốc tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích của Malaysia đã tìm cách di chuyển đến eo biển Malacca, thậm chí còn “vòng vèo” đến tận Vịnh Belgan để thăm dò Ấn Độ.
Ngày 15/3/2014, tàu khu trục trang bị tên lửa Hải Khẩu đã đến phía Đông eo biển Malacca sau hơn 70 giờ tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines ở vịnh Thái Lan. Tàu Hải Khẩu phối hợp với tàu tuần tra Hải Tuần 31 của Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Một tàu khác của Trung Quốc mang tên Vịnh Hưng Đảo, trang bị các robot lặn và xuồng cứu hộ, cũng đến eo biển Malacca sau khi kết thúc tìm kiếm ở phía Đông vịnh Thái Lan.
Khi đó, Trung Quốc còn cử các tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, Côn Lôn Sơn và khinh hạm trang bị tên lửa Miên Dương tham gia tìm kiếm trên một khu vực rộng khoảng 8.200 km2.
Kết nối Ấn Độ Dương với Biển Đông và Thái Bình Dương, eo biển Malacca là tuyến hàng hải ngắn nhất gắn kết nguồn năng lượng chủ chốt ở Trung Đông với các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Malacca. Chính vì vậy, eo biển này là vấn đề luôn hết sức nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Eo Malacca nằm giữa ba nước Singapore, Malaysia và Indonesia, với chỗ hẹp nhất chỉ cách nhau 2,7 km. Hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động tại đây đang trở thành một “dải đá ngầm” đối với Trung Quốc. Ngoài ra, liên quan tới Malacca, Trung Quốc cũng coi 3 nước “chủ nhà” là đối thủ tiềm tàng.
Hồi tháng 5/2009, báo chí Trung Quốc thậm chí còn đưa tin rầm rộ về việc Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân và bình luận rằng đó là động thái nhằm uy hiếp eo Malacca!
Tờ "Quốc tế tiên khu đạo báo" của Trung Quốc khi đó đưa tin Việt Nam trở thành khách hàng mua vũ khí lớn thứ năm của Nga trên thế giới sau Ấn Độ, Algeria, Venezuela và Trung Quốc. Về hải quân, trên cơ sở 4 tàu tên lửa lớp "Nhện độc" mua của Nga đầu năm 2007 và theo thỏa thuận chung Việt-Nga, Việt Nam sẽ tự sản xuất thêm 10 tàu cao tốc chở tên lửa lớp "Tia sét".
Cũng theo báo Trung Quốc, trước năm 2010, Nga còn chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ lớp "Báo săn" với tổng trị giá 350 triệu USD. Thông tin Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga với tổng trị giá 1,8 tỷ USD cũng được tờ báo này dẫn ra.
Về không quân, báo Trung Quốc khi đó đưa tin ngoài 13 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30, Việt Nam còn nhập về từ Nga 12 chiếc Su-30MK2, nâng tổng số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 11 của Việt Nam lên 29 chiếc. Bên cạnh đó, báo Trung Quốc cũng tỏ rõ sự lo ngại đối với hệ thống tên lửa chống tàu thế hệ mới K300P của Việt Nam với tầm bắn lên đến 300 km.
Theo tờ báo Trung Quốc, lực lượng của Việt Nam đủ khả năng phong tỏa cục bộ cửa ngõ phía Đông của eo Malacca. Chính vì vậy, báo chí Trung Quốc lo ngại nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ huy động lực lượng tàu ngầm phong tỏa đường biển xuống phía Nam của Trung Quốc.
--------------------------
Pháp, Đức chạy đua nỗ lực hòa bình cho vấn đề Ukraine
Đức và Pháp dường như đã tỏ rõ lập trường không theo đường lối cứng rắn của Mỹ đối với Nga sau khi hai nhà lãnh đạo của họ đang cấp tập thúc đẩy một đề xuất đàm phán hòa bình mới, và đã có mặt ở Moscow để bàn luận về đề xuất có khả năng sẽ ngừng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine này.
Pháp, Đức muốn giải pháp hòa bình
Hai lãnh đạo Đức, Pháp sẽ có cuộc bàn luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ một ngày sau khi đã đưa ra bản đề xuất mới tới chính quyền Kiev. Động thái mới của châu Âu diễn ra giữa lúc khủng hoảng Ukraine đang hết sức căng thẳng, con số thường dân thiệt mạng tăng lên từng ngày.
Như đã phát biểu ở thủ đô Berlin trước khi đến Moscow, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ hy vọng đề xuất mới sẽ mang lại kết quả rõ ràng là một lệnh đàm phán, tuy rằng viễn cảnh đó có thể khó xảy ra. Bà Merkel cũng thể hiện rõ ý chí rằng "một sách lược quân sự sẽ không giải quyết được cuộc xung đột” và nói thêm rằng bà cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chung tay "giải quyết tình hình căng thẳng bằng tất cả quyền lực” của mình.
Nga, Ukraine và các thủ lĩnh người ly khai từng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng tình trạng xung đột vẫn xảy ra như cơm bữa. Hiện chưa rõ đề xuất này có gì khác so với Thỏa thuận Minsk trước đó, nhưng hai lãnh đạo Pháp Đức từng nói rằng nó được vạch ra "dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hy vọng đề xuất này sẽ được các bên có liên quan chấp nhận, tuy nhiên thêm rằng "lựa chọn đàm phán sẽ không thể kéo dài vô thời hạn”. Trong khi đó, Người phát ngôn của ông Putin là Dmitry Peskov đã hoan nghênh cuộc họp giữa ông Putin và các lãnh đạo Pháp, Đức, gọi đây là "bước đi tích cực để giải quyết khủng hoảng Ukraine”.
Theo giới phân tích, Paris và Berlin dường như đang nghiêng về giải pháp mềm mỏng hơn với nước Nga thay vì ngả về phía Mỹ, nước mới đây đề xuất cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine – động thái chỉ có thể gây gia tăng căng thẳng xung đột cho khủng hoảng ở miền Đông nước này, đồng thời cũng gia tăng căng thẳng với Nga. Hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức muốn đưa ra quan điểm giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao trước khi Mỹ đưa ra đề xuất "giải pháp bằng vũ lực” tại Hội nghị Munich vào ngày hôm nay (7-2).
Ông Kerry: Nga hãy rút vũ khí
Xu hướng vẫn ngả về "giải pháp vũ lực” của chính quyền Washington rất rõ ràng, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 6-2 tuyên bố ngay trước chuyến thăm Moscow của lãnh đạo Pháp, Đức rằng Nga là nước chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Kerry còn kêu gọi Moscow thực hiện 3 bước đi mà ông tin rằng sẽ mở đường cho giải pháp ngoại giao.
Các bước đi này bao gồm: Rút toàn bộ vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực có tập trung nhiều thường dân, di rời lực lượng binh sĩ và trang thiết bị quân sự hạng nặng khỏi Ukraine, và đóng cửa biên giới Nga-Ukraine.
Vị quan chức này còn nói rằng không ai muốn xung đột với nước Nga, nhưng cũng "không thể nhắm mắt cho qua” khi nhìn thấy nhiều xe tăng, vũ khí hạng nặng và binh sĩ vượt biên giới từ Nga sang Ukraine.
Tuyên bố của ông Kerry đã cho thấy Mỹ vẫn giữ nguyên các cáo buộc vô căn cứ từ trước đó, cho rằng Moscow chính là bên đang gây ra bất ổn ở miền Đông Ukraine bằng cách ngấm ngầm viện trợ binh lực, xe tăng, trang thiết bị… cho người ly khai ở khu vực này chống lại lực lượng chính phủ.
----------------------
Thách thức an toàn bay
Chưa khi nào châu Á lại phải đối mặt với thách thức an toàn bay lớn như hiện nay sau hàng loạt vụ tai nạn hàng không thảm khốc làm chấn động cả dư luận thế giới.
Nếu như năm 2014 được xem là năm “vận hạn” lớn của ngành hàng không châu Á với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng khiến hơn 700 người thiệt mạng và mất tích thì mới bước sang năm 2015, thế giới lại phải đón nhận tin buồn về vụ rơi máy bay ATR 72-600 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia ngày 4-2 khiến 35 người tử nạn và 15 người bị thương. Đây cũng là vụ tai nạn thứ hai của hãng TransAsia và cùng là loại máy bay ATR 72-600 thuộc dòng máy bay “đời mới nhất”.
Nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc máy bay ATR 72-600 ngày 4-2 đang được điều tra song điều khó hiểu là chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm và mới được kiểm tra an toàn vào tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, kíp lái chiếc máy bay này đều rất có kinh nghiệm khi cơ trưởng đã có kinh nghiệm hơn 14.000 giờ bay và cơ phó cũng đã có tới hơn 4.000 giờ bay.
Chính vì thế, vụ tai nạn mới nhất của hãng TransAsia càng làm cho an toàn hàng không trở thành một thách thức với châu Á đang trỗi dậy về kinh tế, đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Vấn đề an toàn hàng không với châu Á trong thời gian chưa đầy 1 năm qua khởi đầu từ vụ mất tích đầy bí ẩn của chuyến bay MH370 chở tổng cộng 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines, tiếp sau đó là vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines khiến 298 người tử nạn, chuyến bay QZ8501 của hãng AirAsia khiến 162 người chết và mất tích và mới nhất là vụ máy bay ATR 72-600 của TransAsia.
Cho dù nguyên nhân các vụ tai nạn hoàn toàn khác nhau song với bất cứ lý do gì thì an toàn hàng không đã trở thành một vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết của hàng không châu Á. Điều này càng phải được coi trọng hơn khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại châu lục đông dân nhất giới này đang gia tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm 31% các hoạt động chuyên chở hành khách bằng đường không của toàn thế giới với 1,8 tỷ hành khách trong tổng số 2,9 tỷ hành khách toàn cầu và con số này được dự báo sẽ tăng lên tới 42% sau 2 thập niên nữa. Gia tăng nhu cầu vận tải hàng không sẽ kéo theo tăng thêm máy bay, đội ngũ phi công cũng như nhân viên bảo dưỡng, người điều vận người phục vụ trên chuyến bay... mà theo các chuyên gia, cứ thêm 1 máy bay được đưa vào hoạt động, các hãng hàng không sẽ phải thuê và đào tạo ít nhất 10-12 phi công hoặc có thể là nhiều hơn. Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm 216.000 phi công mới trong 20 năm tới, con số lớn nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới, chiếm 40% nhu cầu phi công của toàn cầu.
Tuy nhiên, cần khẳng định là dù còn có rủi ro song đi lại bằng đường hàng không vẫn đang ngày càng an toàn hơn bởi số liệu thống kê cho thấy, an toàn hàng không thế giới đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Cụ thể, từ năm 2000 tới nay, cứ 10 triệu hành khách đi máy bay mới có chưa tới 3 người tử nạn so với 8 người những năm 1990, 11 người những năm 1980 và 26 người những năm 1970.
-------------------------
Nhật Bản cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải
Chiều 6/2, hai tàu tuần duyên của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc cũng nhận chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Thông tin trên được hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cho biết. Theo sở chỉ huy đơn vị bảo vệ bờ biển ở Naha, thuộc tỉnh Okinawa, một tàu tuần tiễu của Nhật Bản đã phát cảnh báo yêu cầu hai tàu của Trung Quốc mang số hiệu Haijing 2113 và 2350 rời khỏi khu vực trên.
Môt trong hai tàu này đáp lại bằng tiếng Trung và tiếng Nhật rằng các đảo này "là lãnh thổ của Trung Quốc". Nguồn tin trên cho biết đây là vụ thứ tư tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này trong năm nay. Vụ gần đây nhất xảy ra ngày 27/1.
------------------------
Triều Tiên phát triển tên lửa chống hạm "siêu chính xác"
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 7/2 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã thị sát cuộc bắn thử một “loại tên lửa chống hạm mới phát triển.”
Theo KCNA, vụ bắn thử “tên lửa chống hạm siêu chính xác” này, vốn được thiết kế để tấn công chính xác các tàu chiến của đối phương, đã chứng minh rằng “sức mạnh của tàu tên lửa và tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của tên lửa chống hạm đã đạt các chỉ số về kỹ-chiến thuật theo thiết kế."
KCNA nhấn mạnh loại tên lửa mới này sau khi được trang bị cho các đơn vị của Hải quân Triều Tiên sẽ “mang lại một sự thay đổi lớn” trong việc bảo vệ các vùng lãnh hải và đáp trả các âm mưu tấn công của hạm đội địch, thông qua chiến đấu tiếp xúc hoặc phi tiếp xúc./.
-----------------------